Học sinh rối loạn tâm thần vì áp lực học hành
Áp lực học hành, thi cử, mặc cảm gia đình nghèo khó là những nguyên nhân dễ dẫn đến rối loạn tâm thần ở học sinh THPT.
“Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM tiếp nhận không ít học sinh (HS) THPT đến khám rối loạn tâm thần ( stress, lo âu, trầm cảm)” – TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân 115, cho biết.
Sợ “xanh mặt” kỳ thi cuối cấp
Vốn thông minh, dí dỏm, H. (nam sinh lớp 12 một trường THPT trên địa bàn quận 10, TP.HCM) luôn được bạn bè quý mến. Tuy nhiên, gần đây H. thường bị mất ngủ, đau đầu, đau nhức cơ thể, chóng mặt, thiếu tập trung trong giờ học, kết quả học tập giảm sút thấy rõ.
Sau khi được đưa đến BV khám, các bác sĩ nhận định H. stress khá nặng do phải “nhồi nhét” quá nhiều bài vở. Chưa hết, áp lực kỳ thi cuối cấp và kỳ thi THPT quốc gia cũng là nguyên nhân đẩy H. rơi vào tình trạng trên. “Sau khi tìm được nguyên nhân khiến H. bị stress, bác sĩ đã tư vấn cùng gia đình tháo gỡ những điểm mấu chốt. Sau thời gian ngắn, nếu tình trạng không cải thiện, các bác sĩ buộc phải dùng thuốc” – BS Quang cho biết.
Trường hợp tiếp theo là của M. (nữ sinh lớp 10 một trường THPT trên địa bàn quận 1, TP.HCM), bị rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi nhập học chừng hai tháng. Do hoàn cảnh khó khăn nên hằng ngày M. đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch, trang phục không được mới, đẹp như các bạn nữ cùng trang lứa. Mặc cảm vì gia cảnh nghèo khó, M. hầu như tách rời bạn bè.
Chỉ một thời gian ngắn sau nhập học, M. luôn sống trong trạng thái buồn rầu, nhớ trước quên sau, cáu gắt, dễ nóng giận. Đáng lo hơn, M. thiếu tập trung học hành, luôn nghĩ mình vô dụng, không đáng sống và đã có lúc nghĩ đến cái chết. Lo sợ M. có hành động tiêu cực, gia đình vội đưa M. tới BV để được thăm khám. “M. bị trầm cảm do stress kéo dài. Tình trạng khá nặng nên bác sĩ phải dùng thuốc điều trị” – BS Quang cho biết về sức khỏe của M.
TS-BS Đinh Vinh Quang đang khám cho một học sinh lớp 12 bị trầm cảm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Video đang HOT
Học sinh lớp 12 bị rối loạn tâm thần nhiều nhất
“Tỉ lệ các rối loạn tâm thần và yếu tố liên quan ở học sinh THPT tại TP.HCM” là tên đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả Thái Thanh Trúc và Vũ Thị Ly Ly Ngọc (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) vừa được trình bày tại hội nghị khoa học do BV quận Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức mới đây.
Tháng 5-2018, nhóm đã khảo sát 1.114 HS tại ba trường THPT trên địa bàn TP.HCM, thu được 1.089 phiếu hợp lệ đánh giá các rối loạn tâm thần (stress, lo âu, trầm cảm). Kết quả cho thấy hơn 35% có vấn đề liên quan đến stress, HS có vấn đề liên quan đến lo âu và trầm cảm lần lượt là 59% và gần 39%. Các rối loạn tâm thần ở HS bậc THPT phần lớn dưới dạng kết hợp hai hoặc ba rối loạn với nhau: Trên 24% chỉ bị một rối loạn tâm thần (stress, lo âu hoặc trầm cảm); hơn 20% gặp phải hai vấn đề rối loạn tâm thần (stress và lo âu, trầm cảm và lo âu, stress và trầm cảm); gần 23% mắc cùng lúc stress, lo âu và trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ HS lớp 12 bị stress và trầm cảm cao hơn HS lớp 10 (lần lượt hơn 1,29 lần và 1,31 lần). Nguyên nhân do HS lớp 12 có khối lượng bài vở lớn, lượng kiến thức tiếp thu nhiều, chưa kể áp lực kỳ thi cuối cấp và kỳ thi THPT quốc gia. Đáng lưu ý, HS cảm nhận kinh tế gia đình ở mức nghèo có tỉ lệ stress cao hơn 1,5 lần so với những em khác.
Theo BS Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần, HS bậc THPT, nhất là các em lớp 12 do áp lực học hành, thi cử nên dễ bị rối loạn tâm thần. Ban đầu là stress, sau đó đến lo âu và cuối cùng là trầm cảm. Ở mức độ nhẹ, mỗi khi nghĩ tới chuyện học là các em lo lắng, bồn chồn. Khi trầm cảm trung bình, các em thường than thở sao mình lại kém cỏi hơn người khác. Thậm chí có em muốn chết vì học hành cực quá, có em lên kế hoạch tự tử. Ở mức độ nặng sẽ là nghĩ đến cái chết bằng cách này hay cách khác.
“Để ngăn ngừa các em bị rối loạn tâm thần, cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con, động viên con học hết mình nhưng đừng quá áp lực về điểm số, học thì học nhưng chơi cứ chơi. Đặc biệt, đừng so sánh sức học của con với người khác, phải hiểu sức học của con ở mức độ nào để tránh đặt ra mục tiêu quá sức” – BS Khuyên khuyến cáo.
Stress, lo âu, trầm cảm ở HS bậc THPT nếu được giải quyết sớm các em vẫn học tập tốt, sức khỏe bình thường. Ngược lại sẽ ảnh hưởng nhiều đến thể chất, tinh thần và học lực như mất ngủ, lo âu, ăn uống kém… Tình trạng kéo dài sẽ khiến các em dễ có suy nghĩ và hành động tiêu cực, thậm chí nghĩ đến cái chết.
TS-BS ĐINH VINH QUANG, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân 115 TP.HCM
TRẦN NGỌC
Theo plo.vn
Báo động tình trạng học sinh trầm cảm, tự tử
Hàng loạt học sinh đang bị rối loạn tâm thần bởi những áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chuyện tình cảm. Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, xu hướng học sinh trầm cảm có ý nghĩ tự tử sẽ ngày càng "khủng khiếp".
Thời gian qua, liên tiếp những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên đang trở thành nỗi ám ảnh đối với xã hội.
Cụ thể, tháng 4/2018 nam học sinh lớp 10, trường Tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM đã nhảy từ mái tôn xuống đất tử vong sau nỗ lực khuyên giải bất thành của thầy cô và bạn bè. Theo thư tuyệt mệnh để lại, nguyên nhân khiến em tự kết thúc sự sống là do áp lực trong học tập khi không đạt kỳ vọng của gia đình, thầy cô.
Sự căng thẳng thể hiện trên nét mặt học sinh trước khi vào phòng thi của trường Trần Đại Nghĩa, TPHCM
Trước đó, một học sinh lớp 9 ngụ tại quận 1, TPHCM cũng nhảy từ lầu 7 chung cư vì bị điểm kém trong môn tiếng Anh. Sau cái chết của bé, người mẹ đau đớn chia sẻ về những áp lực trong việc học khiến con chị rơi vào trầm cảm. Dù gia đình đã dành nhiều thời gian ở bên em để chia sẻ, động viên và đưa em đến bác sĩ điều trị tâm lý nhưng không mang lại kết quả.
Sự phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các thành phố lớn không chỉ tác động đến người lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến con trẻ. Trẻ em sống ở các đô thị thường phải đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực học tập, sự cạnh tranh lẫn nhau, bên cạnh đó là kỳ vọng quá lớn của gia đình. Những vấn đề trên đã đè nặng tâm lý trẻ dẫn tới những căng thẳng tinh thần, tác động lên vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ.
Tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Quận Thủ Đức (lần thứ IV) nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược, TPHCM đã công bố kết quả "giật mình" về vấn đề rối loạn tâm thần ở học sinh THPT. Tác giả Thái Thanh Trúc cùng cộng sự, cho hay nghiên cứu của nhóm được thực hiện trong năm 2018 tại 3 trường trên địa bàn TPHCM gồm: Nguyễn Khuyến; Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Nguyễn Thái Bình với 1.114 học sinh tham gia ở quy mô 27 lớp gồm cả 3 khối, trên cơ sở đánh giá cả 3 khía cạnh trầm cảm, lo âu, stress.
Học sinh khối 12 là nhóm chịu nhiều áp lực nhất từ các vấn đề xã hội đến học tập (ảnh minh họa)
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ stress ở học sinh chiếm hơn 35,1%; lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Trong đó, nhiều trẻ đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về mặt sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp mắc cả 3 vấn đề nêu trên.
So với khối 10 thì học sinh khối 12 phải trải qua kỳ thi cuối cấp và kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, khối lượng bài vở lớn và kiến thức nhiều nên tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn. Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những học sinh có điều kiện kinh tế ở mức nghèo thường đối mặt với những vấn đề tâm lý nặng nề hơn.
Một kết quả nghiên cứu khác được nhóm thực hiện tại khu vực Tây Nguyên về vấn đề học sinh có ý nghĩ tự tử còn chỉ ra xu hướng nguy hiểm hơn khi có tới 27,9% muốn tìm đến cái chết. Nhóm học sinh ở Tây Nguyên không chỉ đối mặt với áp lực học tập mà còn đối mặt với những vấn đề gia đình, xã hội, bị lạm dụng cả về sức lao động lẫn thể xác.
Từ thực tế trên, các bác sĩ đề nghị cần có các hoạt động khám sàng lọc, tổ chức tư vấn tâm lý học sinh. Gia đình học sinh cần tìm hiểu các rối loạn tâm thần phổ biến như nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh những vấn đề stress, lo âu, trầm cảm để giúp làm giảm các vấn đề về rối loạn tâm thần trong trường học. Việc phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp học sinh vượt qua được các giai đoạn khó khăn và phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng trong đó có tự tử.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Thiết thực "Tủ sách hiếu học" cho học trò vùng cao Nhờ có "Tủ sách hiếu học" với hàng trăm đầu sách có giá trị, ý nghĩa do Hội Phụ nữ cơ sở (PNCS) Công an huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trao tặng mà các em học sinh THPT ở vùng cao này có cơ hội nâng cao tri thức lẫn kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân trước ngưỡng cửa cuộc...