Học sinh Hà Nội quay cuồng học thêm trước kỳ thi vào lớp 10
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa chính thức chốt phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019.
Nhiều ý kiến lo lắng, cùng với việc thay đổi phương thức thi, nếu cấu trúc đề cũng thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách dạy và học khiến học sinh khó thích ứng.
Dự kiến tháng 10, Sở sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020.
Quay cuồng học thêm
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thí sinh sẽ phải dự thi đủ 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Với môn thi thứ tư sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Môn thi thứ tư dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3/2019. Như vậy, ngay từ đầu năm học, không chỉ 4 môn thi (gấp đôi so với các năm trước) mà học sinh sẽ phải xác định ôn luyện đủ 9 môn.
Hầu hết học sinh lớp 9 đều rất lo lắng, bởi thêm 2 môn thi đồng nghĩa với việc các em phải học, ôn luyện nhiều hơn mới mong “chen chân” vào trường THPT công lập.
Video đang HOT
Học sinh và phụ huynh đều cho rằng, những năm trước, thi vào lớp 10 môn Toán, Ngữ văn đã rất căng thẳng thì nay lại có thêm 2 môn nữa, nhưng phải ôn đủ 9 môn, vì môn thứ 4 phải cuối tháng 3 mới biết (trước kỳ thi 2 tháng) thì sẽ càng áp lực hơn.
“Tính ra môn nào học sinh cũng phải học. Do bị áp lực lớn nên các con càng học thêm nhiều và biến thành một cái “ máy học” để thi. Thi xong cũng không còn gì trong đầu. Tôi chỉ lo con trầm cảm, chán nản, ở tuổi này các con không chịu được áp lực nên dẫn đến nhiều chuyện đáng tiếc”.
Chị Thu Thủy, phụ huynh có con học lớp 9 tại huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 bày tỏ: “Bước vào đầu năm học chưa lâu, trước khi có phương án thi chính thức, các con đã học rất mệt mỏi! Các con thường xuyên học tới 11-12 giờ đêm, sáng ra đã 7h có mặt ở trường, nhiều con ngồi trong lớp trông uể oải, nhợt nhạt vì thiếu ngủ! Đặc biệt, đây là năm đầu tiên, chưa biết đề thi sẽ ra sao nên thầy cô cũng chỉ biết động viên các con cố gắng hết sức, bởi bài kiểm tra các con sẽ phải làm gần như hằng ngày để ôn luyện cho kỳ thi”.
Chị Hoài Anh, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng, lịch học của con chị dày đặc, vất vả vừa học chính ở trường, vừa đi học thêm, nên hầu như con không có thời gian để nghỉ ngơi.
“Việc cùng lúc học nhiều môn khiến các con rất mệt mỏi, bởi các con thường có tâm lý học để thi. Nếu tháng 3 mới biết môn thi thứ tư liệu việc ôn luyện có kịp? Như thế chỉ làm khổ học sinh thôi chứ không giải quyết được việc học lệch. Các con sẽ thành cái “máy học” mà thôi”- chị Hoài Anh bày tỏ.
Nhiều thầy cô cũng cho rằng, Hà Nội đã thay đổi phương thức thi, nếu cấu trúc đề cũng thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách dạy và học khiến học sinh khó thích ứng.
Học sinh vẫn phải học đều các môn. Bởi thực tế, nhiều phụ huynh lo lắng ép con học 3-4 ca/ngày, có khi kéo dài đến 10-11h đêm. Tuy nhiên, các thầy cô cũng khuyên phụ huynh cần thông qua kênh giáo viên để nắm lực học của con mình, chứ không nên sốt ruột chạy đua ép con học thêm quá nhiều lớp sẽ phản tác dụng.
Đề thi phải theo hướng tăng kỹ năng, giảm “học vẹt”
Có ý kiến phụ huynh cho rằng, nên chăng để học sinh được lựa chọn môn thi thứ tư thay vì Sở GD-ĐT giữ bí mật và nắm quyền lựa chọn môn thi. Kiến nghị này cũng được khá nhiều phụ huynh đồng tình.
Anh Ngọc Liêm, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Hãy để cho các con được chọn môn thi với sở trường và niềm đam mê học tập của mình, có như vậy mới giải quyết được bài toán đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục hướng tới năng lực”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến giáo viên cho rằng, giả sử trong một lớp có 6 nhóm học sinh lựa chọn 6 môn khác nhau để thi thì thầy cô sẽ dạy thế nào? Tiếp theo là khâu tổ chức thi sẽ rất cồng kềnh, gây tốn kém và các con sẽ rơi vào tình trạng học lệch.
Một phần đồng tình với những lo lắng của phụ huynh, thầy Bùi Hoàng, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Hà Đông cho rằng: “Những lo lắng của phụ huynh là có cơ sở. Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đề ra phương án thi nhằm mục đích giảm học tủ, học lệch nhưng cách này chỉ làm tăng áp lực không đáng có cho phụ huynh hơn là buộc chính các học sinh phải học hành nghiêm túc.
Bởi nhiều học sinh ngay từ khi mới bắt đầu đã không có ý thức học tập cao, chủ yếu học những môn theo sở thích của mình. Thế nên việc ép các em học đều để thi chỉ là giải pháp tình thế. Bên cạnh đổi mới thi, ngành giáo dục cũng cần xem xét việc điều chỉnh chương trình học theo hướng giảm kiến thức, tăng kỹ năng”.
Theo một số giáo viên, Sở nên khẩn trương sớm công bố đề minh họa để giúp việc ôn luyện kiến thức các môn thi của cả thầy và trò thuận lợi hơn.
Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, áp lực không nằm ở việc thi 2 môn hay 4 môn, mà nằm ở cách ra đề thi.
“Chúng ta hãy thử nhìn xem, với kỳ thi THPT Quốc gia khi đổi mới cách thi thì việc luyện thi, lò luyện không còn nhiều nữa. Vì thế, cần thiết nghiên cứu cách ra đề thi để có thể giảm áp lực thi. Đề thi cần theo hướng rèn kỹ năng, trí tuệ là chính chứ không phải ra đề thi theo hướng học máy móc, thuộc lòng”, TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Trước những băn khoăn lo lắng trên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết thêm: “Để giảm áp lực ôn thi cho các em học sinh, đối với môn Ngoại ngữ và môn thứ tư, chúng tôi đã quy định rất rõ những yêu cầu về kiến thức kỹ năng, về hình thức đề thi và thời gian tổ chức thi.
Về hình thức thi, hai môn Ngữ văn và Toán giữ nguyên hình thức thi như những năm trước; về yêu cầu kiến thức, kỹ năng, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư thuộc chương trình THCS, chủ yếu là ở lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn do Bộ GD-ĐT quy định. Dự kiến tháng 10, Sở sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020″./.
Theo vov
Năm học 2019-2020: Hà Nội tuyển từ 60% đến 62% số học sinh vào trường THPT công lập
Ngày 9-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký Quyết định số 5417/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Theo đó, thời gian tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội vào ngày 2 và 3-6-2019, trong đó ngày 2-6 học sinh thi môn ngữ văn (sáng) và toán (chiều); sáng 3-6 học sinh thi môn ngoại ngữ và môn thứ tư.
Theo kế hoạch này, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên tại Hà Nội năm học 2019-2020 là thi tuyển. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập với 4 bài thi độc lập gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư, được công bố vào tháng 3-2019. Bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý. Trong đó, bài thi toán và ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/môn; bài thi môn ngoại ngữ thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 60 phút; bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên. Riêng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố, không phân biệt khu vực tuyển sinh.
Nguyên tắc tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cụ thể là: Điểm xét tuyển = (điểm thi môn toán điểm thi môn ngữ văn) x 2 điểm thi môn ngoại ngữ điểm thi môn thứ 4 điểm cộng thêm. Điểm bài thi của các môn được tính theo thang điểm 10.
Năm học 2018-2019, thành phố Hà Nội có hơn 101 nghìn học sinh xét tốt nghiệp THCS. Theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập đạt từ 60% đến 62% số học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ học sinh vào các trường THPT tư thục đạt 20%, vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt 10%, số còn lại tham gia học nghề.
Thống Nhất
Theo hanoimoi
Đổi mới thi lớp 10, 'siết' lạm thu và dạy thêm Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 để các trường góp ý, lựa chọn, đồng thời sở này cũng có nhiều động thái để chấn chỉnh lạm thu và dạy thêm, học thêm. Thí sinh thi tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2018 - 2019 - ẢNH: NGỌC THẮNG Đề xuất 3...