‘Học phí thấp không thể đòi chất lượng giáo dục cao’
PGS Ngô Minh Xuân cho rằng khi không còn nhận ngân sách Nhà nước, các trường đại học công lập không thể duy trì chất lượng đào tạo với mức học phí quá thấp như trước đây.
Năm 2021, nhiều trường đại học bước vào lộ trình tự chủ. Học phí được các trường điều chỉnh tăng, thậm chí tăng gấp đôi.
Đại diện nhiều trường đại học cho rằng việc tăng học phí là điều tất yếu để cơ sở giáo dục tồn tại và đảm bảo chất lượng đào tạo khi Nhà nước không còn cấp ngân sách như trước.
Học phí đại học trước đây quá thấp
Một lãnh đạo ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết lâu nay, học phí các trường công lập rất rẻ và dưới chi phí đào tạo.
Các trường “sống” được là nhờ ngân sách Nhà nước cấp theo đầu sinh viên. Mặt khác, các trường cũng nhờ vào hệ đào tạo chất lượng cao (thu học phí cao hơn hệ đại trà) để “bù” hệ đại trà.
Nhưng khi bước vào cơ chế tự chủ, các trường không còn nhận ngân sách Nhà nước như trước, buộc phải tăng học phí để tồn tại.
Lộ trình tăng học phí của ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).
“Phải nói rõ rằng các trường công lập tăng học phí là dần tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo sinh viên chứ không phải tăng tiền lên để kiếm lời như các trường dân lập. Mọi người giật mình vì các trường tăng học phí có thể là gấp đôi, hay 10-20% là do trước đó học phí các trường này quá rẻ”, vị này nói.
Việc tăng học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo sẽ đưa việc đào tạo và học đại học trở về thực chất. Gia đình và bản thân sinh viên cũng sẽ cân nhắc kỹ khả năng kinh tế, năng lực học tập, cơ hội việc làm, chất lượng giáo dục của một trường để quyết định có theo học hay không. Nếu học, sinh viên phải học tập nghiêm chỉnh.
Các trường đại học khi thu học phí cao cũng phải đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, chương trình tương xứng để đáp ứng nhu cầu người học. Thu học phí cao mà đào tạo không tốt, xã hội cũng không ai vào học, kết quả bị đào thải.
“Thử tính toán một năm học phí 50 triệu đồng, 4 năm đại học chỉ tính riêng học phí đã 200 triệu đồng. Nếu sinh viên không học đàng hoàng, tử tế, làm sao kiếm việc để lấy lại số vốn đã đầu tư, chưa kể nhiều em sẽ vay ngân hàng để đi học thì phải trả tiền vay sau khi học xong”, lãnh đạo ĐH Công nghệ Thông tin nói.
Video đang HOT
Việc học phí đại học cao cũng xóa bỏ tư tưởng “chọn đại, học đại” của một bộ phận sinh viên hiện nay. Rõ ràng, khi học phí chỉ 8-10 triệu đồng/năm, phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ rằng thôi cứ học đại rồi tính tiếp dù đôi khi năng lực, sở thích không phù hợp.
Sinh viên ngành Y được hướng dẫn thực hành châm cứu. Ảnh: Nguyễn Tuấn.
Tăng học phí để duy trì hoạt động
PGS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết mặc dù năm 2021 trường tăng học phí gấp đôi, thực tế, mức học phí này vẫn còn quá rẻ so với những trường cùng đào tạo khối ngành sức khỏe và so với chính chi phí đào tạo mà trường bỏ ra.
Dù tăng học phí, mức này vẫn chưa phải “tính đúng, tính đủ” chi phí đào tạo cho sinh viên. Nhưng trường cũng không thể đột ngột tăng học phí quá cao.
“Làm gì có trường đại học nào trên thế giới đào tạo sinh viên ngành Y mà có học phí 3 triệu đồng/tháng. Trường tăng học phí để trước mắt tồn tại được. Thực ra, chi phí đào tạo sinh viên ngành y khoa phải gấp 4-5 lần các ngành, nghề khác. Nếu những ngành khác học phí khoảng 50 triệu đồng/năm là ổn thì ngành Y phải ít nhất 200 triệu”, PGS Ngô Minh Xuân nhấn mạnh.
PGS Xuân nói thêm nếu đào tạo như hiện nay, trường đang phải chịu lỗ, lấy nguồn thu từ bệnh viện của trường (Bệnh viện ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) để bù vào.
“Chúng ta thử so sánh đơn giản, học sinh mẫu giáo, tiểu học hiện nay đã phải đóng tiền bao nhiêu một tháng. Trong khi đó, học phí đại học chỉ 3-4 triệu/tháng. Không có chuyện học phí thấp mà đòi chất lượng đào tạo cao. Bây giờ, có nơi bán tô phở 10.000 đồng, chúng ta có dám ăn không? Chúng ta không dám vì nghi ngờ chất lượng”, đại diện ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy ví dụ.
Khi bước vào tự chủ đại học, không còn nhận được ngân sách Nhà nước, tất cả trường đại học công lập đều phải có lộ trình tăng học phí để đảm bảo chất lượng đào tạo, không riêng gì các trường đào tạo y dược.
Nhiều trường đại học ở TP.HCM tăng học phí gấp đôi
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), có mức học phí năm học 2021-2022 tăng mạnh so với các năm trước.
Trong tiến trình các trường đại học thực hiện tự chủ, bao gồm tự chủ tài chính, học phí tăng nhanh, thậm chí tăng gấp đôi. Trong năm tới, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đều tăng học phí.
ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, thực hiện tự chủ và sẽ tăng học phí đối với sinh viên khóa mới. - Ảnh: HCMUT .
Học phí ĐH Bách khoa TP.HCM cao nhất 66 triệu đồng
Theo đề án tuyển sinh năm 2021 của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí áp dụng cho tân sinh viên khóa mới trong năm học 2021-2022 ở mức 32 triệu đồng/năm đối với các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Học phí các ngành còn lại là 28 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, sinh viên đóng thêm chi phí học tập 2 học phần bắt buộc, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh theo quy định hiện hành.
Trong khi đó, năm ngoái, mức thu của trường đối với sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM là 14,3 triệu đồng, hộ khẩu tỉnh thành khác là 28,6 triệu đồng.
Tại ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin với chương trình đại trà, học phí mới là 25 triệu đồng/năm (sinh viên hiện tại đóng khoảng 12 triệu đồng/năm).
Bên cạnh đó, chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh thu học phí 66 triệu đồng/năm, tăng 10% so với mức hiện tại. Học phí chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật vẫn giữ nguyên mức 50 triệu đồng/năm.
Ông Thắng cho biết thêm theo lộ trình, học phí chương trình đại trà năm học 2022-2023 tăng lên 27,5 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 30 triệu đồng. Mức thu này sẽ giữ ổn định cho hai năm tiếp đó.
ĐH Kinh tế - Luật dự kiến học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng, năm 2022 ở mức 22,6 triệu đồng, năm 2023 thu 24,8 triệu đồng, năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 30 triệu đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, trường dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng 10-15%. Học phí hệ đại trà hiện tại ở mức khoảng 9,8 triệu đồng/năm.
ĐH Công nghệ thông tin dự kiến thu học phí năm 2021 là 25 triệu đồng; năm 2022 mức 30 triệu đồng; năm 2023 thu 45 triệu đồng; năm 2024 là 49,5 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 54,4 triệu đồng.
Chi phí đào tạo sinh viên ngành y và kỹ thuật rất lớn. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.
Tăng học phí để bù đắp kinh phí đào tạo
Lý giải việc tăng học phí, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho hay tháng 7/2020, ĐH Bách khoa được phê duyệt đề án tự chủ theo quyết định của ĐH Quốc gia TP.HCM. Hai trường Kinh tế - Luật và Công nghệ thông tin cũng được phê duyệt tự chủ.
Theo ông Thắng, chi phí để đào tạo một kỹ sư rất lớn, năm 2019 đã hơn 60 triệu đồng/năm/sinh viên. Trường thu học phí khoảng 12 triệu đồng. Bù lại, trường có khoản kinh phí thường xuyên do Nhà nước cấp.
Khi thực hiện tự chủ, ngân sách Nhà nước không cấp thường xuyên, trường tăng học phí lên mức 25 triệu đồng/năm để bù đắp phần nào.
Ông Thắng nói thêm trường có thêm kinh phí từ các dự án, chuyển giao công nghệ, nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp, xã hội để việc đào tạo đảm bảo chất lượng.
"Tại trường kỹ thuật, chi phí đầu tư cho trang thiết bị phục vụ đào tạo là con số lớn. Mức học phí 25 triệu đồng/năm cũng chỉ chiếm một phần trong chi phí đào tạo. Chắc chắn, trường còn hỗ trợ người học nhiều", PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lý giải học phí tăng vì trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học.
Trường thông tin thêm đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.
Thực tế, năm ngoái, khi ĐH Y Dược TP.HCM thực hiện tự chủ và đưa ra mức học phí cao so với mức thu hiện tại, dư luận cũng thắc mắc.
Khi Nhà nước và Bộ Y tế không hỗ trợ thường xuyên cho chi phí đào tạo sinh viên ngành y, ĐH Y Dược TP.HCM, cũng như các trường y thực hiện tự chủ sẽ phải tính toán để đưa ra mức học phí mới nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Cũng như ngành kỹ thuật, kinh phí đào tạo ngành y rất lớn.
Để sinh viên yên tâm trước thông tin tăng học phí, PGS.TS Bùi Hoài Thắng khẳng định mức thu mới áp dụng với sinh viên nhập học năm 2021-2022. Những em nhập học từ các năm trước vẫn đóng học phí theo quy định trước.
Ngoài ra, để hỗ trợ sinh viên, trường còn trích nguồn thu để tăng mức học bổng. Dự kiến, học bổng hỗ trợ sinh viên có thể lên đến 50 tỷ đồng/năm, tăng gấp đôi so với mức hiện tại (khoảng 20 tỷ đồng/năm).
Bên cạnh đó, hội cựu sinh viên trường đang xây dựng chương trình hỗ trợ học phí hoặc cho vay lãi suất thấp, khoảng 15 tỷ đồng/năm.
Cùng việc tăng học phí, trường luôn đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Năm vừa rồi, ĐH Bách khoa TP.HCM đã vay vốn đầu tư để để nhanh tiến độ xây dựng tòa nhà H3. Năm nay, tòa nhà bắt đầu đi vào hoạt động.
Học phí đại học sẽ ra sao? Học phí bậc ĐH dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới khi nhiều trường công lập đồng loạt đổi mới cơ chế hoạt động chuyển sang tự chủ. Sinh viên đóng học phí tại một trường ĐH ở TP.HCM - HÀ ÁNH Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM,...