Học sinh TP.HCM khó tựu trường vào đầu tháng 9
Trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, điểm tiêm vaccine, công tác tuyển sinh đầu cấp còn ngổn ngang, khiến nhiều giáo viên cho rằng học sinh TP.HCM khó tựu trường sớm.
Ngày tựu trường theo đúng lịch của Bộ GD&ĐT vào 1/9 và khai giảng vào 5/9 ( học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất ngày 23/8). Tuy nhiên, học sinh tại TP.HCM khó đến trường được thời gian này.
Học sinh TP.HCM vẫn chưa biết khi nào mới có thể đến trường trở lại. Ảnh minh họa: Y Kiện.
Khai giảng online cho học sinh lớp 9, 12
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng tình hình dịch hiện tại ở TP.HCM chưa biết thời điểm kết thúc. Hơn nữa, rất nhiều cơ sở trường lớp từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên của TP.HCM đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung, điểm tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.
“Với những trường học được dùng làm khu cách ly, để giải phóng được hàng trăm con người phải mất thời gian ít nhất hai tuần, sau khi bàn giao lại, các trường phải phục hồi lại cơ sở vật chất, có thời gian tiêu độc, khử trùng. Tổng cộng lại, các trường cũng mất hơn một tháng trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, TP.HCM có đủ cơ sở cách ly mà không cần dùng đến trường học”, thầy Phú thông tin.
Ông cho rằng việc Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương linh động trong sắp xếp khung thời gian năm học nhưng lại chốt đầu ra là thời điểm kết thúc năm học không trễ hoặc sớm quá 15 ngày so với lịch của bộ đưa ra là áp lực rất lớn đối với công tác quản lý đối của các địa phương như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Trong bối cảnh này, thầy Phú nêu TP.HCM và các trường sẽ xây dựng nhiều phương án để bước vào năm học mới. Nếu ngành giáo dục chờ dịch được khống chế hoàn toàn để đến trường trực tiếp là điều rất khó. Nhưng học online, các gia đình đông con sẽ khó xoay sở thiết bị, trong khi kinh tế các gia đình ngày càng khó khăn, nhiều công nhân, lao động chân tay bị mất việc hai tháng nay.
Ông đề xuất TP.HCM có thể bắt đầu năm học mới bằng hình thức online đối với học sinh lớp 9, 12, ở một số môn cơ bản để các em có thể hoàn thành chương trình, tham gia vào các kỳ thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT. Các khối lớp khác có thể hoãn khai giảng đến tháng 10.
Video đang HOT
Theo thầy Phú, phương án bắt đầu năm học mới bằng hình thức online có thể tính đến nhưng không thể thực hiện đồng loạt ở các lớp. Ảnh: Hoàng Giám.
Tuyển sinh đầu cấp, sách vở năm học mới còn ngổn ngang
Thầy Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), cũng nhận định khó có khả năng học sinh TP.HCM được tựu trường trong nửa đầu tháng 9.
Ngoài yếu tố cơ sở vật chất các trường học đang được trưng dụng để phục vụ công tác chống dịch, công tác tuyển sinh đầu cấp vẫn chưa hoàn thiện.
“Học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10 vẫn chưa biết mình học trường nào, lớp nào thì tựu trường làm sao?”, thầy nói.
Ông cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tuyển sinh đầu cấp chỉ mới được triển khai trực tuyến. Dù vậy, để hoàn thành việc tuyển sinh, các trường bắt buộc phải tiến hành bước nhận hồ sơ xác nhận nhập học từ phụ huynh.
“Quận Bình Thạnh và nhiều quận huyện khác đang tiến hành tuyển sinh vào lớp 1 trực tuyến. Tiến độ này rất chậm so với mọi năm. Khi dịch giảm, phụ huynh đi nộp hồ sơ, các trường mới xác nhận nhập học cho học sinh. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng khiến phụ huynh không thể đăng ký trực tuyến, phải đến trường làm trực tiếp. Như vậy, dịch chưa giảm, phụ huynh không thể đến trường thì không cách nào hoàn thành việc tuyển sinh lớp 1″, thầy Phương cho biết.
Theo ông phương án khai giảng online rồi bước vào năm học chính khóa bằng hình thức trực tuyến là rất khó, ít nhất với học sinh lớp 1, 2 và trẻ mầm non. Trẻ ở độ tuổi này không thể học online.
Nhận định một cách lạc quan, tích cực, thầy Phương hy vọng đến nửa cuối tháng 9, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM được kiểm soát, ổn định, thật sự an toàn. Thành phố quay lại cuộc sống bình thường mới thì học sinh mới có thể đến trường.
Một trưởng phòng đào tạo một quận của TP.HCM cho rằng ưu tiên lớn nhất của thành phố lúc này là khống chế dịch bệnh. Đến nay, chúng ta vẫn không thể chắc chắn thời điểm dịch bệnh “hạ nhiệt” nhưng không vì thế mà lùi thời gian khai giảng năm học mãi.
Theo người này, nếu qua 15/9, TP.HCM vẫn chưa trở lại cuộc sống bình thường mới, phương án khai giảng và học online cần phải thực hiện nhưng phải hạn chế một số khối lớp nhất định. Bậc tiểu học cần phải xem xét có cần phải học online không.
“Chúng ta cần nghĩ đến trường hợp một gia đình 2 con trở lên thì máy móc không thể nào đáp ứng cho cả 2 cùng học online một lúc. Việc học online có thể tính đến nhưng phải theo khối lớp, vào những thời điểm hợp lý để không tạo thêm gánh nặng, ức chế cho phụ huynh”, trưởng phòng đào tạo nói.
Chia sẻ thêm về việc học online, ông cho rằng học sinh lớp 6, lớp 2 năm nay sẽ còn gặp khó nhiều hơn khi các em phải học sách giáo khoa mới nhưng đến hiện tại thì vẫn chưa “thấy mặt mũi sách mới”. Nếu TP.HCM còn tiếp tục giãn cách xã hội thì không chỉ lớp 2, 6 mà tất cả khối lớp còn gặp khó khi tìm mua sách, vở cho năm học 2021-2022.
Hiện các trường tư thục trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa chốt kế hoạch tựu trường, học online bởi đang chờ khung thời gian năm học cụ thể do UBND thành phố ban hành.
Hà Nội đảm bảo đủ chỗ cho học sinh
Đã kết thúc thời gian tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, câu chuyện làm thế nào tính toán phương án đủ chỗ học cho học sinh ở các khu đô thị đông đúc, quá tải dân cư vẫn chưa năm nào hết "nóng".
Theo điều lệ trường tiểu học của Bộ GD&ĐT, mỗi lớp không quá 35 học sinh.
Năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn Hà Nội tuyển sinh khoảng 158.000 trẻ mẫu giáo 5 tuổi; 159.000 học sinh lớp 1 và 131.000 học sinh lớp 6. Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, sau khi hết thời hạn đăng ký trực tuyến (giai đoạn 1), số hồ sơ đã đăng ký thành công với trẻ vào lớp 1 là 128.879; số hồ sơ đăng ký cho trẻ 5 tuổi vào trường mầm non cũng đạt tỷ lệ rất cao, còn số hồ sơ đăng ký vào lớp 6 là 107.108.
Việc xây dựng bổ sung trường học luôn là một trong những nhiệm vụ cấp bách được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bởi với tốc độ gia tăng dân số hàng năm, đặc biệt là tại các khu đô thị mọc lên liên tiếp, việc dành quỹ đất để xây dựng trường học cũng được TP quyết liệt chỉ đạo.
Điển hình là tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, qua rà soát thực tế, cả xã có gần 500 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, song cơ sở vật chất của trường Tiểu học Cự Khê (xã Cự Khê) chỉ đáp ứng được khoảng 240 học sinh. Như vậy là còn khoảng 240 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 sẽ phải đăng ký tuyển sinh các trường tiểu học công lập khác.
Lý do dôi dư học sinh là vì trước đây trường Tiểu học xã Cự Khê được xây dựng căn cứ dựa trên số dân trên địa bàn với hơn 4.000 nhân khẩu, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 200 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Tuy nhiên, khi khu đô thị mới Thanh Hà đi vào hoạt động với dân số nâng lên gấp nhiều lần, mặc dùđ ược nâng cấp về cơ sở vật chất nhưng trường vẫn chưa thể đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh.
Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng, cho biết huyện đang tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng số phòng học, dự kiến khi hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 900 học sinh. Còn giải pháp trước mắt với số học sinh dôi dư đó là phòng GDĐT huyện sẽ bố trí cho số trẻ này học tại các trường tiểu học công lập thuộc các xã lân cận như: Bích Hòa, Mỹ Hưng... Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp tình thế.
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2020-2021, trên địa bàn thành phố có 786 trường tiểu học với gần 20.000 lớp. Tính trung bình, cấp tiểu học của Hà Nội có sĩ số bình quân là 40 học sinh/lớp. Trong đó, có những lớp ở khu vực đông dân cư ở các quận nội thành có sĩ số học sinh vượt quá 50 học sinh/lớp.
Trong khi đó, Điều lệ trường học của Bộ GDĐT quy định cấp tiểu học có sĩ số không quá 35 học sinh/lớp. Nhất là trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, để đạt hiệu quả chất lượng như cảnh báo của nhóm tác giả xây dựng chương trình tổng thể thì việc sĩ số lớp quá đông sẽ làm cản trở việc dạy và học của thầy và trò.
Để đạt được tỷ lệ này là một thách thức với nhiều khu vực ở thủ đô. Trong đó, một mình ngành giáo dục không thể làm giải quyết được mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng khác.
Quy hoạch khu đô thị mới phải đi kèm với trường học mới là một trong những giải pháp căn cơ để không phá vỡ quy hoạch mạng lưới trường học trên các địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.
Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, với quy mô 2.800 trường học, ngành giáo dục Thủ đô cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Sở yêu cầu các phòng GDĐT tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng trường, phòng học, ưu tiên những nơi có khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư...
"Mục tiêu của thành phố là bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, huy động 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào lớp 1, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, vì vậy, phụ huynh hoàn toàn yên tâm", ông Phạm Văn Đại khẳng định.
Tuyển sinh vào lớp 1 tại TP Hà Tĩnh: Áp lực tuổi "dê vàng" Tuyển sinh vào lớp 1 tại TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) nhiều năm qua luôn quá tải. Năm nay tình trạng này tiếp tục tái diễn, dù quy mô, số lượng học sinh đã được thống kê, dự báo từ trước. Trường Tiểu học Bắc Hà tăng 28 học sinh vào lớp 1 so với năm trước. Trẻ vào lớp 1 tăng...