Học sinh học online suốt ngày, điện thoại nóng ran, mắt đỏ hoe
Một ngày phải học 8 – 10 tiết, mỗi tiết kéo dài đến 45 phút khiến học sinh mệt mỏi.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã triển khai dạy học online được khoảng 2 tháng. Việc dạy học online còn những khó khăn như đường truyền Internet không ổn định, giáo viên hạn chế trong việc kiểm tra giám sát học sinh… nhưng bất cập nhất là học kéo dài, có khi từ sáng đến tối, khiến thầy trò rã rời.
Dạy học online kiểu hành xác
Nhiều trường học ở TP.HCM dạy học “trực tuyến hóa” trực tiếp, thời gian học kéo dài lê thê làm tiết học thêm nặng nề, căng thẳng. Nhiều trường vẫn sắp xếp thời khóa biểu online giống như giờ học trực tiếp – ngày học 8 – 10 tiết, mỗi tiết kéo dài 45 phút.
Ở trường công lập, có trường sắp xếp buổi sáng học 4 tiết, từ 7h30 đến 11h, học sinh học xong 2 tiết (90 phút) thì được giải lao 30 phút. Đến chiều, các em học tiếp 3 tiết, từ 13h30 đến 16h05. Học sinh học xong 2 tiết thì nghỉ giữa giờ 20 phút rồi học tiếp.
Riêng học sinh cuối cấp, lớp 9 và lớp 12 còn phải học luyện thi ít nhất 2 tiết/môn, trung bình các em học thêm 3 môn rải đều cả tuần. Thời gian học tùy theo sự sắp xếp của giáo viên bộ môn, thường bắt đầu lúc 19h mỗi tối.
Cá biệt, ở trường tư thục, học sinh phải học 10 tiết kéo dài từ sáng đến tối. Buổi sáng học 4 tiết từ 7h30 đến 11h, buổi chiều cũng học 4 tiết từ 13h30 đến 16h50. Đến tối, học sinh lớp 12 còn phải học luyện thi thêm 2 tiết từ 19h đến 20h30 mới kết thúc một ngày học.
Một số học sinh lớp 12 trường THPT công lập ở TP.HCM nói rằng, các em thực sự mệt mỏi vì thời gian học onine quá dài. “Đa số chúng em đều học bằng điện thoại, ít bạn có máy tính bàn hay laptop. Em xem màn hình cả ngày với những dòng chữ trình chiếu nhỏ xíu rất nhức mắt. Nhiều lúc học xong, em soi gương thì thấy mắt đỏ kè như máu”, một em nói.
Video đang HOT
“Em vừa học vừa sạc điện thoại liên tục. Có khi em cầm vào điện thoại thì thấy nóng ran như sắp phát nổ. Em chỉ biết học theo thời khóa biểu có sẵn, không được có ý kiến gì”, học sinh lớp 12 một trường THPT tư thục ở TP.HCM chia sẻ.
Học sinh học online. (Ảnh minh họa: Zing)
Hãy nói không với dạy thêm, tăng tiết online
Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu giảm tải nội dung kiến thức ở các bậc học. Bộ GD&ĐT cũng tập huấn, hướng dẫn phương pháp dạy học online cho giáo viên. Ví dụ môn học 2 tiết/tuần thì giáo viên có thể dạy online 1 tiết, còn 1 tiết giao nhiệm vụ cho học sinh nghiên cứu bài, làm bài.
Bộ GD&ĐT cho phép các trường linh hoạt khi dạy học online, có thể giảm thời gian học từ 45 phút xuống còn 30 phút, tăng nghỉ giữa các tiết và giảm số tiết/buổi học so với dạy học trực tiếp. Thế nhưng, nhiều trường vẫn yêu cầu giáo viên phải dạy đủ số tiết, đúng giờ giấc máy móc.
Tôi tham gia dạy online cả trường công lập, tư thục và nhận thấy, học sinh phải học 8 tiết/ngày là không mấy hiệu quả. Trong tiết học, tôi thường yêu cầu học sinh tương tác nhưng khi gọi tên thì rất nhiều em miễn cưỡng trả lời cho xong. Thậm chí, một số học sinh còn lấy lí do hhỏng mic, mạng yếu… để không trả lời câu hỏi.
Nếu dạy học online khoa học, bài bản, mặt bằng chung học sinh tiếp nhận khoảng 60% phạm vi kiến thức là đạt yêu cầu. Giáo viên cần dạy những nội dung trọng tâm, chắt lọc, giao nhiệm vụ cho các em tự học – dĩ nhiên là có kiểm soát, đánh giá, thì dạy học online mới phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhà trường hãy nói không với với dạy thêm, tăng tiết online bởi nó chỉ làm khổ học sinh mà thôi.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà tâm lí học Anders Ericsson chỉ ra rằng, người có năng suất làm việc cao nhất trong mọi lĩnh vực đều không thể duy trì làm việc sâu và tập trung quá 2h. Vậy nên, học sinh phải học online từ sáng đến tối vừa phi khoa học vừa là mối đe dọa sức khỏe không đáng có.
Học trực tuyến ở Trà Vinh gặp nhiều khó khăn vì học sinh thiếu thiết bị
Với hình thức học trực tuyến "tránh dịch", hàng hàng học sinh tại Trà Vinh gặp khó vì không đủ khả năng mua sắm thiết bị.
Trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ, đầu năm học này tỉnh Trà Vinh quyết định cho toàn bộ học sinh từ cấp Tiểu học đến THPT chuyển sang học trực tuyến.
Giáo viên "vào lớp" giảng bài từ xa
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô giáo nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung, năm học mới này, hơn 177.000 học sinh trên toàn tỉnh Trà Vinh từ Tiểu học đến THPT đều chuyển sang học trực tuyến. Trong đó học sinh Tiểu học học qua chương trình truyền hình, THCS và THPT học trực tuyến qua thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh. Tuy nhiên hình thức học này phụ thuộc nhiều vào công nghệ, đường truyền Internet, sóng 3G.
Để không tạo áp lực cho những trường tại địa phương có nhiều học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, sóng 3G yếu... Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các trường trên địa bàn phải linh hoạt, chậm và chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương; thường xuyên giám sát kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.
Hiện trong số hơn 4.200 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến ở Trà Vinh, ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, phân loại và có những phương án vận động, hỗ trợ cho đúng đối tượng.
"Rà soát lại cụ thể bằng địa chỉ chính xác rồi chúng tôi sẽ phân ra. Nếu trường hợp có thiết bị mà chưa sẵn sàng, chúng tôi tiếp tục vận động trách nhiệm của phụ huynh, cũng như nhiệm vụ của học sinh, để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn còn dịch. Riêng trường hợp chưa có thiết bị hoàn toàn, do phụ huynh chưa có khả năng mua sắm, trước mắt chúng tôi giao nhiệm vụ, giao bài cụ thể, định kỳ xuống nắm lại mức độ hoàn thành của các em, rồi có phản hồi 2 chiều. Những đối tượng này các em tự học ở nhà nhưng có hướng dẫn đặc biệt của giáo viên", ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết.
Học sinh cùng học với nhau từ thiết bị Laptop
Theo hình thức học mới này, tỉnh Trà Vinh có tới 24% học sinh không đủ điều kiện tham gia vì thiếu thiết bị học trực tuyến. Do vậy tỉnh cần hỗ trợ ít nhất 4.000 thiết bị mới đảm bảo việc học cho tất cả học sinh trên địa bàn.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, trước mắt tỉnh chỉ còn có thể chỉ đạo vận động xã hội hóa, vì các doanh nghiệp của Trà Vinh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết đang gặp khó khăn vì tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài. Còn các doanh nghiệp ngoài tỉnh đóng trên địa bàn đã tham gia nhiều vào Quỹ An sinh xã hội và Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, học sinh vẫn còn thiếu thiết bị học trực tuyến, tỉnh sẽ tính đến phương án khác.
"Những học sinh chưa có máy tính, điện thoại để học trực tuyến thì tỉnh cũng tính đến phương án vận động tương thân, tương ái, như những máy tính mà một số người không còn sử dụng có thể tặng những em có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến. Thứ hai vừa qua Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình "Sóng và Máy tính cho em", tôi mong rằng Trung ương sẽ phân bổ cho Trà Vinh một số", ông Hẳn cho hay.
Để vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo chương trình học cho học sinh trên địa bàn, bên cạnh sự chủ động đưa ra nhiều phương án của ngành giáo dục và chính quyền, mong rằng các đơn vị, các nhân có điều kiện cùng chung tay, hỗ trợ Trà Vinh tháo gỡ khó khăn này.
Tỉnh Trà Vinh hiện cũng đang triển khai thực hiện chương trình "Sóng và Máy tính cho em", theo đó Sở GD-ĐT Trà Vinh kêu gọi toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành ủng hộ kinh phí tối thiểu 01 ngày lương; vận động các nhà hảo tâm và doanh nghiệp đóng góp giúp các em học tập. Tuy nhiên vào thời điểm khó khăn như hiện nay, ở Trà Vinh rất ít doanh nghiệp tham gia đóng góp cho chương trình này./.
Đón học sinh quay lại trường: Tranh thủ thời gian vàng Đón học sinh trở lại, ngoài phòng, chống dịch, các trường còn phải làm nhiều việc như hỗ trợ tâm lý cho HS, khảo sát, ôn tập, củng cố và dạy bổ sung các kiến thức, kỹ năng chưa thể thực hiện khi dạy online. HS Trường THCS Nguyễn Tri Phương làm bài khảo sát sau khi đến trường học trực tiếp. Giáo...