Học một buổi, học sinh TP.HCM biết về đâu?
Hàng loạt trường tại TP.HCM từ học 2 buổi phải chuyển xuống một buổi do tăng dân số. Sau khi kết thúc giờ học, các em phải vội vã tìm chỗ tá túc, chờ phụ huynh đón.
Con được học bán trú ở trường tiểu học tưởng như điều đương nhiên thì nay lại là mơ ước xa vời của hàng ngàn phụ huynh tại TP.HCM. Trước áp lực học sinh (HS) tăng đột biến, hàng loạt trường tiểu học đang tổ chức dạy học 2 buổi buộc phải chuyển xuống học một buổi.
Đặc biệt, HS mới chân ướt chân ráo vào lớp 1 cũng chỉ được học một buổi đang trở thành nỗi lo của phụ huynh.
Học sinh bơ phờ, phụ huynh mỏi mệt
Có mặt tại trường Tiểu học Đặng Thị Rành (Quốc lộ 13 cũ, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), trong cái nắng như thiêu như đốt giữa trưa, chúng tôi chứng kiến cả phụ huynh và HS đều bơ phờ, mệt mỏi vì học một buổi.
Một nhóm HS lớp 1 oằn mình với chiếc cặp quá khổ mệt mỏi leo lên 2 chiếc taxi đợi sẵn. Ngôi trường này nằm trong khu chợ dọc quốc lộ, đường ổ gà chằng chịt, trời mưa thì nước đọng từng vũng lớn, trời nắng khói bụi lại bay mù mịt.
Vừa tan học, từng nhóm học sinh của trường Tiểu học Đặng Thị Rành (quận Thủ Đức) lên taxi đợi sẵn để về nhà giáo viên ăn, học buổi 2 . Ảnh: Người Lao Động.
Đứng cạnh chúng tôi là em HS lớp 3, trong gần một giờ vẫn không thấy phụ huynh đến đón. Hỏi ra là do nhà HS này quá xa, mẹ lại đi xe đạp đến đón nên em phải đứng chờ. Nhiều phụ huynh khác vội vã quấn con trong những chiếc áo chống nắng kín bưng chở đi giữa trưa nóng bức.
Đáng thương nhất là nhóm các HS leo lên chiếc xe đưa rước chật kín, một số em tranh thủ ngủ thiếp trên xe. Tiếp xúc với nhiều phụ huynh chờ đón con tại cổng trường, họ cho biết chỉ tranh thủ đón con rồi về nhà gửi hàng xóm để đi làm ca chiều. Có phụ huynh còn nhờ người bảo vệ ở trường mầm non đối diện đón con, cho ăn ngủ trong trường mầm non rồi chiều mới rước về.
Chị H., nhà sát trường, kể con chị năm nay học lớp 3, bé chỉ học buổi chiều, còn buổi sáng ở nhà. Khi chúng tôi hỏi ở nhà bé làm gì, chị H. cho biết có khi xem tivi, lúc thì chơi game vì chị không có thời gian kèm cặp.
Nhà chị H. còn đỡ vì có người ở nhà trông, còn phụ huynh tại trường phần lớn là công nhân làm việc tại KCN bên cạnh, không có người ở nhà nên tìm cách gửi con đến nhà cô học thêm vì không còn cách nào khác.
Đủ thứ phụ phí
Video đang HOT
Gay go nhất là các quận, huyện lâu nay triền miên trong cảnh trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số, như Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân…
Tại quận Thủ Đức, theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), do lượng HS vào lớp 1 năm học này tăng đột biến nên để bảo đảm đủ chỗ học, nhiều trường tại quận từ học 2 buổi/ngày, nghĩa là có bán trú, nay phải chuyển xuống 100% lớp học 1 buổi/ngày.
Điển hình như các trường tiểu học Bình Triệu, Đào Sơn Tây, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh…
Chị H.T, một phụ huynh có con đang học lớp 1 tại quận Thủ Đức, cho biết do cả nhà cùng đi làm đến chiều mới về nên việc con chỉ được học một buổi trở thành nỗi lo lắng lớn nhất với gia đình. Buổi chiều, con không học thì ai trông đây? Biết gửi con ở đâu để an tâm làm việc?
Cuối cùng, các phụ huynh trong tình thế khốn đốn đã nảy ra sáng kiến là góp tiền để nhờ các cô giáo trong trường đưa đón con. Hàng ngày, khi học xong buổi 1, cô giáo sẽ đón các bé mà phụ huynh có nhu cầu gửi, rồi thuê taxi chở về nhà cô. Cô sẽ lo cho các bé ăn và dạy học tại nhà, đợi đến chiều, phụ huynh làm xong thì đón về. Mỗi tháng, mỗi HS đóng cho cô giáo 2 triệu đồng.
“Cũng may có cô nhận trông giúp, chứ không thì biết gửi cho ai?”, chị T. bày tỏ.
Học sinh được phụ huynh đón về bằng xe đạp giữa trưa nóng bức . Ảnh: Người Lao Động.
Tình trạng tương tự xảy ra tại nhiều trường tiểu học bất ngờ không tổ chức bán trú do lượng HS tăng quá đông. Chị H.C – phụ huynh trường Tiểu học Duy Tân, quận Tân Phú – cho hay con chị năm nay học lớp 3, hai năm trước đều học 2 buổi nhưng năm nay thì không. Hàng loạt phụ huynh điêu đứng xin chuyển trường cho con nhưng Phòng GD-ĐT có quy định không nhận HS trong quận chuyển trái tuyến.
Nhiều phụ huynh thống kê cho con học trường công, nhất là bậc tiểu học, không phải đóng học phí nhưng những chi phí phải bỏ ra để nhờ người đưa đón, gửi con, ăn uống… còn cao hơn nhiều so với các trường tư thục.
Theo chị T., chỉ một số gia đình khá hơn chút mới đủ khả năng đóng 2 triệu đồng/tháng cho con về nhà cô. Tính tổng các khoản trong trường thì 1 tháng lên hơn 4 triệu đồng tiền cho con đi học.
Đa số phụ huynh khác là công nhân, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình nên không đủ khả năng góp tiền cho con theo hình thức về nhà giáo viên buổi 2 nên đang rối bời.
Biến tướng của dạy thêm, học thêm
Không biết gửi con ở đâu, nhiều phụ huynh phản ánh đã có tình trạng giáo viên gợi ý đưa con về nhà học.
Một phụ huynh tại quận Thủ Đức cho hay ngay trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên đã nói thẳng trường chỉ dạy 1 buổi và ghi địa chỉ nhà để phụ huynh đưa con đến.
Giáo viên này còn cho biết ngành GD&ĐT chỉ cấm dạy thêm với HS học 2 buổi/ngày nên học 1 buổi vẫn có thể học thêm dưới hình thức bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Theo Đặng Trinh / Người Lao Động
Tốn tiền triệu đầu năm học
Để tránh tình trạng dồn cục, nhiều trường xé lẻ các khoản thu thành nhiều đợt, như tiền đồng phục, học tiếng Anh liên kết, ủng hộ quỹ nhân đạo.
Sau lễ khai giảng vài ngày, hôm 9/9, một phụ huynh - cũng là một ca sĩ tại Hà Nội - bức xúc lên tiếng về việc giáo viên của con mình yêu cầu học sinh ghi các khoản thu vào vở, sau đó về đưa phụ huynh để nộp tiền cho cô. "Khai giảng được 4 hôm mà 3 lần đóng tiền, toàn tiền triệu", phụ huynh này cho biết.
Đồng phục còn mới vẫn phải mua
Trước đó, một diễn đàn dành cho giáo viên đã xuất hiện tờ thông báo về các khoản thu đầu năm của học sinh được ghi là của trường THCS Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Tờ thông báo liệt kê các khoản thu đầu năm, gồm tiền kỹ năng sống, vở viết, vở bài tập, đồng phục... Khoản thu nhiều nhất là tiền học thêm (hơn 3 triệu đồng) và tổng số tiền lên tới 9,188 triệu đồng.
Nói về các khoản thu tiền triệu đầu năm này, một phụ huynh có con đang học lớp 9 trường THCS Minh Tân cho hay tại cuộc họp phụ huynh ngày 27/8, thầy chủ nhiệm lớp đã thông báo các khoản thu năm học 2017-2018 với số tiền hơn 9 triệu đồng, gồm khoảng 20 mục, từ đồng phục, sách vở, học thêm, học thêm nhóm, sửa chữa cơ sở vật chất...
Sau khi nghe thầy giáo thông báo, một số phụ huynh đã đứng lên hỏi về học thêm, học nhóm, đồng phục, quỹ lớp, quỹ trường.
Nhiều khoản phí đang chờ phụ huynh đóng góp ngay từ đầu năm học. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động.
Một phụ huynh gay gắt: "Tại sao năm nào cũng mua đồng phục, giá tiền lại lớn (750.000 đồng/bộ) rất tốn kém, trong khi đồng phục cũ vẫn dùng được?".
Câu trả lời của thầy chủ nhiệm là đồng phục này nhà trường đã đặt xong, nếu phụ huynh không mua nữa sẽ gây khó cho nhà trường!
Sau khi có ý kiến của các phụ huynh, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vào cuộc làm rõ. Theo ông Nguyễn Ngọc Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, qua kiểm tra, huyện phát hiện trường có nhiều khoản thu trái quy định, như tiền học thêm, tiền kỹ năng sống...
Tuy phiếu thu này không phải do nhà trường phát hành, huyện đã xác định được tới 18 khoản trùng khớp với các khoản trong tờ phiếu nêu nêu, trong đó nhiều khoản chưa được sự thống nhất từ hội cha mẹ học sinh và cũng chưa được cơ quan chức năng cho phép triển khai.
Theo ông Hương, huyện sẽ họp bàn, thống nhất lại các khoản thu để làm sao giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh trên địa bàn. Trước mắt, huyện sẽ tập trung xem xét và đưa ra hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân.
Phải trả lại tiền nếu thu trái quy định
Để siết chặt nạn lạm thu đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố 30 số điện thoại đường dây nóng nhận phản ánh của phụ huynh và xã hội. Sở GD&ĐT Hà Nội còn công bố số điện thoại đường dây nóng của sở là 0902.139764.
Trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã có hướng dẫn công tác thu chi trong các trường công lập năm học 2017-2018. Theo quy định của sở, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về các khoản thu - chi sai quy định hay để xảy ra tiêu cực trong thu hoặc ép buộc học sinh may (mua) đồng phục trái quy định.
Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định các trường phải trả lại tiền cho học sinh và phụ huynh nếu thu sai quy định. Với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp của phụ huynh.
Trong khi đó, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình các em các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện, như bảo vệ nhà trường, trông coi phương tiện học sinh, vệ sinh trường lớp, khen thưởng giáo viên, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học...
Nhiều địa phương khác cũng đã ban hành văn bản siết chặt việc thu - chi đầu năm học.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được thu tiền đóng góp của phụ huynh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí, như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, nước sinh hoạt, khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tiền bảo vệ trường...
Không được thu tiền làm vệ sinh lớp đối với học sinh THCS, THPT; không thu tiền tổ chức may đồng phục và tiền sách, vở, đồ dùng học tập...
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, việc dạy thêm, học thêm ở THCS, THPT tối đa không quá 17.000 đồng/buổi/học sinh đối với lớp dưới 30 học sinh; tối đa không quá 15.000 đồng/buổi/học sinh đối với lớp 30-45 học sinh.
Với các khoản thu phục vụ học sinh như tiền bán trú, trông trẻ ngoài giờ..., nhà trường phải căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu của cha mẹ học sinh, xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi, thu theo nguyên tắc đủ chi và báo cáo phòng GD&ĐT thẩm định...
Theo Yến Anh / Người Lao Động
Học sinh lớp 1 bị đuổi vì 'quá tuổi' đã được đến trường Ông Trương Văn Lợi (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), cho biết con trai ông là Trương Văn Tài, đã được học lớp 2 trường Tiểu học Vĩnh Xuân. Trước đó, ngày 22/4, báo chí phản ánh việc em Trương Văn Tài (10 tuổi), đang học lớp 1 tại trường Tiểu học Vĩnh Xuân, bị đuổi học...