Học văn có lăn tăn?: Trải nghiệm từ thực tế cuộc sống
Nhiều giáo viên đã có hình thức dạy văn gắn với đời thường, những vấn đề gần gũi hằng ngày khiến học trò thích thú.
Nhóm học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học văn qua việc viết thư cho nhân vật mình yêu thích – ẢNH: ÁNH ĐỖ
Bước ra khỏi lớp học
“Có thư từ bậu cửa” là dự án dạy học của 2 giáo viên Đỗ Đức Anh và Lê Cúc Anh, tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) triển khai cho học sinh (HS) khối lớp 10 thực hiện. Trong quá trình tham gia dự án, HS đã nhận những bài học ý nghĩa từ cuộc sống, có những trải nghiệm thú vị để từ đó cảm nhận được cái hay, cái đẹp của môn văn.
Với mục đích học văn từ cuộc sống, 2 giáo viên đã xây dựng kế hoạch cho HS thực hiện trong thời gian khoảng 10 tuần với nhiều hoạt động ý nghĩa. Khi tham gia, HS sẽ chia theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 8 – 10 em. Mỗi HS sẽ tự viết một lá thư tay cho người mình ấn tượng, có nhiều tình cảm hoặc ngưỡng mộ. Đó có thể là một người bạn thân, là thầy cô của mình hay là người thân trong gia đình hoặc chỉ là chú bán kẹo bông, cô bán trà sữa…
Giáo viên Đức Anh cho hay, từ những lá thư tay được viết rất nắn nót ấy, HS bắt đầu chia nhau đi phỏng vấn nhân vật chính trong thư của mình. Sau đó, mỗi nhóm chọn ra một nhân vật mà nhóm tâm đắc nhất, để làm thành những thước phim sống động, chân thật về nhân vật đó chiếu trong buổi tổng kết dự án.
Mỗi lớp sẽ có một Trạm thư chờ ở cửa lớp và trên fanpage của dự án để nhận những lá thư chia sẻ của các HS muốn gửi gắm đến những người mà mình yêu thương, ngưỡng mộ, quý mến… Ngoài ra, thầy và trò cũng tổ chức một buổi phát thanh Radio Học văn từ cuộc sống và đọc một lá thư hay nhất, đặc biệt nhất vào tối chủ nhật hằng tuần.
Tham gia dự án, Nguyễn Trần Tấn Phát, HS lớp 10A9, chia sẻ: “Cách học theo dự án khiến chúng em cảm thấy rất thoải mái, không chỉ gò bó ở không gian lớp học mà chúng em được đi, được trải nghiệm và có thêm nhiều bài học cho bản thân nên cảm thấy rất hứng thú và càng yêu thích môn văn nhiều hơn”.
Xuất phát từ thực tế, đa số HS không thích học môn văn nên 2 cô giáo Nguyễn Thúy và Nguyễn Thị Hải, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) đã xây dựng những tiết học mang tên Văn học trải nghiệm gắn với thể loại văn thuyết minh, biểu cảm với mong muốn HS hào hứng khi đến tiết học văn.
Với thể loại văn thuyết minh, giáo viên Nguyễn Thúy đã lựa chọn những địa điểm phù hợp như đường sách Nguyễn Văn Bình, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Ở mỗi địa điểm, sau khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh, tham quan tìm hiểu, mỗi lớp học sẽ tập trung và áp dụng phương pháp làm việc nhóm để cùng trao đổi, phản biện ý kiến. Sau đó, HS sẽ thực hiện việc nghiệm thu tại lớp thông qua các bài thuyết trình về chuyến đi.
HS học được cách viết bài văn biểu cảm từ chính thực tế những gì đã thấy qua quá trình tham quan.
Cảm xúc đến tự nhiên
Video đang HOT
Qua cách dạy học này, theo cô Nguyễn Thị Hải, Trường THCS Trần Văn Ơn, kết quả thu được là những bài văn giàu cảm xúc đến một cách tự nhiên qua việc cảm nhận từ cuộc sống, lan tỏa yêu thương. Nếu học theo kiểu cũ dù giáo viên có cả năm học “thao thao” giảng bài thì học trò cũng không lay động. Vì vậy, cô Hải cho rằng đừng nghĩ học văn là viết văn và làm thơ mà nó rất đời, gắn liền với thực tế cuộc sống.
Giáo viên Đỗ Đức Anh nhấn mạnh, bản thân việc học văn từ cuộc sống là nhiệm vụ mà người thầy phải thấy và giúp HS thấy được. Nếu HS chỉ biết ngưỡng cửa nhà mình hoặc không gian lớp học, những câu chữ trong sách vở thì rõ ràng đó chỉ có lý thuyết mà phải cho HS trải nghiệm từ thực tế cuộc sống.
Theo thầy Đỗ Đức Anh, giá trị nhân văn của từng mô hình học tập cần hướng đến cho HS là quan tâm đến những điều cần phải quan tâm, chia sẻ những điều cần phải chia sẻ, biết học tập những điều cần phải học tập, biết thể hiện những điều cần thể hiện. Giá trị đích thực là giúp HS yêu thích môn văn, tích cực hơn trong phương pháp học, chủ động tìm đến những giá trị nhân văn, tích cóp để làm giàu cuộc sống tâm hồn và đặc biệt thấy môn văn không nặng nề, áp lực mà nó là đời sống. “Không phải học để viết những bài tập làm văn trả bài thầy cô mà học văn là để sống”, thầy Đức Anh nhấn mạnh.
Để HS được tham gia tiết học một cách đời thường, giáo viên Nguyễn Thúy cho rằng không thể trông chờ vào sách giáo khoa mà phải chủ động thay đổi. Giáo viên trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo phối hợp cùng giáo viên có thâm niên hỗ trợ bằng kinh nghiệm để cung cấp cho học trò kỹ năng, cách sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống sau này.
“Không phải học để viết những bài tập làm văn trả bài thầy cô mà học văn là để sống”
ĐỖ ĐỨC ANH (GV Trường THPT Bùi Thị Xuân)
Theo thanhnien
Học văn có lăn tăn?
Một số người cho rằng phải học giỏi toán, lý, hóa hay tiếng Anh thì mới dễ thành công và e ngại khi giới thiệu bản thân hay con em mình đang là học sinh chuyên văn, sinh viên ngành văn học, sư phạm văn...
Các bạn trẻ trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm viết văn do dự án Cái cây nhỏ tổ chức - ẢNH: THÚY HẰNG
Tuy nhiên trên thực tế, ngữ văn là môn học theo ta suốt cuộc đời, gắn bó với tất cả chúng ta ở một khía cạnh nào đó, cho dù khi ra trường làm bất cứ ngành nghề gì.
Môn học dạy làm người
"Những bài học văn của cô giáo dạy tiểu học đã đổi thay cuộc đời tôi. Từ một học trò ngỗ nghịch, từng chỉ biết gạch đầu dòng cho một bài văn, tôi đã trở thành một người học văn khá nhất nhì lớp và sau này nghề nghiệp của mình gắn liền với những con chữ", anh Nguyễn Bá Tuấn, cựu nhân viên Công ty TNHH truyền thông Hoa Mặt Trời (TP.HCM) chia sẻ.
Không chỉ với anh Tuấn, nhiều bạn trẻ nay đã trưởng thành, có thể làm nhiều công việc khác nhau, họ đều nhận ra không phải toán, lý, hóa hay tiếng Anh, mà chính văn mới là môn học họ cần nhiều nhất trong cuộc đời.
Một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi bắt gặp hai anh em song sinh Nguyễn Phạm Thiên Thanh, Nguyễn Phạm Thiên Phúc, HS lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM đang chăm chú lắng nghe và ghi chép buổi trò chuyện của Thiên Hương, cô gái trẻ có nhiều hoạt động ý nghĩa để bảo vệ hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). "Em sẽ viết thư cho chị Hương, đây là một đề tài thầy giáo dạy văn giao cho chúng em, viết thư cho một người em ngưỡng mộ", hai anh em nói và khoe với chúng tôi một tập sách lưu lại những bức thư em viết cho người thân, bạn bè.
Bà Phạm Thanh Dung, mẹ của Thanh và Phúc, cho hay đây là những hoạt động của dự án Học văn từ cuộc sống đang được nhiều học sinh yêu thích ở Trường THPT Bùi Thị Xuân. "Các con yêu thích môn văn và không bao giờ nghĩ viết văn là áp lực bắt buộc. Mỗi bài văn với các con đều là ghi chép những cảm xúc thật của mình", bà Dung nói.
Gắn bó với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú (TP.HCM) hơn 14 năm, trong những bài giảng văn, cô Lê Thị Trúc, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, luôn lồng ghép nhiều bài học thực tế cuộc sống để hướng các học trò trở thành người nhân ái, tử tế. Nhiều học trò từng ngỗ nghịch đã đổi thay, các em thành công và không quên ơn cô giáo cũ. Với cô Trúc, đó là một niềm hạnh phúc của nghề.
"Môn văn là môn dạy làm người. Sau này dù có thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều phải dùng môn văn ngày ngày để nói chuyện với bệnh nhân, thuyết phục khách hàng, đối tác", cô Trúc nói.
Viết đúng trước khi viết hay
Lê Phương Dung, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trước khi nghĩ đến viết hay, hãy viết cho đúng. "Cảm giác khi đọc một bài văn đang mượt mà, gặp một lỗi chính tả thấy "khựng" lại, những cảm xúc chợt tan biến. Nếu được, bạn hãy chuẩn bị cho mình một cuốn từ điển tiếng Việt bên mình để tra ngay khi nghi ngờ", Phương Dung chia sẻ.
Nguyễn Quỳnh Hương (22 tuổi, cựu HS chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, người sáng lập dự án Cái cây nhỏ về chuyện học văn), chia sẻ: "Tôi tìm được phương pháp, kinh nghiệm học văn. Môn văn có những quy tắc của nó. Muốn học văn tốt, cũng như người VN học tiếng Anh, tập trung kỹ vào các ngôn ngữ, ngữ pháp, chính tả, quan hệ từ... Cái gốc phải vững, sau đó mới trau dồi những cách diễn đạt hay. Làm sao để học môn văn tốt hơn là trăn trở của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, nếu biết tự tạo động lực cho mình thì dù là môn học gì cũng là niềm vui và hữu ích".
Phạm Thiên Trang, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cho rằng động lực học văn có thể đơn giản như là để viết những nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội, để những bài quảng cáo tiếp cận được nhiều người hơn; hay viết blog hay hơn, ấp ủ dự định viết sách cho riêng mình...
Trong khi đó, Phạm Thúy Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: "Các bạn trẻ có thể trau dồi cách viết văn bằng cách đọc sách, viết nhật ký, chia sẻ những câu chuyện với người khác".
Ý kiến
Phát triển nhân cách và kỹ năng
"Tôi từng có thời gian rất ghét môn văn vì thấy nó nhàm chán. Thực tế, trong bối cảnh xã hội hiện tại nhiều người trọng việc học các môn tự nhiên hơn mà quên mất ngữ văn cũng là một môn khoa học. Đặc biệt việc học môn văn có tác động đến sự phát triển nhân cách và cả kỹ năng của con người".
Lê Thị Huyền Nhung (sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Nhìn nhận vấn đề tốt hơn
"Học văn giúp tôi lưu giữ những trải nghiệm của mình. Nhờ học văn, thái độ cũng như cách nhìn nhận sự việc của tôi trở nên khách quan, đa chiều, sâu sắc hơn".
Huỳnh Hải Nhi (học sinh Trường THPT Năng khiếu TP.HCM)
Khi đi làm mới thấy giá trị
"Hồi nhỏ vì chưa được khơi dậy giá trị và tình yêu với môn văn nên tôi chỉ học cho xong. Bây giờ đi làm, đặc biệt về mảng cần phải viết những câu quảng cáo cho các nhãn hàng, mới thấy giá trị của việc học ngữ pháp, ngôn ngữ. Nếu được quay trở lại, tôi sẽ học môn văn một cách khoa học hơn".
Vũ Thị Minh Thư (nhân viên marketing tại TP.HCM)
Nghĩ đến các ứng dụng sẽ thấy thích thú
"Nhiều người học văn một cách miễn cưỡng, học vì ai cũng học, nhưng nếu nghĩ về những ứng dụng của nó trong cuộc sống thì sẽ có hứng thú và động lực hơn nhiều".
Lê Phong (chuyên viên dịch thuật tại TP.HCM)
Tăng cường dạy văn ứng dụng
Đinh Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, nhận xét: "Tôi thấy việc học môn văn ở nhà trường hiện còn đang xoáy sâu quá nhiều vào việc phân tích tác phẩm mà không tập trung sâu vào ngôn ngữ và ngữ pháp. Ngay cả bản thân tôi học khối D cũng viết, nói sai chính tả vì tính vùng miền khá nhiều. Thêm nữa, nếu môn văn có các tiết học tương tác nhiều hơn giữa thầy và trò, tăng cường dạy văn ứng dụng như viết đơn, thư, viết truyện ngắn, bài phát biểu... sẽ giúp chúng tôi gia tăng tình yêu với môn văn".
"Môn văn là môn dạy làm người. Sau này dù có thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều phải dùng môn văn ngày ngày để nói chuyện với bệnh nhân, thuyết phục khách hàng, đối tác"
Lê Thị Trúc
Theo thanhnien
Học văn bằng cách vẽ tranh Học sinh tự vẽ tranh, thể hiện khả năng kể truyện và cùng nhau phân tích nội dung, nghệ thuật tác phẩm... là cách truyền đạt mới của thầy Nguyễn Đức Uy, giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) đang áp dụng tại trường. Với hình thức học mới, giúp chúng em nhớ tác phẩm lâu và sâu hơn - BẢO...