Học và thi chương trình tiếng Anh tích hợp ở TP HCM như thế nào
Các trường được yêu cầu không gây xáo trộn, không tạo áp lực cho học sinh, việc kiểm tra vào cuối học kỳ 1 và cuối năm.
Ngày 7/9, Sở Giáo dục TP HCM hướng dẫn các trường dạy và học môn Toán, Khoa học, tiếng Anh tích hợp (chương trình Anh – Việt Nam) bắt đầu thực hiện từ năm học này, ở cấp tiểu học.
Chú ý dạng toán, ký hiệu riêng của nước Anh
Hai chương trình Việt Nam – Anh có nhiều điểm tương đồng, hướng đến mục tiêu kết nối kiến thức và kỹ năng, giúp học sinh quan sát, trình bày, hình thành khái niệm và công thức toán học.
Tuy nhiên, ở chương trình Việt Nam, kiến thức chủ yếu làm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia trên số tự nhiên, phân số và số thập phân như trong sách giáo khoa. Do đó, giáo viên chỉ luyện tập, củng cố thông qua một số bài tập chung trong sách giáo khoa.
Riêng một số nội dung trong chương trình Việt Nam có nhưng chương trình Anh không có (các dạng toán điển hình, toán chuyển động, diện tích xung quanh, diện tích toàn phần các hình khối hay các phép tính cộng, trừ, nhân, chia với số đo thời gian) thì giáo viên cần dạy cho học sinh. Bởi khi thi giữa kỳ hay cuối kỳ, ngoài chương trình Anh, học sinh vẫn làm kiểm tra thuộc chương trình trong nước.
Thầy cô cũng cần lưu ý một số ký hiệu trong chương trình Anh để tránh gây khó khăn cho học sinh khi học, hoặc phụ huynh khi hướng dẫn con em ở nhà (ký hiệu khi xếp bài tính chia đọc, cách viết số thập phân, cách dùng đơn vị tiền tệ Anh). Các nội dung thuộc kiến thức THCS giáo viên nên hướng dẫn chậm để giúp các em hiểu kiến thức mới.
Giáo viên Việt Nam và giáo viên tích hợp được yêu cầu phối hợp để bổ sung kiến thức cho học sinh, dựa trên tài liệu phân phối chương trình tích hợp tránh tạo áp lực, quá tải cho người học.
Video đang HOT
Học sinh tiểu học tại TP HCM trong ngày tựu trường năm nay. Ảnh: Mạnh Tùng.
Bổ sung kiến thức Khoa học ở hai chương trình Anh – Việt
Từ lớp 1 đến lớp 3, chương trình Việt Nam dạy các kiến thức về tự nhiên, xã hội, thế giới quanh ta và các biện pháp giữ gìn sức khỏe, an toàn. Từ lớp 4, chương trình Khoa học chuyên sâu hơn.
Chương trình Anh dạy môn Khoa học ngay từ đầu và cùng với sự thay đổi trọng tâm về khoa học của chương trình Việt Nam bắt đầu từ lớp 4-5. Kiến thức của hai bên cũng trùng nhiều hơn, các điểm kiến thức bổ trợ lẫn nhau và học sinh nắm được kiến thức bằng cả hai ngôn ngữ.
Trong khi đó, phân phối chương trình Khoa học của tích hợp chưa trùng khớp với phân phối chương trình Việt. Do đó, giáo viên Việt sẽ hỗ trợ các tiết dạy của giáo viên tích hợp, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn các nội dung của sách học sinh từ các lớp dưới để có sự hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho phù hợp.
Ở môn tiếng Anh, chương trình tích hợp đáp ứng được yêu cầu đầu ra về chuẩn tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm
Với lớp 1, 2 và 3 đề bài thang điểm 10 sẽ có 3 phần: 2 phần kiến thức tiếng Anh và một phần kiến thức Toán, Khoa học bằng tiếng Anh.
Với lớp 4 và 5 đề có ba phần: Tiếng Anh, Toán, Khoa học bằng tiếng Anh. Mỗi phần có thang điểm 10. Điểm chung của chương trình tiếng Anh tích hợp ở hai khối lớp này là trung bình cộng của ba phần, trong đó tiếng Anh nhân hệ số 2.
Trung bình cộng chương trình tích hợp = (Điểm tiếng Anh (nhân 2) Điểm Toán bằng tiếng Anh Điểm Khoa học bằng tiếng Anh) / 4.
Năm 2014, UBND TP HCM phê duyệt đề án Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh – Việt Nam tại các trường công lập. Một năm sau thành phố phê duyệt 89 trường tiểu học, THCS và THPT triển khai đề án này.
Mạnh Tùng
Theo Vnexpress
Chương trình Tích hợp: Không được gây quá tải cho học sinh!
Trong quá trình thực hiện dạy học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh - Việt Nam không được gây xáo trộn cho việc học tập của học sinh và đặc biệt không được gây quá tải cho học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra hướng dẫn về việc dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh - Việt Nam kể từ năm học 2018-2019 ở cấp tiểu học. Sở yêu cầu các trường thực hiện chương trình sắp xếp thời khóa biểu, cơ sở vật chất cho phù phù hợp với kế hoạch năm học, điều kiện của trường.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường tổ chức dạy học chương trình Tích hợp không gây quá tải cho học sinh (Ảnh mang tính minh họa)
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện cần đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục Việt Nam kết hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục quốc gia Anh cho các bộ môn Toán, Khoa học và tiếng Anh; Đảm bảo việc dạy học theo phương pháp tích hợp gây xáo trộn cho việc học tập của học sinh, duy trì tính thống nhất giữ các cấp học, không được gây quá tải cho học sinh. .
Bên cạnh đó, Sở cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với từng môn học cụ thể trong chương trình Tích hợp để tìm được sự hợp lý, kết nối, dễ hiểu giữa hai chương trình của Việt Nam và Anh. Như ở môn Toán, giáo viên Việt Nam và giáo viên tích hợp cần phối hợp để bổ sung kiến thức cho học sinh nhưng phải tránh gây quá tải, áp lực.
Đối với môn Khoa học, Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá phân phối chương trình tích hợp chưa trùng khớp với phân phối chương trình của Việt Nam. Một số nội dung có trùng lắp nhưng chi tiết về nội dung, mục tiêu chính so với chương trình Việt Nam còn lệch nên việc giảng dạy của giáo viên tích hợp sẽ mở rộng để đảm bảo kiến thức gần giống với chương trình trong nước. Vậy nên, giáo viên Việt cần tham gia hỗ trợ các tiết dạy của giáo viên tích hợp cũng như nghiên cứu tài liệu, sách để hướng dẫn dạy bổ sung kiến thức phù hợp.
Học sinh chương trình Tích hợp được kiểm tra, đánh giá vào cuối học kỳ 1 và cuối năm.
Ngành giáo dục TPHCM cũng chỉ đạo khi thay đổi giáo viên chương trình Việt Nam dạy tích hợp, hiệu trưởng cần tổ chức bàn giao tài liệu và hướng dẫn, bồi dưỡng cho giáo viên mới, phân công giáo viên cũ hướng dẫn giáo viên mới và thường xuyên theo dõi, hỗ trợ giáo viên.
Hoài Nam
Theo Dân trí
ĐH Quốc gia TPHCM: Kiến nghị giữ nguyên tên gọi "Đại học quốc gia" Chiều ngày 4/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM). Phía ĐHQG TPHCM có những đề xuất đến Quốc hội trong đó kiến nghị giữ nguyên tên gọi "Đại học Quốc gia". Tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM...