Học đọc chính là học một kỹ năng sống
Từ nhiều thế kỷ trước, văn hóa đọc và kỹ năng đọc đã được chú trọng ở những nước phát triển. Học đọc được coi là học một kỹ năng sống.
Đây là một trong những nguyên nhân giúp các quốc gia này không chỉ phát triển kinh tế – xã hội mà còn bảo tồn và phát huy hiệu quả văn hóa truyền thống.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng đọc của trẻ.
Có không ít định nghĩa hay cách hiểu khác nhau về văn hóa đọc nhưng nhìn chung, nói đến văn hóa đọc là nói đến ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cá nhân và cộng đồng. Hàng chục năm qua, các nhà giáo dục đã chú ý đến sự cần thiết của các chương trình giúp việc đọc diễn ra một cách hiệu quả trong các trường học. Mục đích của chương trình là phát triển khả năng của trẻ để nắm bắt ý nghĩa của những gì được đọc, bằng cách dạy trẻ cách phân tích chuỗi ý tưởng và đưa ra kết luận hợp lý.
Có khá nhiều ý kiến khác nhau về thời gian bắt đầu cho trẻ học kỹ năng đọc. Những người theo xu hướng truyền thống thường cho rằng, trước lứa tuổi mẫu giáo, trí tuệ của trẻ em chưa đủ phát triển để có thể xử lý thông tin phức tạp. Vì vậy, việc dạy kỹ năng đọc trong giai đoạn này sẽ không hiệu quả, có thể làm bộ não mệt mỏi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, những trẻ được đọc cho nghe và học các kỹ năng đọc cơ bản trước khi đi mẫu giáo sẽ có mối liên hệ tích cực hơn với sách và đạt được những thành tựu đáng kể trong học tập khi chúng phát triển đầy đủ khả năng đọc, viết.
Dù còn những quan điểm chưa đồng thuận về thời gian bắt đầu cho trẻ học kỹ năng đọc, song các nhà giáo dục đều thống nhất rằng, đọc không chỉ là công cụ quan trọng để hiểu văn bản mà còn là cơ sở cho tất cả các khía cạnh của quá trình học tập. Rất khó để đạt được học lực cao và thành công nếu không có khả năng đọc.
Đọc một cách có ý thức sẽ tác động tích cực tới trình độ ngôn ngữ cũng như tư duy của học sinh. Do đó, học sinh cần trau dồi kỹ năng đọc để đạt kết quả học tập tốt. Bên cạnh đó, khả năng đọc sẽ giúp trẻ em cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống; bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn cho học sinh.
Trong cuốn Hướng dẫn giảng dạy kỹ năng đọc cấp tiểu học được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) giới thiệu, Giáo sư Ngôn ngữ học người Mỹ Kemba A. N’Namdi cho rằng, vai trò của việc đọc sách quan trọng như một công cụ cho cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ tới mức độ thành công của một người.
Video đang HOT
Để hướng dẫn học sinh phát triển kỹ năng đọc, giáo viên phải đưa ra các mục tiêu học tập rõ ràng. Phạm vi và trình tự của một chương trình đọc nên đáp ứng nhu cầu, khả năng và sở thích của học sinh. Điều này có thể thấy được qua thái độ tích cực của học sinh trong quá trình đọc.
Ở cấp tiểu học, tất cả giáo viên đều phải được đào tạo kiến thức dạy đọc. Hiện tại, chất lượng đào tạo nhân lực và sự đa dạng của tài liệu đọc dành cho trẻ em ở nhiều nước đang phát triển cần được cải thiện. Mới đây, kết quả khảo sát do Hiệp hội Phát triển giáo dục ở châu Phi (ADEA) với sự tham gia của 2.000 học sinh cho thấy có một khối lượng lớn sách giáo khoa cần được chỉnh sửa. Điều này khó có thể được thực hiện trong một sớm một chiều, song, giáo viên có thể được đào tạo để tự chuẩn bị giáo trình và tài liệu đọc phù hợp với học sinh của họ.
Nói một cách khác, giáo viên là những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xây dựng và áp dụng các giáo trình giảng dạy cũng như phát triển khả năng đọc hiểu của trẻ. Vì vậy, trong quá trình lên lớp, giáo viên cần nắm được khả năng tiếp thu của từng học sinh để đưa ra cách tiếp cận phù hợp. Trong quá trình học tập, các bài kiểm tra được cho là thước đo cần thiết để đánh giá sự tiến bộ của học sinh, qua đó, giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp, tốc độ bài giảng của mình.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia giáo dục quốc tế, môi trường học tập, sự quan tâm và động viên của giáo viên là những yếu tố có tác động tích cực tới sự phát triển kỹ năng đọc của trẻ. Việc giảng dạy kỹ năng đọc không chỉ được triển khai ở bậc tiểu học mà ngay cả các trường trung học, bộ môn này cũng được nhiều quốc gia chú ý.
Nếu như ở bậc tiểu học, trọng tâm rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh tập trung vào hướng dẫn cách nhận biết chữ và ý nghĩa của từ, câu, thì ở bậc trung học, học sinh được khuyến khích phân tích bề sâu của tài liệu. Ví dụ như trong các trường trung học tại Anh, khi đưa ra một câu chuyện, giáo viên sẽ yêu cầu các em nêu ý kiến về ý nghĩa tác phẩm, đánh giá các nhân vật trong truyện, thông điệp của tác giả…
Ở mức độ cao hơn nữa, giáo viên sẽ động viên các em đánh giá, phê bình tác phẩm nhằm nâng cao tư duy phản biện. Giáo viên cũng thường xuyên đề nghị học sinh tìm sự liên kết giữa nội dung trong văn bản với các chủ đề ngoài cuộc sống hoặc đọc 2 văn bản có nội dung trái chiều rồi trình bày quan điểm riêng của mình.
Một cuốn sách hay sẽ mở ra cánh cửa bước vào thế giới rộng lớn. Các em sẽ được gặp gỡ trực tiếp nhân vật tới từ những khoảng thời gian, những địa điểm và những nền văn hóa khác nhau. Đọc sách cũng là đồng thời học cách diễn đạt ý kiến và cảm xúc, sử dụng trí tưởng tượng và giải thích những gì đã được học. Quan trọng hơn, học đọc chính là học một kỹ năng sống.
Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường: Việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc
Để đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, việc đọc sách phải là thói quen của đa số người dân.
"Hạt giống" thói quen đọc sách ở mỗi người cần được "gieo trồng" ngay từ nhỏ với sự lặp đi lặp lại theo một tần suất nhất định và trong một thời gian đủ dài. Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là cách tốt nhất để tạo thói quen đó, và đây là việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc.
Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là cách tốt nhất để tạo thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Ảnh: Nhật Mai
Mở rộng không gian đọc
Những năm gần đây, nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa đọc đã được tổ chức, song hoạt động này ở nhiều nơi còn mang tính phong trào. Không nhiều người có thói quen đọc sách mỗi ngày. Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nếu nhìn vào số lượng tựa sách và bản in, có thể thấy con số tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, với dân số như hiện nay, tỷ lệ sách phục vụ nhu cầu tự giáo dục, nâng cao dân trí chỉ là 1,44 bản sách/người/năm, chưa kể trong số đó có khá nhiều sách vô bổ.
Sức đọc quá thấp chủ yếu do đa số người Việt chưa hình thành thói quen và kỹ năng đọc dù đó là điều nên có ngay từ khi còn trẻ. Trong nhiều gia đình, người bố sẵn sàng chi tiền cho một chiếc tủ rượu nhưng lại dè dặt khi sắm một tủ sách; các bà mẹ hào phóng rút ví mua sách cho con nhưng bản thân lại không đọc và không hướng dẫn con đọc. Những cuốn sách nằm im trên giá là "sách chết", không mang lại gì ngoài ý nghĩa trưng bày. Tại các trường học, số lượng đầu sách ở thư viện trường còn hạn chế, cơ sở vật chất của hệ thống thư viện cũ kỹ, nghèo nàn, chật chội, thậm chí một số thư viện còn phải "gánh nhiều vai" - vừa là "kho" cất giữ sách, nhạc cụ, vừa là phòng tập múa hát. Ngay cả ở những trường học có thư viện "đẹp như mơ" thì số lượng học sinh hào hứng đến thư viện vẫn chưa được như kỳ vọng, do thời gian nghỉ giữa giờ ngắn, thư viện lại nằm ở tầng cao hoặc ở xa nơi học của trẻ.
Ngành Giáo dục đã cố gắng đề ra giải pháp để thư viện trường học phát huy hiệu quả thúc đẩy sự đọc, trong đó có tính đến việc triển khai mô hình tiết học thư viện ở các trường đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Tại Hà Nội, từ hơn 10 năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường có thư viện đạt chuẩn hoặc đủ điều kiện bố trí học sinh mỗi lớp 1 tiết/tuần tham gia hoạt động tại thư viện. Chủ trương tích cực này đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Nhiều trường mở rộng không gian thư viện bằng cách "biến" hành lang, góc lớp... thành những "phòng đọc" thân thiện, dễ tiếp cận. Trường Tiểu học Bồ Đề (quận Long Biên) đã tạo một không gian mở ngay chân cầu thang với những kệ sách chia theo chủ đề, đồng thời tận dụng không gian dọc hành lang phòng đọc để trải thảm xanh, trang trí và mở rộng góc đọc. Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) tạo không gian đọc ngay ở sảnh tầng 1 để trẻ có thể đọc sách trong giờ ra chơi hay khi chờ bố mẹ đến đón. Những không gian này không chỉ phục vụ việc đọc sách, mà còn là nơi học sinh chơi cờ, trò chơi dân gian hoặc giao lưu cùng bạn. Tính đa năng của các không gian đọc giúp học sinh hứng thú với sự đọc.
Song song với việc tạo không gian sáng tạo là các hoạt động khác như thư viện phục vụ đọc sách theo chủ đề, tổ chức nói chuyện chuyên đề, giới thiệu sách, giao lưu với nhà văn, nhà thơ, các cuộc thi viết thu hoạch, vẽ tranh, viết cảm nghĩ về tác giả - tác phẩm. Nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển văn hóa đọc đã được tổ chức, như tuần lễ đọc sách, ngày hội đọc sách; xây dựng thư viện mini, tủ sách lớp học, thư viện lưu động. Nhiều trường thường xuyên tổ chức luân chuyển sách giữa các lớp, mở rộng nguồn cung cấp sách qua phong trào "Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay"...
Tuy nhiên, hiện còn nhiều trường học chưa thường xuyên tổ chức hoạt động thư viện, hoặc có tổ chức nhưng hoạt động mang tính hình thức, không thiết thực. Nguyên nhân của sự hạn chế là cơ sở vật chất và nhận thức của nhà trường chưa tốt; năng lực tổ chức, sáng tạo của nhân viên thư viện còn hạn chế... Tại các cuộc hội thảo do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng được thói quen đọc trong nhà trường, việc cần thiết là phải tổ chức được tiết đọc sách chính khóa, đưa hoạt động đọc trở thành bắt buộc.
Học sinh Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc đóng góp sách cho thư viện của nhà trường. Ảnh: Nhật Mai
Hình thành thói quen từ tiết đọc sách
Để xây dựng văn hóa đọc, từ đó góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh hiệu quả kinh tế xuất bản, việc đọc sách phải trở thành thói quen. Người đọc, nhất là học sinh, cần hiểu rằng việc đọc không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu giải trí, mà còn để thu nhận kiến thức, nâng cao hiểu biết. Trẻ nên chọn đọc gì, đọc như thế nào, đó là điều cần được người lớn hướng dẫn. Từ phía gia đình, sự hướng dẫn có thể chỉ dừng ở việc tương tác cùng con, nhưng sự hướng dẫn từ phía nhà trường phải ở một mức độ cao hơn để trẻ cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái lý thú của mỗi cuốn sách, để trẻ hiểu rằng cả sách văn học, sách khoa học, sách dạy kỹ năng sống... đều mang lại điều bổ ích.
Nhằm phát triển văn hóa đọc, trong đó chú trọng đến việc tìm tòi cách thức để kích thích và tạo thói quen đọc sách ở học sinh, từ năm 2018, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, lớp tập huấn với chủ đề đa dạng: "Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?", "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?", "Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường"... Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng, không nhiều người Việt có thói quen đọc sách thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó có việc thiếu tiết đọc sách trong nhà trường. Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi hoạt động đọc được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài, vì thế, sau khi tham khảo từ một số nước trong khu vực cũng như từ mô hình tiết đọc sách được triển khai thành công ở nhiều trường học tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Hội Xuất Bản Việt Nam đã đề nghị ngành Giáo dục đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa. Theo đó, có thể dành 15 - 30 phút đầu giờ học mỗi ngày hoặc bố trí ít nhất 2 tiết/tuần trong khung giờ chính thức - tùy theo điều kiện của mỗi trường và mỗi cấp học - cho việc đọc của học sinh.
Khi tiết đọc sách trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể, nhà trường và phụ huynh sẽ có nhận thức đầy đủ hơn về yêu cầu hình thành thói quen đọc cho trẻ. Thầy giáo Lê Hữu Dũng (Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Tôi cảm nhận được những lợi ích tuyệt vời mà việc đọc sách đem lại cho học sinh trong suốt 3 năm học vừa qua, khi Ban Giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn dành 2 tiết/tuần cho các em đọc sách. Học sinh rất hứng thú khi đến tiết học này. Các em có thể tìm những quyển sách mà mình yêu thích, chìm đắm theo dõi nội dung của sách. Có lúc chúng bật cười thích thú, nắm tay thật chặt như đang căm phẫn trước một nhân vật xấu xa nào đó... Tôi rất mong ngành Giáo dục đưa tiết đọc sách vào trong khung chương trình học chính khóa của các trường học, bởi nếu như được đọc thường xuyên, học sinh sẽ phát triển toàn diện hơn".
Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là một đề xuất tuyệt vời. Đó là việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu về thông tin phục vụ nền kinh tế tri thức và yêu cầu phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình tiết đọc sách không thể vội vàng, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt bởi nếu không, tiết đọc sách có thể mang tính hình thức, không khơi gợi được niềm hứng thú đọc sách của các em.
Hiện nay, hoạt động đọc ở thư viện trường học do nhân viên thư viện thực hiện, tuy nhiên, chế độ đãi ngộ dành cho họ còn thấp, nhân viên thư viện ở một số trường còn phải kiêm nhiệm công việc khác. Nhiều giáo viên không đọc sách thường xuyên, thậm chí có những giáo viên ngữ văn chỉ đọc sách liên quan đến bài giảng mà không cập nhật các đầu sách văn học mới, hay, phù hợp với học sinh... Đó là những điều cần thay đổi bởi nếu giáo viên lười đọc, cơ sở vật chất không tốt... thì khó tạo thói quen đọc cho học sinh. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cần phối hợp tốt hơn với ngành Xuất bản trong việc xây dựng danh mục sách theo lứa tuổi, thậm chí chia cụ thể theo từng khối lớp, để học sinh có thể lựa chọn sách phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và chương trình học trong nhà trường.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Một nền giáo dục muốn đổi mới toàn diện thì cần phải nâng cao khả năng tự học, tự đọc của học sinh!
Một nền giáo dục muốn đổi mới toàn diện thì cần phải nâng cao khả năng tự học, tự đọc của học sinh. Tiết đọc sách hướng tới mục tiêu đó, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu sau này.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thức chung về vai trò của văn hóa đọc và thư viện chưa cao, đặc biệt là ở phía trường học. Thực tế đã có nhiều trường triển khai tiết đọc sách khá hiệu quả, nhất là khối trường tư, trường quốc tế, nhưng cũng có những nơi tiết học này chỉ là "đưa học sinh lên thư viện". Do đó, xây dựng tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa nên là một yêu cầu bắt buộc, qua đó dần thay đổi thói quen đọc của học sinh và người dân.
Xây dựng tiết đọc sách không có gì khó khăn, vì mọi khó khăn về cơ sở vật chất đều có thể tìm cách khắc phục, chỉ có nhận thức đang là rào cản lớn nhất khiến văn hóa đọc chưa được phát huy tối đa ở các nhà trường. Có nhiều cách để triển khai hiệu quả tiết học đọc, như một số nước châu Âu và nước bạn Lào đã làm: Thư viện trường liên kết với thư viện công cộng địa phương để luân chuyển sách thường xuyên, đưa học sinh đến trải nghiệm tại thư viện công cộng hoặc đưa xe thư viện lưu động đến từng trường, từng lớp.
Nhiều trường mầm non ở tỉnh Nghệ An đã dừng dạy học trực tuyến Nhiều trường mầm non thuộc tỉnh Nghệ An đã ngưng triển khai việc dạy và học online cho trẻ mẫu giáo. Điện thoại reo vang, đầu dây bên kia là giọng của một đồng nghiệp của chúng tôi đang công tác tại tỉnh Nghệ An vui mừng nói: Giáo viên Trường Mầm non Tam Thái đang thực hiện quay clip hướng dẫn kỹ...