Học ngành Y không có cả thời gian nghỉ Tết
“Tôi học đại học Y khoa 6 năm liên tục không có ngày nghỉ, kể cả dịp hè và Tết, học chuyên khoa 2 năm, nghiên cứu sinh 5 năm, sau đó mới bắt đầu hành nghề”, TS Đỗ Hoàng Dương viết.
Năm nay tôi đã tốt nghiệp đại học Y khoa 20 năm. Sắp đến mùa tuyển sinh vào đại học, rất nhiều em học sinh phổ thông và phụ huynh có mơ ước học và làm thầy thuốc. Tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ từ trải nghiệm cá nhân của mình trên con đường học ngành Y và hành nghề Y.
Mẹ tôi kể: Khi tôi mới được 3 tháng tuổi, bị tiêu chảy cấp nặng, bệnh viện huyện chuyển đi Hà Nội. Gia đình tôi không có điều kiện, bố mẹ đưa tôi về nhà lúc nửa đêm. Bố đã đến gõ cửa ông lang Tiến trong vùng. Ông không quản ngại đêm tối, đến xem mạch cho tôi và cùng bố tôi đi đào cây thuốc giữa đêm khuya. Tôi sống được nhờ những bát thuốc của ông lang Tiến và các thìa cơm nhai mớm của bố mẹ.
Năm tôi học lớp 6, mẹ ốm nặng, các khớp sưng vù, không đi lại được, tôi đã cùng bố xách một bao tải chè xuống Hà Nội bán ở bến Nứa, sau đó tìm địa chỉ một ông thầy thuốc ở phố Nguyễn Khắc Nhu để kể bệnh và lấy thuốc cho mẹ.
Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội đang thực hành một ca cấp cứu. ẢNH: Tiền Phong.
Ông thầy thuốc đó đã cho thuốc chữa khỏi bệnh mẹ tôi, ông hiền từ, ân cần khiến tôi rất ngưỡng mộ. Lần khác, năm tôi học lớp 8, bố tôi ốm nặng, phải nhập viện. Tôi lên thăm bố, được chứng kiến các bác sĩ chữa khỏi bệnh cho bố, tôi rất khâm phục và biết ơn họ.
Mặc dù tôi say mê học Vật lý, mơ ước trở thành nhà nghiên cứu, nhưng từ những kỷ niệm kể trên, khi thi đại học, tôi quyết tâm chuyển sang khối B và bắt đầu nghiệp Y từ đó.
Chắc những ai từng được nhận bằng bác sĩ đều cảm thấy đó là một quá trình thật sự không dễ dàng chút nào.
Thời gian học rất dài, tôi học đại học Y khoa 6 năm liên tục không có ngày nghỉ kể cả dịp hè và Tết, học chuyên khoa 2 năm, nghiên cứu sinh 5 năm, sau đó mới gọi là bắt đầu hành nghề.
Số bài học quá nhiều, chắc những người thông minh hơn tôi có thể học ít, còn tôi, tôi thấy các bài học cứ dài dằng dặc, toàn chữ là chữ. Các cuốn sách giáo khoa dày hàng nghìn trang, hình vẽ giải phẫu quá phức tạp. Những tên thuốc thì rất giống nhau; các cây thuốc vô cùng dễ lẫn; chất có trong cơ thể thì không thể nhớ hết nổi…
Tôi rất sợ trượt, vì trượt là mất học bổng, là về địa phương và không bao giờ được học nữa, thế là cứ mài mông suốt ngày trên giảng đường, thư viện.
Học y khoa là đi đôi với thực hành, thực tập, kiến tập. Hai năm đầu chỉ học lý thuyết thôi, (đã thấy già người rồi), đến năm thứ 2 bắt đầu đi học bệnh viện thực tập và kéo dài cho đến lúc ra trường.
Các môn học cơ sở như giải phẫu, mô học, vi sinh y học, sinh hóa, sinh lý học, dược lý học, sinh lý bệnh học, phôi thai học, giải phẫu bệnh học, sinh học, lý sinh y học… cứ học lý thuyết sáng, chiều lại lên phòng thí nghiệm triền miên, không ngừng nghỉ.
Ai chỉ cần nghỉ một buổi là rất nguy hiểm, vì mỗi bài thực tập, nhà trường phải tốn nhiều hóa chất, động vật, bệnh phẩm, nhân viên chuẩn bị… rất tốn kém, rất khó tổ chức một buổi khác chỉ cho một sinh viên thực tập, cho nên ốm nhẹ là cũng phải đi.
Học các môn này cực kỳ quan trọng vì là cơ sở để hiểu về con người, về bệnh con người, thiếu nó không bao giờ trở thành bác sĩ!
Đến học các môn chuyên lâm sàng, nghĩa là các môn chữa bệnh, học rất thú vị, nhưng rất khó và tốn nhiều công sức. Cứ buổi sáng phải đi học tại phòng bệnh, đi theo các anh chị, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng để học khám, cách tập chẩn đoán bệnh, ai mà không học sẽ không bao giờ trở thành thầy thuốc.
Đã đi học lâm sàng ở bệnh viện là phải trực đêm, cứ 5 ngày hoặc 6 ngày sẽ phải trực bệnh viện một ngày, có tuần trực hai buổi, đã trực là thức suốt đêm.
Video đang HOT
Muốn học được lâm sàng tốt, phải có bệnh nhân và phải có thầy thuốc giỏi, thiếu một trong hai thuộc tính trên, không thể học lâm sàng tốt được.
Trong việc học lâm sàng, có nhiều bước mà sinh viên phải vượt qua từ chỗ hiểu đến chỗ làm được gồm có: Phải học thuộc lòng thủ thuật, phẫu thuật mình sẽ làm, ví dụ “tiêm” thì phải học lý thuyết tiêm thật thuộc; phải tập tiêm trên các chất liệu nhân tạo để cho thạo các động tác; phải nhìn xem các bác sĩ bậc thầy tiêm thật nhiều lần, đứng xem không được hỏi, vì lúc đó các bậc thầy đang tập trung cho kết quả thủ thuật; xem nhiều lần sẽ ghi nhớ hình ảnh vào trong đầu.
Phải làm sao cho các thầy biết là “mình biết”, thật khó đấy. Một lớp 50 sinh viên, ông thầy không thể biết hết, cho nên phải là sinh viên nổi trội, chăm chỉ, hiểu bài khi thầy truy bài.
Khi đã tin tưởng, các thầy sẽ chỉ cho bí quyết từng động tác để thực hiện chính xác. Nếu may mắn, sẽ được thầy cho phép làm dưới sự giám sát của thầy và sự sẵn sàng ủng hộ của bệnh nhân.
Sau vài lần giám sát thấy học trò làm tốt, không sơ suất, các sinh viên ưu tú sẽ được giao những công việc nho nhỏ. Dần dần như vậy, mới tích lũy được kỹ năng thực hiện các kỹ thuật y khoa.
Còn những sinh viên không được làm, thì sẽ chỉ là bác sĩ chữa bệnh trên giấy thôi, trên bệnh nhân thật, không thể thành công, không ai dám giao tính mạng cho các thầy thuốc chỉ mới biết lý thuyết.
Sau nhiều năm thực hiện các kỹ thuật y khoa như trên, các thầy thuốc tiếp tục phải đúc rút kinh nghiệm, đọc sách cập nhật, tham khảo đồng nghiệp, ghi nhận phản hồi từ bệnh nhân, tất cả những điều đó mới kết tinh thành kỹ năng thầy thuốc.
Trong quá trình xây dựng hình thành các kỹ năng Y khoa, sự thông minh chỉ là một loại phương tiện thôi, còn đam mê, sự chặt chẽ trong tư duy, cẩn trọng trong động tác và đức tính chăm chỉ mới là quyết định.
Theo TS.BS Đỗ Hoàng Dương/Tiền Phong
Đào tạo bác sĩ: Vào được là ra được?
Ở Việt Nam, hầu hết sinh viên vào được trường đều tốt nghiệp. Điều này khác với một số nước trên thế giới, khi đầu ra được kiểm soát chặt chẽ.
Bác sĩ đa khoa cần phải học những cái gì?
Ở Việt Namngoài những môn chung mà Bộ GD&ĐT quy định bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo đại học, sinh viên lớp bác sĩ đa khoa ở trường đại học y cần phải học những môn học sau:
Các môn y học cơ sở (là những môn học làm nền tảng kiến thức quan trọng cho sinh viên trước khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh):
Tại ĐH Y Hà Nội, có 12 bộ môn y học cơ sở. Những môn học này các sinh viên chủ yếu học trong 2 năm đầu của khóa đào tạo.
Các môn cơ sở cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu trúc giải phẫu người, cấu trúc vi thể của các mô trong cơ thể người, hoạt động sinh lý sinh hóa diễn ra trong cơ thể và trong từng tế bào của cơ thể. Những vi sinh vật tồn tại bên trong cơ thể con người và ngoài môi trường sống, chúng sinh trưởng phát triển ra sao và tương tác với cơ thể con người như thế nào. Các loại dược chất hoạt động theo cơ chế nào, nó đem lại những lợi ích và nguy cơ gì cho cơ thể con người...
Tất cả các môn cơ sở đều có vai trò rất quan trọng. Một bác sĩ sẽ phẫu thuật trên người bệnh ra sao nếu không hiểu thấu đáo cấu trúc giải phẫu của cơ thể người? Một bác sĩ có hiểu biết tồi về kiến thức dược lý sẽ không những không chữa được bệnh mà còn có thể gây hại cho người bệnh do chính loại thuốc mà mình kê đơn. Do đó, một bác sỹ đa khoa phải có kiến thức cơ bản về 12 môn học cơ sở này.
Các môn y học lâm sàng (là những môn học mà sinh viên học trực tiếp trên người bệnh)
ĐH Y Hà Nội có 23 môn y học lâm sàng. Những môn học này các sinh viên học trong 4 năm cuối của khóa đào tạo.
Như vậy ở Việt Nam, để đào tạo được Bác sĩ đa khoa tạm gọi là ổn cần đội ngũ giảng dạy gồm 12 môn cơ sở và ít nhất 20 môn lâm sàng. Để một bộ môn có thể hoạt động đầy đủ chức năng cần tối thiểu một nhóm gồm 3 cán bộ.
Với hơn 30 bộ môn, chúng ta cần tối thiểu 100 cán bộ giảng dạy để có thể vận hành các bộ môn một cách ổn định và đảm bảo chất lượng.
Còn ở nước ngoài, cách đây 4 năm, tôi được học Diploma tại Thái Lan trong 1 năm cùng với các bác sỹ đến từ 10 nước khác nhau của khu vực Nam Á. Hiện tại, tôi học năm thứ 2 tại Nhật Bản, nên tôi chỉ đưa ra những thông tin tôi trực tiếp trao đổi với những người mình từng học và làm việc.
Khu vực châu Á, bao gồm Nhật Bản, cũng đào tạo bác sĩ đa khoa trong thời gian 6 năm. Các môn học cũng bao gồm những môn cơ sở và môn lâm sàng như đã nêu trên. Về cơ bản không có nhiều khác biệt.
Nhật Bản là nước phát triển nên mặt bệnh của họ có đôi chút khác biệt so với Việt Nam, nên một số bộ môn đặc thù của Việt Nam (ví dụ Bộ môn Lao và các bệnh phổi ) họ không có. Kiến thức về bệnh Lao được học tại bộ môn Truyền nhiễm.
Sinh viên lớp Bác sĩ đa khoa học ở đâu?
Ở Việt Nam: Môn giải phẫu người sinh viên học tại Viện Giải phẫu (Hà Nội). Đây chính xác là viện giải phẫu chứ không phải là phòng giải phẫu, bao gồm các mẫu xương người, các mẫu nhau thai, xác người nguyên vẹn và từng phần cấu trúc riêng rẽ của cơ thể người.
Các môn y học cơ sở khác: Học tại các labo bên trong khuôn viên chính ĐH Y Hà Nội.
Môn Y học lâm sàng: Tùy từng môn học mà chúng tôi đến bệnh viện khác nhau: Môn nội tổng hợp (hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, lão khoa...) chủ yếu học tại Bệnh viện Bạch Mai; Môn ngoại tổng hợp (là những môn học về phẫu thuật) thường học tại Bệnh viện Việt Đức và khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai; Môn phụ sản: Bệnh viện phụ sản TƯ và Bệnh viện phụ sản Hà Nội;
Môn Nhi : Bệnh viện Nhi TƯ , Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn; Môn Da liễu: Bệnh viện Da liễu TƯ; Môn Tai Mũi Họng: Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ; Môn Tim mạch: Viện tim mạch TƯ; Môn Ung thư: Bệnh viện K TƯ....
Với 23 môn y học lâm sàng, sinh viên ĐH Y Hà Nội sẽ được thực hành ở gần 20 bệnh viện và viện tại Hà Nội.
Các nước phát triển như Nhật Bản, các trường ĐH Y đều có bệnh viện riêng của trường ĐH đó. Đây là những bệnh viện lớn ở khu vực và là bệnh viện tiêu chuẩn về mặt chuyên môn cho toàn bộ các bệnh viện khác trong khu vực.
Sinh viên của trường chủ yếu học tại bệnh viện này. Tuy nhiên, giữa các bệnh viện vẫn có sự trao đổi thông tin và sinh viên sẽ có thể sang một bệnh viện khác để học những môn mà nơi đó có thế mạnh về chuyên môn.
Ở Thái Lan, khi có một ca bệnh hay ở một bệnh viện bên cạnh, họ liên lạc với người quản lý lớp chúng tôi và sau đó cả lớp tôi sang học tại bệnh viện đó để được nghe giảng về một ca bệnh hiếm gặp.
Sinh viên Y trong giờ học. Ảnh: VietNamNet.
Vào là ra được?
Chất lượng đầu vào được các nước kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, về kiểm soát đầu ra có sự khác nhau giữa Việt Nam và một số nước.
Cụ thể, ở Việt Nam, hầu hết vào trường được là ra được. Nhưng ở Nhật Bản, khóa đào tạo Bác sĩ đa khoa có 3 kỳ thi quan trọng là cuối năm thứ 2 - năm thứ 4 - và năm thứ 6. Mỗi kỳ thi quan trọng ấy có 10% sinh viên trượt.
Như vậy so với đầu vào, ở Nhật Bản, chỉ có tối đa 70% sinh viên trở thành Bác sĩ đa khoa.
Ngay cả với ngôi trường hàng đầu Việt Nam về đào tạo Bác sĩ đa khoa là ĐH Y Hà Nội cũng chưa dám loại bỏ 30% sinh viên đầu vào. Cái 30% đó là những ai? Nói điều này chắc có lẽ một số bạn sẽ bị tự ái. Thời sinh viên, bạn cùng khóa tôi có không ít người ngày đêm mài đũng quần với game, phim ảnh và thậm chí là cờ bạc.
Một số khác thì bất mãn vì mình đường đường là những người đoạt giải quốc gia, quốc tế nhưng do vào trường Y không phải do mình thích mà là do cha mẹ thích nên đăng ký tuyển thẳng vào và cuối cùng học hành cũng be bét.
Những người đó, cuối cùng, họ cũng nhận được tấm bằng bác sĩ và ngẩng cao đầu với đời cùng cái mác Bác sĩ tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội. Nhưng tôi tin chắc họ không bằng trình độ của những bác sĩ khác, những người đã cần mẫn học hành và nhiệt huyết với nghề, mặc dù họ có học ở một trường Y ít có tiếng tăm hơn.
Chế độ đãi ngộ dành cho bác sĩ:
- Bangladesh: 500 USD/tháng
- Ấn Độ: 1300 USD/ tháng
- Thái Lan: 1500 USD/ tháng
- Trung Quốc: 1500-2000 USD/ tháng
Các nước nói trên có nước thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam, có nước cao hơn Việt Nam nhưng có chung một điểm là thu nhập do nhà nước chi trả cho bác sĩ cao gấp khoảng 2 lần so với các ngành nghề khác và tương đương với lương dành cho quân đội.
- Nhật Bản: vì mức lương của họ quá cao nên tôi không muốn kể ra đây. Chỉ cần các bạn biết, một giờ lao động của bác sỹ được nhà nước trả lương bằng 3 giờ lao động của những công chức thông thường khác.
- Việt Nam:
Lương dành cho bác sỹ mới ra trường:
2.34x1.150.000 = 2.691.000 VNĐ/tháng (120 USD/tháng )
Bác sĩ Vũ Huy Lượng
Giảng viên ĐH Y Hà Nội/ Tiến sĩ Y khoa, Đại học Y Fukui, Nhật Bản
Theo VietNamNet
Nhiều sự cố y khoa từ sai sót chuyên môn Một thực tế là nhiều năm qua, đầu vào đào tạo ngành y, dược có sự chênh lệch lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập. Nhiều sự cố y khoa gần đây được cho là liên quan sai sót chuyên môn. Đó là lý do vì sao xã hội đặc biệt quan tâm chất lượng đào tạo và thực hành...