Học sinh lớp 12 chạy đua với thời gian
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, học sinh lớp 12 sẽ bắt đầu kiểm tra cuối kỳ. Do nghỉ dài vì dịch Covid-19, nhiều học sinh cho biết đang dốc toàn lực cho việc học và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Học sinh lớp 12 đang gấp rút hoàn thành chương trình, chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ 2 – ẢNH: NGUYỄN LOAN
Vừa dạy vừa ôn tập theo chủ đề
Ông Hoàng Gia Thành, Hiệu phó Trường THCS & THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết việc học với khối 12 đang đi vào giai đoạn nước rút nên khá căng thẳng. Hiện các em vẫn đang học theo chương trình và chuẩn bị bước vào giai đoạn thi học kỳ, bắt đầu từ giữa tháng này. Sau khi hoàn tất chương trình tất cả các môn, học sinh (HS) lớp 12 mới bắt đầu vào ôn tập. Trường sẽ ôn theo từng chủ đề cho HS theo từng nhóm khối, để các em làm quen với đề thi.
“Chúng tôi không dồn các em học nhanh để hoàn thành sớm chương trình mà thay vào đó dạy theo phương pháp học tới đâu chắc tới đó – nghĩa là cứ học tới đâu thì luyện tập tới đó. Ví dụ, buổi sáng các em học theo chương trình, đến buổi chiều giáo viên sẽ ôn tập luôn và giao thêm bài tập để các em rèn luyện kỹ năng”, ông Thành nói.
Tương tự ở các trường khác như Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3)…, HS cũng đang bước vào giai đoạn học ôn để chuẩn bị thi học kỳ. Dự kiến đến cuối tháng 6, các trường sẽ hoàn tất chương trình và chuyển sang ôn tập.
Ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, tổ chức cho giáo viên soạn chủ đề tích hợp, vừa kiểm tra, vừa ôn thi THPT trong thời gian từ nay đến cuối tháng 7. Nhà trường cũng thống nhất HS thực hiện kiểm tra học kỳ tập trung 9 môn thi bắt đầu từ ngày 15.6 trở đi, trong đó mỗi môn thi trắc nghiệm có 4 mã đề.
Vị hiệu trưởng này cho hay các câu hỏi trong đề kiểm tra biên soạn theo định hướng thi tốt nghiệp THPT, kiểm tra kiến thức, năng lực, kỹ năng đáp ứng kỳ thi chứ không đánh đố, gây khó quá mức khiến HS lo sợ, gây tác dụng ngược.
Học ôn theo từng giai đoạn
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết trường xây dựng kế hoạch học tập của HS lớp 12 theo giai đoạn với lộ trình cụ thể áp dụng qua từng tháng. Bước vào tháng 6, hằng ngày HS học theo thời khóa biểu chính khóa, hoàn tất kiến thức mà Bộ đã giảm tải. Sau đó, vào mỗi buổi tối từ 19 – 20 giờ 30 từ thứ hai đến thứ bảy, HS lần lượt học theo đơn vị lớp trên phần mềm học trực tuyến dùng chung trong toàn trường. Việc học trên phần mềm nhằm mục đích ôn tập, củng cố kiến thức các môn thi bắt buộc và bài thi tự chọn. Từ việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm của HS sẽ giúp giáo viên đánh giá sự chuẩn bị kiến thức của từng HS để có sự hỗ trợ kịp thời.
Cũng trong tháng 6, mỗi giáo viên sẽ thực hiện 2 đề kiểm tra theo định hướng học đến đâu kiểm tra đến đó. Ban giám hiệu cùng tổ trưởng bộ môn căn cứ vào cơ sở đó biên soạn mỗi môn có 2 đề kiểm tra chính thức và dự phòng. HS lớp 12 sẽ thực hiện các bài kiểm tra học kỳ 2 tập trung theo số báo danh tương tự thi tốt nghiệp THPT để tập làm quen với không khí thi cử.
Đến tháng 7, kết thúc thời khóa biểu trực tuyến buổi tối, nhà trường chuyển sang giai đoạn tăng tốc. Theo đó, HS sẽ thực hiện bài kiểm tra nhanh ngay sau mỗi ngày học. Việc làm này, theo ông Thạch sẽ giúp HS nắm kiến thức theo kiểu vững chắc để chuyển sang nội dung khác. Như vậy sẽ không bị mất thời gian của học trò. Ông Thạch cũng nhìn nhận do đã giảm tải nên HS không gặp áp lực về kiến thức nhưng gặp những áp lực về thời gian khi phải cùng hoàn tất các công việc trong khoảng thời gian ngắn.
Video đang HOT
Là trường dạy một buổi nên ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết trên lớp giáo viên vừa dạy để hoàn tất kiến thức vừa kết hợp củng cố những kiến thức liên quan để chạy đua với thời gian. Còn lại, giáo viên tăng cường, khuyến khích HS tự học tại nhà bằng những bài tập, tham khảo các nguồn tài liệu đã được thẩm định.
Ông Khoa nói thêm, để làm tốt bài thi trắc nghiệm thì không chỉ đảm bảo kiến thức mà còn rèn kỹ năng thuần thục, nhuần nhuyễn, phản xạ nhanh nên thời gian này nhà trường họp tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy, dành thời gian cho HS làm bài tập theo định hướng của kỳ thi, nhưng tránh tạo áp lực mà phải tạo động lực, sự hứng khởi cho HS.
Hoàn tất kiểm tra học kỳ 2 đến ngày 30.6
Đối với việc kiểm tra học kỳ 2, căn cứ vào quá trình thực hiện kế hoạch dạy học, Sở GD-ĐT TP.HCM giao quyền chủ động thời gian, hình thức tổ chức cho các trường, sao cho hoàn tất vào ngày 30.6. Đẩy mạnh các hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức vấn đáp, phỏng vấn, kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình… Nhà trường sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập trực tuyến của HS quy đổi thành kết quả thường xuyên.
Được biết, theo kế hoạch thực hiện năm học của TP.HCM, các trường hoàn thành chương trình giáo dục trước ngày 11.7 và kết thúc năm học trước ngày 15.7.
Thi tốt nghiệp THPT: Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia Ban chỉ đạo thi
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh những thay đổi, bổ sung trong công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cán bộ trường ĐH làm thanh tra có "cắm chốt" ở địa phương?
Ba cấp thanh tra trong một kỳ thi
Chính phủ đã giao chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương mình và giao Bộ GD-ĐT phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ có sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Cường - Ảnh: Vũ Hồng
Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có sự hiện diện thanh tra, kiểm tra của 3 cấp: bộ, tỉnh, sở; thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các hội đồng thi, điểm thi, phòng thi... của địa phương.
Năm nay, Bộ chỉ đạo và yêu cầu tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường, theo nguyên tắc: xác định rõ trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi đối với bộ, UBND cấp tỉnh, sở GD-ĐT (về hình thức, đối tượng, nội dung, thành phần tham gia, tập huấn để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra); việc thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo thiết thực, hiệu quả và khả thi.
Mặc dù kỳ thi năm nay sẽ không huy động cán bộ, giảng viên trường đại học (ĐH) tham gia coi thi, chấm thi, chấm thi trắc nghiệm nhưng Bộ dự kiến sẽ chỉ đạo và huy động một lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác coi thi do thanh tra sở, thanh tra bộ trưng tập.
Như vậy, kỳ thi năm nay, lực lượng cán bộ trường ĐH không tham gia vào khâu coi thi, chấm thi nhưng sẽ được điều động vào khâu thanh tra thi với tư cách là thanh tra của Bộ GD-ĐT. Điều này được hiểu như thế nào, thưa ông?
Mặc dù năm nay các cán bộ, giảng viên ĐH không còn tham gia vào khâu coi thi, chấm thi nhưng để đảm bảo tính khách quan, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ dự kiến sẽ huy động lực lượng cán bộ giảng viên tham gia thanh tra, kiểm tra. Theo phương án dự kiến hiện nay, chúng tôi sẽ huy động lực lượng giảng viên ĐH tham gia các đoàn thanh tra ở 2 nhóm khác nhau: một số tham gia các đoàn thanh, kiểm tra của Bộ; một số tham gia các đoàn thanh, kiểm tra của địa phương.
Việc huy động cán bộ, giảng viên tham gia các đoàn thanh tra phải đảm bảo đúng các quy định pháp luật về thanh tra. Các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác coi thi của sở giúp các địa phương tăng cường lực lượng thanh tra tại các điểm thi, tăng tính khách quan trong hoạt động thanh tra, và chỉ ở khâu coi thi.
Các đoàn thanh tra của Bộ sẽ tham gia cả 2 khâu coi thi và chấm thi để tăng cường lực lượng của Bộ nếu phải tổ chức thanh tra, kiểm tra trực tiếp trong suốt thời gian tổ chức coi thi, chấm thi của địa phương.
Có ý kiến đề xuất, nếu cán bộ các trường ĐH không tham gia vào khâu coi thi chấm thi thì khi tham gia khâu thanh tra thi không nên chỉ đến nghe báo cáo hoặc giám sát trong thời gian ngắn. Thay vào đó, cần có lực lượng này "cắm chốt" thanh tra ở địa phương. Bộ có tính đến việc này không, thưa ông?
Việc huy động, chỉ đạo cán bộ, giảng viên tham gia thanh tra, kiểm tra thực hiện các khâu trong kỳ thi, tôi khẳng định không có chuyện chỉ đến nghe báo cáo. Họ được giao thực hiện các chức trách của người làm công tác thanh tra, kiểm tra, trực tiếp một số khâu của kỳ thi.
Các cán bộ, giảng viên ĐH thực hiện nhiệm vụ cụ thể gì, chúng tôi đang báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi của Bộ. Chúng tôi cũng xây dựng phương án để công tác thanh tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thanh tra: tránh trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước; đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Khi nào được phê duyệt, chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí.
Đối với cán bộ, giảng viên ĐH do Bộ trưng tập sẽ tham gia đoàn thanh tra của Bộ, còn hoạt động của đoàn thanh tra thì phải tuân theo quy định của pháp luật về thanh tra. Do đó, sau khi kết luận thanh tra được công khai mới có thể thông báo cho báo chí biết được nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.
Học sinh lớp 12 ráo riết học và ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra trong tháng 8 - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đại diện Thanh tra Chính phủ tham gia ban chỉ đạo thi cấp quốc gia
Ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, của Sở GD-ĐT, năm nay dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT có bổ sung lực lượng thanh tra của UBND cấp tỉnh. Vậy hướng dẫn công tác thanh tra làm thế nào để tránh tình trạng chồng chéo trong công tác này, thưa ông?
Sau khi Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi ở 3 cấp đảm bảo tránh trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Việc thanh tra, kiểm tra bảo đảm tránh chồng chéo, đồng thời không để buông lỏng ở các khâu của kỳ thi. Mỗi cấp bộ, sở, tỉnh có phạm vi thanh tra, kiểm tra khác nhau: phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra của Bộ là công tác chỉ đạo và tổ chức kỳ thi của các sở GD-ĐT; phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra của thanh tra tỉnh là công tác tổ chức kỳ thi của cấp tỉnh; phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra của sở là công tác chuẩn bị thi của sở, công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi, công tác xét công nhận tốt nghiệp của sở.
Thanh tra do Bộ GD-ĐT ủy quyền trong kỳ thi năm 2018 từng tự ý bỏ nhiệm vụ được giao, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong kỳ thi này ở Hà Giang. Năm nay, khi điều động cán bộ trường ĐH làm công tác thanh tra, Bộ GD-ĐT sẽ có những lưu ý gì để tránh tình trạng này lặp lại?
Thứ nhất, về lựa chọn cán bộ, giảng viên, tại hội nghị tuyển sinh ĐH năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quán triệt và yêu cầu cơ sở giáo dục ĐH cử các cán bộ, giảng viên tham gia và hỗ trợ hiệu quả...
Thứ hai, về công tác tập huấn, chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi. Theo đó, có mấy vấn đề cần quan tâm trong năm nay, đó là việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi, cách thức tập huấn, tài liệu tập huấn. Công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi được thực hiện bằng tài liệu điện tử (infographic và video), có các bài kiểm tra cho nội dung tập huấn, có sổ tay nghiệp vụ thanh tra thi dùng cho thành viên tham gia đoàn thanh tra. Chỉ những cán bộ, công chức, viên chức đạt yêu cầu qua các bài kiểm tra mới tham gia các đoàn thanh, kiểm tra.
Các cán bộ, giảng viên ĐH được nghiên cứu học tập, tập huấn qua 2 bước: tại cơ sở giáo dục ĐH và tại địa phương nơi được huy động đến làm công tác thanh tra, kiểm tra.
Thứ ba, quan trọng hơn cả là ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống, đặc biệt là của lãnh đạo Sở GD-ĐT và các đoàn thanh tra của sở... Trong thời gian tới, Bộ sẽ làm việc cụ thể với các địa phương, trường ĐH để thống nhất cách thức phối hợp và xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên tham gia trong công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi; đặc biệt là trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, giảng viên tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Dự kiến kỳ thi năm nay, Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia vào Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ có điểm mới là sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh. Thanh tra cấp tỉnh theo quy định của luật Thanh tra sẽ hoạt động theo hướng dẫn và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.
Để làm tốt việc này, Thanh tra Chính phủ sẽ cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Thanh tra Bộ GD-ĐT tham mưu lãnh đạo Bộ GD-ĐT để có sự hướng dẫn chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.
Lưu ý ôn tập môn Lịch sử với nguyên tắc 5 điều nên và không nên Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM đã có những lưu ý giúp học sinh lớp 12 ôn tập tốt môn Lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du giảng dạy trong một chuyên đề Lịch sử Các em nên Học có kế hoạch: Chương...