Học sinh nói tục, thái độ ngỗ ngược, thầy cô nên làm gì?
Những quy định về kỷ luật tích cực nhằm xây dựng nền giáo dục nhân văn. Song, điều đó không có nghĩa chúng ta thiếu kiên quyết với hành vi vi phạm của học sinh.
Sau một thời gian thực hiện những quy định mới về kỷ luật tích cực, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề này.
Nhiều giáo viên luôn băn khoăn sẽ phải kỷ luật như thế nào nếu học sinh mắc lỗi? Đặc biệt với những hành vi phạm lỗi có tính chất nghiêm trọng thì hướng xử lý ra sao khi thầy cô không được phê bình, không được áp dụng hình thức kỷ luật mạnh?
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) – một trong những người thầy tiên phong tham gia dự án “Hiệu trưởng thay đổi” khẳng định: “Kỷ luật là quá trình giáo dục học sinh, cần phải xây dựng và thống nhất những quy tắc kỷ luật tích cực trong trường học, tránh những hình thức trừng phạt về thân thể hay làm tổn thương tinh thần học sinh”.
Trừng phạt không mang lại hiệu quả giáo dục lâu dài
Theo thầy Đào Chí Mạnh, trừng phạt là hình thức kỷ luật tiêu cực, có thể tác động đến thân thể, tinh thần, cảm xúc của người khác.
Khi áp dụng những cách thức trừng phạt học sinh, mục tiêu của thầy cô là nhằm loại bỏ hoặc chấm dứt những hành vi không mong muốn. Trừng phạt là đưa ra một quyết định làm đối tượng vi phạm cảm thấy khó chịu và kết thúc hành vi của mình, tuy nhiên, nó không có khả năng giúp trẻ thay đổi hành vi về lâu dài.
Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, cần phải tránh những hình thức kỷ luật tác động đến thân thể và làm ảnh hưởng đến tinh thần học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Nếu học sinh nói chuyện trong lớp, không học bài, không làm bài tập, thầy giáo quyết định đuổi em ra khỏi lớp, thậm chí đã từng có tình huống trong thực tế thầy giáo dùng bạo lực với học sinh. Đó chính là trừng phạt, một cách phản ứng phổ biến khi chúng ta cảm thấy thất vọng, tức giận trước hành vi sai phạm của người khác.
Lúc đó, học sinh đang nói chuyện sẽ không nói chuyện nữa, học sinh không làm bài có thể không dám tái phạm lần sau. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi này xuất phát từ nỗi sợ, sợ bị phạt, sợ bị xấu hổ, sợ bị bạo lực. Kỷ luật tiêu cực không góp phần thay đổi nhận thức, không giúp hình thành nhân cách sau này của một đứa trẻ”, thầy Mạnh nêu quan điểm.
Ngược lại, kỷ luật tích cực là những hướng dẫn, chỉ dẫn mang tính tích cực để sử đổi hành vi. Nó giúp học sinh nhận thức về hành vi của mình, nhìn nhận được về tinh thần trách nhiệm của bản thân, cho các em thấy những kỳ vọng với hành vi tích cực. Các em cũng sẽ nhìn thấy được những hệ quả từ những việc làm, hành động của bản thân.
Tương tự với tình huống học sinh không làm bài, giáo viên không nên đánh mắng các em. Hình thức kỷ luật nên được áp dụng là các em phải hoàn thành số lượng bài tập theo quy tắc đã đề ra. Thầy cô hãy giúp các em có nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, hãy để trẻ tự quản lý hành vi của mình thông qua quá trình tự kiểm soát.
Theo thầy Đào Chí Mạnh, kỷ luật tích cực không có nghĩa dung túng, bỏ qua sai lầm của học sinh; quy định không phê bình học sinh trước lớp cũng không đồng nghĩa với việc không xử lý học sinh vi phạm. Điều quan trọng mà thầy cô cần thay đổi đó là phương pháp giáo dục, là cách nhìn nhận vấn đề và biết kiềm chế cảm xúc.
Thiết lập và thống nhất những quy tắc kỷ luật tích cực
Xây dựng những quy tắc, những quy ước áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực trong trường học là việc làm quan trọng đầu tiên. Tương ứng với những hành vi phạm lỗi sẽ có những hình thức xử lý cụ thể.
“Mỗi lớp học, mỗi trường học cần có những quy tắc chung về kỷ luật, những quy tắc này cần phải hướng đến mục tiêu giáo dục, tránh việc tác động đến thân thể, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, tinh thần của học sinh.
Chúng ta không áp dụng những hình thức dùng bạo lực, phê bình trước lớp, gây tổn thương học trò. Giáo viên cần tránh việc đưa ra quyết định theo tình huống mà hãy đưa ra quyết định theo kế hoạch. Những nguyên tắc được thiết lập theo hướng tích cực vẫn đảm bảo tạo nề nếp trong môi trường giáo dục”, thầy Mạnh chia sẻ.
Cần xây dựng và thống nhất những quy tắc về kỷ luật tích cực (Ảnh minh họa: Báo điện tử VTV)
Sau khi hoàn thiện quy tắc này, nhà trường cần phải thông báo rộng rãi đến những đối tượng tham gia vào quá trình kỷ luật, đó là học sinh, thầy cô, cán bộ nhân viên trong trường. Một khi những quy tắc đã được thống nhất, nếu vi phạm, học sinh sẽ chấp nhận hình thức xử lý vi phạm đã được thông báo và đã được quy định từ trước.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thầy Mạnh cũng khẳng định, trong quá trình dạy học, có thể xuất hiện những tình huống học sinh phạm lỗi nằm ngoài những quy tắc đặt ra. Thậm chí học sinh có những hành vi mang tính chất nghiêm trọng thì giáo viên vẫn cần phải bình tĩnh trong việc xử lý tình huống.
“Nếu gặp những hành vi vi phạm vượt qua giới hạn cho phép của một học sinh, ví dụ học sinh nói tục, thái độ ngỗ ngược, giáo viên vẫn cần bình tĩnh để xử lý vấn đề. Bình tĩnh không có nghĩa là nhún nhường và cho phép học sinh tiếp tục hành vi sai lầm. Lúc này, giáo viên nên xử lý vấn đề riêng với đối tượng học sinh vi phạm, tránh để hành vi xấu lan rộng đến những học sinh khác.
Vấn đề giáo dục tích cực trong tình huống này là cần phải biết gắn với hoàn cảnh, xem xét nguyên nhân của sự việc.
Giáo viên cần đặt ra câu hỏi hoàn cảnh gia đình học sinh thế nào, em có vấn đề gì về sức khỏe, bệnh lý hay đang chịu áp lực nào không? Bởi lẽ thông thường, những hành vi thiếu chuẩn mực của học sinh đều chịu sự tác động của hoàn cảnh hoặc những vấn đề trong cuộc sống”, thầy Mạnh cho biết.
Theo đó, giáo viên, trường học cần kết hợp với gia đình để tìm ra hướng giáo dục phù hợp. Thầy cô hãy để các em thấy mình có một trái tim rộng lượng, yêu thương để thay đổi, cảm hóa các em.
Đó cũng là cách chúng ta giáo dục học sinh về lòng biết ơn, giúp các em điều chỉnh để có hành vi tốt và trở thành những công dân tốt.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể có học sinh vi phạm lỗi đặc biệt nghiêm trọng. Tùy vào mức độ vi phạm, việc kỷ luật học sinh sẽ có sự chỉ đạo từ các cấp quản lý.
Cũng theo thầy Đào Chí Mạnh, để thực hiện kỷ luật tích cực thì vai trò của lãnh đạo, quản lý nhà trường là vô cùng quan trọng.
“Thực hiện kỷ luật tích cực không phải chuyện một sớm một chiều, đó hành trình thay đổi những thói quen đã ăn sâu trong nếp nghĩ, lối sống, văn hóa nên cần có thời gian. Thầy cô cần được chia sẻ, cảm thông từ lý luận đến các tình huống thực tiễn.
Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường cần phải hướng dẫn giáo viên trong việc xử lý các tình huống vi phạm của học sinh.
Cần phải tạo điều kiện và tạo động lực để giáo viên thực hiện những nguyên tắc, yêu cầu, quy định mới đó. Phải giúp thầy cô hiểu bản chất của kỷ luật tích cực và những giá trị, mục đích, ý nghĩa mà nó mang lại trong quá trình giáo dục học sinh.
Quan trọng hơn, trên cương vị đứng đầu một trường học, lãnh đạo phải là người giúp giáo viên giảm bớt áp lực, chia sẻ những gánh nặng áp lực và khó khăn cùng giáo viên.
Đồng thời, việc đồng hành cùng các thầy cô để kết nối với phụ huynh là vô cùng quan trọng. Tìm được định hướng, tiếng nói chung giữa nhà trường và gia đình thì việc giáo dục học sinh sẽ đạt được hiệu quả tích cực”, thầy Mạnh chia sẻ.
Giáo viên, phụ huynh còn sùng bái dạy học trực tiếp, dạy trực tuyến sao hiệu quả
Chúng ta xem dạy trực tuyến là giải pháp tình thế, tâm lý e ngại trong triển khai, lúng túng trong quản lý lớp học trực tuyến thì hiệu quả giáo dục khó đạt được.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 10 tỉnh, thành phố vẫn yêu cầu dạy học online cho đến hết tháng 2.
Có thể thấy rằng, mặc dù đã trải qua một năm với nhiều thay đổi, dạy học trực tuyến đã không còn là khái niệm xa lạ trong ngành giáo dục nhưng những khó khăn, thách thức khi triển khai vẫn là vấn đề đặt cho các các thầy cô, các em học sinh, phụ huynh và những nhà quản lý giáo dục.
Về vấn đề này, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: "Trở ngại lớn nhất đối với dạy học trực tuyến chính là tâm lý của giáo viên và phụ huynh hiện nay. Họ e ngại việc dạy và học online, họ đã quen, sùng bái dạy học trực tiếp.
Đa số giáo viên đều xem dạy trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời nên họ không chủ động đổi mới, thiếu sự đầu tư cho phương pháp dạy học này".
Cần nhìn vào những ưu điểm của dạy học trực tuyến
Theo thầy Đào Chí Mạnh, trước những đổi mới của ngành giáo dục nói chung và những đổi mới liên quan đến công nghệ nói riêng, đa số các giáo viên đều có tâm lý ngại thay đổi, luôn cảm thấy khó khăn khi đã quen với những phương pháp dạy học truyền thống.
Rõ ràng, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì dạy học trực tuyến có rất nhiều khó khăn, nhiều áp lực đối với giáo viên. Tuy nhiên, khó khăn nào cũng sẽ có cách vượt qua nếu thầy cô biết nhìn về mục tiêu công việc của mình, cố gắng vì các em học sinh.
Thầy Đào Chí Mạnh cho rằng khó khăn trong dạy học trực tuyến sẽ được tháo gỡ nếu thầy cô nhìn vào mục tiêu giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Thầy cô dạy trực tuyến thường e ngại vì giờ đây lớp học không còn giới hạn trong bốn bức tường mà có thể được nhiều người theo dõi hơn. Những vấn đề về phương pháp dạy, đường truyền internet, cách quản lý lớp học,,.. đều là những áp lực và thách thức với giáo viên.
Trong khi đó, phụ huynh cũng không mấy "mặn mà" với việc cho con em mình học online, họ chỉ tin tưởng vào những lớp học tương tác trực tiếp.
Các trường học đều đồng loạt kích hoạt dạy học trực tuyến nhưng hầu hết đều đang thực hiện theo tình hình thực tế, như cách để hoàn thành nhiệm vụ, tiến độ bài vở hay theo đúng chỉ đạo từ trên nhưng chưa có sự chủ động, đầu tư, đổi mới thực sự", thầy Mạnh cho biết.
Chính vì vậy theo thầy Mạnh, rất ít giáo viên xem đây là cơ hội để mình sáng tạo, đổi mới, tìm hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.
Là người trực tiếp lập kế hoạch dạy học trực tuyến cho Trường Tiểu học Kim Ngọc, thầy Đào Chí Mạnh cho rằng, chúng ta cần nhìn vào những ưu điểm nổi bật, những giá trị mà học trực tuyến mang lại.
Thứ nhất, dạy học trực tuyến giúp nâng cao năng lực tự học cho học sinh, khơi dậy động lực học tập thực sự cho học sinh. Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò trung tâm trong lớp học không phải là người thầy mà là chính các em học sinh.
Thầy cô có thể nêu thông tin nhưng học sinh phải là người tìm tòi, nghiên cứu giải quyết vấn đề. Giáo viên dạy học sinh phương pháp học chứ không đơn thuần là truyền thụ kiến thức.
Dạy học online chính là cơ hội để học sinh phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo. Theo hướng dẫn của giáo viên, với nguồn học liệu phong phú trên internet, học sinh sẽ có được nhiều trải nghiệm học tập mới, tự khám phá và mở mang tri thức. Những ai có năng lực tự học tốt thì sẽ luôn chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống, không chỉ trong học tập mà cả việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Thứ hai, dạy học online còn giúp học sinh, giáo viên rèn luyện sự tự tin và khả năng giao tiếp.
Không phải chỉ có gặp mặt trực tiếp mới hình thành kỹ năng giao tiếp, giao tiếp trên không gian mạng, trước ống kính máy quay cũng là một cách giúp các em trau dồi kỹ năng cho mình.
Các em học sinh và giáo viên học được cách nói chuyện, chia sẻ khi đứng trước ống kính máy quay, khi được nhìn thấy chính mình trong đó. Họ rèn luyện, điều chỉnh từng cử chỉ, hành vi, lời nói của mình.
Thứ ba, dạy học trực tuyến giúp phụ huynh được nhìn chất lượng thực và kết quả thực chất về việc học tập của con.
Thầy Mạnh khẳng định:"Phụ huynh được thấy con mình được học những gì, quá trình học tập ra sao, kết quả như thế nào. Dù kết quả chưa tốt nhưng phụ huynh cần nhìn thẳng vào thực chất, đừng chỉ nhìn điểm số, thành tích đôi khi chỉ là ảo.
Có như vậy, cả phụ huynh và giáo viên mới có định hướng, có những điều chỉnh phù hợp đối với vấn đề học tập của con em mình.
Và trên tất cả, đây chính là cơ hội để giáo viên, học sinh tiếp cận với công nghệ, sáng tạo, đổi mới, là bậc thang để chúng ta thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục".
Không bê nguyên thời khóa biểu dạy trực tiếp vào dạy học online
Dạy học trực tuyến là cả một quá trình tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và phát triển không ngừng. Kế hoạch dạy học online ở mỗi thời điểm cũng sẽ không giống nhau.
Nhà trường cần phải thực hiện từng bước một, học tập, cải tiến về công nghệ, đổi mới về phương pháp và tháo gỡ dần những vướng mắc, khó khăn.
Cách thức triển khai, những phương pháp ứng dụng trong dạy học trực tuyến của năm học trước không thể áp dụng cứng nhắc vào năm học này.
Đó là quan điểm của thầy Đào Chí Mạnh về vấn đề sáng tạo, đổi mới trong dạy học online.
Kế hoạch dạy học online, phân chia khung giờ lịch học trực tuyến cần phải hợp lý (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Nói về những vấn đề còn tồn tại dẫn đến hiệu quả dạy học trực tuyến còn thấp, thầy Đào Chí Mạnh thẳng thắn cho biết:
"Có nhiều trường học đang bê nguyên thời khóa biểu, lịch học khi học sinh còn đến trường vào áp dụng cho lớp học online. Điều này là bất hợp lý.
Một buổi có 4 tiết học, mỗi tiết học từ 35 - 45 phút, nếu chúng ta bắt học sinh ngồi trước máy tính suốt nhiều giờ đồng hồ để tiếp nhận kiến thức là một sự đánh đố, học sinh không thể học tập theo cách đó, điều này vừa ảnh hưởng đến tâm lý, vừa ảnh hưởng tới thị lực, sức khỏe của các em".
Để chuẩn bị dạy trực tuyến, thầy cô Trường Tiểu học Kim Ngọc đã cùng kết nối để xây dựng những video dạy học cho học sinh.
Giáo viên từng tổ, nhóm hỗ trợ nhau, mỗi người có một thế mạnh sẽ đảm nhận một nhiệm vụ, ví dụ như lên hình, làm Powerpoint, ứng dụng các công cụ, phần mềm công nghệ để thiết kế bài giảng,...
Sản phẩm video ngắn với các bài học nội dung mới mẻ, sáng tạo sẽ là sản phẩm dùng chung để học sinh học trực tuyến, điều này giúp giảm bớt gánh nặng áp lực cho giáo viên, học sinh lại được học tập tiện ích, dễ dàng.
Khi đã có những sản phẩm video, nhà trường sẽ tổ chức những lớp học trực tuyến trên nền tảng các ứng dụng công nghệ với sự phân bố thời gian hợp lý hơn, rút ngắn và giảm áp lực cho học sinh.
Đây chính là cơ hội để giáo viên và học sinh tương tác với nhau, học sinh chia sẻ về những giải pháp cho vấn đề, cách giải quyết những bài tập.
Học sinh được rèn luyện năng lực, tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình, trình bày vấn đề.
Dạy học trực tuyến cần phải đảm bảo được mục tiêu kép là giúp học sinh được học tập trong điều kiện an toàn nhưng vẫn đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Cũng theo thầy Đào Chí Mạnh, những cán bộ quản lý, người đứng đầu trường học cần phải tiên phong trong tư duy đổi mới, sáng tạo về dạy học trực tuyến.
"Lãnh đạo trường không phải chỉ giao việc cho giáo viên là xong. Để dạy học trực tuyến hiệu quả, nhà trường cần hỗ trợ, tạo điều kiện và tạo động lực cho giáo viên.
Trường chúng tôi kết nối tất cả giáo viên, nêu phương án, chia sẻ lý do, tạo niềm tin, truyền động lực cho mỗi giáo viên cùng cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời nhà trường cũng tiếp thu những ý kiến đổi mới, ý nghĩa của các giáo viên".
Hiện nay, có rất nhiều công cụ, phần mềm dạy học trực tuyến, việc kết hợp, chọn lọc những phần mềm này cũng vô cùng quan trọng.
Thầy Mạnh cho biết: "Từ dạy học, đánh giá, kiểm tra trực tuyến đều có thể thực hiện qua những phần mềm hỗ trợ khác nhau.
Ví dụ như học trực tuyến trên Vioedu (vio.edu.vn) cũng là một lựa chọn thú vị - một nền tảng dạy học với nhiều phần đa dạng, từ học tập, kiểm tra, đánh giá. Mặc dù ở đây chỉ mới có dữ liệu học tập môn toán nhưng trên cơ sở đó, các trường có thể xây dựng thêm dữ liệu cho các môn học khác nhau".
Theo kế hoạch dạy học trực tuyến mà thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ, nhà trường sẽ triển khai các hoạt động bổ trợ trong thời gian học trực tuyến, đó là hoạt động thể dục thể thao tại nhà và hoạt động thuyết trình. Đây vừa là cách để các em học sinh giải tỏa áp lực tâm lý, vừa là cơ hội để các em chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng trong thời gian học tập online.
Bên cạnh đó, thầy Đào Chí Mạnh cũng đề cao vai trò của phụ huynh trong dạy học trực tuyến, đặc biệt là với các em học sinh tiểu học. Nhà trường cần có sự kết nối với phụ huynh. Giáo viên tham gia giảng dạy, nhà trường thực hiện nhiệm vụ đánh giá và phụ huynh là người hỗ trợ quá trình học tập của các em.
Học trò luôn cần tình yêu thương và sự chân thành Kỷ luật tích cực không tước đi quyền của giáo viên mà là hướng tới việc xây dựng nền văn hóa ứng xử thân thiện, tôn trọng trong trường học. Lớp học hạnh phúc và rộng hơn là ngôi trường hạnh phúc đang trở thành một trong những mục tiêu chính của giáo dục hiện nay. Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo...