‘Học sinh trường tôi hãnh diện vì có nhà vệ sinh và căng tin luôn sạch đẹp’
Nhà vệ sinh trường học được đảm bảo luôn sạch sẽ thân thiện phục vụ học sinh tốt thì đòi hỏi vai trò quản lý của ban giám hiệu các trường.
Những năm gần đây, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng đầu tư cũng như nhắc nhở các cơ sở giáo dục trên địa bàn quan tâm đến việc đảm bảo nhà vệ sinh trường sạch sẽ, thoáng mát.
Nhà vệ sinh xanh sạch, học sinh không còn bị ám ảnh
Quan sát tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8 cho thấy, cả 8 nhà vệ sinh dành cho học sinh bố trí ở 4 khu nhà đều rất sạch sẽ dù được sử dụng hơn 10 năm qua. Tại các khu vực nhà vệ sinh của học sinh, nhà trường dán giấy dán tường với màu sắc, họa tiết phù hợp với từng khu vực nam, nữ.
Một góc nhà vệ sinh xanh sạch đẹp của Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8 (ảnh: L.P)
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Huỳnh Diễm Thúy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn chia sẻ: “Nhà trường may mắn được sự quan tâm đầu tư của Ủy ban nhân dân quận 8 về cơ sở vật chất trong đó bao gồm cả khu vực nhà vệ sinh. Ngay từ khi xây dựng, việc bố trí các khu vực nhà vệ sinh tại các dãy lớp cũng phù hợp. Dù không được xây mới nhưng nhà trường cũng chú trọng đảm bảo cho khu vực này luôn sạch sẽ, đúng chuẩn”.
Nhà trường phân công trách nhiệm các nhân viên lao công phụ trách từng khu vực, đặc biệt giờ ra chơi học sinh sử dụng nhà vệ sinh đông thì các cô này túc trực để phối hợp các em giữ gìn nhà vệ sinh, lau dọn kịp thể để luôn khô ráo.
Bên trong nhà vệ sinh có nhiều cây xanh, trang trí màu sắc phù hợp với học sinh tiểu học (ảnh: L.P)
“Mỗi ngày, trước giờ học của học sinh và sau giờ các em ra về thì nhân viên lao công cũng làm vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, tổng phụ trách cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để học sinh luôn có ý thức vệ sinh cho cá nhân và khu vực nhà vệ sinh. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến việc giữ nhà vệ sinh học sinh luôn sạch đẹp”, nữ hiệu trưởng trường chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo cô Thúy, ban giám hiệu nhà trường cũng phải quan tâm cho lo cho cơ sở vật chất để đảm bảo luôn khang trang. Nhà vệ sinh có sạch sẽ thì mới cuốn hút, để các em không ngần ngại khi đi vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho học trò.
Một nhà vệ sinh cho học sinh nữ của trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (ảnh: L.P)
Đồng thời luôn theo dõi, phát hiện thay mới các thiết bị để không bị hư hại. Nhờ luôn giám sát nên suốt thời gian qua nhà trường không phải đầu tư lớn để sửa chữa cơ sở vật chất của trường hay khu vực nhà vệ sinh học sinh.
Cũng theo cô Thúy, với đội ngũ lao công làm vệ sinh thì nhà trường cũng cân đối từ ngân sách chi thường xuyên để thuê và trả lương mà không cần đến sự đóng góp của phụ huynh học sinh.
Nhân viên lao công thường xuyên lau dọn khu vực nhà vệ sinh đảm bảo luôn sạch sẽ (ảnh: L.P)
Video đang HOT
“Do diện tích trường rất rộng lên đến 13.000m2 nên số lượng người phục vụ cũng rất cần. Tuy nhiên biên chế rất ít nên nhà trường phải thuê thêm bên ngoài để đảm bảo vệ sinh tại trường. Đặc biệt, ngay từ đầu phải khi làm việc với đội ngũ lao công thì ban giám hiệu cũng truyền đạt cho họ những yêu cầu về công việc để đảm bảo môi trường tốt nhất cho học sinh và nhà trường”, cô Diễm Thúy bộc bạch thêm.
Còn tại quận 5, năm học này các nhà vệ sinh tại trường Tiểu học Trần Bình Trọng được sửa chữa mới hoàn toàn, tường được ốp gạch trắng rất sạch sẽ. Và kế thừa từ 10 năm trước, tại các nhà vệ sinh đều có loa phát nhạc với âm lượng vừa đủ để học sinh thư giãn mỗi khi vào.
Nhà vệ sinh sạch đẹp không gây ám ảnh cho học sinh (ảnh: L.P)
Em Nguyễn Gia Hân, học sinh lớp 5 của trường chia sẻ, suốt từ năm em học lớp 1 đến giờ nhà vệ sinh của trường luôn luôn sạch sẽ, không có mùi hôi nên em và các bạn không ngại mỗi khi sử dụng. Nữ sinh này cho biết, mỗi sáng các cô lao công đều làm vệ sinh đầu buổi học sinh đến nhưng buổi trưa khi các học sinh đánh răng sau khi ăn trưa thì các cô cũng túc trực lao dọn để không bị đọng nước.
Xây nhà vệ sinh hàng trăm triệu nhưng quan trọng nhất là khâu quản lý
Không chỉ ở cấp mầm non, tiểu học mới đảm bảo khâu chăm lo nhà vệ sinh sạch sẽ, nhiều trường cấp trung học phổ thông các trường cũng chú ý đến vấn đề này.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Duy Tuyển – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, quận 10, chia sẻ một cách đầy tự hào: “Học sinh của trường chúng tôi luôn hãnh diện ở 2 điểm ở trường là nhà vệ sinh và căng tin luôn sạch đẹp”.
Khu nhà vệ sinh nam rất rộng được đầu tư gần 400 triệu đồng của trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên luôn có nhân viên lao công túc trực lau dọn (ảnh: L.P)
Toàn trường có 3 khu nhà vệ sinh lớn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của hơn 2.000 học sinh tại trường. Do đặc thù trường được xây từ thời Pháp với thời gian hơn 100 năm nên những năm gần đây các khu nhà vệ sinh đều được xây tại tầng trệt riêng biệt.
Nhờ chăm sóc, vệ sinh thường xuyên nên khu vực này không hề bị đọng nước (Ảnh: L.P)
Trong đó, một khu do Cha mẹ học sinh tài trợ cách đây khá lâu, hai khu nhà vệ sinh còn lại được đầu tư từ ngân sách nhà nước dựa trên nền nhà vệ sinh cũ. Theo đó, năm 2019 trường xây nhà vệ sinh dành cho học sinh nữ với kinh phí là 399 triệu đồng đảm bảo số lượng bồn vệ sinh hiện đại, kín đáo; khu nhà vệ sinh còn lại dành cho nam được xây năm 2020 với kinh phí cũng gần 400 triệu đồng.
Khu nhà vệ sinh cho học sinh nữ với gần 20 buồng vệ sinh hiện đại (ảnh: L.P)
Để đảm bảo các khu nhà vệ sinh sạch sẽ thì nhà trường cũng phân công lực lượng lao công rõ ràng, đồng thời chế độ chi trả cũng đảm bảo cho đội ngũ này. Có 4 nhân viên lao công phụ trách làm vệ sinh cho hơn 9000m2 diện tích toàn trường gồm các lớp học và nhà vệ sinh.
Một nhân viên lao công tại Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên cho biết, mỗi ngày họ phải có mặt ở trường từ 5h sáng để quét rác, làm vệ sinh các lớp học, khuôn viên trường. Riêng khu vực nhà vệ sinh thì phải trực thường xuyên, liên tục lau dọn ít nhất 7 lần/ngày để luôn sạch đẹp, không để mùi hôi.
Bên trong khu vực nhà vệ sinh đầu tiên của trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên được xã hội hóa (Ảnh: L.P)
“Dù nhà vệ sinh xây mới nhưng muốn sạch sẽ yếu tố quyết định là do quản lý của nhà trường với sự phân công lao động hợp lý, rõ ràng theo từng khu vực gắn liền với yêu cầu trách nhiệm. Các nhân viên lao công phải tỉ mỉ, biết quan tâm chăm sóc các khu vực này một cách khoa học. Tất nhiên chế độ lương bổng dành cho đội ngũ này cũng phải đảm bảo, khen thưởng động viên tinh thần để họ nhiệt tình trong công việc “, thầy Nguyễn Duy Tuyển nhấn mạnh.
“Việc Chính phủ quan tâm nhắc nhở việc đảm bảo vệ sinh trường học là điều đáng mừng và đó là một chủ trương rất đúng. Bởi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh gần như ở trường cả ngày vì vậy yêu cầu đảm bảo nơi học, ăn uống và sinh hoạt rất cần thiết trong đó có nhà vệ sinh. Thậm chí trường tôi còn bố trí luôn phòng tắm có nước máy sạch cho các em sử dụng mỗi khi vận động thể thao nhiều”, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên chia sẻ.
Với hơn 2.000 học sinh nhưng các khu nhà vệ sinh trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên luôn đảm bảo đạt chuẩn, sạch đẹp (ảnh: L.P)
Cũng theo thầy Tuyển, điều thứ hai góp phần việc giúp trường giữ nhà vệ sinh luôn sạch sẽ chính nhờ giáo dục ý thức học sinh ngay từ khi các em mới bước vào trường. “Trường phải giáo dục các em luôn biết bảo vệ tài sản của công và giữ gìn vệ sinh chung. Có được điều này một phần chất lượng đầu vào của học sinh cũng rất quan trọng, các em có ý thức tốt trong việc tự quản góp phần xây dựng trường sạch đẹp”, thầy Tuyển nói.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng chính ban giám hiệu của các trường quyết định việc giữ gìn nhà vệ sinh trường sạch đẹp, an toàn.
“Ban giám hiệu của trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh quan tâm chăm sóc kỹ khu vực nhà vệ sinh của cả thầy cô và học sinh để làm sao đảm bảo an toàn, sạch sẽ cũng như đảm bảo sức khỏe cho cả thầy lẫn trò ở trường học. Đồng thời, chính ban giám hiệu phải giám sát thường xuyên kiểm tra để sớm phát hiện tình trạng hỏng hóc ở khu vực nhà vệ sinh để có thể sửa chữa kịp thời”, ông Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khoa song song đó, các trường cũng phải quan tâm giáo dục việc vệ sinh cá nhân cũng như vấn đề an toàn trong đi vệ sinh cho học sinh. Với sự chung tay phối hợp của tập thể thì mới có thể giúp các trường thực hiện tốt khâu giữ gìn vệ sinh trường học nói chung và nhà vệ sinh nói riêng.
Mỗi sách đọc 1 kiểu, vậy có cần bắt HS đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?
Khi trình độ tiếng Anh của học trò đạt trình độ 'tích hợp' được với Hóa học, tự khắc học sinh sẽ đọc được, đó mới thật sự là tích hợp.
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học mang tên "tích hợp" đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Bài viết "GV giỏi Vật lý giờ dạy thêm Hóa-Sinh, lo lắng khi HS hỏi đành tính nghỉ hưu non" của tác giả Sơn Quang Huyến đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua đã được sự quan tâm của giáo viên trên cả nước.
Rất nhiều hội nhóm giáo viên môn Khoa học tự nhiên đã chia sẻ trên mạng xã hội và có nhiều bình luận chia sẻ sự đồng cảm với bài viết.
Có nên bắt buộc dạy học sinh lớp 7 đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?
Người viết đã trao đổi với một số giáo viên đang dạy tiếng Anh về việc "Có nên dạy học sinh lớp 7 đọc tên nguyên hóa học bằng tiếng Anh?", phần lớn đều trả lời là: không nên, không cần.
Một thầy giáo tiếng Anh tại Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: "Ngay bản thân tôi là giáo viên dạy tiếng Anh hơn 30 năm, nay đọc tên nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn mà anh hỏi cũng không dám chắc đọc đúng ngữ pháp.
Vậy làm sao giáo viên Sinh học, Vật lý, đọc đúng tên các nguyên tố bằng tiếng Anh? Kể cả giáo viên Hóa học được đào tạo chính quy, trong các trường sư phạm không hướng dẫn đọc tên các nguyên tố bằng tiếng Anh, khó mà đọc đúng.
Tên nguyên hóa học bằng tiếng Anh thuộc thuật ngữ chuyên ngành Hóa học, vì vậy, giáo viên dạy tiếng Anh đọc không đúng là điều bình thường".
Dạy học sinh đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh cho đúng khi kiến thức tiếng Anh của các em chưa đủ để hiểu môn Hóa học có nên chăng?
Theo ý kiến người viết là không nên, không cần dạy học sinh trung học cơ sở đọc tên nguyên hóa học bằng tiếng Anh.
Thứ nhất, dạy học sinh đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh, giáo dục đang tạo khoảng cách giữa bộ môn Hóa học với thực tế cuộc sống.
Phần lớn các nguyên tố hóa học hay gặp trong cuộc sống đã được "Việt hóa" như Cu (đồng), Fe (sắt), Pb (chì), Ag (Bạc), Ca (canxi), Au (vàng), Zn (kẽm) ... nay học sinh dùng tiếng Anh để đọc, còn đâu liên hệ với thực tế cuộc sống?
Thứ hai, ngay trong 3 bộ sách được Bộ phê duyệt, mỗi bộ sách lại có cách đọc tên nguyên tố khác nhau, lấy đâu ra chuẩn mực để đánh giá?. Ví dụ có sách lúc thì ghi "sodium, potassium, iron, aluminium", lúc thì ghi "natri, kali, sắt, nhôm".
Thứ ba, sách Khoa học tự nhiên lớp 7 dạy học sinh đọc nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh, thế nhưng rất nhiều kiến thức trong chương trình 2018 vẫn dùng phiên âm để đọc tên các quốc gia, địa danh, mỏ khoáng sản ...
Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 7 bộ Chân trời sáng tạo vẫn dùng cách đọc tên nguyên tố hóa học như trước đây - Ảnh: Nhật Minh
Người viết lấy ví dụ cụ thể trong môn Lịch sử và Địa lý 7 bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Khi gọi tên các quốc gia trên thế giới, tên mỏ khoáng sản Fe, Cu, Al ... đều dùng nguyên vẹn tên phiên âm hoặc tên gọi nguyên tố theo chương trình cũ.
Trong sách Lịch sử và Địa lý 7 bộ sách Chân trời sáng tạo, bài 3 "Phương thức con người khai thác và sử dụng ở châu Âu", trang 107 có ghi rõ:
" Trước đây, hoạt động giao thông vận tải (đường bộ, hàng không, đường biển ...), hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của hộ gia đình, sản xuất nông nghiệp thải ra một lượng đáng kể chất gây ô nhiễm không khí ở châu Âu: nitơ điôxít (NO2), amôniac (NH3)...".
Trong cùng một bộ sách nhưng các môn học khác nhau có cách đọc tên nguyên tố hóa học khác nhau, sẽ làm học sinh loạn.
Thứ tư, với chương trình trung học cơ sở chỉ mới dừng lại giáo dục cơ bản chứ chưa phải là giáo dục chuyên sâu, nên sử dụng cách đọc cũ là phù hợp.
Thứ năm, giữ nguyên cách đọc cũ sẽ có nhiều thuận lợi trong dạy và học, bên cạnh đó giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.
Tất cả văn bản khi viết về các vấn đề liên quan nguyên tố hóa học đều đã dùng cách đọc cũ, ví dụ đã được "Việt hóa" như Cu (đồng), Fe (sắt), Pb (chì), Ag (Bạc), Ca (can xi), Au (vàng), Zn (kẽm)...
Người viết cho rằng, việc đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh không cần dạy từ lớp 7, khi trình độ tiếng Anh của học trò đủ "tích hợp" được với Hóa học, tự khắc học sinh sẽ đọc được, đó mới thật sự là tích hợp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Có trường ở Thủ Đức không thu '3 quỹ', PH muốn tài trợ phải được Phòng GD đồng ý Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Thủ Đức thông báo sẽ không thu quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học và không thu quỹ cha mẹ học sinh. Ngày 22/9, trên các diễn đàn và mạng xã hội lan truyền đi rất nhanh thông tin "Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Thủ Đức, Thành phố...