Học sinh Hà Nội nhiều âu lo trong ngày đầu trở lại trường
Hàng chục ngàn học sinh lớp 12 ở Hà Nội đã đến trường vào sáng nay. Lứa học sinh 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của Covid-19 sẽ còn nhiều áp lực trước mùa thi tốt nghiệp tới.
Sau thông báo vào giờ chót của Sở GD-ĐT Hà Nội chiều qua, sáng nay, khoảng 50% học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội quay trở lại trường học trực tiếp. Những học sinh này sẽ học ở trường thứ 2, 4, 6 và học trực tuyến vào các ngày thứ 3,5,7.
50% còn lại sẽ học theo thời khóa biểu ngược lại.
Đo nhiệt độ cho học sinh ở Trường THPT Kim Liên. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cảm xúc của em như ngày đầu đi học
7h15 sáng, Phạm Linh Giang, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Hoà có mặt ở trường. Giang nói, em cảm thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm vì rất lâu chưa được gặp các bạn và thầy cô.
“Cảm xúc của em giống như thể ngày đầu tiên đi học”, Giang nói.
Học sinh Trường THPT Yên Hòa đến trường. Ảnh: Thúy Nga
Dù mừng vui nhưng Giang cho biết, em cũng cảm thấy lo lắng vì tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp.
“Ban đầu, bố mẹ không đồng ý cho em đi học vì lo sợ có thể lây chéo ngay trong lớp. Nhưng hiện tại em cũng đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó em vẫn mong được tới trường học trực tiếp”.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, Giang mang theo 2 chiếc khẩu trang, chai nước riêng và dung dịch rửa tay khô.
Em Phan Lê Hà Nhi (học sinh lớp 12 chuyên tiếng Trung, của Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam) cho hay, dù đến trường nhưng thật sự em vẫn khá lo lắng, bởi bản thân em mới chỉ tiêm một mũi vắc xin cách đây mới 2 tuần trước.
Đến trường sau thời gian dài học online, một điều nữa cũng khiến Hà Nhi lo lắng đó là những bài kiểm tra. Em có chút hồi hộp bởi không biết thời gian học qua online mình có tiếp thu đủ kiến thức.
Hà Nhi cho hay, hôm nay đến trường, em chuẩn bị và mang theo bên mình giấy ướt để lau chùi các vật dụng, một bịch khẩu trang mới và một lọ xịt sát khuẩn để đảm bảo an toàn.
Cả Ban Giám hiệu ra đón học sinh
Sáng nay, Ban giám hiệu Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam có mặt đón học sinh ngay tại cổng trường.
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam (trái) đón học sinh ở cổng trường. Ảnh: Thanh Hùng
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết, hôm nay, trường chia 2 luồng để đón học sinh nhằm đảm bảo giãn cách phòng dịch. Một luồng dành cho các học sinh tự đi xe đạp, xe máy đến trường; luồng còn lại cho học sinh được phụ huynh đưa đến.
Theo bà Dương, để đảm bảo an toàn cho học sinh một cách tối đa, trường đã chuẩn bị công tác đón học sinh trở lại từ cách đây một tuần.
Công việc đầu tiên là khử khuẩn, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đã được hoàn tất cách đây 2 ngày, vào 4/12.
Để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên ngày hôm nay, trường chia khối 12 làm 2 nhóm. Cụ thể, vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu có 8 lớp đi học trực tiếp. Còn 9 lớp còn lại đi học trực tiếp vào các ngày Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Bảy.
“Chúng tôi cũng chia các lớp theo phương án “phòng chẵn, phòng lẻ”. Tức những lớp học ở phòng chẵn sẽ đi học vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu và tương tự như vậy đối với các lớp còn lại. Như vậy sẽ đảm bảo sự giãn cách giữa các lớp”.
Tuy nhiên, bà Dương cũng cho biết, qua nắm bắt, cũng có một số ít học sinh sáng nay chưa trở lại trường, bởi sự lo lắng của gia đình với tình hình dịch bệnh.
“Chúng tôi cũng rất thông cảm và chia sẻ với tâm trạng này của phụ huynh và học sinh. Đối với những học sinh chưa đến trường, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kết nối màn hình trực tuyến song song với lớp học để các em có thể nắm bắt, đuổi kịp chương trình với các bạn trên lớp”.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đến trường sáng nay. Ảnh: Thanh Hùng
Trường học đã sẵn sàng nhiều phương án
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà cho biết, công tác chuẩn bị đón học sinh quay trở lại của nhà trường bắt đầu từ cuối tháng 10. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp hơn, nên phải đến hôm nay, học sinh mới có thể đi học trực tiếp.
“Trong ngày hôm nay, có 7 lớp học trực tiếp tại trường, 7 lớp học trực tuyến. Đối với các lớp học trực tiếp, chúng tôi đã sắp xếp cách nhau một phòng học để đảm bảo giãn cách”.
Cũng theo bà Nhiếp, khi nhận được quyết định học sinh sẽ quay trở lại trường, một số phụ huynh khá băn khoăn, lo lắng nên đã đệ đơn xin với ban giám hiệu nhà trường cho con nghỉ học. Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, sĩ số học sinh đi học gần như đảm bảo 100%.
“Khi Sở GD-ĐT Hà Nội điều chỉnh kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường vào ngày 6/12, các học sinh lớp 12, một nửa học trực tiếp, một nửa học trực tuyến, vì vậy sẽ có thầy cô giáo đến trường dạy trực tiếp, sau đó tiếp tục dạy trực tuyến.
Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường đã sắp xếp và chuẩn bị phòng học cũng như đường truyền mạng để thầy cô sau khi kết thúc tiết học trực tiếp có thể chuyển sang dạy học trực tuyến.
Trường không có học sinh lớp 12 nào thuộc diện F0 hay ở vùng 3, 4. Nhưng trong trường hợp phát hiện có F0, trường cũng chuẩn bị riêng phòng thể dục để có thể cách ly học sinh/ giáo viên đó ngay tại trường” – bà Nhiếp nói.
Học sinh Trường THPT Kim Liên được bố trí ngồi 1 người/bàn. Ảnh: Lê Anh Dũng
Quyết định cho học sinh trở lại trường trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng khiến ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh có nhiều trăn trở. Tuy nhiên, được đi học trực tiếp cũng là điều mà nhiều phụ huynh và học sinh mong mỏi từ lâu.
Đến nay, với học sinh từ 15-17 tuổi, Hà Nội đã tiêm được 286.153 mũi/307.799 trẻ (đạt gần 93%).
Các trường học phải đạt các tiêu chí về yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ được dạy trực tuyến; các trường chỉ dạy học trực tiếp một buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng-tin; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân;…
Trong trường hợp xuất hiện F0, việc phong tỏa và cách ly với các học sinh diện F1 sẽ được thực hiện.
Hà Nội chuẩn bị cho học sinh lớp 10, 11, 12 trở lại trường như thế nào?
Trước thông tin dự kiến học sinh cấp THPT của 30 quận, huyện Hà Nội sẽ trở lại vào ngày 6/12 tới đây, hiện, các trường THPT trên địa bàn đang rốt ráo chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản trình UBND TP về việc cho học sinh THPT và học viên giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường từ ngày 6/12.
Sở cũng đã có cuộc họp với lãnh đạo các nhà trường vào ngày 30/11 để quán triệt các nội dung chuẩn bị đón học sinh khi được lãnh đạo TP quyết định cho trở lại trường.
Theo ông Tiến, trước hết, các trường học sẽ phải đạt các tiêu chí về yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế. Cùng đó, phải đáp ứng một số nguyên tắc cơ bản như: giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ được dạy trực tuyến; các trường chỉ dạy học trực tiếp một buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng-tin; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân;...
Ông Tiến cũng cho hay, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đang xây dựng văn bản hướng dẫn liên ngành về phương án phòng chống dịch khi có trường hợp F0, F1, F2 hoặc nghi ngờ F0 trong trường học...
Ví dụ, khi phát hiện có F0 trong trường học sẽ phải kích hoạt ngay các phương án phòng chống dịch; phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0 tùy thuộc mức độ di chuyển của F0; diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực, phòng học có liên quan F0,...
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho hay, để chuẩn bị cho học sinh đến trường trở lại, cần tuân thủ theo các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhằm đảo bảo tối đa an toàn cho các em.
Bà Hiền băn khoăn khi trường nằm trên địa bàn đang có tình hình dịch phức tạp. Nếu áp theo quy định như hiện nay thì điều kiện để mở cửa trường lại là phường, xã nơi trường đóng trong vòng 14 ngày (tính từ ngày 30/11 trở về trước) không có F0 trong cộng đồng.
"Với điều kiện này thì như Trường THPT Kim Liên sẽ bị vướng. Bởi phường Trung Tự, quận Đống Đa trong 14 ngày qua có F0. Do vậy, nhà trường sẽ phải đợi kết luận và chỉ đạo cụ thể từ các cấp trên", bà Hiền nói.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, khi nghe thông tin Hà Nội dự kiến cho học sinh THPT trở lại từ 6/12, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch, lên các phương án đón học sinh trở lại trường, phân công đầu việc cụ thể cho từng lực lượng, bộ phận.
"Sở GD-ĐT cũng đã tập huấn cho các trường công tác đảm bảo an toàn khi cho học sinh trở lại; tập huấn cho hiệu trưởng và cán bộ y tế trường về quy trình xử lý khi có F0,...", bà Hiền nói.
Bà Hiền cho hay, đến hết ngày 25/11, hầu hết học sinh của trường đã được tiêm vắc xin. Một số học sinh diện cách ly, trong vùng phong tỏa trước đây thì chiều nay 2/12 sẽ được tiêm.
Theo thống kê, cũng có khoảng 50 học sinh trên tổng số 2.104 toàn trường không đăng ký tiêm phòng. "Nhà trường cũng đã tuyên truyền sâu rộng về việc tiêm vắc xin để tăng miễn dịch, đảm bảo sức khỏe và cơ hội hoạt động xã hội nhiều hơn cho học sinh. Tuy nhiên, cân nhắc quyết định tiêm hay không là quyền của phụ huynh và học sinh".
Riêng về công tác dạy học, bà Hiền cho hay, trường đã chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc có thể kết hợp cả dạy học trực tiếp và trực tuyến, giúp các học sinh chưa thể đến trường (nếu có) không bị chậm chương trình so với các bạn trên lớp.
Cụ thể, nhà trường đã lắp đặt thêm Webcam cho 30 phòng học với tổng chi phí lắp đặt mới khoảng 70 triệu đồng.
"Trường hợp có những học sinh diện F0 hoặc phải cách ly hay trong khu phong tỏa thì các em vẫn có thể nhìn thầy cô giáo và theo dõi bài giảng như đang ngồi trực tiếp trên lớp. Các em cũng có thể xin phát biểu, tương tác với thầy cô và bắt kịp với tiến độ của cả lớp", bà Hiền chia sẻ.
Bà Trần Thị Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho hay, lãnh đạo nhà trường vẫn thường xuyên có mặt tại trường trong thời gian qua để chỉ đạo các công việc phòng chống dịch và đã xây dựng sẵn kế hoạch sẵn sàng đón học sinh trở lại.
Theo bà Tuyến, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phụ huynh lo lắng khi học sinh trở lại trường nhưng những người quản lý nhà trường như bà càng lo hơn. Chính vì vậy, công tác đảm bảo phòng chống dịch rất được quan tâm, chú trọng.
"Dịch bệnh khó có thể nói trước được điều gì, chỉ mong mọi việc bình an với cô trò", bà Tuyến chia sẻ.
Hà Nội: Học sinh phổ thông háo hức đi học, phụ huynh xen lẫn lo lắng Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc mở cửa trường học sẽ được thực hiện thận trọng, với lộ trình mở cửa dần theo từng khối, phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine và tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện để đón học sinh đi học trực...