Học sinh nghỉ học do dịch Covid-19: Thi THPT quốc gia hay xét tốt nghiệp?
Ý kiến nếu học sinh phải nghỉ học nhiều do dịch Covid-19 thì cần tính đến việc dừng thi THPT quốc gia năm nay, thay bằng xét tốt nghiệp liệu có khả thi?
Học sinh lớp 12 ở Cần Thơ đến trường với khẩu trang để phòng dịch Covid-19 – Ngọc Dương
Báo Thanh Niên đã nhận được nhiều ý kiến phân tích khác nhau từ các chuyên gia, nhà giáo dục, phụ huynh và cả học sinh chung quanh đề xuất này. Trong đó nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT cần dự tính các phương án trong tình huống xấu nhất dịch Covid-19 kéo dài.
Xét tốt nghiệp liệu có đủ điều kiện vào đại học ?
Ông Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), cho rằng phương án xét tốt nghiệp có tính khả thi vì thực sự với thời gian nghỉ kéo dài như hiện nay, giãn cách giữa 2 học kỳ nhiều, việc ôn tập để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ đến là với tâm lý lo lắng vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng tác động tinh thần của các học sinh (HS). Hiện nay Bộ GD-ĐT phải luôn dựa theo, trông đợi vào những ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh để kịp thời thay đổi khung kế hoạch chương trình năm học và thời gian tổ chức thi. Liệu thời gian tới, có chắc chắn sẽ không thay đổi nữa không?
Theo ông Thịnh, việc xét tốt nghiệp về bản chất vẫn đánh giá đúng năng lực học tập của HS vì kết quả học tập được nhìn nhận là một quá trình chứ không chỉ qua một kỳ thi. Ngoài ra, nếu dịch bệnh còn kéo dài thì việc hạn chế tập trung đông người như hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi. Việc HS dùng kết quả THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng hợp lý vì hiện nay các trường đều có những phương thức tuyển sinh riêng.
Nguyễn Mỹ Hương, HS lớp 12D2 Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), chia sẻ: “Với tình hình dịch bệnh có chiều hướng tăng lên như hiện nay thì việc nghỉ học có thể kéo dài. Chính vì vậy, dù thời gian kết thúc năm học sẽ được giãn ra thì HS cũng không thể tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn được”.
Mỹ Hương cho rằng trong trường hợp đó nên chọn cách xét tuyển. Điều này sẽ có lợi đối với những bạn đã cố gắng trong suốt quá trình học tập, không chủ quan lơ là các môn phụ, không chỉ cố gắng thi tốt vào kỳ thi cuối cùng mà phấn đấu trong suốt chặng đường THPT và không phải bạn nào cũng có thể làm được như vậy. “Vì thế mà việc xét tuyển sẽ sàng lọc được các cá nhân đã học tập chăm chỉ để hoàn thiện tốt tất cả các môn học kể cả hoạt động phong trào chứ không có ý nghĩa là chọn ngẫu nhiên hay tùy ý theo cảm tính”, Mỹ Hương nhận định.
Còn ông Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng nếu được thì việc xét tốt nghiệp trong hoàn cảnh hiện tại là phương án tốt nhất. Tuy nhiên, khi xét rồi thì HS vẫn phải tham gia kỳ thi tuyển sinh bởi những trường ĐH tốp đầu chắc chắn sẽ không thể thực hiện xét học bạ đơn thuần.
Tương tự, ông Nguyễn Dũng, phụ huynh HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), bày tỏ quan điểm vấn đề là thời gian năm học, phải đảm bảo đủ kiến thức cho HS. Mặc dù hiện nay nhiều trường ĐH đã có nhiều phương án tuyển sinh, nhưng dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Nếu chỉ xét tốt nghiệp, các trường ĐH sẽ bị động trong công tác tuyển sinh của mình.
Không thi THPT quốc gia sẽ tác động trường đại học ra sao?
Video đang HOT
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng đến thời điểm hiện nay dù Việt Nam mới ghi nhận hơn 50 ca bệnh nhiễm Covid-19 nhưng HS cả nước phải nghỉ học hơn 2 tháng, lùi thời gian tổ chức kỳ thi lần thứ 2. Diễn biến dịch nếu không tiếp tục phức tạp, HS trở lại trường vào đầu tháng 4 thì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8 vẫn có thể diễn ra. Nhưng nếu dịch phức tạp kéo dài hơn nữa thì sự tồn tại của kỳ thi này và các phương án khác thay thế cần được tính đến.
“Do vậy việc có hay không có kỳ thi THPT quốc gia sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cần dự tính đến các phương án trong tình huống xấu nhất dịch bệnh kéo dài”, tiến sĩ Nghĩa nhìn nhận.
Dưới góc nhìn chuyên gia, theo tiến sĩ Nghĩa, đặt giả thuyết nếu dịch bệnh phức tạp không thể tổ chức kỳ thi, cần tính đến việc công nhận để xét tốt nghiệp khối lượng kiến thức HS được học qua truyền hình hoặc internet. Ngay cả khi HS có đi học và kỳ thi có diễn ra, cũng nên tính đến việc công nhận kiến thức học từ xa để giảm tải chương trình học.
Về kết quả kỳ thi này, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, sẽ có tác động khác nhau tới việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Trong đó, về xét tốt nghiệp, ông Nghĩa nói: “Qua số liệu các năm cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét thì tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy dù không có kỳ thi này thì hầu hết HS đã tốt nghiệp”.
Theo ông Nghĩa, thống kê số liệu xét tuyển ĐH các năm vừa qua cho thấy nguồn tuyển từ kỳ thi này chủ yếu tác động tới khoảng 100 trường ĐH lớn. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của các trường lớn, và các trường này tuyển sinh theo phương thức nào khi không có nguồn tuyển từ đây sẽ là vấn đề lớn.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng kỳ thi THPT quốc gia có ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh các trường ĐH. Theo ông Hạ, các phương thức tuyển sinh dự kiến đã công bố, hầu hết các trường đều xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này. Do đó, cần tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và dù tổ chức muộn hơn mọi năm các trường vẫn đợi để xét tuyển. “Tất nhiên, kỳ thi này cần có cách thức tổ chức để phù hợp với thực tế việc nghỉ học kéo dài của HS phòng tránh dịch bệnh”, tiến sĩ Hạ nhấn mạnh.
Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia có trái luật Giáo dục ?
Nếu dừng thi THPT quốc gia thì HS lớp 12 không thể được cấp bằng tốt nghiệp THPT mà chỉ có thể được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật (trích điều 34 luật Giáo dục năm 2019). Tất nhiên, giấy chứng nhận này không thể được sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Do vậy, chúng ta cần tính tới phương án khác: Một là, tiếp tục lùi lịch thi THPT quốc gia cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh và lứa thí sinh này sẽ nhập học ĐH, CĐ trễ hơn so với thông lệ. Các trường này hoàn toàn có quyền chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong tình huống này.
Còn nếu không tổ chức thi THPT quốc gia nhưng vẫn cấp bằng tốt nghiệp THPT cho HS thì phải sửa luật Giáo dục ngay trong kỳ họp Quốc hội đầu năm 2020 (thông thường diễn ra vào tháng 4 – 5 hằng năm). Theo đó, luật cần bổ sung phương thức xét công nhận tốt nghiệp để cấp bằng tốt nghiệp THPT. Đây vừa là thách thức song cũng là cơ hội hoàn thiện thể chế giáo dục để ứng phó một cách bài bản và có hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp của quốc gia như dịch bệnh, thiên tai, địch họa…
Thạc sĩ Lưu Đức Quang – (Giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM)
Theo thanhnien.vn
Sau kỳ nghỉ dài tránh dịch Covid-19: Chuẩn bị gì cho kỳ thi THPT quốc gia?
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2020 có những thay đổi quan trọng nào, thí sinh có nên xét tuyển cùng lúc bằng nhiều phương thức, cách chọn tổ hợp môn... là rất nhiều thắc mắc của học sinh lớp 12 khi đi học trở lại sau kỳ nghỉ tránh dịch Covid-19.
Đào Ngọc Thạch
Những thắc mắc trên đã được các chuyên gia giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề "Những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2020", do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua 4.3. Chương trình trực tuyến trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Cần lưu ý mốc thời gian thi và xét tuyển
Có mặt tại chương trình tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 là kỳ thi cuối cùng thực hiện theo luật Giáo dục hiện hành, nên về cơ bản sẽ giữ ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh 2 mốc thời gian quan trọng mà các em cần lưu ý.
Đó là năm học sẽ được kết thúc trước 30.6 thay vì tháng 5 như những năm trước, và lịch thi THPT quốc gia vào ngày 23 - 24 - 25 - 26.7, dời 1 tháng so với kế hoạch trước đây. Kéo theo đó, lịch nộp hồ sơ, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển nguyện vọng các đợt... chắc chắn sẽ thay đổi. Vì thế, các em cần theo dõi sát thông tin trên website của Bộ GD-ĐT, trên các phương tiện truyền thông và website của các trường".
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, năm 2020, phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực sẽ nổi trội hơn các năm trước. "Năm nay, phương thức xét điểm thi THPT quốc gia vẫn chiếm chủ yếu, dự kiến 70% (trên 600.000 thí sinh) tham gia và gần như tất cả các trường ĐH (khoảng 230 trường) dùng phương thức này.
Phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT ước tính có khoảng 200.000 lượt học sinh đăng ký, số đơn vị áp dụng năm nay cũng tăng hơn, khoảng 120 trường ĐH. Riêng phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay có tới 20 trường tổ chức kỳ thi này. Năm nay, đợt 1 có khoảng 40.000 thí sinh đăng ký và có 60 trường ĐH dùng chung kết quả kỳ thi này. Đây là phương thức được sử dụng nổi trội so với năm 2019", tiến sĩ Nghĩa thông tin thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho hay kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức dự kiến vào ngày 9.8, với bài thi trắc nghiệm tổng hợp bao gồm nhiều kiến thức khác nhau về toán học, lịch sử, ngoại ngữ, khoa học xã hội..., thời lượng 60 - 75 phút.
"Năm 2020, trường có 4 phương thức xét tuyển. Ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, kết quả học bạ năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, trường còn xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức", thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM năm nay cũng xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, bên cạnh các phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn và xét điểm trung bình 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Chọn ngành và tổ hợp môn để có cơ hội trúng tuyển cao nhất
Nhiều thí sinh theo dõi chương trình tư vấn trực tuyến rất quan tâm tới việc chọn ngành, phương thức và tổ hợp môn xét tuyển để có cơ hội đậu ĐH cao nhất. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra lời khuyên, về mặt quy chế thì thí sinh có thể tham gia tất cả các phương thức xét tuyển.
Tuy nhiên, nếu trúng tuyển bằng phương thức học bạ và đã đến trường nhập học trước ngày điều chỉnh nguyện vọng xét theo điểm thi THPT quốc gia thì lúc này thí sinh không còn quyền xét tuyển bằng phương thức dùng điểm thi THPT quốc gia.
Theo tiến sĩ Nghĩa, việc chọn tổ hợp môn, bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội liên quan mật thiết tới việc ngành học của trường ĐH mình đăng ký có sử dụng tổ hợp môn nào để xét tuyển.
Tư vấn truyền hình trực tuyến: Chọn ngành tương lai với khối ngành kỹ thuật và năng khiếu
Hôm nay 5.3, Báo Thanh Niên tiếp tục tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề "Chọn ngành học tương lai với khối ngành kỹ thuật - kiến trúc - thiết kế - mỹ thuật". Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Tham dự chương trình, chuyên gia đến từ các trường ĐH Việt Đức, Văn Lang, Hoa Sen, Duy Tân, Nguyễn Tất Thành, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, CĐ Việt Mỹ.
Bảo Hân
Vào thời điểm này, học sinh lớp 12 vừa bắt đầu đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài tránh dịch Covid-19 và đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng dịch Covid-19 thời gian qua ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý của học sinh.
"Để vượt qua được sức ì do nghỉ quá lâu, các em nên thường xuyên lập kế hoạch học tập và kiên quyết, kiên trì thực hiện kế hoạch đã đề ra mới có thể có được kết quả như mong muốn. Chọn ngành học, tổ hợp môn, phương thức xét tuyển như thế nào thì ngay từ bây giờ, các em cần dành thời gian tìm hiểu thông tin về ngành nghề, điểm chuẩn các năm trước, các phương thức tuyển sinh... của các trường để có cơ sở đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân", tiến sĩ Trí đưa ra lời khuyên.
Theo Thanh niên
Dịch Covid-19, trường đại học thay đổi lịch tuyển sinh Các trường đại học dự kiến lùi thời gian thực hiện kế hoạch tuyển sinh của trường mình cho phù hợp thời gian kết thúc năm học và kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Các thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường ĐH tại TP.HCM năm 2019 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Việc lùi thời gian này áp dụng với...