Học sinh 5 tuổi bị trói tay, bịt mắt vì xé giấy trong lớp
Hai bé gái 5 tuổi tại một ngôi trường ở Thái Lan bị cô giáo trói tay, bịt mắt bằng băng dính vì xé giấy trong lớp học.
Daily Mail ngày 24/2 đưa tin sự việc diễn ra mới đây tại ngôi trường ở thành phố Surin, tỉnh Surin, Thái Lan. Hai nữ giáo viên giận dữ trói tay và bịt mắt hai bé gái 5 tuổi sau khi các em nghịch và xé giấy trong lớp học. Hiện, tên của các học sinh và giáo viên chưa được công khai.
Hình ảnh được đăng tải cho thấy tay của các em bị trói chặt bằng băng dính xanh, trong khi mắt bị bịt bằng giấy trắng rồi dán chặt băng dính bên ngoài. Giáo viên thứ ba đã chụp lại sự việc và gửi cho phụ huynh của các em vào đầu tuần này.
Sau vụ việc, nhà trường lên tiếng bảo vệ hai cô giáo. Hiệu trưởng của trường cho biết đó là cách tốt để dạy các bé tập trung. Trong khi đó, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ.
Hai bé gái bị cô giáo trói tay bằng băng dính và bịt mắt vì xé giấy trong lớp. Ảnh: Daily Mail.
Cha của một trong hai bé gái đã báo cáo sự việc với cảnh sát. Sau đó, hai giáo viên bị buộc phải bồi thường 40.000 bath (khoảng 1.140 USD), đồng thời chính quyền sẽ thực hiện cuộc điều tra khẩn cấp tại trường.
Người cha giận dữ nói: “Người gửi ảnh cho tôi tiết lộ rằng hai cô giáo đó trừng phạt con gái tôi và bạn của cháu bằng cách trói hai tay và bịt mắt chúng. Tôi cho rằng một bé gái nữa cũng bị như con gái tôi nhưng không được chụp lại. Các bé chỉ chơi và xé mẩu giấy trong lớp nhưng giáo viên tức giận và trừng phạt chúng như vậy”.
Theo lời kể của người cha, các giáo viên bảo những đứa trẻ nhắm mắt lại, đặt giấy trắng lên mắt và dán chặt bằng băng dính. Sau đó, họ trói tay các bé. Hai đứa trẻ khóc nức nở và run rẩy sợ hãi tột độ và bị các cô giáo đe dọa.
Một cuộc họp đã được tổ chức với sự tham dự của hiệu trưởng nhà trường, phụ huynh hai học sinh, hai nữ giáo viên và cảnh sát địa phương. Mỗi cô giáo đồng ý trả 20.000 bath tiền bồi thường và bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển sang trường khác.
Narong Meuanchart, Phó trưởng phòng giáo dục tỉnh Surin, cho biết giới chức đã thành lập một ủy ban để điều tra về vụ ngược đãi trẻ em và hai nữ giáo viên này có thể phải đối mặt các vụ kiện.
Theo Zing
Giáo viên mầm non: 'Chúng tôi nhận phong bì vì lương thấp'
Một số giáo viên mầm non cho hay khi phụ huynh đưa tiền, họ nhận vì lương thấp, hơn nữa việc này không ảnh hưởng tới quyết định có đánh trẻ hay không.
Video đang HOT
Thời gian gần đây, giáo viên mầm non bạo hành trẻ là một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong xã hội.
Trước tình trạng hàng loạt vụ việc không hay bị phanh phui trên báo chí và mạng xã hội, câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu vụ bạo hành giấu kín đằng sau cánh cửa trường mầm non và nguyên nhân nào dẫn đến những hành vi phản giáo dục này.
1.001 lý do đánh trẻ
Thực tế, việc giáo viên đánh trẻ không hiếm nhưng không nghiêm trọng đến mức phụ huynh tới trường ý kiến hoặc đưa chuyện lên mạng xã hội.
Những bậc cha mẹ nuôi con nhỏ chắc chắn hiểu việc quản một đứa trẻ đang trong giai đoạn tò mò với thế giới chung quanh không dễ. Trong khi đó, giáo viên mầm non bị bao quanh bởi ít nhất 10 trẻ, mỗi trẻ có những rắc rối và gây phiền phức theo cách riêng.
Giáo viên mầm non vừa phải dạy dỗ, vừa phải chăm sóc trẻ từ việc ăn, ngủ đến vệ sinh cá nhân. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.
Thùy D. - giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh - cho rằng công việc ở nhà trẻ thực sự gây ức chế. Cô thường cáu kỉnh, thể hiện rõ sự bực bội với học sinh, thậm chí dọa nạt và đánh khi trẻ nghịch phá, quá cứng đầu.
"Tôi biết đánh trẻ không phải giải pháp hay nhưng đôi khi, đây là biện pháp duy nhất. Nhiều cha mẹ cũng dặn tôi cứ đánh khi cần, miễn giữ đúng chừng mực vì họ hiểu rõ mức độ khó bảo của con họ hơn ai hết", nữ giáo viên trẻ tâm sự.
Không ít cô giáo mầm non thừa nhận bản thân khó kiềm chế sự bực tức khi học sinh quậy phá, khóc không dứt, không chịu ăn, ngủ, đánh bạn khác hay không chịu báo giáo viên khi muốn đi vệ sinh.
Cô V.O. - giáo viên ở TP.HCM - chia sẻ nhiều khi bực quá, cô không kiểm soát được tình huống nên dùng tay đánh vào mông trẻ. Lúc mới vào nghề, cô cũng được các đồng nghiệp đi trước "mách nước" các chiêu dỗ học sinh nhưng thực sự có nhiều bé quá quậy phá, vượt quá sức chịu đựng.
Thêm vào đó, lãnh đạo trường cũng là nguyên nhân gây khó chịu khi họ nhận hết những trẻ được gửi vào mà không quan tâm đến cơ sở vật chất có đủ không và giáo viên phụ trách lớp có quản hết hay không.
N. Quỳnh ở Lâm Đồng cho biết thường xuyên ngột ngạt vì bị kẹt giữa quản lý nhà trường, phụ huynh và học sinh. Nhiều khi, cô cảm thấy việc giữ thái độ bình tĩnh để đối mặt với 30 đứa trẻ là việc quá khó.
Thêm vào đó, một số giáo viên thừa nhận họ có hành vi bạo lực với trẻ vì tức phụ huynh.
D.H. - giáo viên ở Lâm Đồng - cho biết cô hiểu rõ nỗi băn khoăn cũng như sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng của bậc cha mẹ khi các vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xuất hiện. Song việc phụ huynh phản ứng thái quá và đổ oan cho giáo viên là không thể chấp nhận được.
Cô kể khi trẻ đau ốm hay trầy xước, không ít phụ huynh ngay lập tức tố cáo lên gặp hiệu trưởng. Họ thậm chí không chịu tìm hiểu nguyên nhân mà khẳng định luôn là do giáo viên đánh trẻ hoặc chăm trẻ không tốt.
"Thỉnh thoảng, tôi muốn gạt đạo đức nhà giáo qua một bên, đánh những trò không ngoan. Vì dù đánh hay không, tôi cũng mang tiếng đánh trẻ do chính phụ huynh áp đặt rồi", cô H. bức xúc.
Nhiều giáo viên mầm non cũng thấy tủi thân trước thái độ thiếu tôn trọng của cha mẹ học sinh, từ việc luôn dùng giọng điệu sai bảo đến việc tặng quà, đi tiền với thái độ bố thí.
Tuy nhiên, họ cũng ít khi từ chối vì đây là nguồn thu nhập thêm, bổ sung cho mức lương ít ỏi. Hơn nữa, họ sẽ không vì tiền mà quyết định đánh trẻ hay không.
"Tôi biết gia đình họ có điều kiện nên vứt tôi một khoản tiền để tôi không đánh con họ. Tôi khẳng định mình chưa từng đánh trẻ quá tay. Nhưng họ đưa tiền thì tôi nhận, dù sao lương giáo viên cũng chẳng đủ để tôi lo cho gia đình", N.A. - giáo viên ở Đà Nẵng - cho biết.
Cô giáo nói thêm việc đánh trẻ không hiếm nhưng đánh đến mức trẻ bầm tím, chảy máu hay dùng dép đánh hoặc dội nước lạnh vào người trẻ là không thể chấp nhận và không có lý do nào để bao biện. Họ làm vậy chỉ vì thiếu tình thương trẻ và lương tâm của con người.
Tranh cãi quanh việc đánh trẻ
Thực tế, xã hội luôn bất bình trước những vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ, nhưng không ít phụ huynh thừa nhận họ chấp nhận để giáo viên đánh con chỉ mong trẻ nên người.
Anh Công Tú (ở Hà Tĩnh) cho biết con trai anh rất quậy phá và khó bảo. Ở nhà, nhiều khi anh cũng đánh, phạt đứng nhưng bà và mẹ cháu luôn can ngăn. Vì thế, khi gửi con đến nhà trẻ, anh cho phép dùng biện pháp mạnh để đưa cháu vào nề nếp.
"Con tôi nên tôi hiểu, cứng đầu lắm, không đánh không được. Từ hồi đi học tới giờ, ngoan hơn hẳn. Thằng bé kể không nghe lời cô đánh, không đau nhưng xấu hổ với các bạn khác", nam phụ huynh nói.
Chị Đào Phương (ở Vũng Tàu) cũng không phản đối việc giáo viên đánh trẻ để răn đe. Nhưng chị nhấn mạnh việc đánh này chỉ mang ý cảnh cáo, nghĩa là đánh để trẻ biết việc trẻ làm là không nên và cần chấm dứt ngay.
Bà mẹ trẻ cho biết chị là giáo viên tiểu học, cũng làm việc thường xuyên với trẻ nhỏ nên hiểu được sự ức chế của cô giáo mầm non cũng như tin các cô không đánh vì ghét trẻ, chỉ đánh nhẹ để nhắc nhở học sinh ngoan hơn.
Tuy nhiên, nhiều người không nghĩ vậy. Họ cho rằng đánh trẻ là hành vi phản giáo dục. Theo họ, trẻ em chưa biết gì, các em cần được chỉ dẫn để sống có kỷ luật, không phải dùng bạo lực để đưa trẻ vào khuôn khổ.
Một số người khác nặng lời hơn, chỉ trích giáo viên thiếu tình thương, độc ác khi đưa tay đánh đứa bé còn chưa hiểu chuyện.
"Chọn nghề giáo vì phải chấp nhận cái khó của nghề, không thể chỉ vì ức chế mà trút bực tức lên học sinh", anh Tuấn (ở Hà Nội) nhận định.
Nhiều người cũng nghi ngờ về chừng mực mà các giáo viên nhắc đến khi họ thừa nhận có đánh trẻ vì không ai xác nhận được đâu là mức độ vừa phải, vừa có tác dụng răn đe, vừa không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Trước đó, trao đổi với báo Thanh Niên, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - Trưởng bộ môn Công tác Xã hội , CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM - khẳng định đòn roi chỉ là giải pháp tức thời của phụ huynh, giáo viên không nên thực hiện.
Theo ông, trẻ còn quá nhỏ để bị trừng phạt. Ông khuyên khi gặp trẻ chưa ngoan, giáo viên mầm non nên sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của nghề để dỗ, hoặc lớn tiếng nghiêm khắc với trẻ thay vì đánh đập.
Trước tình trạng giáo viên phổ thông dôi dư, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp đào tạo lại lượng giáo viên này để chuyển xuống dạy mầm non.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc điều chuyển này nếu không thực hiện cẩn thận sẽ gây ra nhiều hệ lụy vì hai bậc họ này có những khác biệt cơ bản.
Các bé học sinh mầm non chưa biết tự chăm sóc nên các cô phải chịu trách nhiệm dạy học, cho trẻ ăn, uống, ngủ và lo cả chuyện vệ sinh cá nhân.
Giáo viên mầm non phải hiểu rõ tâm sinh lý của trẻ, có kỹ năng sư phạm tốt để không chỉ dạy mà còn dỗ và còn cần năng khiếu hát vẽ.
Trong khi đó, giáo viên phổ thông thường chỉ dạy một môn và chú trọng kiến thức là chính. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy nào mầm non có thể gây hệ lụy.
Theo Zing
Hà Nội kiểm tra học sinh lớp 12 như thi THPT quốc gia Sở GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12. Các môn và hình thức khảo sát giống như kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo công văn được ký ngày 24/2, mỗi học sinh làm 4 bài kiểm tra: 3 bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và một bài...