Học phí đại học ở Mỹ tăng đồng loạt
Tổng học phí và lệ phí tại Đại học Virginia tăng gần 6% cho năm học này, lên khoảng 20.350 USD. Trong khi đó, Đại học Howard đã tăng hơn 7%, lên khoảng 31.050 USD.
Chấm dứt giai đoạn “đóng băng” học phí
Hai trường trên, một công lập và một tư thục, hầu như không tăng học phí trong năm học trước.
Sự thay đổi này nhấn mạnh thực tế: Việc “đóng băng” học phí (giữ nguyên học phí) và những khoản hỗ trợ khác trong hai năm đầu tiên của đại dịch Covid-19 đã kết thúc.
Các trường đại học ở Mỹ đứng trước áp lực tăng học phí. Ảnh: Jabin Botsford/ The Washington Post
Trong bối cảnh lạm phát, các trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ đang thực hiện các bước để củng cố doanh thu và triển khai trở lại các kế hoạch tăng học phí hàng năm, như giai đoạn trước đại dịch.
Giá hàng hóa, khí đốt và tiền thuê nhà cao hơn đang gieo rắc nỗi sợ hãi mới về khả năng chi trả cho giáo dục đại học.
Tia Pitts, 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Howard, cho biết danh sách chi phí phải trả khi quay lại trường học đã khiến cô “hoảng loạn”.
“Em phải chi nhiều tiền nhà hơn, mua thêm nhiều vật dụng sinh hoạt, phải chi rất nhiều khoản mà thậm chí còn chưa bao gồm học phí”.
Tuy nhiên, một số trường tiếp tục giữ nguyên học phí như Đại học Purdue ở bang Indiana, vẫn ở mức khoảng 10.000 USD cho học phí và lệ phí cơ bản trong thập kỷ qua. Hầu hết các trường đại học công lập ở Virginia đã tuân thủ yêu cầu giữ nguyên học phí của Thống đốc Glenn Youngkin (R), trừ Đại học Virginia.
“Không ai muốn tăng học phí”, Giám đốc điều hành của Đại học Virginia Jennifer “J.J.” Wagner Davis chia sẻ. “Nhưng đó là một hành động hợp lý sau khi xem xét tất cả các nhu cầu và cố gắng đảm bảo rằng chúng tôi có thể cung cấp trải nghiệm giáo dục xuất sắc nhất”.
Thống kê cho thấy toàn bộ học phí và lệ phí cho một sinh viên Virginia hiện nay ước tính cao hơn 5,8% so với năm trước. Mức tăng trước đó, vào mùa thu năm 2021, là 1,5%. Những con số này không bao gồm tiền ăn ở, các chi phí khác, và cũng không bao gồm hỗ trợ tài chính.
Phillip B. Levine, một nhà kinh tế học tại Đại học Wellesley, người đã nghiên cứu về chi phí giáo dục đại học, cho biết giữ nguyên học phí là một vấn đề nan giải đối với các trường bởi việc “đóng băng” học phí sẽ hạn chế những khoản tiền có thể được sử dụng để hỗ trợ tài chính.
“Và tiền đó cần đến từ các gia đình có thu nhập cao hơn”, Levine nói.
Video đang HOT
Trước đó, trên toàn nước Mỹ, học phí tăng không đáng kể khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, bởi các trường cạnh tranh để duy trì tuyển sinh trong bối cảnh học trực tuyến.
Theo College Board, học phí và lệ phí tăng trung bình 1,2% đối với các trường đại học công lập vào mùa thu năm 2020 và 1,6% vào mùa thu năm 2021. Đó là những mức tăng thấp nhất, tính theo tỷ lệ phần trăm, kể từ những năm 1970.
Các trường cao đẳng và đại học tư thục cũng tương tự, với mức tăng 1,1% vào năm 2020 và 2,1% vào năm ngoái.
Trong thập kỷ trước đại dịch, dữ liệu của College Board cho thấy mức tăng hàng năm thường là khoảng 3% trong khu vực công và 3,7% trong khu vực tư nhân, trừ năm 2011 khi các trường đại học công lập đã tăng 8,5%.
Giá tiêu dùng gần đây tăng đột biến trên toàn nước Mỹ, với lạm phát lên mức 9,1% vào tháng 6, chỉ giảm nhẹ vào tháng 7, đang làm gián đoạn nguồn tài chính của giáo dục đại học.
Các trường học phải đối mặt với chi phí cao hơn cho các tiện ích, vật dụng và thực phẩm, cơ sở vật chất, đồng thời phải chịu áp lực tăng lương để tránh tình trạng giảng viên, nhân viên bỏ nghề.
Các khoản hỗ trợ giáo dục liên bang cho các trường cao đẳng và đại học đang giảm dần. Tài trợ của nhà nước cho giáo dục đại học công lập – một trụ cột tài chính hỗ trợ giảm học phí trong các tiểu bang – không rõ có thể giữ ổn định trong bao lâu.
Xu hướng chung: tăng
Trong số các trường đại học tư nhân ở Quận Columbia, toàn bộ học phí và các khoản phí bắt buộc đã tăng 3,5% tại Đại học Georgetown, 3,9% tại Đại học Công giáo, 4,2% tại Đại học George Washington, 4,9% tại Đại học Mỹ và 7,4% tại Đại học Howard.
Tại Đại học Maryland, học phí và lệ phí tăng 2,5%, tiền phòng và tiền ăn tăng 9%. Chi phí ước tính cho các bữa ăn ở trường và nhà ở tại thành phố College Park là 14,576 USD, cao hơn nhiều so với học phí và lệ phí trong tiểu bang là 11,232 USD.
Khuôn viên trường Đại học Purdue ở thành phố West Lafayette, bang Indiana vào 2020. Ảnh: AJ Mast/ The Washington Post
Học phí và lệ phí Đại học George Mason ở Bắc Virginia tăng 2,2%, lên khoảng 13,400 USD.
Học phí và lệ phí nhập học của sinh viên năm thứ nhất trong tiểu bang đã tăng khoảng 3% tại các trường đại học Massachusetts và Michigan, khoảng 4% tại các trường đại học California-Berkeley và Minnesota và gần 5% tại các trường đại học Colorado và Connecticut. Đại học Bang Oregon có mức tăng 6%.
Chỉ có Đại học Purdue đi ngược xu hướng đó. Hiệu trưởng Mitchell E. Daniels Jr. đã thông báo giữa nguyên học phí từ năm 2013. Tuy vậy, theo ông Daniels, Đại học Purdue không tránh khỏi áp lực lạm phát, nhưng trường đã thúc đẩy doanh thu thông qua tăng chỉ tiêu tuyển sinh, với 37.800 sinh viên tốt nghiệp vào mùa thu năm ngoái, nhiều hơn khoảng 25% so với năm 2014.
Được Ocean Edu hoàn phí, phụ huynh cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam
GDVN- Phụ huynh có con theo học tại trung tâm của Ocean Edu được hoàn phần học phí chưa học gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải các bài viết phản ánh ý kiến của phụ huynh tại một số trung tâm Ocean Edu. Trong đó, nhiều phụ huynh không hài lòng về chất lượng giảng dạy của giáo viên tại Anh ngữ quốc tế Ocean Edu nên đòi lại tiền số buổi con chưa học.
Ngay sau khi Tạp chí đăng tải, theo chia sẻ mới nhất của một số phụ huynh, họ đã được Ocean Edu liên hệ để xử lý số tiền học phí mà học viên chưa học.
Cụ thể, trường hợp của gia đình anh Nguyễn Bá Linh đăng kí cho con học tại Ocean Edu Ba Vì với hơn 20 triệu đồng/khóa học, tuy nhiên do chất lượng giảng dạy của trung tâm không đảm bảo nên gia đình cho con nghỉ học và đòi lại phí số buổi chưa học.
Ocean Edu Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Nhất
Anh Linh cho biết, ngày 15/9 vừa qua, một nữ nhân viên của Ocean Edu Ba Vì đã gọi điện cho gia đình để thông báo về việc hoàn 70% học phí trong tổng số tiền 8,4 triệu đồng con anh chưa học.
Không hài lòng về việc bị mất 30% số tiền học phí chưa học, vợ anh Linh là chị Xuân Hòa đặt câu hỏi: "Vậy những gì trung tâm cam kết nhưng không thực hiện được, bên nào sẽ chịu vậy?".
Khi này, nữ nhân viên đặt câu hỏi: "Về phần cam kết, chị có thể nói rõ hơn về việc trung tâm có cam kết như nào với gia đình".
Lúc này, chị Hòa cho hay: "Lúc tôi đi xin học cho con, nhân viên tư vấn nói rằng con sẽ học một tuần 3 buổi (trong đó có 1 buổi học ngoại khóa), 1 tháng được đi dã ngoại 1 lần. Tuy nhiên con chưa được đi học ngoại khóa 1 buổi nào. Đợt dịch Covid-19, các cô gửi bài trong nhóm và nhờ bố mẹ dạy các con học, nếu chúng tôi mà biết cách giảng dạy đã không cho con đi học tại trung tâm".
Chị Hòa cũng phản ánh về việc khi các con đi học trở lại, nhưng trung tâm chỉ bố trí học 1 buổi/tuần, việc này khiến phụ huynh lo lắng ảnh hưởng đến sự tiếp thu của các con. Phụ huynh từng kiến nghị nhưng trung tâm không giải quyết.
Về phản ánh trên, nhân viên giải thích, các buổi cô giáo gửi bài lên nhóm cho con là để phụ huynh kèm cặp, duy trì kiến thức cho con, trung tâm sẽ không thu tiền. Những buổi nào con đi học mới tính phí.
Nữ nhân viên cho biết thêm, nếu trung tâm dạy vào thời điểm không có dịch Covid-19, học sinh sẽ có 2 buổi học với giáo viên nước ngoài, một buổi bổ trợ ngữ pháp với giáo viên Việt Nam. Đối với chương trình ngoại khóa hay dã ngoại là các thầy cô tổ chức thêm cho các con, tùy theo từng giai đoạn, không có trong quy định với người học.
Trước câu trả lời của nhân viên, chị Hòa bức xúc nói: "Khi tôi đến tìm hiểu để cho con nhập học, nhân viên của trung tâm không nói như vậy. Nếu chỉ là những buổi các cô tổ chức ngoại khóa cho các con, tôi không nói đến...".
Tiếp đó, nữ nhân viên Ocean Edu hỏi về việc gia đình có nhận được mail "Thư mời nhập học của con" hay không, chị Hòa cho biết gia đình không nhận được mail nào của trung tâm. Chị Hòa cho rằng, trung tâm không có cam kết giấy trắng mực đen, văn bản với phụ huynh nên khi có vấn đề phát sinh, phụ huynh bị thiệt thòi.
Trước thắc mắc của chị Hòa về việc ngân hàng Sacombank tính lãi suất trả góp học phí, nữ nhân viên cho hay quá thời hạn thanh toán 20-25 ngày gia đình vẫn không bị tính lãi. Sau thời hạn này, người dùng thẻ mới phải trả lãi.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hòa cho hay, chị đã nhận lại của trung tâm hơn 5,2 triệu đồng/8,4 triệu đồng. Chị Hòa thắc mắc số tiền chị nhận được bị trừ đến 40% thay vì 30% như nhân viên nói. Chị thắc mắc việc bị trừ thêm 10% phí là phí gì mà không thấy nhân viên thông báo.
Chị Hòa cho biết: "Nếu không được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh vụ việc, không biết đến bao giờ gia đình mới có thể lấy lại tiền từ trung tâm. Tôi cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã vào cuộc, phản ánh khách quan vụ việc".
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã phản ánh về trường hợp của chị Nguyễn Hà với cán bộ của Hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocean Edu. Theo đó, chị Hà đặt cọc 2 triệu đồng cho con học tại Trung tâm Ocean Edu Ba Vì nhưng chị chờ đợi cả năm trời vẫn chưa được sắp xếp lớp học cho con.
Đầu tháng 9/2022, chị Hà cho biết trung tâm sẽ bố trí cho con chị học hết số tiền 2 triệu đồng mà chị đã đặt cọc. Chị Hà cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nói lên tiếng nói của phụ huynh để trung tâm giải quyết quyền lợi cho con của chị.
Khác với hai trường hợp trên, chị Hoàng Anh - nhân vật có con học tại Ocean Edu Ba Vì được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, cho biết, đến nay chị vẫn chưa nhận được câu trả lời từ trung tâm về việc trả lại học phí số buổi con chị chưa được học. Chị đã cho con nghỉ vì thấy trung tâm không đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Qua quen biết với một nhân viên của Ocean Edu, chị nhờ người này kiểm tra thông tin học phí con chị xem còn bao nhiêu thì được biết con còn hơn 600 nghìn đồng.
Cụ thể, theo thống kê, con chị Anh đăng kí học 12 tháng với tổng số tiền là 15,5 triệu đồng. Con đã học chương trình Pre-Kindy1_ 1B với số tiền 3,2 triệu đồng; Pre-Kindy 1_1A: 3,8 triệu đồng; Pre-Kindy1_B: 2,7 triệu đồng; Pre-Kindy1_A: 647 nghìn đồng; Pre Kindy3_A: 3,8 triệu đồng và một phần chương trình Pre Kindy3_B hết 485 nghìn đồng. Số buổi còn lại con chị chưa học được tính là còn 647 nghìn đồng.
Chị Hà cũng được nhân viên này chia sẻ rằng, nếu hoàn lại thì sẽ bị mất 30% hoàn phí và 10% chuyển phí, nhưng số tiền học phí còn lại của con chị còn lại quá ít, chỉ có thể cho con học nốt số tiền này.
Chị Hoàng Anh chia sẻ, bất cứ phụ huynh nào đã đóng tiền cho con đi học thì không ai muốn giữa chừng đòi lại tiền cả. Chính vì vậy, chị Hoàng Anh mong rằng các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra nghiêm làm sao giúp phụ huynh làm rõ được chất lượng giảng dạy thực chất của các trung tâm ngoại ngữ để phụ huynh không rơi vào tình cảnh như chị và những người khác.
Sau những phản ánh của phụ huynh về chất lượng giảng dạy tại các trung tâm Anh ngữ quốc tế Ocean Edu, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện của Ocean Edu.
Đối chiếu với câu trả lời của phía Ocean Edu khác hoàn toàn với phản ánh của phụ huynh, ví như việc phía Ocean Edu nói đều gửi thông báo email về khóa học, cam kết chất lượng cho phụ huynh, trong khi đó các phụ huynh đều phản ánh với Tạp chí là không hề nhận được.
Về sự "vênh" giữa phản ánh của phụ huynh và trả lời của đại diện Ocean Edu, Tạp chí cũng đã tiếp tục gửi câu hỏi cụ thể để có thêm thông tin khách quan từ phía Ocean Edu.
Cùng với đó, phụ huynh, học viên nêu thắc mắc, tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 21 quy định về trách nhiệm của trung tâm tin học, ngoại ngữ sẽ phải thực hiện: "Thực hiện công bố công khai và có trách nhiệm giải trình các cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế...". Tuy nhiên, họ không được biết đến các cam kết và cũng không rõ Ocean Edu công bố công khai ở đâu. Nội dung này, Tạp chí đã gửi thông tin đến phía Ocean Edu để có thông tin cụ thể, khách quan đến bạn đọc. Ngay khi nhận được trả lời cụ thể từ Ocean Edu, chúng tôi sẽ cung cấp để bạn đọc nắm được.
Liên quan đến việc phụ huynh được nhân viên Ocean Edu làm thẻ vay trả góp và không có nhân viên ngân hàng đến làm việc trực tiếp, phóng viên cũng đã gửi nội dung câu hỏi này tới Ngân hàng Sacombank, tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Hòa Bình đẩy mạnh thu học phí bằng hình thức trực tuyến, không dùng tiền mặt GDVN- Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình sẽ đẩy mạnh hình thức thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt. Ngày 27/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và Thống kê giáo dục năm...