Học sinh làm văn tả bà và mẹ giống hệt nhau vì theo mẫu
Để chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu, nhiều giáo viên cho rằng giải pháp tốt nhất là đổi mới đề thi và cách chấm thi ở các cấp học.
Nói về tình trạng học văn mẫu, với kinh nghiệm trong nhiều năm giảng dạy, cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ Văn trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết chấm dứt tình trạng học theo văn mẫu, tuy khá muộn màng nhưng là điều đúng đắn và đáng hoan nghênh.
“Bao nhiêu năm qua, trẻ con đã lệ thuộc quá nhiều vào văn mẫu. Khi được ra đề bài tả cô giáo, tả bà, tả mẹ, một loạt học sinh tiểu học gần như đều có một bài làm giống hệt nhau. Hoặc khi cô giáo yêu cầu làm văn kể về một việc tốt của bản thân, bỗng nhiên việc một cụ bà được dắt qua đường lại xuất hiện trong hầu hết bài làm, dẫu có em chưa bao giờ thực hiện công việc này”, cô Thái Lê nói.
Hạn chế việc sử dụng văn mẫu ở các cấp học có thể xem là dấu hiệu ban đầu của việc cải cách giáo dục thiết thực. Ảnh minh họa: H.A.
“20 năm một kiểu phân tích bài thơ Sóng”
Chia sẻ với Zing , cô Phạm Thái Lê cho biết cách ra đề và chấm thi môn Ngữ Văn ở các cấp học là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lạm dụng văn mẫu. Người ra đề được quyết định những gì học sinh viết và không muốn thoát khỏi “khung mẫu chung” để tìm bài viết sáng tạo; vì lo sợ hiện tượng chấm vênh khi học sinh đi các ngã rẽ riêng thể hiện ý kiến của mình.
“20 năm trước phân tích bài thơ ‘Sóng’ như thế nào thì 20 năm sau cũng ngần nấy chữ nghĩa, vậy sáng tạo ở đâu? Vẫn còn ngữ liệu ở trong sách giáo khoa, vẫn còn quỹ điểm là phân tích tác phẩm văn học chiếm 50% điểm số bài thi thì học sinh sẽ không được sáng tạo, người dạy cũng không thể dạy theo kiểu mở để trò có thể vận dụng và tư duy”, cô Lê nói.
Cũng theo cô Lê, cách ra đề và chấm thi hiện tại đang là môi trường dung dưỡng khiến giáo viên, học sinh “tự nguyện” theo con đường sử dụng văn mẫu.
Thầy Trịnh Đình Chung, giáo viên môn Ngữ Văn, THPT chuyên Quang Trung, cho biết do tình hình dịch Covid-19 nên mức độ đề thi hai năm vừa qua đã “dễ thở” hơn. Các nội dung này đều có sẵn trên mạng, vì vậy, học sinh lựa chọn học theo văn mẫu và khi đi thi sẽ làm một bài văn “xơ cứng” trả lại kiến thức đã học và đọc trên mạng.
“Đề thi Ngữ Văn ở các 2007 trở về trước hay và đặc sắc do mỗi trường đại học ra một đề khác nhau. Thầy cô không dạy theo khuôn mẫu, chỉ chọn những gì hay nhất trong tác phẩm để học sinh khai thác và sáng tạo nhiều hơn. Cách ra đề hiện nay đã khiến giáo viên khó dạy sáng tạo, chỉ có thể làm sao để học sinh đạt được điểm cao nhất trong các kỳ thi”, thầy Chung nói.
Văn mẫu không sai, sai ở cách sử dụng
Để hạn chế sử dụng văn mẫu trong dạy và học, theo thầy Chung phải bắt đầu từ việc đổi mới liên tục đề thi các năm.
Video đang HOT
“Đề thi theo hình thức cũ thì đã ‘có sẵn’ mọi thứ rồi, học sinh cứ thế sử dụng và không muốn khai thác thêm. Nếu đề không đổi mới thì không bao giờ chấm dứt được tình trạng văn mẫu. Đề thi phải đổi mới liên tục, khi đổi mới một lần rồi thôi, từ 2 đến 3 năm, chúng ta lại thấy những bài văn mẫu ứng với dạng đề này trên mạng”, thầy Chung nói.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021. Ảnh minh họa: C.H.
Thầy Chung đề xuất, để đổi mới đề thi Ngữ văn, Bộ GD&ĐT có thể xem xét, sử dụng những tác phẩm ngoài chương trình tương đương với nội dung, thể loại học sinh được học trên lớp để ra đề. Điều này sẽ hạn chế được việc học văn mẫu, vì các nội dung không có trên mạng.
Đối với thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), văn mẫu không sai, sai ở cách sử dụng văn mẫu của giáo viên và học sinh.
“Văn mẫu có thể xem là những bài văn hay, mẫu mực được giáo viên hướng dẫn cho học sinh để tìm hiểu về các kỹ năng làm bài, cách thức sử dụng câu từ, ý tưởng triển khai bài viết… Nếu cứ hô hào sáng tạo thì học sinh biết viết như thế nào, vì vậy văn mẫu là cần thiết đối với học sinh, là những tiêu chuẩn để các em noi theo. Tuy nhiên, việc các em lệ thuộc vào văn mẫu thì phải xem lại cách sử dụng”, thầy Hùng nói.
Đối với cách dạy học của giáo viên, theo thầy Hùng việc cần làm là phải ra đề kiểm tra sáng tạo, cho phép học sinh thể hiện cái tôi cá nhân. Giáo viên cần phân tích rõ cho học sinh về chuẩn mực của bài văn là mang dấu ấn cá nhân trong ngôn từ và suy nghĩ của người viết, không phải là bài văn mẫu trong sách tham khảo hoặc trên mạng. Điều này sẽ giúp học sinh nhận ra vai trò của văn mẫu chỉ là công cụ tham khảo.
Cô Phạm Thái Lê mong muốn giáo viên loại bỏ “giáo án mẫu” để cải thiện việc học văn của học sinh.
“Người dạy chỉ cần cung cấp kiến thức mang tính phương pháp luận để học sinh tiếp cận tác phẩm theo con đường riêng, góc nhìn riêng. Giáo viên cần có kế hoạch dài hơi đối với sự chuẩn bị của học sinh trước khi trình bày và thảo luận trên lớp. Mỗi em sẽ có những mức độ công việc chuẩn bị khác nhau, không chung một ‘giáo án mẫu’. Việc tự tiếp cận và được thể hiện quan điểm của người học sẽ tạo dựng được cách học chủ động, từ đó hình thành lối tư duy độc lập và năng lực tự diễn đạt điều trò nghĩ, cảm chứ không phải ‘nhai lại’ lời người dạy”, cô Lê nói.
Ngày 13/8, trong hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu, một trong những việc cần cần làm để giáo dục tốt hơn là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên và học sinh.
Cô giáo Nghệ An đề xuất giải pháp chấm dứt dạy, học theo văn mẫu, bài mẫu
Đổi mới từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề của Bộ vẫn như cũ thì rất khó làm thay đổi thực trạng
Tại tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã lưu ý ngành giáo dục: Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An (Ảnh N.V)
Có thể nói, chuyện giáo viên dạy theo văn mẫu, học sinh học thuộc văn mẫu đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của ngành giáo dục chúng ta hiện nay. Vì thế, để xóa bỏ thói quen học và dạy văn thế này, chắc chắn không phải là điều đơn giản và rất khó thực hiện nếu không có cuộc đổi mới đồng bộ từ trung ương đến địa phương
Vì sao giáo viên và học sinh phải dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu
Người viết bài đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An về vấn đề này.
Trước khi đưa ra những giải pháp, cô giáo Nguyễn Thị Thu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu trong các trường học hiện nay xuất phát cả 2 yếu tố: giáo viên và học sinh.
a/ về phía giáo viên
Trong thực tế, vẫn còn một số giáo viên ít chịu khó học hỏi để thay đổi, vẫn luôn ỉ lại khuôn mẫu. Dạy những cái có sẵn bao giờ cũng dễ dàng hơn dạy những điều mới. Một số khác (đặc biệt là giáo viên trẻ) chưa được trải nghiệm, cọ sát thực tế như đi chấm thi học sinh giỏi văn, chấm giáo viên dạy giỏi nên chưa mạnh dạn thay đổi để tiếp cận cái mới.
Tuy thế, giáo viên không chịu đổi mới phần nhiều là do học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thu lấy ví dụ: Ví như dạy lớp chọn, mình chuẩn bị cả tuần chỉ dạy 1 buổi thì hết kiến thức nên bắt buộc thầy cô phải chuẩn bị bài giảng kĩ, phải đọc nhiều, tìm hiểu nhiều. Dạy học sinh giỏi mà giáo viên không học thêm, không đầu tư có khi còn thua cả học trò.
Nhưng với học sinh không chịu học, không cần học thường giáo viên cũng chẳng cần chuẩn bị kiến thức, chỉ tìm cách để các em nghe, hiểu và nắm cách làm để không bị điểm thấp là đủ rồi.
Học sinh không đam mê, không thích học nên mình nói nhều cũng không lọt vào tai lại phí công chuẩn bị. Giáo viên lên lớp không cần soạn bài, không cần đọc thêm vì những học sinh này có chịu học đâu mà cần phải mới? Có em không đầu tư môn nào cũng không muốn học.
b/ về phía học sinh
Có những học sinh không biết gì, không ham học, không đam mê học và cả không thèm học. Gặp những học sinh thế này, buộc giáo viên phải dạy theo khuôn mẫu. Thường thì thầy cô phải cho những em này học thuộc lòng để chép vào bài cho có điểm.
Đó có thể là, một nguyên mẫu mở và kết bài về thơ, văn, để khi gặp đề bài nào cũng có thể chép vào được. Học thuộc để chép chứ không hề có cảm xúc vì căn bản các em không đam mê, không cần học.
Học sinh không chịu học được phân thành 2 nhóm. Những học sinh không thích môn học này vì chính các em đang dồn sức cho những môn học sẽ thi đại học.
Nhóm 2 là những em thật sự không biết gì, đến gần ngày thi vì sợ điểm thấp mới quay cuồng tìm cách học đối phó. Đã có lần, gần đến ngày thi có em đến nhờ cô dạy cho ít buổi.
Em nói mình không biết gì. Để giúp học sinh trong tình thế cấp bách thế, cô giáo đã phải ngồi ôn lại những kiến thức trọng tâm, phải lựa chọn đề để đối thoại và bày cho em cách làm bài tránh bị điểm liệt.
Cô giáo nói buộc phải hướng dẫn cái gì dễ hiểu nhất như việc cho khuôn mẫu để làm văn như cách làm mở bài, kết bài, còn thân bài vào đó thì tùy cơ mà ứng biến. Nhiều giáo viên đã không chịu tìm tòi, học hỏi cũng bởi thường xuyên dạy những đối tượng này. Vì có học hỏi, có đầu tư, có cháy hết mình trong bài giảng nhiều em cũng không nghe nên chán.
Những giải pháp chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò
Thứ nhất , giáo viên phải có tâm với nghề, biết đối tượng học sinh để khai thác độ đam mê về văn, phải biết khơi gợi cho các em yêu môn học chứ không nên chê bai để làm mất nguồn cảm hứng của các em, phải thực sự thu hút, thuyết phục học trò bằng những bài giảng hay.
Thứ hai , Ban chuyên môn nhà trường phải nắm được nguyện vọng của từng học sinh. Như ước muốn học khối nào? Có thế mạnh môn học gì? (dù điều này rất khó, như xem học bạ cấp 2, xem điểm thi vào 10, xem đơn nêu nguyện vọng của từng em).
Tránh xảy ra tình trạng xếp không đúng lớp, đúng ban để có em học gần hết lớp 12 mới xin chuyển ban, chuyển khối.
Nắm bắt đúng tâm tư nguyện vọng của học sinh để xếp cho các em học đúng lớp là cách không ép học trò và không ép mỗi giáo viên. Nếu một lớp, học sinh có lực học đều thì cả thầy và trò đều cảm thấy thoải mái.
Thứ ba , phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh, điều này là cần thiết và vô cùng quan trọng. Ví như bố mẹ thích cho con học lớp này, khối này mà con lại không thích và ngược lại.
Giáo viên phải là người nói chuyện trực tiếp với phụ huynh để thấu hiểu và cùng phối hợp cho con ngồi đúng lớp, đúng năng lực của các em, nhằm phát huy sự đam mê học tập.
Thứ tư , Bộ giáo dục cần đổi mới cách ra đề theo đúng hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Đổi mới phải từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi thì mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi mình cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề, cách chấm văn của Bộ vẫn như cũ hoặc không có sự đổi mới nhiều thì rất khó làm thay đổi thực trạng. Hành trình đổi mới phải từ trung ương rồi đến địa phương mới thật sự hiệu quả.
Văn mẫu đang làm chai lỳ cảm xúc và triệt tiêu sáng tạo của trẻ Văn mẫu là những bài văn không bị ép viết theo khuôn mẫu của bao thế hệ học trò lớp trước, của các nhà văn, giáo viên... họ viết bằng chính cảm xúc thật của mình. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề dạy và học theo Văn mẫu hiện nay, cô Nguyễn Hiền...