Học gì ở “lò’ luyện hơn 700 học sinh?
Thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc sĩ tử ùn ùn kéo đến các lò luyện thi để chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Ghi nhận tại nhiều trung tâm luyện thi nổi tiếng như Bách Khoa, Sư Phạm, Ngân Hàng… có lớp ken chật đến 600 – 700 người, nhiều sĩ tử phải ngồi ra cả hành lang để nghe giảng. Cứ tưởng thời buổi bây giờ “lò” luyện ế ẩm, nào ngờ…
Ngồi học tràn ra cả hành lang tại “lò” luyện thi trên phố Chùa Bộc
Luyện thi ở… hành lang
Tại một lò luyện thi có tiếng của thầy Thành, cô Thời (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), vào khoảng 5 giờ chiều, sau khi kết thúc các buổi học chính trên trường cũng chính là khoảng thời gian cao điểm tại đây. Một học sinh cho biết, trung tâm luyện thi này từ lâu nay luôn đông khách. Tuy nhiên, sức chứa lại không nhiều, cả trung tâm lại chỉ có 4, 5 lớp học nên số học sinh có khi lên tới 600 – 700 người một lớp. Những ngày nóng nực, lớp học tại trung tâm luyện thi này biến thành một lò luyện theo đúng nghĩa đen của nó. Thậm chí, khi mất điện, giáo viên phải giảng chay, không micrô nhưng tại đây vẫn thu hút khách.
Có mặt tại trung tâm trên, sau khi xếp một hàng dài mua vé ngày, tôi đã được vào lớp. Phòng học với sức chứa chỉ 600, 700 chỗ ngồi nhanh chóng ken đặc người. Thấy tôi ngơ ngác tìm chỗ, một học sinh kéo tôi ra dãy bàn ngoài hành lang sát cửa sổ lớp giải thích đầy ái ngại: “Chắc bạn mới đi học ở trung tâm này. Muốn có ghế trong lớp, thì phải đến khi ca trước chưa kết thúc. Ở đây, chỉ vài phút là kín chỗ, hôm nay tôi còn “chạy sô” ở một trung tâm khác nên tôi đến muộn, cũng may vẫn còn dãy bàn hành lang. Dù không nhìn được bảng nhưng lại gần loa. Vẫn còn hơn chán phải ra cầu thang đứng hóng”.
Đem thắc mắc về việc số ghế ít nhưng vé học được bán ra vẫn quá nhiều, một nhân viên của trung tâm cho biết: “Từ lâu nay, trung tâm vẫn thu hút rất đông thí sinh. Những ngày đầu, số vé bán ra chỉ vừa đúng với lượng chỗ ngồi nhưng do các em vẫn có nhu cầu, yêu cầu được ngồi ghép, thậm chí ngồi ra cả hành lang, chúng tôi đành phải bán thêm. Chúng tôi cũng đã bố trí hệ thống loa để phục vụ, tăng ca giảng nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Thí sinh tới đây ôn luyện còn ngày một tăng lên”.
Rời trung tâm này, tôi tiếp tục tìm đến một lò luyện thi nằm trên phố Chùa Bộc, từ đầu ngõ vào đã la liệt xe cộ gửi thành một hàng dài. Tại trung tâm này, thí sinh liên tiếp gặp phải tình huống phải ra ngoài gửi xe với giá cắt cổ vì bên trong đã kín chỗ. Được biết, do các thầy cô tại trung tâm rất có tiếng, tỉ lệ thi đỗ cao nên trung tâm này chưa bao giờ vắng học sinh. Những người tới đây phần đông là học sinh lớp 12 và những người đã từng thi trượt ở Hà Nội, chỉ có một số rất nhỏ học sinh ở tỉnh khác lên đây luyện thi. Đông đúc, chen lấn, chật chội cũng là những ghi nhận tại trung tâm luyện thi trên phố Cửa Bắc nơi nổi tiếng với môn tiếng Anh. Ở đây, một lớp học cũng không thể đếm nổi có bao nhiêu học sinh tham gia. Một thí sinh tên Dũng ở Thái Bình chia sẻ: “Đây là năm thứ hai mình thi, năm nay do bạn bè chỉ tới đây để ôn luyện nên mình cũng tới thử”.
Video đang HOT
Đến các trung tâm luyện thi, chứng kiến các sĩ tử được “nhồi nhét” trong những phòng học chật chội thì mới thấy cũng lắm người đi học vì cái sự thi nhưng không thiếu kẻ đi học chỉ như một sự hiếu kỳ, theo tâm lý đám đông, người ta đi luyện thì mình cũng đi. Tại trung tâm luyện thi trên phố Chùa Bộc không ít học sinh tỏ ra bức xúc vì nhiều người kiếm được chỗ ngồi trong lớp lại bò ra bàn ngủ, trong khi nhiều người phải đứng ngoài hành lang ghi chép.
Đặt câu hỏi, liệu ôn thi kiểu đến những trung tâm luyện thi như thế này có thật sự hiệu quả, trong môi trường hỗn tạp nhiều loại âm thanh, có tiếng giảng từ loa, tiếng xì xào bàn tán bài vở, tiếng nói chuyện, thậm chí cả âm thanh sột soạt của nữ sinh bóc kẹo bánh, liệu có thể tiếp thu được bài học. TS. Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: “Học là quá trình thí sinh tự tiếp thu kiến thức cho bản thân. Việc tiếp thu có thể nói là do ý thức của mỗi cá nhân. Nhưng cũng không thể loại bỏ yếu tố môi trường ôn tập. Nơi càng yên tĩnh, thí sinh càng dễ tập trung. Còn về vấn đề hiệu quả của các trung tâm luyện thi, tôi cho rằng, tại những trung tâm tốt, uy tín, chất lượng vẫn sẽ đảm bảo. Không phải trung tâm nào cũng dạy xô bồ, kiếm tiền. Tôi biết nhiều nơi đang ngắc ngoải với vài chục thí sinh đến luyện, có nơi đã phải đóng cửa. Trong thời buổi công nghệ cao như hiện nay, các sĩ tử không chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là đến lò luyện”.
Luyện thi online không hút khách
Hiện nay, ngoài tới các lò luyện thi đông đúc tới 600 – 700 người, các bạn học sinh đã có thêm nhiều sự lựa chọn để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chỉ cần một chiếc máy vi tính nối mạng, các thí sinh hoàn toàn có thể học ngay tại nhà mọi lúc mà không cần chen chúc đến các trung tâm đông tới hàng trăm người trong thời tiết mùa hè ngày càng oi bức. Chưa kể nhiều trang mạng còn cung cấp dịch vụ luyện thi online miễn phí. Việc luyện thi này có tác dụng giúp các bạn tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như công sức đi lại, và vẫn đảm bảo sức khỏe. Các sĩ tử sẽ không phải lo lắng chuyện “chạy sô” từ lớp luyện thi này sang lớp luyện thi khác. Hơn nữa, những thầy cô giảng dạy trực tuyến này cũng chính là những giáo viên có tiếng. Nhưng các khóa học này vẫn không hút thí sinh. Điểm mạnh của luyện thi online đó là được xem nội dung giảng bài nhiều lần đến khi hiểu thì thôi, thay vì chỉ được nghe một lần khi học tại các trung tâm. Tuy nhiên, luyện thi trực tuyến lại đòi hỏi tính tự giác rất cao của học sinh. Nếu không tập trung và bị sa đà vào những trò chơi, giải trí trên mạng thì việc học không có hiệu quả mà chỉ tốn thời gian vô ích.
Bạn Nguyễn Anh Quân ở Núi Trúc cho biết: “Tôi từng thử qua một số lớp học online nhưng chỉ được một lúc quảng cáo các web game, game trực tuyến lại nhảy ra trước mắt, không thể tập trung được. Suy cho cùng, học tập trong môi trường trực tiếp, lại có thể trao đổi với bạn bè vẫn là tốt hơn. Đó là sự lựa chọn số một cho những người không có điều kiện được các thầy cô nổi tiếng giảng một thầy một trò”. Xem ra, sức nóng từ các lò luyện thi vẫn không hề giảm dù có ngày một nhiều những hình thức luyện thi ít mệt mỏi, vất vả hơn. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, dù luyện thi ở “lò”, hay luyện thi online thì hiệu quả đến đâu đều do ý thức của học sinh quyết định. Thực tế, vẫn có rất nhiều học sinh nghèo, không có điều kiện luyện thi, đều tự học ở nhà mà vẫn đỗ điểm cao như thường.
Theo ANTD
Dồn sức luyện thi giai đoạn nước rút
Bất chấp cái nóng rang người, sĩ tử từ các vùng quê nghèo lên phố luyện thi ven Trường ĐH Tây Nguyên và các vùng phụ cận trên địa bàn TP Buôn Ma thuột (Đắk Lắk) miệt mài luyện thi trong các khu trọ "ổ chuột" chờ ngày dự thi ĐH.
Những ngày này, hàng trăm sĩ tử thuê phòng trọ luyện thi ven Trường ĐH Tây Nguyên vẫn bất chấp cái nóng oi bức "nhốt" mình trong các khu nhà trọ "ổ chuột" để "nhồi" kiến thức. Ngoài sĩ tử ở các huyện xa tỉnh Đắk Lắk như: Lắk, Cư Kuin, Krông Buk..., có nhiều sĩ tử quê tận Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai hay Kon Tum cũng tìm về cơ sở luyện thi Trường ĐH Tây Nguyên thuê phòng trọ luyện thi. Nhiều sĩ tử chung quan điểm phải cố gắng chắt chiu từng giờ, từng ngày ôn luyện để có kết quả tốt nhất, nếu không đỗ Đại học thì tối thiểu phải ngang "sàn" để xét tuyển Cao đẳng.
Sĩ tử Hoàng Thị Thủy (HS trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Cư Jut, Đắk Nông), chia sẻ: "Để có thể đỗ vào ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM sẽ phải nỗ lực không ngừng, ngoài kiến thức ôn luyện tại cơ sở luyện thi, tối đến phải "cày" gần nửa đêm mới nghỉ. Nhiều bạn học đến 2, 3 giờ sáng là chuyện thường...". Sĩ tử Hoàng Thị Nếp bạn cùng trường, nói thêm: "Phải cố gắng thôi chứ biết làm sao, trong khi ngày thi đã gần kề...".
Không thua các nam sĩ tử,em Hoàng Thị Nếp (áo đỏ, HS trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Cư Jut, Đắk Nông) miệt mài ôn luyện cùng bạn.
Men sâu trong một con hẻm khu vực Trường ĐH Tây Nguyên, chúng tôi bắt gặp hình ảnh sĩ tử Thạch Văn Can (Học sinh Trường THPT Quang Trung, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), mồ hôi nhễ nhại phải cởi phăng áo ngồi học. Can tâm sự: "Kỳ thi Đại học năm nay trúng phải mùa Euro sĩ tử bị chi phối nhiều lắm, đang học bài mà nghe bên ngoài cỗ vũ, hô hoán "zô, zô... zô" xao động cực kỳ. Nhiều khi chỉ muốn gấp sách, gấp vở chạy đi xem một hồi nhưng bài tập thì chưa làm xong phải nán lại".
Nóng nực, sĩ tử Thạch Văn Can phải cởi phăng áo ngồi ôn luyện.
Can cho biết ngoài cung thời gian 6 buổi ở lò luyện thi, thời gian trống nửa ngày hầu như không đủ để làm bài tập, các dạng bài tập khó trắng đêm mới hoàn thành là chuyện thường trong tháng cao điểm. Cậu nói: "Học vậy ăn thua gì! Ngày xưa mấy anh chị của em học ác chiến lắm mà còn chưa đỗ ĐH, thi năm 2, năm 3 mới vừa đủ điểm vào trường. Năm nay em quyết tâm thi đỗ năm một vào trường Đại học TDTT TPHCM, 3 anh chị của em đã đỗ vào Trường ĐH Tây Nguyên và Trường Sỹ quan lục quân 2 ở Đồng Nai...".
Thuận lợi hơn các sĩ tử khác, sĩ tử Lục Văn Ngọc (HS Trường THPT Lắk, huyện Lắk, Đắk Lắk) có anh trai là SV năm 3 ngành Tài chính Ngân hàng - Trường ĐH Tây Nguyên) kèm cặp. Trong căn phòng trọ oi bức, hai anh em vẫn miệt mài ôn luyện, giải đề thi. Ngọc cho biết: "Không phải cứ đến lò luyện học cấp tốc là hay, tùy sức học và cách học mỗi người mà chọn phương pháp ôn luyện phù hợp nhất. Đã học 9 tháng ở trường rồi nên khoảng thời gian này em chỉ tập trung ôn luyện lại các dạng bài tập chứ không học mới. Cái gì không hiểu thì nhờ anh trai chỉ cho....".
Sĩ tử Lục Văn Ngọc (áo đỏ) cùng anh trai là Lục Đức Thọ (SV năm 3 ngành Tài chính Ngân hàng - Trường ĐH Tây Nguyên) ôn luyện giai đoạn "nước rút".
Anh trai của Ngọc nói thêm: "Giờ tụi em cũng đang thi cuối kỳ, mình đi trước cũng cố gắng bớt chút thời gian ôn luyện cho em út, đã đi trước thì cố gắng bày những cái gì mình biết...".
Viết Hảo
Theo dân trí
Luyện thi đại học 'chui' giá 30-50 triệu đồng Tại Trung tâm Minh Phát, học phí mỗi môn luyện thi cấp tốc lên đến 700.000 đồng/khóa. Nhiều trung tâm hét giá 1 triệu đồng/môn, có gói luyện thi lên đến 30-50 triệu đồng. Nhiều lò luyện thi ĐH ở TP Đà Nẵng hoạt động không phép, một số trung tâm hét giá cao. Trung tâm DANIEN và DA.NI.EN (đường Trần Cao Vân)...