Học sinh quay lưng với văn chương
Đó là thực trạng đáng buồn trong việc dạy và học Ngữ văn ở các cấp phổ thông hiện nay. Học trò buồn ngủ, nhàm chán, còn thầy cô “bất lực”, dạy theo khuôn mẫu.
Học một cách thực dụng
Theo tìm hiểu tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội, tình trạng giờ dạy và học Văn nhàm chán, khô khan, đọc – chép còn học sinh làm việc riêng diễn ra phổ biến. Thực tế, có nhiều học sinh còn ghét môn Văn, thấy buồn ngủ, nặng nề trong giờ học, thậm chí không có vở ghi, đến giờ kiểm tra thì mở văn mẫu ra chép.
Phương Anh (HS 12 Toán, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông) thú nhận: “Cấp 2 em rất thích môn Văn vì các tác phẩm văn học rất hay. Nhưng bắt đầu lên cấp 3, sức ép học 3 môn khối A và 6 môn thi tốt nghiệp khiến em không thể đầu tư thời gian để học Văn như trước. Hiện tượng học “lệch” xảy ra đa số ở lớp em”, Phương Anh nói.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh chuyên khối D, C cũng không có đam mê thực sự với môn Văn, mà học thực dụng, để thi đại học, để giành điểm cao như nhận xét của bạn Duy Anh (HS 12 Văn, THPT Chuyên Amsterdam Hà Nội) về môn học thêm của mình.
Nhiều tác phẩm trong chương trình không gần gũi với cuộc sống là lý do khiến môn Ngữ văn kém hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Đánh giá thực trạng học Văn phổ thông, Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết (GV trường THPT Chu Văn An Hà Nội) cho biết, hiện tượng ngày càng nhiều những bài văn lạ cũng cho thấy vấn đề đang đặt ra khá nhức nhối trong việc cảm thụ và diễn đạt văn chương của các em.
Bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ninh – giáo viên Văn THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam lo lắng: “Tình trạng chung là học sinh quay lưng với văn chương, không còn đam mê, không còn những rung động hồn nhiên trong trẻo với văn chương như các thế hệ trước mà học thực dụng, học đối phó, học để thi đại học, học những môn để đi du học… Hơn nữa, các em ít đọc sách tham khảo nên thiếu cái nhìn tổng quan, đánh giá, so sánh”.
Nói về văn hóa đọc hiện nay, nhiều học sinh thừa nhận rằng, họ chỉ đọc những tác phẩm truyện ngắn hiện đại của một số nhà văn trẻ, đôi khi đọc theo số đông, thấy “hot” trên mạng là tìm đọc chứ không phải đọc để phục vụ việc học trên lớp.
Video đang HOT
Nhiều tác phẩm chưa phù hợp
Theo cô Ninh, văn hóa đọc hiện nay thiên về sở thích còn những tác phẩm trong trường thì ít đọc, đọc qua loa, đại khái, bài soạn sơ sài. Thậm chí nhiều học sinh lớp chuyên cũng không ham mê lắm.
“Bên cạnh những tác phẩm giáo dục gần gũi, gắn với đời thường, đề cập đến những vấn đề nhức nhối hiện nay thì vẫn còn một vài trích đoạn, tác phẩm (30 – 40%) không phù hợp với học sinh dẫn đến các em học theo khuôn mẫu, cảm thấy khô khan, cao siêu khó hiểu. Trên thực tế, đa phần các em thích nghị luận xã hội hơn là nghị luận văn học bởi học trò được nói lên ý kiến của mình “, cô Ninh lý giải.
Chia sẻ về lý do này, Duy Anh thành thực: “Một số tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa không gần với đời sống ví dụ những bài thuộc văn học trung đại lớp 10 không hấp hẫn, không hứng thú với chúng em nên xảy ra tình trạng học đối phó”.
Việc dạy và học Văn ở phổ thông hiện nay bộc lộ nhiều bất cập và vẫn chưa có lối thoát. Trong hội thảo khoa học quốc gia về Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam tổ chức gần đây, một Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Ngữ văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng số một ở nhà trường phổ thông và không bị bất kỳ quốc gia nào coi nhẹ.
Tuy nhiên, làm thế nào để môn Văn trở nên hấp dẫn học sinh vẫn đang là câu hỏi khó đối với giáo viên Văn, nhà quản lý giáo dục và những nhà biên soạn chương trình sách giáo khoa Ngữ văn.
Theo Kim Ngân
An Ninh Thủ Đô
"Cô bé xương thủy tinh" và ước mơ trở thành nhà văn
"Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một nhà văn vì em rất thích học văn học" - đó là ước mơ lớn lao của em Nguyễn Cẩm Vân, học sinh lớp 6A4 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa hiện đang phải "sống chung" với căn bệnh xương thủy tinh.
Nhìn thân hình gầy còm, ốm yếu của Cẩm Vân, không ai nghĩ rằng năm nay em đã 14 tuổi.Sau mỗi lần bị ngã gãy xương thì xương trong cơ thể em lại bị ngắn thêm một ít. Nhiều chỗ, xương bị cong teo khiến cho bây giờ thân hình em co dúm lại, gầy còm, chân tay teo tóp. 14 tuổi mà nhìn em như một đứa trẻ mới lên 3.
Hàng ngày em Nguyễn Cẩm Vân đến trường trên đôi tay của mẹ.
Căn bệnh xương thủy tinh hành hạ khiến Cẩm Vân đau ốm triền miên, không ăn uống được gì. Cho đến bây giờ em vẫn không tự đứng lên đi được, chỉ ngồi hay nằm bất động một chỗ, muốn dịch chuyển phải nhờ người khác. Thời gian nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà, mãi hơn 8 tuổi, Vân mới có thể đến trường đi học được. Cho đến nay hơn 14 tuổi em mới học đến lớp 6.
Chị Nguyễn Thị Tám - mẹ em Cẩm Vân cho biết: "Khi mới sinh ra, cháu Vân như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng khi cháu lên 4 tuổi, những triệu chứng của căn bệnh xương thủy tinh bắt đầu biểu hiện. Chỉ cần bị ngã nhẹ khi đang vui đùa hay khi không may chống tay xuống bất ngờ cũng bị gãy xương. Hai vợ chồng tôi đã cố gắng đưa đi khắp các bệnh viện nhưng không thể nào chữa được bệnh cho con".
Tuy bị bệnh tật nhưng Cẩm Vân học rất giỏi khiến thầy cô và bạn bè vô cùng quý mến. Em là một tấm gương cho nghị lực vươn lên trong học tập của trường. Nhiều năm liền Vân là học sinh tiên tiến.
Cô giáo Nguyễn Thị Hưng - chủ nhiệm lớp em Cẩm Vân chia sẻ: "Em Vân là học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của lớp. Không chỉ bản thân bị bệnh tật mà gia đình em cũng khó khăn. Biết được hoàn cảnh Vân như vậy nên nhiều bạn học sinh trong lớp và nhà trường luôn dành sự quan tâm đến cho em về mọi mặt. Vân là một học sinh chăm ngoan học giỏi, luôn có nghị lực vươn lên trong học tập".
Hơn 14 tuổi nhưng thân hình em gầy còm như đứa trẻ lên ba.
Mỗi ngày đến trường, Cẩm Vân phải có mẹ hay bà nội bế đi. Xong giờ học, mẹ hay bà lại phải vào tận lớp để đón về. Hôm nào bà hay mẹ chưa tới kịp thì các bạn trong lớp lại cùng nhau cõng bạn ra cổng trường để chờ người nhà đến đưa về. Cứ thế đã hơn 6 năm qua, em đến được trường đi học là nhờ vào đôi bàn tay của mẹ và bà.
Về đến nhà, Vân chỉ ngồi một chỗ, không thể đi lại được, mọi sinh hoạt, ăn ở đều do mẹ em hoặc bà nội chăm sóc. Tay chân bị tật nhưng Cẩm Vân viết chữ rất đẹp. Không chỉ học tốt môn Văn và ham học văn học mà các môn học khác em đều học giỏi như nhau. Cô Hưng chia sẻ thêm: "Em Cẩm Vân có năng khiếu vẽ rất đẹp, nhiều học sinh trong lớp cũng không vẽ đẹp bằng. Dù tay bị tật nhưng em luôn đạt điểm cao trong môn Mỹ Thuật".
Khi được hỏi vì sao lại thích trở thành nhà văn, Cẩm Vân cho biết: "Em biết căn bệnh của mình không thể nào chữa khỏi được. Lớn lên làm việc gì cũng khó, khi đi học em yêu thích học Ngữ Văn rồi từ đó ham đọc văn học. Em rất thích đọc thơ và viết văn. Em nghĩ đây là công việc nhẹ nhàng phù hợp với bản thân mình. Ở nhà em cũng có thể viết văn để phụ giúp bố mẹ được".
Ngoài ước mơ cho tương lai, hiện tại em Vân mong muốn bố mẹ cố gắng làm được tiền mua cho em một chiếc máy vi tính để em có thể học trên đó. Vân khoe: "Em biết gõ văn bản trên máy tính rồi, em mong mình có một cái máy vi tính để học tập trên đó, giải các bài Toán rồi học tiếng Anh nữa. Bố mẹ em vẫn chưa có đủ tiền để mua. Biết bố mẹ em khổ vì hai chị em lắm nên em không dám xin. Khi nào bố mẹ có mua cho em cũng được".
Ngoài những giờ học trên lớp, Cẩm Vân luôn chăm chỉ học thêm ở nhà.
Nhìn vào đôi mắt thơ ngây và hồn nhiên của Vân, chúng tôi hiểu với em để được giấc mơ đó thì hàng ngày em phải vượt qua những khó khăn vô cùng lớn khi mang căn bệnh "éo le" này.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Bí thư chi bộ phố Đặng Thai Mai, nơi gia đình em Cẩm Vân đang sống chia sẻ: "Vợ chồng cô Tám có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi có hai người con đều bị bệnh xương thủy tinh. Cả khu phố chúng tôi đều thấu hiểu được nỗi khổ của vợ chồng cô Tám. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của khu phố, hai vợ chồng làm bao nhiêu tiền cũng không đủ chữa bệnh cho hai con. Bà con khu phố cũng thường xuyên qua thăm hỏi chia sẻ những khó khăn".
Thái Bá - Duy Tuyên
Theo dân trí
Dạy con "gu" thẩm mỹ, thời "đương đại"? Kí ức nhắc rằng các cán bộ ngành văn hóa xưa, chưa biết có giỏi không, nhưng thường nhiệt tình, khuấy động. Còn hôm nay mặt trận văn nghệ như tắt lửa lòng: từ các "thày cai", đến các nghệ sĩ nhiều danh hiệu, và cả "quần chúng" phụ huynh nữa, chấp nhận sống chung với cảnh con mình chẳng có gì ra...