Học nghề 9+: Lối mở vào đời – Bài 3: Hướng nghiệp sát với nhu cầu xã hội
Làm sao để hút HS đến với các trường nghề, để mô hình 9 cộng hấp dẫn các em? Câu hỏi này đòi hỏi nỗ lực của không chỉ các tổ chức đoàn hội, nhà trường làm công tác tư vấn hướng nghiệp mà còn phụ thuộc vào sự chủ động của chính nhà trường và cơ chế hành lang pháp lý tạo điều kiện cho người học dễ dàng học liên thông lên khi có nhu cầu.
Để phân luồng sau THCS đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường thông tin định hướng. Ảnh: Mạnh Dũng.
Xóa bỏ rào cản nhận thức về GDNN
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, phải đào tạo lại, hoặc đi làm những ngành nghề khác kiếm sống đang ở mức đáng báo động. Thậm chí, có một số trường hợp sinh viên ra trường cả hai, ba năm vẫn không tìm được việc làm…
GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định nguyên nhân của tình trạng này là do không có định hướng nghề nghiệp trước khi học. HS không biết mình thích gì và có thể làm gì sau này, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của bản thân? Không biết định hướng và lựa chọn cho mình ngành học phù hợp, sinh viên sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, kết quả học tập sút kèm, không có sự yêu thích và tâm huyết… Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho tương lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng một sự nghiệp thành công.
Ghi nhận thực tế những năm gần đây ngành giáo dục nói riêng và cả xã hội đã tích cực quan tâm đến công tác hướng nghiệp cho HS từ rất sớm. Không phải chờ đến những năm cuối cấp như lớp 9 hay lớp 12 mà trong nhiều bài học ở các cấp đã lồng ghép nội dung tư vấn, hướng nghiệp cho HS với những ví dụ thực tế, sinh động.
Video đang HOT
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định song song với việc tư vấn cho HS, chúng ta cần phải đẩy mạnh hoạt động tư vấn cho phụ huynh, bởi phần lớn các em lựa chọn nghề nghiệp là do cha mẹ định hướng. Không có sự thấu hiểu và chia sẻ với từng hoàn cảnh và suy nghĩ của từng HS thì sẽ khó đưa ra được những định hướng phù hợp và thiết thực, sát với năng lực người học. Nhất là với chương trình 9 cộng, tư vấn làm sao để những cô bé, cậu bé 15 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp lớp 9 sẵn sàng cho việc rẽ sang con đường học nghề song song với học THPT sẽ là việc không hề dễ dàng. Làm sao đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức của không chỉ HS mà còn cả phụ huynh và xã hội về việc chọn nghề là thách thức đặt ra với công tác tư vấn hướng nghiệp hiện nay. Chỉ khi xóa bỏ được rào cản nhận thức này thì hoạt động tư vấn hướng nghiệp mới đạt được hiệu quả thiết thực và bền vững.
GS Phạm Tất Dong cũng lưu ý, việc tư vấn hướng nghiệp phải linh hoạt và thực chất, tránh áp đặt từ trên xuống. Đơn cử như đã có những trường hợp phụ huynh phản đối vì bị nhà trường áp tiêu chí phân luồng HS lớp 9 sau tốt nghiệp THCS với bao nhiêu % học lên THPT, bao nhiêu % tham gia đào tạo nghề ở bậc trung học nghề…
Hướng nghiệp gắn với nhu cầu thị trường
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) trong hơn 15 năm qua, tính trung bình mỗi năm có trên 480.000 HS tốt nghiệp THCS mà không vào học các trường THPT. Khoảng trên dưới 100.000 em trong số đó vào học ở các trung tâm GDTX và dưới 90.000 em vào học ở các cơ sở GDNN. Số còn lại, hoặc tham gia lao động phổ thông hoặc không làm gì. Đây là một sự lãng phí về nguồn lực do không đuợc đào tạo kỹ năng lao động và có thể đem lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Ông Vinh cũng cho rằng thời gian qua, dù đã được chú trọng nhưng kết quả phân luồng HS sau THCS vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân về nhận thức xã hội, chất lượng GDNN chưa cao, cách làm trên bình diện vĩ mô cả nước cũng như địa phương còn nhiều lúng túng. Chúng ta có cơ chế cho HS tốt nghiệp THCS vào học nghề miễn phí, nhưng chưa đủ để tạo ra động lực thu hút người vào học nghề. Đặc biệt, DN lẽ ra có vai trò rất lớn trong công tác phân luồng HS thì dường như đứng ngoài cuộc để mặc cho ngành giáo dục và lao động xoay xở.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, về phía các trường Trung cấp, CĐ nghề, khi đã xác định được đối tượng mình cần tư vấn, hướng nghiệp là lứa tuổi THCS thì cần có những tư vấn phù hợp với lứa tuổi này. Đơn cử như nhấn mạnh việc tham gia chương trình 9 cộng, các em vừa có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Lựa chọn khác là HS tham gia chương trình đào tạo 9 cộng 2, 9 cộng 3, 9 cộng 4, 9 cộng 5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp và có thể học liên thông lên CĐ, ĐH…Việc rộng mở các cơ hội phía trước mà vẫn rút ngắn thời gian đào tạo cho phép các em chủ động với tương lai của mình sau này là hướng đi có sức thuyết phục với bất kỳ HS nào còn đang băn khoăn việc học tiếp lên bậc THPT hay đi làm luôn. Muốn vậy, cần có cơ chế liên thông học văn hóa với hành lang pháp lý hướng đến mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho người học khi đảm bảo tiêu chuẩn trình độ, năng lực và có mong muốn học lên cao hơn.
Đồng thời, để khơi thông mô hình 9 cộng đòi hỏi không chỉ ở việc thay đổi hình thức tư vấn hướng nghiệp, cơ chế chính sách mà điều cốt lõi quan trọng không kém là vấn đề chất lượng đào tạo nghề của chính các trường nghề, các trung tâm GDNN hiện nay…
Tháo gỡ khó khăn cho mô hình đào tạo 9+
Trường CĐ Giao thông Vận tải T.Ư 2 (An Dương, Hải Phòng) là một cơ sở đào tạo theo mô hình 9 cộng.
Cô Cao Thị Mỹ Hạnh tại lớp đào tạo theo mô hình 9 cộng nghề Điện Công nghiệp.
Những năm qua, mô hình này mở ra nhiều cơ hội cho học sinh tốt nghiệp THCS có thể rút ngắn thời gian đào tạo, đồng thời giải quyết bài toán phân luồng. Tuy nhiên mô hình này cũng còn những khó khăn cần tháo gỡ.
Chuyện người trong cuộc
Hai năm trước, Nguyễn Yến Nhi ở Kiến An, Hải Phòng rơi vào trạng thái lo lắng, mất phương hướng khi không đủ điểm để vào học trường THPT. Mọi cánh cửa học tập cho tương lai dường như đều bị đóng lại... Yến Nhi chia sẻ rằng, thi vào cấp 3 em bị thiếu điểm, cảm giác lúc đó rất buồn và hụt hẫng. Nhưng khi được giới thiệu đến học tại đây, em thấy con đường học tập được mở ra rất nhiều. Vừa được học nghề và học văn hóa. Khi ra trường em có thể đi làm ngay, tự tạo việc làm, hoặc có thể tiếp tục học lên trình độ cao đẳng. Với trình độ nghề điện được học, em có thể sửa chữa hoặc kinh doanh đồ điện.
Cùng học lớp điện công nghiệp với Yến Nhi tại trường, Mai Khánh Linh cho biết, buổi sáng các em học nghề đến 11 giờ, sau đó khoảng 12 giờ 45 phút học văn hóa. Quá trình học nghề được đào tạo kiến thức và thực hành nhiều kỹ năng của nghề điện công nghiệp. Từ nhà em đến trường khoảng 4km, học cả ngày cũng khá vất vả, nhưng muốn có được kết quả tốt thì cần phải cố gắng nhiều hơn.
Dù có nhiều thuận lợi đối với người học, nhưng mô hình 9 cộng đặt ra nhiều thách thức đối với người dạy. Cô Cao Thị Mỹ Hạnh - giáo viên Khoa Điện - Điện tử cho biết, các em học sinh ở lứa tuổi mới lớn nên phải uốn nắn nhiều. Khả năng tiếp thu so với sinh viên cao đẳng chậm hơn do thiếu nền tảng kiến thức nên đọc sơ đồ bản mạch, khí cụ điện... tương đối khó khăn. Một số kỹ năng phải đào tạo theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Đối với các em thực sự yêu thích nghề, khả năng tiếp thu tốt hơn do có sự tập trung và chịu khó tìm hiểu. Đến thời điểm này, nhìn chung các em đã bắt đầu có được những kỹ năng cơ bản và thực hành đúng với yêu cầu đào tạo.
Về kiến thức văn hóa, cô Đỗ Thị Hồng Minh - giáo viên thỉnh giảng môn Toán cho biết có khá nhiều khó khăn. Học sinh hầu hết không thi vào được cấp 3, kiến thức văn hóa bị hổng nhiều. Do đó giáo viên mất rất nhiều thời gian để giảng dạy lại những kiến thức cũ. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các em phải học cả 2 buổi một ngày, lượng kiến thức văn hóa cũng khá nhiều, tương đương với chương trình THPT. Vì vậy, nhà trường giảng dạy tập trung vào những kiến thức trọng tâm, để các em có thể nhận biết, thông hiểu và vận dụng được trong quá trình học nghề. Đồng thời, đủ năng lực tham gia vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Nhanh tốt nghiệp, sớm có việc làm
Theo ông Đặng Văn Phi - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông Vận tải TƯ 2, đây là năm thứ 7 nhà trường đào tạo mô hình 9 cộng. Có khoảng trên 700 học sinh và đã có 200 em tốt nghiệp. Khi tuyển sinh, nhà trường công bố chuẩn đầu ra của các nghề để các bậc phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn những ngành nghề phù hợp với khả năng của gia đình và học sinh. Hàng năm nhà trường tổ chức khảo sát lần vết về việc làm của học sinh tốt nghiệp, ra trường... từ đó điều chỉnh kế hoạch đào tạo của nhà trường cho phù hợp.
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các em học trung cấp theo mô hình 9 cộng ra trường có việc làm. Ngay từ lúc các em còn đang học nghề tại trường đã có các đơn vị doanh nghiệp như LG Display, Khu công nghiệp Vship... mời các em về thực tập tại nhà máy. Trong quá trình thực tập, doanh nghiệp lập kế hoạch lựa chọn những học sinh có kỹ năng tốt, trình độ chuyên môn phù hợp. Do đó, các em sau tốt nghiệp được tuyển dụng làm việc ngay, không mất thời gian thử việc, mức thu nhập ban đầu bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng. Đây cũng là một điểm thuận lợi cho các em học theo mô hình 9 .
Dạy kiến thức văn hóa cho các em đạt tiêu chuẩn để học nghề, nhà trường phối hợp với Trung tâm GDTX huyện Kiến An, Trung tâm GDTX huyện An Dương... để giảng dạy phần kiến thức văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thi THPT theo kỳ thi chung để lấy bằng THPT. Về phần đào tạo nghề thì thi nghề để lấy bằng trung cấp nghề. Sau kỳ thi nếu đạt yêu cầu, theo quy định các em được học liên thông lên trình độ cao đẳng nếu có nhu cầu, hoặc có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.
"Chương trình 9+": "Em chọn lối này" "Em đã học xong lớp 9 có nên học nghề hay không?", "Học xong lớp 9 nên học nghề hay học tiếp phổ thông?", "Học xong lớp 9 học nghề gì?... là nhiều câu hỏi của học sinh trong các buổi tư vấn hướng nghiệp. Chọn con đường học nghề sau lớp 9 là hướng đi mới của nhiều người trẻ để vào...