Học ngành gì để bảo vệ cây xanh?
Từ chuyện chặt cây phượng sân trường tới vấn đề bảo vệ cây xanh những ngày qua đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Còn người trẻ, để trở thành những người bảo vệ cây xanh có thể học những ngành nghề nào?
Một bạn trẻ là cán bộ kiểm lâm đang kiểm tra vòng đời của cây – ẢNH: NVCC
Ngành lâm nghiệp đô thị đang “hot”
PGS-TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội), cho biết ngành lâm nghiệp đô thị và ngành kiến trúc cảnh quan (bao gồm đào tạo kiến thức liên quan ươm giống cây trồng đô thị, quy hoạch, chăm sóc, bảo vệ cây trong đô thị…) đang “hot”, triển vọng lớn về nghề nghiệp. “Trong xu hướng kinh tế phát triển, vấn đề cảnh quan môi trường, phát triển, bảo vệ cây xanh trong đô thị được các thành phố đặc biệt quan tâm, hàng loạt khu du lịch mở ra, đó là cơ hội rất tốt để bạn trẻ có kiến thức chuyên ngành này có việc làm tốt”, tiến sĩ Hà nói.
Còn TS La Vĩnh Hải Hà, Phó khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Sinh viên ngành lâm nghiệp đô thị được học xây dựng các phương án quản lý không gian xanh đô thị, giám sát và đánh giá chất lượng cây xanh đường phố, nắm vững kỹ thuật vườn ươm, chăm sóc và bảo dưỡng cây trồng”.
Anh Trần Huy Luân (30 tuổi, đang làm trong lĩnh vực tư vấn lâm nghiệp tại TP.HCM) cho hay: “Nhiều bạn nghĩ học lâm nghiệp là chỉ học về nghề kiểm lâm. Thực tế, có rất nhiều chuyên ngành liên quan bảo vệ cây xanh, như lâm nghiệp đô thị, thiết kế cảnh quan… 2 năm đầu sinh viên học các môn cơ bản chung như phân tích chỉ số cây, định danh loài cây, năm thứ 3 và 4 mỗi người cần lựa chọn sở trường, đam mê của mình để chọn các tín chỉ để học chuyên sâu”.
Video đang HOT
Học gì cũng cần tình yêu
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay việc hướng nghiệp, chọn ngành nghề để học và theo đuổi quan trọng hơn rất nhiều việc chọn trường nào. Theo TS Lý, việc người trẻ xác định sở trường, đam mê của mình là cây cối, muốn gắn bó với công việc này là cái “gốc” quan trọng nhất, để từ đó các em sẽ chọn lựa trường học, luôn phấn đấu trong quá trình học và vượt qua trở ngại, khẳng định bản thân.
Tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác có nhiều người trẻ tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ cây xanh, trồng rừng, tái tạo rừng, phát triển cây xanh đô thị trường học. Nhiều người quản lý chương trình, điều phối dự án không tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan cây xanh, nhưng họ có sự am hiểu, cập nhật kiến thức, cũng như tình yêu với cây xanh với mục tiêu phát triển bền vững.
Trần Đào Minh Nhật (30 tuổi) là thạc sĩ ngành kinh tế, hiện là điều phối hợp phần cây xanh đô thị của chương trình Hạnh phúc xanh, cho biết khi có tình yêu đặc biệt với cây xanh, bạn sẽ biết cách vượt qua khó khăn, trở ngại để gắn bó với mục tiêu.
Còn theo anh Trần Huy Luân: “Những tố chất quan trọng hàng đầu để người trẻ theo đuổi ngành này là chịu khổ, bởi công việc sẽ phải đi thực tế ở bên ngoài rất nhiều, phải cập nhật kiến thức liên tục. Tất nhiên, học gì, làm gì cũng không thể thiếu được tình yêu. Tôi sinh ra ở Tây nguyên, lớn lên với rừng, được rừng chở che, bao bọc nên tôi luôn mong muốn được học và làm liên quan đến nó”.
Nhiều trường cố gắng tìm cách giữ lại cây xanh
Thay vì phải đốn hết cây theo phong trào, một số trường học đã tìm nhiều cách chăm sóc và giữ gìn mảng xanh trong khuôn viên sau sự cố cây ngã khiến một học sinh tử vong ở Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM.
Trụ đỡ lắp đặt để chống cây ngã tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) - PHẠM HỮU
Làm trụ đỡ cho cây
Ghi nhận vào sáng 2.6, một số trường trên địa bàn TP.HCM đã sử dụng đa dạng hình thức để vừa bảo đảm an toàn cho học sinh vừa bảo vệ cây xanh.
Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) vẫn giữ lại hàng phượng vĩ mà trường đã trồng nhiều năm. Đặc biệt cây phượng lớn với tuổi đời 33 năm gần cổng chính được gia cố bằng 4 trụ đỡ bằng sắt kiên cố. Bao quanh thân là một vòng sắt hàn chặt với 4 trụ đỡ kéo dài đến mặt đất. Phía dưới 4 trụ được lắp đặt thêm hàng ghế ngồi xung quanh. Tuy nhiên tại đây không xây dựng các khối bê tông bó vỉa xung quanh gốc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, cho biết trường trồng rất nhiều cây phượng nhỏ dọc hàng rào. Với cây phượng lớn trồng ở trường, thời gian trồng trong 4 năm qua, nhà trường phát hiện bên ngoài có biểu hiện xanh tốt nhưng bên trong thân bị mục. Thay vì đốn, trường tìm cách giữ lại cây với sự tư vấn an toàn kỹ thuật từ Công ty công viên cây xanh. Do đó, trường đã gia cố cây bằng 4 trụ sắt cố định từ lúc trồng cho đến nay. Bên cạnh đó, mỗi năm đều có nhờ công ty đến chăm sóc, tỉa cành cho cây.
"Đến thời điểm này trường chưa hề đốn bỏ một cây nào. Trường làm trụ này tốn khoảng 6 triệu đồng và rẻ hơn nhiều so với số tiền thuê người đốn hạ cây, nhờ vậy được nhiều phụ huynh khen ngợi vì giữ được mảng xanh cho trường", ông Tuấn nói thêm.
Lập hồ sơ lịch sử cho cây
Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) cũng vừa cho đốn hạ 2 cây bàng lớn trong khuôn viên sân trường. Những cây khác vẫn giữ lại và được tỉa cành, hạ thấp độ cao.
Ông Nguyễn Vũ Đức, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, cho biết trường luôn mong muốn giữ lại mảng xanh vì nó rất quan trọng. Khi các đơn vị chuyên môn kiểm tra phát hiện 2 cây bàng bị rỗng ruột, trồi rễ trường mới cho đốn đi. Mỗi năm trường đều thuê công ty tỉa cành chăm sóc cây xanh định kỳ.
Ông Đức cho biết thêm: "Để tiện việc chăm sóc cây, trường cũng làm tập hồ sơ theo dõi cây xanh toàn trường gồm nhiều thông tin được tổng hợp như lịch sử của cây, năm trồng, tên họ, hiện trạng cây theo từng thời kỳ. Ngoài ra, hồ sơ này còn lưu lại những thông tin về thời gian cây được kiểm tra, cắt tỉa và mỗi cây được đánh số định danh cố định. Mỗi khi cây được cắt tỉa hoặc có bệnh gì sẽ được lưu vào hồ sơ theo dõi. Có như vậy những cây xanh trong trường mới được theo dõi sát sao và các đời hiệu trưởng sau này sẽ dễ dàng nắm rõ".
Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh) có 3 cây phượng lớn khoảng 7 năm tuổi được trồng phía trước khuôn viên sân trường. Bên trong sân là những cây nhỏ nằm gần với dãy phòng học. Ông Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Trường thuê một đơn vị của Công ty công viên cây xanh cứ mỗi tháng đến trường để chăm sóc cây. 3 cây phượng lớn ở đây tôi hoàn toàn không xây thành bê tông xung quanh gốc cây. Tuần trước trường thực hiện việc tỉa cành các cây cao chứ không đốn cây nào. Sắp tới trường cũng sẽ thực hiện việc gia cố bằng trụ đỡ cho 3 cây phượng lớn".
Cách để phượng vĩ trồng trong trường học an toàn
Ông Trần Viết Mỹ, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TP.HCM, cho rằng phượng vĩ là cây trồng có từ lâu đời, gắn bó với học sinh. Phượng là cây đặc trưng cho mùa hè, vừa làm cảnh quan vừa cho bóng râm và không thể nói phượng không còn phù hợp với trường học nữa.
Phượng không có rễ cọc, phát triển theo hệ thống rễ ngang. Cây có tàng càng lớn thì hệ thống rễ cũng phát triển tương ứng. Tuy nhiên, trồng cây phượng ở sân trường phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc định kỳ. Thông thường các trường hiện nay đều bê tông hóa mặt đất, làm bó bộ rễ cây lại. Cho nên cây bị mất cân đối, chỉ cần có tác động mạnh là bị ngã. Khi trồng cây phượng yêu cầu phải đủ không gian cho cây phát triển. Phải tỉa cành định kỳ làm cho cây cân đối trở lại vì cành phượng rất nặng. Cây trồng khoảng 15 - 20 năm sẽ có hiện tượng mục, rỗng ruột. Vì vậy, phải có người kiểm tra thường xuyên. Đối với những nơi đã trồng cây nhưng không có không gian, cần phải thực hiện biện pháp kỹ thuật là gia cố cây bằng trụ đỡ để tránh hiện tượng cây ngã.
Chuyên gia nói gì về hành động chặt hạ cây phượng? Theo nhận định của chuyên gia cây xanh, ngoài ý nghĩa về mặt biểu tượng như loài hoa học trò, cây phượng hoàn toàn phù hợp với trồng trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, cần biết cách lựa chọn cây giống, chăm sóc tới kiểm tra cây thường xuyên khi trồng lâu năm. Sau vụ việc một học sinh tử vong do...