Học sinh rối loạn lo âu từ mẫu giáo, tự tử vì áp lực “xuất sắc” là cái giá mà Singapore phải trả để đứng đầu BXH giáo dục thế giới
Từ bậc tiểu học, thậm chí mẫu giáo – nhiều đứa trẻ ở Singapore đã mắc các triệu chứng lo âu, căng thẳng kéo dài vì áp lực “phải trở nên xuất sắc” từ gia đình và xã hội.
Học sinh mọi cấp học đang phải trả giá đắt cho sự thành công của Singapore trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. Số lượng sĩ tử tìm đến trợ giúp tâm lý ngày một tăng lên đã phần nào hé lộ cuộc sống đầy áp lực để giành lấy danh hiệu “xuất sắc.”
Các chuyên gia y tế Singapore cảnh báo, trẻ em đang mắc các chứng rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài ngay từ khi học tiểu học. Thậm chí đã có những trường hợp đau lòng khi học sinh tìm đến cái chết để tự giải thoát.
Thanh thiếu niên ở Singapore thường phải đối mặt với ngày dài ở trường; nhiều giờ làm bài tập về nhà; bị cha mẹ thúc ép đi học thêm… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của các em.
Giờ đây, trong nỗ lực giảm căng thẳng trong các trường học của mình, Singapore đang tiến hành các cải cách để loại bỏ một số bài kiểm tra học thuật và thay đổi quy trình giáo dục cứng nhắc.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là cân bằng niềm vui trong học tập và sự nghiêm khắc của giáo dục…” Ông Ong Ye, Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore cho biết vào đầu năm nay.
Ông Ong Ye, Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore
Động thái này diễn ra vào thời điểm mà nhiều nhà chức trách ở châu Á buộc phải đánh giá xem, học sinh có phải gánh chịu quá nhiều áp lực hay không.
Đánh giá về tình trạng tử vong ở trẻ em Hồng Kông (Child Fatality Review) cho thấy, các vấn đề từ việc học và làm bài tập là một trong những lý do chính khiến nạn nhân tự sát ngày một trẻ hơn.
Còn ở Nhật Bản, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên vào năm 2016 – 2017 rất đáng báo động, cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Các quan chức trong ngành giáo dục Nhật Bản thừa nhận, tỷ lệ tự tử thường tăng đột biến vào ngày 1/9 hàng năm – thời điểm năm học mới ở Xứ sở hoa Anh đào bắt đầu.
Kể từ khi giành được độc lập vào những năm 60 của thế kỷ trước, Singapore đã đặt giáo dục làm trọng tâm của sự phát triển. Hiện tại, Đảo quốc Sư tử đang đứng đầu bảng xếp hạng quốc tế PISA – được mệnh danh là “World Cup” giáo dục thế giới dành cho các bộ môn như toán và khoa học nói chung.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây để đánh giá PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho thấy: Dù rất thành công trong thứ hạng giáo dục thế giới, học sinh, sinh viên Singapore lại có mức độ lo âu đáng báo động, hơn hẳn các quốc gia khác.
Ở Singapore, thành công của học sinh và phụ huynh, chủ yếu nằm ở việc con cái có vào được các trường danh tiếng hàng đầu hay không.
Nhà tâm lý học Daniel Koh đến từ Trung tâm định hướng Tư duy Insights cho biết, trẻ em trên Quốc đảo Sư tử đang bị “ép chín” quá nhanh.
“Lớn lên và học tập một cách bình thản đã trở thành điều xa xỉ và xã hội Singapore không cho phép điều đó xảy ra.” Ông nói thêm.
Trường hợp trẻ nhất mà Koh đã trực tiếp điều trị căng thẳng liên quan đến giáo dục, là một cháu lớp 1, đang phải vật lộn với những cú sốc sau… mẫu giáo.
Dưới áp lực nặng nề như vậy, học gia sư, học thêm đã trở thành chuẩn mực và hiếm có phụ huynh Singapore nào không cho con tham gia. Trong báo cáo của OECD chỉ ra: Học sinh, sinh viên Singapore đứng thứ 3 toàn cầu về thời gian làm bài tập về nhà. Trung bình 9,4 tiếng mỗi tuần.
“Mỗi khi kỳ thi lớn cận kề, những lời kêu cứu, tâm sự của học sinh, sinh viên gửi đến nhóm phòng chống tự tử Samaritans của Singapore lại tăng lên chóng mặt,” ông Wong Lai Chun, trợ lý giám đốc của OECD cho hay.
Năm 2016, một học sinh 11 tuổi ở Singapore đã nhảy lầu tự tử vì thi trượt 2 môn
Vào năm 2016, một học sinh 11 tuổi đã nhảy lầu tự tử vào ngày mà đúng ra, em phải thông báo kết quả thi giữa năm cho bố mẹ. Đáng buồn, học sinh xấu số này đã thi trượt 2 môn và tự giải thoát bằng cách vô cùng dại dột.
“Trong vài năm qua, dựa trên kinh nghiệm lâm sàng, tôi đã thấy nhiều thanh thiếu niên đến từ các trường hàng đầu báo cáo trải qua căng thẳng liên quan đến trường học”, Lim Choon Guan, chuyên gia thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore cho biết.
“Dù áp lực học tập trải đều ra cả năm, sự căng thẳng và lo lắng của thanh thiếu niên tăng đột biến trước các kỳ thi,” Lim nói thêm.
Video đang HOT
Trẻ mầm non hoặc chuẩn bị vào tiểu học phải đi điều trị tâm lý là việc không hiếm ở Singapore
Nhà chức trách trong ngành giáo dục Singapore đang hi vọng vào một số cải cách để giúp học sinh giảm bớt áp lực.
Một trong những phương án được nhiều người ủng hộ, là phân nhóm học sinh theo khả năng – thay vì bắt các em phải học phân luồng tất cả các môn.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để giảm bớt kỳ vọng vào con cái, phải là thái độ của các bậc phụ huynh.
Wendy, một bà mẹ ở Singapore, khẳng định việc cho cô con gái 12 tuổi đi học thêm ngoài giờ là cách duy nhất để đảm bảo thành công.
Con gái của Wendy phải học toán và các môn khoa học với gia sư 2 lần mỗi tuần; đến trung tâm dạy thêm tiếng Anh, tiếng Trung 3 lần mỗi tuần.
“Tôi phải theo dõi cháu, tôi phải chắc chắn rằng con bé đã làm bài và ôn tập trước khi đến lớp,” Wendy nói.
Cindy Khoo, giám đốc kế hoạch của Bộ Giáo dục Singapore, cho biết: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy các trường học giải thích cho phụ huynh học sinh rằng, việc giảm bớt áp lực cho con cái họ sẽ có tác dụng lâu dài trong tương lai.”
Tuy nhiên, cô thừa nhận việc “thúc ép một đứa trẻ phải học thật giỏi” đã là một phần cố hữu trong văn hóa của Singapore.
Theo SCMP/Helino
Ác mộng mang tên 'đại học' ở châu Á, nơi nào đáng sợ nhất?
Gaokao ở Trung Quốc, DSE tại Hong Kong, suneung ở Hàn Quốc đều khét tiếng là những kỳ thi khó khăn và cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Không phải ngẫu nhiên Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều nằm trong top 10 của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2018.
Tất cả các nền giáo dục này vốn nổi tiếng với số giờ học kỷ lục, các lớp học thêm mở quanh năm và đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh đại học khó khăn, căng thẳng nhất trên thế giới.
Học sinh Trung Quốc học tập tại các "công xưởng" luyện thi để chuẩn bị cho gaokao. Ảnh: AFP.
Trung Quốc: Tỷ lệ chọi 1/50
Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc được biết đến với tên gọi gaokao, được đánh giá là có thể mở ra hoặc phá vỡ tương lai của người trẻ tại đất nước tỷ dân.
Áp lực từ gaokao khiến nhiều học sinh phải cầu cứu đến chất cấm, chất gây nghiện được quảng cáo là "thuốc thông minh, giúp tăng cường tập trung" trên mạng.
Phụ huynh cũng không đứng ngoài cuộc đua gaokao của con cái. Họ chi tiền cho con đến lò luyện thi, cầu nguyện bên ngoài phòng thi và dựng lều trong khuôn viên trường đại học.
Tại sao thi đại học ở Trung Quốc lại khốc liệt như vậy?
Theo Sohu, chỉ 2% thí sinh dự thi năm 2016 vào được 38 trường hàng đầu ở Trung Quốc, 0,05% được nhận vào ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh, được coi là Oxford và Cambridge của Trung Quốc.
Với 9,4 triệu người đã tham gia kỳ thi, điều này có nghĩa là chỉ có 188.000 người lọt vào top 38, và chỉ 4.700 đến Thanh Hoa hoặc Bắc Kinh. Tỷ lệ chọi thấp nhất là 1/50 để đặt chân vào những trường danh giá.
Áp lực học tập, thi cử nặng nề khiến nhiều học sinh Trung Quốc phải sử dụng các chất cấm. Ảnh: Reuters.
Phó giám đốc của Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 có trụ sở tại Bắc Kinh Xiong Bingqi nói: "Sinh viên hầu hết đều cố gắng vào những trường có tiếng như một cách để bảo đảm tương lai tươi sáng. Điều này khiến sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn".
Nhiều người chỉ trích hệ thống giáo dục, thi cử của Trung Quốc vì kìm hãm sự sáng tạo.
"Cách đánh giá hiệu suất của người học ở đây tương đối một chiều khi so sánh với các nước láng giềng. Học sinh phải đến trường nhiều hơn và tiếp thu kiến thức chủ yếu theo kiểu học vẹt", ông Xiong nói.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tạo ra một hệ thống thi cử mới vào năm 2020 bao gồm các tiêu chí đa dạng hơn để xét tuyển đại học và giảm bớt sự bất bình đẳng giữa các khu vực.
Hong Kong: Chín tuổi đã làm quen với áp lực thi cử
Hong Kong cũng bị chỉ trích vì văn hóa thi cử nặng nề và kỳ vọng gia đình, xã hội quá lớn.
Học sinh chín tuổi trên toàn lãnh thổ bắt đầu làm quen với áp lực thi cử khi phải tham gia đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Trung, Toán học.
Các bài kiểm tra này được cho là dùng để xếp hạng các trường học đã tạo áp lực từ trên xuống đối với nhà trường, giáo viên và cuối cùng là học sinh.
Mặc dù chính quyền phủ nhận điều này, năm 2015, hàng chục nghìn phụ huynh đã ký một bản kiến nghị yêu cầu hủy bỏ các kỳ thi.
Nhiều người lo lắng trẻ em Hong Kong không chịu nổi áp lực từ các bài kiểm tra. Giáo sư Eva Chen, chuyên gia phát triển xã hội nhận thức tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói rằng trẻ em Hong Kong đang chịu chung tình cảnh với những người cùng lứa ở Singapore và Hàn Quốc.
"Trẻ em phải phỏng vấn vào các trường mẫu giáo. Từ đó đến trường đại học luôn có những cuộc phỏng vấn hay bài kiểm tra chờ đợi chúng", ông Chen nói.
Kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hong Kong. Ảnh: SCMP.
Một báo cáo toàn cầu của HSBC năm 2017 cho thấy 88% phụ huynh Hong Kong đã hoặc đang trả tiền cho các dịch vụ giáo dục tư nhân như dạy thêm, dạy kèm, luyện thi. Con số này ít hơn 93% phụ huynh Trung Quốc nhưng trên mức trung bình toàn cầu là 63%.
Gần một nửa trong số những phụ huynh tham gia khảo sát cho biết họ sẽ từ bỏ công việc và sở thích cá nhân để giúp con mình thành công. 37% đã không tham gia các hoạt động giải trí và ngày lễ để hỗ trợ con học tập bằng cách chở con đến nơi học thêm, thúc giục con ôn tập trước kỳ thi...
Tất cả học sinh trung học đều cảm thấy sợ DSE. Đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học nhưng kết quả của nó sẽ được sử dụng để xét tuyển vào hầu hết trường đại học ở Hong Kong.
Năm học 2016-2017, ĐH Hong Kong đã nhận 10.062 sinh viên. Dù từ chối cung cấp số lượng người nộp đơn cụ thể trong từng năm, nhà trường cho biết số lượng ứng viên trung bình trong vài năm qua là khoảng 50.000.
Nếu con số này vẫn đúng ở hiện tại, điều đó có nghĩa là khoảng 1/5 học sinh vào được đại học mỗi năm.
Singapore: Quần quật với bài tập nhà
Sau sáu năm học đầu tiên, trẻ em Singapore sẽ phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học quốc gia (Primary School Leaving Examination - PSLE). Điểm số được gửi đến các trường trung học để lọc ra những học sinh đạt yêu cầu.
Trẻ em được tuyển vào chương trình học phù hợp với khả năng, dựa trên kết quả PSLE. Bộ Giáo dục nước này phân rõ các chương trình đào tạo từ cao đến thấp, lần lượt là Đặc biệt (Special), Cấp tốc (Express), Bình thường học thuật (Normal academic), Bình thường kỹ thuật (Nomal technical).
Những người trong nhóm đầu sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học sau khi học xong trung học và học sinh ở nhóm thấp hơn thường sẽ học nghề.
Phó Giáo sư Jason Tan Eng Thye, Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore, cho rằng con người vốn khác nhau về khả năng, tiềm năng và sở thích. Vì vậy, việc phân nhóm, định hướng đào tạo ngay từ đầu là cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh muốn con học đại học luôn cố gắng tận dụng những nguồn lực tài chính hoặc quan hệ xã hội để mang lại cho con cái lợi thế cạnh tranh. Những người này có thể phá vỡ đi ý nghĩa của việc phân nhóm trong hệ thống giáo dục.
Trẻ em Singapore phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học quốc gia. Ảnh: Straits Times.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thành lập bài kiểm tra PISA dành cho học sinh 15 tuổi trong nhiều môn học để đánh giá các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới.
Vào năm 2014, cuộc khảo sát của OECD cho thấy trung bình trẻ em Singapore dành khoảng chín giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà, gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Dù OECD đã ca ngợi hệ thống giáo dục của Singapore tốt nhất thế giới vào năm 2015, chính phủ nước này đã tìm cách cải tổ để ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh và văn hóa dạy thêm.
Singapore sẽ bỏ hệ thống tính điểm, so sánh kết quả học tập giữa các học sinh từ năm 2021. Trước đó, năm 2012, nước này đã cấm các trường công bố những học sinh đạt điểm cao nhất trong tất cả các kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giành suất ở các trường đại học hàng đầu vẫn rất khốc liệt.
ĐH Quốc gia Singapore, trường ở đảo quốc sư tử có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng thế giới năm 2018, đã nhận được khoảng 28.000 đơn đăng ký trong năm ngoái. Tuy nhiên, theo một quan chức, chỉ tiêu của trường chỉ khoảng 7.000.
Hàn Quốc 'nín thở' trong mùa suneung
Cứ đến mùa suneung - tên gọi của kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc, các văn phòng sẽ mở cửa muộn hơn để tránh tắc đường, các chuyến bay sẽ ngừng hoạt động để tránh gây ồn làm sĩ tử mất tập trung.
Hình ảnh Hàn Quốc gần như "nín thở" trong suneung đã phản ánh phần nào mức độ căng thẳng của kỳ thi đại học tại xứ sở kim chi.
Theo báo cáo tháng 1/2017 của Viện Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc, văn hóa học tập của đất nước được áp dụng cho cả những đứa trẻ.
Hơn 83% người Hàn tham gia lớp học thêm "hagwon" từ lúc năm tuổi và kéo dài đến khi đỗ đại học. Học sinh Hàn Quốc có thể học hơn 16 tiếng và chỉ ngủ chưa đến bốn tiếng trước các kỳ thi.
Phụ huynh Hàn Quốc cầu nguyện trong suốt mùa suneung với hy vọng con cái đỗ đạt. Ảnh: Reuters.
Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc cao thứ hai trên toàn cầu và cao nhất trong số 34 quốc gia công nghiệp hóa của OECD. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên và thanh niên. Điều này có liên quan mật thiết đến căng thẳng học tập, áp lực gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, không giống như ở Trung Quốc và Nhật Bản, học sinh Hàn vẫn có thời gian cho các hoạt động ngoại khóa như thể dục thể thao. Ở Trung Quốc, một số trường trung học hy sinh thời gian tập thể dục của học sinh để tăng cường tối đa giờ học văn hóa.
'Địa ngục thi cử' Juken Jigoku ở Nhật Bản
Nhật Bản đang trong quá trình cải tổ lại kỳ thi tuyển sinh đại học - được biết đến với tên gọi Center Test - với mục tiêu chú trọng tư duy phản biện hơn việc học vẹt kiến thức vào năm 2020.
Trường luyện thi - được gọi là juku - rất phổ biến tại xứ Phù Tang. Học sinh cuối trung học gọi thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học (có tên tiếng Nhật là juken jigoku) là "địa ngục thi cử".
Các công ty tại Nhật Bản rất chú ý đến nền tảng giáo dục của ứng viên. Điều này làm cho cuộc cạnh tranh vào các trường đại học danh tiếng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Những học sinh không trúng tuyển trong năm đầu thường chờ đến năm sau để thi lại.
Năm 2011, có khoảng 442.000 học sinh tham gia kỳ thi lần đầu tiên và 110.000 người thi lại, theo Trung tâm khảo thí tuyển sinh ĐH Quốc gia.
Nghiên cứu của các bác sĩ phẫu thuật thần kinh Nhật Bản năm 2014 cho thấy khoảng 58% người thi lại mắc chứng trầm cảm vì khủng hoảng, căng thẳng và cảm giác thất bại.
Các lớp luyện thi đại học ở Nhật Bản. Ảnh: Japan Times, Alamy.
Giáo sư Rui Yang, ĐH Hong Kong, cho biết: "Áp lực thi cử ở Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác là rất lớn. Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, áp lực có thể đang giảm đi".
Bây giờ, vì chú trọng hơn đến sự phát triển toàn diện của con cái, nhiều phụ huynh đủ khả năng tài chính có thể nghĩ đến việc gửi con ra nước ngoài để tránh các kỳ thi như gaokao.
Nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, theo ông Yang, vào trường hàng đầu và một công việc tốt là cách duy nhất để tiến lên.
"Đối với những gia đình nghèo khó, thi đại học mới thực sự khó khăn và áp lực", giáo sư nói.
Theo Zing
Người đàn ông Myanmar mua 10.000 xe đạp tặng học sinh nghèo Thay vì đến xưởng phế liệu, 10.000 chiếc xe đạp sẽ được thu mua và tân trang để làm quà tặng cho học sinh nghèo Myanmar. Từng học ở Singapore 18 năm, anh Mike Than Tun Win (33 tuổi, sống tại thành phố Yangon, Myanmar) nhận thấy tại Singapore, Trung Quốc, xe đạp được sản xuất hàng loạt nhưng không bán hết, dẫn...