Học nấu ăn, thuyết trình trước khi du học
Nhờ khóa học nấu ăn một tháng, khi sang Nhật, con trai chị Hạnh tự tin thuê nhà ở riêng, làm thêm ở quán ăn và thích nghi nhanh với môi trường mới.
Vài tháng trước khi con trai du học Nhật Bản, chị Hạnh ở Hà Nội cho con học khóa nấu ăn, chuẩn bị sống tự lập. Ở nhà, con trai chị được rèn làm việc nhà, có thể nấu cơm, chăm em, nhưng chưa bao giờ đi chợ,i không chủ động vì đã có mẹ.
Không yên tâm khi con học một mình, chị đóng thêm suất nữa để học cùng và kèm cặp con. Chị cũng rủ thêm hai cháu là du học sinh Mỹ và người thân tham gia. Lớp học nấu ăn gồm 6 thành viên thì gia đình chị có 5 người.
Khóa học 10 buổi kéo dài hơn một tháng, với học phí 4,5 triệu/người, hướng dẫn mẹ con chị nấu 30 món cơ bản. Giáo viên sẽ chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm và học viên chỉ việc tới nấu rồi mang đồ ăn về.
Mỗi buổi học, học viên được hướng dẫn nấu 3 món. Giáo viên thực hành trước, sau đó mẹ con chị Hạnh cùng các thành viên khác phải nấu sao cho ngon như của thầy.
“Mấy buổi đầu, con không phân biệt được đâu là rau muống, rau lang hay món này cần nguyên liệu gì và đi kèm rau gì. Tôi khá lo nên phải hướng dẫn con cách đi chợ, phân biệt thực phẩm rồi thực hành món đã học”, chị Hạnh nhớ lại thời điểm hơn hai năm trước cùng con đến lớp dạy nấu ăn.
Chị Hạnh cùng con học nấu ăn tại một trung tâm dạy nấu ăn ở Hà Nội năm 2019. Ảnh: NVCC.
Theo chị Hạnh, phụ huynh nên có bước chuẩn bị kỹ năng sống, tâm lý cho con để không bị sốc khi sang môi trường mới. “Con trai ý thức được việc cần có sức khỏe tốt nên chăm chỉ tập gym, chơi tennis. Con còn xin làm ở hàng lẩu để có kinh nghiệm và học cách tự lập tài chính”, chị Hạnh cho hay.
Ngoài kỹ năng mềm, chị Hạnh cũng giúp con nhận biết một số vấn đề về sức khỏe và dặn dò sử dụng các loại thuốc với một số bệnh thông thường.
Đã hai năm chưa được gặp do Covid-19 nhưng chị Hạnh cảm nhận con trưởng thành, biết sắp xếp cuộc sống. Lúc mới sang, ở cùng nhóm bạn trong ký túc xá, con chị là người duy nhất biết nấu nướng. Nhờ đó, nam sinh chỉ phụ trách nấu, những thành viên còn lại phải dậy sớm, luân phiên đi chợ. Trong những cuộc trò chuyện với mẹ, cậu hay khoe các món tự chế biến. Với thịt gà, cậu có thể làm được món luộc, rang hay cà ri.
Hiện con trai chị 21 tuổi, chuẩn bị vào đại học chuyên ngành Công nghệ Thông tin tại Tokyo, sau hai năm học tiếng. Nam sinh thuê nhà gần trường, làm thêm ở quán ăn nhanh. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, cậu thích nghi nhanh.
Video đang HOT
Không đến lớp học nấu ăn bài bản như mẹ con chị Hạnh, Đức Việt được mẹ bổ túc cách giặt giũ, biết cách chăm sóc bản thân và nấu nướng tại nhà, trước khi lên đường du học Anh năm 2018. Việt đỗ Đại học Kinh tế quốc dân, học được một tháng sau đó mới sang Anh học ngành Tài chính Ngân hàng.
Ngoài học nấu ăn, làm việc nhà, Việt đã tìm hiểu văn hóa, lối sống của người bản xứ. Chàng trai tự đọc tài liệu, học hỏi thêm bạn bè, người thân sống ở Anh về quy định pháp luật của nước mình du học, luật đường bộ, phương tiện giao thông và văn hóa. Nhờ đó, cậu không bỡ ngỡ khi đi đường bên trái và tránh khạc nhổ, dính bã kẹo cao su ở nơi công cộng.
Việt ấn tượng nhất là văn hóa đúng giờ và văn hóa giao thông khi trên đường hiếm khi nghe tiếng còi ôtô. “Em hòa nhập khá nhanh vì tính cách cởi mở và thân thiện. Bất cứ việc gì không biết, em đều hỏi người bản xứ”, Việt nói.
Việt ở homestay cùng một gia đình người Anh gốc Ấn và không được nấu ăn, giặt đồ chung. Cậu thường phải mang quần áo ra tiệm giặt hoặc tự giặt cho tiết kiệm. Không hợp khẩu vị, Việt nhiều lần nhịn đói và phải ra ngoài mua đồ ăn. Thời tiết ở Anh sương mù và ẩm, khiến Việt thỉnh thoảng gặp vấn đề sức khỏe.
Tìm hiểu và chuẩn bị chu đáo nhưng trong vài tháng sống ở homestay, Việt không ít lần gặp tình huống khó xử do khác biệt văn hóa. Một lần ăn tối xong, Việt ra bồn rửa bát để rửa miệng như một thói quen và bị chủ nhà trông thấy. “Em xấu hổ quá. Họ nhắc đây là chỗ nấu ăn, rửa miệng thì vào nhà vệ sinh”, Việt cười, bối rối khi nhắc lại thời gian đầu mới sang Anh.
Ở homestay gò bó, Việt quyết định chuyển ra ngoài thuê phòng, tự nấu ăn, đi chợ. Muốn nấu các món Việt, cậu hỏi thăm và tới chợ đầu mối gần chỗ ở từ lúc 4h sáng để mua thực phẩm tươi. Hồi tháng 3 năm ngoái, Việt về nước do Covid-19 và hiện vẫn học online. Hai năm sống xa gia đình, từ một “cậu ấm”, Việt tự lập và chủ động hơn, khiến người thân đều ngạc nhiên.
Theo Việt, việc học ở nước ngoài khác với ở Việt Nam khi sinh viên phải tự đọc nhiều, tự nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu. Nếu không có kỹ năng đó, du học sinh dễ hoang mang vì không theo kịp bài giảng.
Việt trong chuyến đi chơi ở Birmingham, Scotland, năm 2018. Ảnh: NVCC.
Để tránh bị tụt lại, Lê Minh Tuấn, 19 tuổi, tham gia khóa phương pháp học tập ở các đại học nước ngoài tại một trung tâm tư vấn du học, trước khi tới Australia vào tháng 9. Khóa học này được hai du học sinh đứng lớp, hướng dẫn Tuấn kỹ năng viết bài luận, thuyết trình, sử dụng công cụ hỗ trợ và đọc sách nghiên cứu.
Tuấn còn học cách ghi bài khoa học, ghi để hiểu nhưng tiện xem lại. Nếu xem lại ngẫm được thêm điều gì vẫn có thể ghi vào. Tuấn cho hay ở giảng đường, thầy chỉ đứng lớp dạy và trả lời câu hỏi, yêu cầu sinh viên chủ động ghi lại những điều mình cần. Sinh viên phải đọc trước nội dung bài giảng, chỗ nào chưa hiểu còn hỏi giảng viên.
Tuấn giành học bổng của Đại học Monash, khoa Công nghệ Thông tin. Các trường ở Australia cho phép sinh viên nhập học kỳ hè hoặc kỳ xuân. Vì dịch bệnh nên trường cho sinh viên quốc tế học online. Những ngày qua, Tuấn được trải nghiệm các buổi học trực tuyến và nhận thấy những kỹ năng được hướng dẫn trước rất hữu ích.
Biết được những lỗ hổng của du học sinh, các công ty tư vấn du học thường tổ chức khóa học kỹ năng mềm. Theo chị Đoàn Thị Kim Loan, đại diện Công ty Tư vấn Du học và Dịch thuật Đức Anh, trước ngày lên đường, du học sinh thường được tham gia một buổi dặn dò giấy tờ, đồ dùng, tư trang cần mang theo; hướng dẫn việc đi lại, check-in hải quan và các vấn đề về chỗ ở.
Để các em không bỡ ngỡ, công ty của chị Loan có khóa “learn how to learn” bằng tiếng Anh do cựu du học sinh soạn giáo trình và trực tiếp giảng dạy. Khóa học 30 giờ dạy các học sinh kỹ năng học tập cơ bản ở nước ngoài như: ghi ý chính, thuyết trình…, giúp dễ dàng bắt nhịp cùng sinh viên quốc tế.
Chị Loan cho hay, ngoài kỹ năng mềm, nhiều học sinh do chị quản lý còn chủ động đi học các khóa cắt tóc, pha chế, tin học văn phòng hay nấu ăn để phục vụ bản thân hoặc kiếm việc làm thêm dễ dàng.
“Sau khi sang nước ngoài, các em đều phản hồi lại rằng rất tự tin do đã trải qua các khóa học ở nhà”, chị Loan nói.
Bốn việc cần làm trước khi đến Anh du học
Để tự tin, sẵn sàng với cuộc sống du học, bạn nên chuẩn bị đồ dùng cá nhân gồm quần áo, thực phẩm, thuốc cơ bản và đổi tiền sang bảng Anh.
Hoàng Ngọc Quỳnh, 30 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh năm 2017; giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster, Anh. Với kinh nghiệm nhiều năm học tập và làm việc tại Anh, chị Quỳnh chia sẻ những điều cần làm trước khi đến Anh du học để sinh viên bắt đầu cuộc sống mới thuận lợi hơn.
Đối với mình và nhiều người khác, du học là một trong những quyết định quan trọng, trở thành bước ngoặt để mở ra chân trời mới cho việc học tập, phát triển sự nghiệp và cuộc sống tương lai. Bên cạnh niềm vui được khám phá con người và nền văn hóa mới, nỗi lo về việc nên chuẩn bị những gì cho cuộc sống mới cũng là điều bạn cần quan tâm. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mình chia sẻ những điều du học sinh Việt Nam nên làm trước khi sang Anh du học để sớm ổn định và bắt nhịp ngay với cuộc sống, môi trường học tập mới.
Chuẩn bị đủ tư trang và vật dụng cá nhân
Tư trang cần thiết bao gồm quần áo, thực phẩm, các loại thuốc cơ bản và đồ dùng cá nhân khác. Hàng năm, các trường đại học ở Anh có hai kỳ nhập học chính là tháng 10 và tháng 1. Đây là thời điểm lạnh nhất trong năm nên các bạn cần chuẩn bị quần áo ấm để quen dần với thời tiết lạnh.
Thực phẩm và đồ dùng vệ sinh cá nhân nên chuẩn bị đủ dùng trong 1-2 tuần đầu. Bạn nên mua mì gói, đồ ăn khô, đồ hộp để dùng trong trường hợp chưa kịp làm quen với nơi ở mới hoặc chưa tìm được siêu thị gần nhà để mua nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị sẵn một khoản tiền đã đổi ra bảng (đơn vị tiền tệ của Anh) để thanh toán hàng ngày trước khi mở được tài khoản ngân hàng. Tiền chuẩn bị nên có mệnh giá thấp như 5, 10 và 20 bảng để tiện thanh toán.
Cuối cùng, bạn nhớ kiểm tra lại các giấy tờ như thư nhập học, hộ chiếu kèm visa, thư xác nhận để lấy thẻ lưu trú BRP (Biometric Residence Permit) và các giấy tờ tùy thân quan trọng khác dùng đi máy bay, nhập cảnh vào Anh.
Hoàng Ngọc Quỳnh tại Đại học Lancaster, Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tìm kiếm chỗ ở phù hợp
Các lựa chọn về chỗ ở cho du học sinh Việt Nam ở Anh khá đa dạng, nhưng mình chia thành hai loại là ký túc xá (campus) của trường hoặc thuê phòng, căn hộ ở bên ngoài.
Đối với phòng trong ký túc xá, bạn lên mục Accommodation trên website của trường hoặc liên hệ với đại diện trường để được hỗ trợ tìm phòng. Ưu điểm lớn của việc ở trong ký túc xá là nằm trong khuôn viên trường, gần giảng đường, thư viện và có đầy đủ tiện nghi thiết yếu. Bạn có điều kiện hòa nhập vào môi trường mới nhanh chóng, làm quen với trường lớp và các bạn quốc tế ở cùng ký túc xá.
Đối với phòng, căn hộ cho thuê bên ngoài, bạn cũng nên liên hệ với trường để được giới thiệu website cho thuê nhà uy tín hoặc liên hệ với Hội du học sinh Việt Nam của trường để được hỗ trợ tìm nhà. Với loại hình cư trú này, bạn có nhiều lựa chọn hơn và có thể tiết kiệm được một khoản chi phí thuê để sử dụng cho các mục đích khác.
Dù lựa chọn chỗ nào, bạn cũng nên hoàn tất và có hợp đồng thuê nhà kèm đặt cọc trước khi bay sang Anh, tránh sang đến nơi mới bắt đầu tìm phòng.
Tìm hiểu văn hóa, con người nước Anh
Điều này không chỉ giúp bạn có thêm kiến thức và hiểu biết về môi trường mới mà còn gia tăng sự tự tin để có thể sớm hòa nhập. Mình đã tiếp xúc với nhiều du học sinh Việt Nam tại Anh và nhận ra sự tự tin là một trong những sự chuẩn bị cần thiết để hòa nhập tốt vào một môi trường văn hóa mới.
Khi đã hiểu về văn hóa nước bạn và có được sự tự tin cần thiết, bạn sẽ cảm thấy thoải mái để giao lưu, kết bạn và có thể học hỏi được nhiều điều mới. Trước khi sang Anh, mình thường xem nhiều phim nước ngoài (Anh, Mỹ) và đọc các tài liệu về văn hóa để hiểu được phần nào cuộc sống ở đất nước nói tiếng Anh.
Xây dựng nền tảng tiếng Anh tốt
Nền tảng tiếng Anh vững chắc trước hết sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức trên lớp tốt hơn, tự tin với việc đọc tài liệu và giao tiếp với các bạn trong lớp, thuyết trình hay thảo luận. Từ đó, bạn sẽ hoàn thành khóa học với kết quả cao nhất. Ngoài ra, sự tự tin cùng khả năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng kết nối được nhiều bạn bè, cùng nhau trải nghiệm những điều mới mẻ trong quá trình du học.
Tuy nhiên, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý sẽ mất thời gian để làm quen với tiếng Anh ở môi trường giao tiếp thực tế. Tiếng Anh-Anh ở một số vùng như phía Bắc nước Anh thường khá khó nghe, khác lạ so với những gì bạn thường được học qua sách vở hay nghe qua phim. Vì vậy bạn sẽ mất một thời gian để làm quen với ngữ điệu và cách sử dụng từ vựng của người bản địa.
Năm câu hỏi phổ biến khi du học thạc sĩ tại Anh Trần Mỹ Ngọc, 22 tuổi, đang học thạc sĩ tại Đại học Oxford (trường top 1 thế giới theo THE 2021), giải đáp năm câu hỏi phổ biến khi du học Anh. Ngọc quê Hải Phòng, là cựu sinh viên Đại học Melbourne, trường top 1 tại Australia. Sau khi giành 11 học bổng thạc sĩ tại 7 đại học tại Vương quốc...