Học ngoại ngữ online, làm sao tạo môi trường tương tác?
Việc học qua hình thức online (trực tuyến) tại nhà đang tạo ra mối băn khoăn về chất lượng giảng dạy cũng như sự tiếp thu của học sinh.
Đặc biệt, môn ngoại ngữ đang cần nhiều nỗ lực hơn bên ngoài tiết học.
Giáo viên áp lực, học sinh thiếu chủ động
Một phụ huynh ở Q.5, TP.HCM cho hay, con chị vừa bước vào năm đầu tiên của bậc THPT và hết sức lo lắng về việc học tiếng Anh online. “Học qua mạng hiện có quá nhiều bất cập. Đặc biệt, môn tiếng Anh dạy online chỉ phù hợp với các cháu có trình độ ngoại ngữ khá trở lên, mới bắt nhịp kịp. Nhưng cũng chính học sinh (HS) khá giỏi ấy lại đang tạo ra khoảng cách lớn về trình độ trong một lớp”, chị nhận xét. Thầy cô dĩ nhiên không thể bao quát được hết như khi học trực tiếp để kiểm soát được bạn nào tích cực, bạn nào chưa, mà kịp hỗ trợ, theo chị. Và từ đó dẫn đến những lỗ hổng kiến thức, dễ gây cho HS sự chán nản.
Chị Nguyễn Bảo Di (Q.4, TP.HCM) cho rằng, một trong những yêu cầu của việc học ngoại ngữ là khả năng tương tác cao. Trong khi hạn chế lớn nhất của việc học trực tuyến là HS không có được sự tương tác với các bạn và thầy cô như trong lớp học bình thường. “Dù có bật camera, thầy cô cũng không thể theo dõi để bảo đảm rằng 100% HS đang tham gia lớp học hay đang ngủ gật, ăn uống, chơi game…
Vì vậy, giữa giáo viên và HS cũng chỉ tồn tại sự tương tác ảo như chính đặc điểm của môi trường trực tuyến”, chị nói. Hơn nữa, những HS ít tự giác, những em luôn cần một “lực đẩy” từ giáo viên và khuôn khổ nhà trường, sẽ gặp khá nhiều vấn đề khi duy trì học trực tuyến.
Trẻ tiểu học tại TP.HCM đang học online tiếng Anh tại nhà – ẢNH: NAM ANH
Những ngày này, con trai anh Nguyễn Ngọc Hùng, HS lớp Một Trường tiểu học Newton (TP.Hà Nội), học sáu tiết tiếng Anh/tuần và một tiết kiểm tra tiếng Anh, theo lịch học từ thứ Hai đến thứ Bảy. “Con tôi gặp khá nhiều khó khăn khi học trực tuyến môn tiếng Anh. Ở kỹ năng viết, con chưa rành tiếng Việt mà phải học song song cả hai ngôn ngữ lắm lúc bị loạn từ. Đôi khi vợ chồng tôi phải thay phiên nhau học cùng con để đảm bảo con không bị hổng kiến thức”, anh Hùng cho hay.
Tương tự, theo nhiều phụ huynh có con học tiểu học, việc học tiếng Việt, toán bằng hình thức online khó một thì học ngoại ngữ khó gấp bội phần bởi đặc thù lớp học ở trường phổ thông khá đông, thầy cô khó bao quát. Hơn nữa, với nhiều môn học, cha mẹ có thể kèm cho con nhưng ngoại ngữ thì không nhiều phụ huynh làm được.
Trong khi đó, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, cho hay, việc dạy học trực tuyến môn ngoại ngữ vẫn ổn. Bản thân con ông hiện vẫn đang học thêm tiếng Anh trực tuyến. Ông chia sẻ: “Qua quan sát với vai trò phụ huynh, tôi thấy chất lượng hình ảnh, âm thanh, giao tiếp giữa thầy và trò khá tốt. Các thầy cô vận dụng kho dữ liệu bài giảng, trình chiếu lên, tương tác khá sinh động”. Theo ông, việc dạy học trực tuyến, không riêng gì môn tiếng Anh, các thầy cô còn nhiều áp lực. So với trước đây, thầy cô chỉ đứng lớp với HS, lâu lâu mới có dự giờ thì hiện nay khi dạy cho các em, còn có cha mẹ, thậm chí cả ông bà cũng nghe nữa.
Tăng cường hoạt động ngoài lớp học online
Ở góc độ quản lý, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Hà Đông (TP.Hà Nội), cho biết: Việc học trực tuyến với môn tiếng Anh lớp Một, Hai chỉ mang tính bổ trợ chứ không quá áp lực vì dễ khiến các em cảm giác việc học căng thẳng, mệt mỏi và không hiệu quả. Trường tư tổ chức cho HS học trực tuyến bằng tiếng Anh là theo thỏa thuận của nhà trường với cha mẹ. Còn ở hệ thống trường công tại TP.Hà Nội hiện nay, đối với HS lớp Một phải học trực tuyến thì mới chỉ dạy toán, tiếng Việt. Tùy vào điều kiện từng trường, giáo viên có thể gửi tài liệu học tập cho HS để các em làm quen nhưng không tính điểm.
Video đang HOT
Để khắc phục nhược điểm của hình thức học online đòi hỏi cả người dạy và người học đều phải… chịu khó, làm việc nhiều hơn ngoài giờ lên lớp. Theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Bảo Di, với các chủ đề khác nhau, thầy cô cần chia nhóm để HS được thảo luận bằng tiếng Anh trước đó, cũng bằng hình thức trực tuyến. Tất cả HS đều có thể nêu quan điểm, lắng nghe và tư duy dựa trên ý kiến của người khác. Khi vào giờ học online chính thức thì các nhóm trình bày ý chính, giáo viên sẽ hướng dẫn, bổ sung. Một môi trường tương tác cao như vậy tác động rất tích cực đến tâm lý phát triển của các em, bên cạnh việc học và hiểu bài giảng của thầy cô trên lớp. Đây là điều kiện hết sức quan trọng mà những buổi học online không thể mang lại.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, nhận định, việc học online phù hợp nhất với lứa tuổi đại học trở đi. Khó khăn hết sức rõ ràng đối với HS phổ thông khi tham gia hình thức học này tại nhà. Điều kiện tiên quyết để học trực tuyến thành công là cần sự nỗ lực chuẩn bị rất lớn bên ngoài giờ học. Điều này quả rất khó khăn với trẻ và các gia đình. Đó là chưa kể ngoài hiệu quả tiếp thu kiến thức, học trực tuyến còn hạn chế sự phát triển toàn diện về mặt xã hội, cảm xúc và ngôn ngữ.
“Nếu có một lời khuyên thì theo tôi, vào lúc khó khăn này, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhà trường trong việc giáo dục HS, bởi chúng ta không thể nào khoán 100% cho nhà trường được. Đồng thời, nhà trường cũng phải nỗ lực chia sẻ và thể hiện vai trò chủ động của mình hơn, không thể bỏ mặc cho cha mẹ HS được”, bà Phương Anh nêu quan điểm.
Cũng theo chuyên gia có nhiều năm trong nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ này, thành công của con không thể thiếu vai trò của cha mẹ. Đối với ngoại ngữ, ở đây phổ biến là môn tiếng Anh, thêm một lời khuyên nữa đó là cha mẹ cần tạo cho các em một môi trường học ngoại ngữ bằng cách cho con cái theo đuổi sở thích của mình bằng chính tiếng Anh. Em nào thích môn gì, trò chơi nào cứ nên cho chúng thỏa thích tiếp cận, tìm hiểu, vui chơi bằng song song hai ngôn ngữ.
Học là không định nghĩa "muộn" hay "sớm"
Hồi đi học ở Trung Quốc và Đài Loan tôi phát hiện ra một thực tế rất thú vị và đáng để học tập. Đó là ở một số nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển như Nhật, Hàn...thì tuổi nào họ cũng học, bởi quan niệm của học là "sống đến già, học đến già".
Ở năm học thứ nhất, ban đầu bước vào lớp học ngoại ngữ tôi khá ngạc nhiên khi nhìn thấy ba anh chị người Hàn rất luống tuổi ngồi học cùng chúng tôi. Tìm hiểu ra thì biết một chị đã 52 tuổi, một chị 45 tuổi và một anh 50 tuổi (lúc đó tôi 32 ). Họ sang Trung Quốc theo chồng hoặc đi làm công việc kinh doanh của riêng mình. Vì không muốn sử dụng phiên dịch trong giao tiếp hàng ngày và đàm phán, thương thảo với đối tác nên họ bỏ thời gian ra để học tiếng Trung.
Thực ra tôi biết tuổi của họ khi "láu cá" xem danh sách có thông tin cá nhân cơ bản của cả lớp để trên bàn giáo viên lúc ra chơi chứ hỏi thì họ chỉ cười trừ và chưa một ai nói cho tôi biết tuổi thật. Vậy mà ngày đó tôi cứ nghĩ mình là lớn tuổi nhất, vì ở Việt Nam 32 tuổi mới sang đó học Thạc sĩ thì chẳng còn gì là sớm nữa, bởi lớp Thạc sĩ chuyên ngành của tôi toàn các bạn kém tôi từ 7-8 tuổi.
Ở Trung Quốc thì họ thường học luôn một chặng dài mới đi làm, có nghĩa là học xong đại học sẽ học tiếp thạc sĩ, rồi học lên tiến sĩ luôn. Bởi vậy ở họ số người có bằng tiến sĩ lúc 28-30 tuổi là chuyện hết sức bình thường, chẳng có gì đáng phải "á, ồ", ngạc nhiên cả.
Suy nghĩ của họ không giống với mình ở chỗ là họ hành động theo tư duy độc lập mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi thị phi hay dư luận xã hội. Có nghĩa là họ sống theo cảm xúc cá nhân nhiều hơn là bị người khác chi phối. Lên lớp không sinh viên nào ngồi nem nép nhìn thầy cô giảng bài trên bục rồi ngồi chép 1 - định nghĩa; 2- khái niệm...như ở ta.
Trừ môn ngoại ngữ ra thì tất cả các môn học chuyên ngành khác giáo sư chỉ lên lớp đúng buổi đầu tiên để khái quát nội dung và ý nghĩa của môn học. Sau đó sẽ giao cho mỗi sinh viên một đề tài để về chuẩn bị và lên thuyết trình. Khi sinh viên đứng trên bục thuyết trình thì thầy ngồi dưới nghe và điều chỉnh những nội dung cần thiết.
Mỗi giờ giải lao thầy trò ngồi tranh luận rôm rả, nhiều lúc nảy lửa chan chat bởi quan điểm giữa thầy và trò trái ngược nhau. Không giống sinh viên ở mình nhiều lúc vì "sợ" hay "nể" thầy mà nhượng bộ, sinh viên của họ sẵn sàng cãi tay đôi với giáo sư đến lúc ngã ngũ thì thôi. Nhiều lúc thầy phải chấp nhận thua trò bởi lý lẽ của trò sát với thực tế hơn, khả thi hơn.
Lớp học ngoại ngữ đủ các lứa tuổi với nhiều quốc gia tại Taiwan
Tôi vừa ngồi nghe giảng, vừa quan sát mới thấy được vì sao sinh viên của họ luôn có những thành tích nổi trội và suy nghĩ vượt qua lằn ranh giới của tuổi tác. Nếu là tôi khi ở Việt Nam thì khi ngồi học cùng với các bạn kém mình 7-8 tuổi kiểu gì cũng ra dáng một đàn chị, nhưng ở đó thì ranh giới tuổi tác bị xóa nhòa, bởi họ cũng chỉ xưng hô "ủa" với "nỉ", giống như tiếng Anh chỉ có hai ngôi "I" và "you", và mình cũng đang chỉ học những kiến thức ngang bằng với họ, thế nên nếu tự nghĩ mình là "chị" với họ thì sẽ lố bịch vô cùng.
Lại nói tiếp chuyện học không bao giờ là sớm hay muộn. Bởi vì, lớp học ngoại ngữ của tôi có khoảng 15 người đến từ hơn 10 quốc gia, nào Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Nga, Việt Nam,Đức, Pháp, Bỉ.. cùng đa dạng lứa tuổi. Mấy anh chị người Hàn cùng lớp với tôi kia thì đáng tuổi cô, tuổi chú. Còn ở các quốc gia khác như Nga, Ukaraina, Triều Tiên thì toàn các bạn mới 15-18 tuổi.
Thế nhưng dù là tuổi tác gì, quốc gia nào thì khi lên lớp họ đều học với một tinh thần nghiêm túc và cần mẫn đáng nể phục. Họ tỉ mỉ ghi chép từng câu, từng chữ, đánh dấu những chỗ khó để hỏi lại thầy cô những điều mà họ chưa rõ.
Ban đầu lớp học giống như một bản thanh âm được gõ bởi đủ các nốt lộn xộn kiểu đồ, son, pha, si, la.. chẳng ra một dòng nhạc gì bởi cô giáo dạy trên bục giảng là người China, các trò ngồi phía dưới thì đủ các thứ ngôn ngữ của các quốc gia, chẳng ai hiểu ai nói cái gì. Và kèm với đó cũng là những tràng cười bất tận của mọi người mỗi khi cô vác cái thước kẻ, giẫm chân bình bịch chạy qua chạy lại trên bục như Tôn Ngộ Không để biểu thị từ "vác" hoặc từ "đi", "chạy".
Lưu học sinh quốc tế trong ngày hội văn hoá thể thao tại các trường đại học ở Trung Quốc
Thế nhưng, nhờ những phương pháp tuyệt vời đó, không cần đến một lời tiếng Anh chú thích nào mà hai tháng ròng rã sau đó chúng tôi đã có thể trò chuyện và hiểu nhau bằng tiếng Trung. Tôi cảm thấy phút giây đó thật diệu kỳ, xúc động làm sao. Và lớp học đủ lứa tuổi, nhiều quốc gia của chúng tôi bắt đầu cùng nhau thực hiện những hoạt động ngoại khóa cuối tuần, mấy anh chị Hàn Quốc lớn tuổi và mấy cô bé, cậu bé người Nga, Triều Tiên nhỏ tuổi vô tư nô đùa, vui chơi cùng nhau dưới tán ngân hạnh vàng tươi hoặc rặng phong đỏ thắm mỗi khi thu về, hoặc cùng nhau ra sân vận động đắp tượng ông già tuyết, bốc những nắm tuyết trắng mịn ném trêu nhau mỗi khi mùa đông đến. Chúng tôi đi ăn uống, đi hát, đi dã ngoại, không khí giống như một gia đình lớn hơn là một lớp học bởi có người đáng tuổi cha mẹ, có người đáng tuổi con, tuổi cháu cùng vui vẻ, hòa thuận bên nhau, sẻ chia những nét văn hóa khác biệt cùng nhau. Và cảm giác lạ lẫm trong tôi biến mất tự khi nào không biết nữa.
Cụ già Nhật Bản chăm chỉ học tập bên máy tính
Sang năm học thứ hai thì tôi nâng bậc học của mình lên cao hơn một chút so với lớp học cũ nên tôi nhảy qua một lớp khác. Và ở đây tôi còn chứng kiến nhiều điều đáng ngạc nhiên hơn khi lớp học này có hai "cụ" khá lớn tuổi người Nhật và người Hàn. Gọi là cụ bởi vì lúc đó cụ người Nhật đã gần 80 tuổi và cụ người Hàn đã gần 70.
Hai cụ lên lớp trong một tâm thái của người có tuổi 70, 80 nhưng trái tim là của tuổi 20 vì các cụ vui tươi, tự tin bước vào lớp học toàn những người đáng tuổi con cháu mình, bắt đầu học nói từng câu, đánh vần từng câu sao cho đúng nghĩa, đúng ngữ pháp một cách rất chuyên tâm, rất bài bản.
Các cụ không đem cảm giác e ngại, sĩ diện hão ra để đối diện với thực tế là mình là người già tuổi nhất trong lớp mà vẫn còn đi học. Nhiều câu nói sai làm cả lớp cười ồ nhưng các cụ không vì thế mà ngại ngần hay xấu hổ,bởi đơn giản họ xác định học một môn ngoại ngữ khác không phải ngôn ngữ của mình thì chắc chắn không ai là không mắc lỗi sai.
Họ ngay lập tức nhận sai, ngay lập tức chính sửa, họ sẵn sàng chú thích chi chít vào quyển giáo trình để ghi nhớ ngữ, nghĩa và tập viết chữ mọi lúc, mọi nơi. Tinh thần tiết kiệm và tận dụng tối đa thời gian của họ làm tôi phải xấu hổ vì thấy mình còn quá lười và lãng phí rất nhiều thời gian.
Có một cậu người Nhật cứ hết giờ học buổi sáng là chạy ngay xuống nhà ăn mua một hộp cơm lên lớp ngồi ăn vội ăn vàng rồi lại cắm đầu vào quyển từ điển cặm cụi học đến chiều tối mới về phòng. Trong khi đó thì tôi chỉ mong mau chóng hết giờ học chạy ngay về sà vào ngồi tí toáy thêu mấy bức tranh chữ thập. Thời gian mà cậu ấy gọi là nghỉ trưa chỉ gói gọn 1 tiếng trong lúc ăn cơm hộp và ngồi uống nước tại lớp. Rồi lại đến một anh người Hàn trên 50 tuổi ở đối diện phòng tôi.
Anh sang Trung Quốc công tác công vụ, mỗi tuần chỉ đi làm 2 ngày, lương cao ngất ngưởng, nhưng không vì thế mà tự do đi chơi hay nghỉ ngơi tùy tiện. Ngoài ngày đi làm thì thời gian còn lại anh ấy đầu tư trọn vẹn cho việc lên lớp học ngoại ngữ, nhưng học khác lớp tôi nên mãi sau tôi mới để ý. Vì ở cùng ký túc lại cũng thuộc diện thế hệ 6X,7X nên chúng tôi nhanh chóng thân quen với nhau. Anh ấy biết tôi đã thành thạo ngôn ngữ này nên thỉnh thoảng nhờ tôi sang giảng giải giúp.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi tất cả các trang đã học qua trong sách giáo khoa của anh ấy đều chi chít những chữ tiếng Trung được viết tỉ mẩn hàng ngày sau mỗi buổi lên lớp. Trong khi đó quyển giáo trình của tôi ngoài mục giải nghĩa mấy từ mới mà tôi viết ra lác đác thì các trang vẫn trắng trơn.
Tôi còn quen một anh người Thổ Nhĩ Kì khác trên 50 tuổi cũng chăm chỉ lên lớp với các bạn trẻ suốt mấy năm, anh ấy bảo với tôi cứ mỗi một quốc gia anh ấy đến làm việc thì cũng đồng nghĩa với việc anh ấy sẽ học thứ ngôn ngữ của đất nước đó để giao tiếp, để ký kết hợp đồng với đối tác. Những lần đi chơi xa cùng nhóm lưu học sinh, trong khi bọn tôi cắm đầu vào màn hình điện thoại chat chit, xem phim giải trí thì anh ấy lại mở một cuốn sách hoặc cuốn từ điển ra để học. Tôi thật sự ngưỡng mộ thái độ sống và sự ham học hỏi bất kể tuổi tác của họ.
Thời gian sống và làm việc ở Đài Loan tôi cũng gặp những ví dụ tương tự như thế khi trong lớp "phân tích tin tức thời sự" tại Đại học Sư phạm Taiwan của chúng tôi có 3 anh chị người Nhật đều trên 50 tuổi, là những người kinh doanh buôn bán và chuẩn nội trợ tại gia. Họ không vì sự bận bịu trong công việc kinh doanh hay chăm sóc gia đình mà quên bồi dưỡng kiến thức cho bản thân. Họ đăng ký vào các lớp học tiếng Trung để học giao tiếp, vui chơi, ca hát, dã ngoại với các bạn sinh viên trẻ bằng tuổi con em mình.
Tôi thường xuyên đi chơi với hai chị người Nhật và khi trò chuyện với họ mới biết là con cái họ đều đã có gia đình riêng và công việc riêng hết cả. Lương chồng các chị ấy đủ nuôi sống cả gia đình nên không phải suy nghĩ về tiền, nhưng họ không muốn sống nhàn hạ một cách vô vị nên đi học để tìm hiểu về văn hóa của nước sở tại và đi du lịch. Tinh thần lạc quan, sự ham mê học tập của họ với bất kể mục đích là gì thực sự đã kích thích sự chăm chỉ trong tôi một cách mạnh mẽ.
Và tôi rút ra một sự so sánh cá nhân trong suốt quãng thời gian học tập ở Trung Quốc và ở Đài Loan là: người Việt Nam vô cùng nhanh nhẹn, thông minh và sắc sảo, sinh viên Việt Nam chỉ cần học bằng một nửa thời gian so với người Nhật, người Hàn là lĩnh hội được lượng kiến thức tương đương.
Bằng chứng là tôi và 5 bạn sinh viên Việt Nam ít ỏi tại thời điểm đó vừa học, vừa chơi nhưng luôn luôn đứng trong danh sách những sinh viên có điểm tiếng Trung xuất sắc và tuyệt đối nhất ở Học viện Hán ngữ quốc tế.
Vì thế nên tôi suy nghĩ, mình vừa thông minh, vừa nhạy bén như vậy, giá mình cộng thêm được một chút chuyên cần và tự tin như những cụ già hay những anh chị người Nhật, người Hàn kia thì tốt hơn biết bao nhiêu.
Tôi thấy tâm lý người Việt còn ngại học, ngoài một bộ phận trí thức có suy nghĩ tiên tiến, vượt trội luôn coi việc học tập là chìa khóa mở muôn vàn cánh cửa tri thức ra thì đa phần người Việt cứ tốt nghiệp đại học ra đi làm một thời gian là không muốn học lên cao hơn một cách tự nguyện tự giác. Phần nhiều vì công việc yêu cầu hay đòi hỏi bắt buộc về trình độ, bằng cấp thì mới miễn cưỡng học để không bị ảnh hưởng đến việc tăng lương, khen thưởng, tinh giản biên chế.
Thế nên mới có chuyện khi tôi tham gia một đoàn công tác tại Đài Loan có trên 140 quốc gia tham dự nhưng duy nhất chỉ có đoàn Việt Nam phải dùng phiên dịch khi vào tham quan phủ Tổng thống vì lãnh đạo của mình không biết tiếng Anh. Trong khi đó kể các các nước Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan..xung quanh chúng ta họ nói tiếng Anh như gió mà chẳng cần đến phiên dịch.
Thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay được sống trong một môi trường đầy đủ, tiện nghi vượt trội. Vì vậy hy vọng họ sẽ dùng tố chất thông minh bẩm sinh của người Việt để sải cánh trên khắp mọi nẻo đường kiếm tìm kho tri thức bất tận của nhân loại.
Chúng ta từ khi sinh ra đã phải học đủ thứ, từ học lẫy, học bò, học đi, học nói..rồi đến học chữ. Bởi thế đã là học thì đừng dùng từ "sớm" hay "muộn", mà nên lựa chọn những gì phù hợp với cuộc sống của mình để học và tự nâng cao hiểu biết của bản thân. Hãy học hỏi quan điểm của người Nhật "sống đến già, học đến già" để mỗi ngày trôi qua đều đong đầy niềm vui và ý nghĩa.
Lộ diện 4 tân sinh viên tài năng đầu tiên của Đại học Phenikaa Không chỉ đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT năm 2021, những thí sinh đầu tiên trúng tuyển vào trường Đại học Phenikaa năm 2021 còn sở hữu "profile" học tập ấn tượng. Tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tự học ngoại ngữ thứ hai Phạm Thị Bích Loan - cựu học sinh chuyên Văn, trường THPT Chuyên Cao Bằng...