Hoãn nhận 6 học bổng đại học Mỹ để đi làm tình nguyện
Trần Thị Thùy Dương (trường THPT chuyên Hà Tĩnh) được 6 trường ĐH Mỹ cấp học bổng toàn phần nhưng cô xin hoãn một năm để sang khu ổ chuột ở Philippines và Thái Lan làm tình nguyện.
Gặp Thùy Dương sau hành trình tình nguyện đáng nhớ, cô tâm sự: “Tôi thi vào cấp 3 tổng điểm đứng thứ 4, các bạn tôi hồi đó ai cũng mong ước vào đội tuyển quốc gia môn tiếng Anh nhưng tôi thì chưa từng nghĩ vậy. Tôi chọn hướng đi khác, tự trau dồi tiếng Anh và kỹ năng mềm để đi du học. Tôi thích tham gia hoạt động ngoại khóa và gặp gỡ các bạn tình nguyện viên quốc tế. Năm lớp 10 tôi tập trung học chứng chỉ IELTS. Lên lớp 11 tôi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin học bổng”.
Thùy Dương (ở giữa) đang dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ ở Indonesia.
- Vì Sao Dương lại chọn con đường khác với các bạn?
- Tôi luôn tự vạch ra mọi kế hoạch của mình. Bố mẹ tôi tôn trọng điều đó. Bố mẹ ủng hộ vì hiểu rất rõ tính cách và sức lực của tôi còn tôi thì luôn tin rằng thành công là kết quả tất yếu cho ai kiên trì. Tôi biết rõ điều mình muốn và tôi làm việc rất cẩn thận, tôi tin mình làm được. Nhưng tôi đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Hồi bắt đầu học IELTS, tôi kém phần nghe và nói lắm, nên đêm nào học bài trên lớp xong tôi cũng ngồi học thêm phần nghe tận 2h sáng. Xung quanh nhà tôi có nhà mổ lợn nên khá ồn ào, tôi phải đợi họ mổ lợn xong mới bật đài nghe.
Tôi chai mặt đến các buổi thi thử IELTS miễn phí. Nhà tôi không có anh em họ hàng ở Hà Nội nên mỗi lần ra đi thi tôi phải đi một mình. Có lần sáng 4h xe đến nơi, mẹ xin một nhà người quen cho ở nhờ một ngày, xe buýt thả tôi xuống chỗ cách nhà đó 1 km. Tôi phải đi bộ giữa đường vắng.
- Và Dương đã được đền đáp xứng đáng cho những ngày mệt mài học và ra Hà Nội đi thi?
- Đến lớp 11 thì cuối cùng tôi cũng được học bổng sang Canada, học bổng toàn phần 80.000 USD cho 2 năm học dự bị tại trường Pearson (Canada). Ở Canada tôi cũng tham gia làm việc với một số tổ chức phi chính phủ, kết quả học tập tốt nên xin học bổng sang Mỹ dễ hơn. Kết quả tôi được 6 trường Đại học của Mỹ nhận.
- Vì sao được 6 trường ở Mỹ nhận mà Dương lại tự hành xác bằng cách đi tình nguyện ở các khu ổ chuột và vùng khó khăn ở Philippines, Thái Lan?
Video đang HOT
- Khoảng 3 tháng trước lúc khóa học ở Canada kết thúc trường tôi có một buổi nói chuyện với cựu học sinh. Tôi nghe họ kể chuyện một hồi thì say mê luôn.
Đó là những câu chuyện về đi tình nguyện ở các nước nghèo. Có một anh đi tình nguyện ở châu Phi về, kể khổ lắm nhưng rất vui.
Tôi chưa khi nào sống khổ nên tôi nghĩ mình cũng phải đi để trải nghiệm và giúp đỡ những người khổ hơn mình. Nhưng khi tôi nói ý tưởng này ra thì bố mẹ phản đối dữ dội. Tôi nghĩ muốn bố cho phép thì phải lên một kế hoạch chi tiết.
Tôi xin các anh chị cựu học sinh địa chỉ liên lạc của mấy tổ chức họ làm. Trước lúc nghỉ hè tôi đã kịp xin vào các tổ chức làm việc. Sau khi trình bày đầy đủ kế hoạch và những công việc sẽ làm tình nguyện, bố mẹ tôi đã đồng ý.
- Dương đã có những thời gian trải nghiệm trong công việc tình nguyện như thế nào?
Tôi đến Philippines khi nước này vừa trải qua một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp. Tôi đến đó giúp dọn dẹp rác thải và tạo ra máy lọc nước giúp người dân. Sau đó về nước được một ngày tôi bay sang Indonesia cho dự án tình nguyện tiếp theo.
Chưa bao giờ tôi sống trong điều kiện cực khổ như ở Indonesia. Tôi sống ở một làng trên núi, mới 4h chiều muỗi đã bay như trấu, vơ một tay được cả nắm, bôi thuốc xịt muỗi xong muỗi vẫn cắn như thường.
Cả đoàn 25 người sống trong ngôi nhà nhỏ (được coi là đẹp nhất làng). Nhưng tối ngủ mưa dột, trong nhà không có đồ đạc gì cả. Chúng tôi đào giếng xây giếng nước sạch cho người dân, phát sách về kỹ năng sống cho bố mẹ để dạy con.
Trong 3 tuần, xây 3 cái giếng, dân làng quý chúng tôi lắm, lần đầu tiên họ có nước sạch dùng. Sau 3 tuần ở Indonesia tôi về Hà Nội một ngày rồi sang Thái Lan làm tình nguyện ở khu ổ chuột Bangkok.
- Khu ổ chuột lắm tệ nạn xã hội và người có HIV rất nguy hiểm với một cô gái Việt Nam như Thùy Dương. Tại sao Dương lại tình nguyện đến đó?
Khu ổ chuột nghèo nàn và nhiều tệ nạn xã hội nhưng tôi vẫn đến vì nơi đây cần có sự giúp đỡ. Học sinh ở đây hầu hết là trẻ em đường phố, mồ côi. Mỗi ngày một em được cấp 20 bạt ( bằng 14 nghìn tiền Việt Nam).
Tôi dạy tiếng Anh cho các em. Nhiều em thông minh lắm. Các em rất quý tôi, gọi tôi là chị Suny. Tôi đã bị lây chấy rận từ các em. Các em bị chấy, trứng chấy trắng toát đầu, tôi lên lớp thường phải bắt chấy cho học sinh.
Học sinh có những đứa bị HIV thương lắm. Có những đứa mẹ đang làm ở khu đèn đỏ. Có những em 13- 14 tuổi đã vào khu đèn đỏ, họ coi đó là một nghề. Tôi vào khu đèn đỏ phát bao cao su cho họ.
Chúng tôi xây lều bạt cho những người ở khu ổ chuột. Có lần tôi đang ngủ, một người chị gõ cửa bảo đi với chị, đến nơi thấy em gái chị tự tử trong khu ổ chuột. Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi để đến với những người cần giúp đỡ.
Những chuyến đi tình nguyện đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi nhận ra lối đi ngay dưới chân mình, tự tìm đường đi cho mình chứ đừng đi theo những lối mòn có sẵn chỉ vì nhiều người đi trên đó.
Theo Phùng Nguyên/Báo Tiền phong
Đổ nước đá lên đầu - thách thức để làm từ thiện
Hàng chục triệu người đã bàn tán về thách thức "Ice bucket challenge" (Đổ nước đá lên đầu). Vì sao chiến dịch từ thiện này lại thành công đến như vậy.
Cựu thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tham gia tắm lạnh tại Hội Chữ thập đỏ Thái ở Bangkok ngày 22-8 - Ảnh: Reuters
Không chỉ có các sếp lớn công nghệ, hàng loạt nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, từ chính trị gia, nghệ sĩ đến vận động viên thể thao đang lần lượt thực hiện "đổ nước đá lên đầu" và thách đố ba người kế tiếp.
Theo số liệu thống kê từ Facebook, mức độ lan tỏa về chiến dịch "Ice bucket challenge" trên mạng xã hội từ tuần đầu tháng 6 đến ngày 17-8 có hơn 28 triệu người tham gia thảo luận về thử thách này, 2,4 triệu video liên quan đến "đổ xô nước đá lên đầu" được chia sẻ trên Facebook.
Thành công bất ngờ
Những bài đăng đầu tiên bắt đầu từ thành phố Boston (Mỹ), nhưng thử thách này đã nhanh chóng lan rộng ra gần như mọi đất nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. 10 quốc gia có lượng người tham gia đông đảo nhất gồm: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Brazil, Đức, Philippines, Puerto Rico và Ấn Độ.
Trên mạng xã hội Twitter, trong 30 ngày qua có hơn 118.000 tweet (tin nhắn) nhắc đến chiến dịch #icebucketchallenge, trung bình hiện mỗi ngày có 32.000 tweet (theo Công ty Topsy).
Đây không phải hành động kỳ lạ thu hút sự chú ý, những người tham gia đều nhằm ủng hộ mục đích từ thiện của chương trình được Pete Frates - một công dân Mỹ (bang Massachusetts) đã sống với bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), hay còn được biết qua tên gọi Lou Gehrig - khởi xướng. Bệnh thường phát trong lứa tuổi trưởng thành và khỏe mạnh, 5-10% trường hợp là do di truyền từ cha hay mẹ.
Anh Pete Frates, 29 tuổi, đã sống với bệnh ALS trong bốn năm qua. Để nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh chưa có phương thức chữa trị hoàn toàn này, anh Pete Frates nghĩ ra chiến dịch Ice bucket challenge vào đầu tháng 6. Trong đó người tham gia sẽ ghi hình video clip đổ một xô nước đá lạnh lên đầu mình, rồi đăng tải clip lên mạng xã hội Facebook, YouTube hay Twitter kèm nhãn (hashtag) #icebucketchallenge, đồng thời chuyển lời thách thức đến ba người khác.
Trong 24 giờ, những người tiếp nhận thách thức có thể làm tương tự hoặc đóng góp 100 USD cho Hiệp hội ALS (ALS Association) với mục đích nghiên cứu khoa học, tìm phương thức chữa trị.
Nhờ người nổi tiếng
Chiến dịch nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông và cộng đồng mạng qua các video clip "đổ xô nước đá lên đầu" từ những người nổi tiếng.
Các tỉ phú công nghệ lần lượt thực hiện và thách nhau như CEO Facebook Mark Zuckerberg nhận lời thách từ thống đốc bang New Jersey Chris Christie, và chuyển tiếp sang Bill Gates, lan tỏa nhanh chóng đến các sếp Microsoft Satya Nadella và Steve Ballmer, hai nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, "ông trùm Tesla" Elon Musk, "nữ tướng công nghệ" Facebook Sheryl Sandberg...
Riêng tỉ phú Amazon Jeff Bezos rất hài hước khi "chọn mặt gửi vàng", nghĩ đến "người thổi còi" Edward Snowden hay đức giáo hoàng, nhưng cuối cùng ông chọn ba nhân vật ngưỡng mộ từ bộ phim Star Trek. Bên cạnh đó, các ngôi sao ngành giải trí không hề thờ ơ. Nữ siêu sao truyền hình Oprah Winfrey, diễn viên Ben Affleck, "người sói" Robert Downey Jr., ca sĩ Jennifer Lopez, Ricky Martin, danh thủ Cristiano Ronaldo... đều trải qua màn ướt lạnh từ xô nước đá.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không nằm ngoài danh sách "bị nhắc đến". Phu nhân cố thượng nghị sĩ Robert Kennedy, bà Ethel Kennedy, sau khi tham gia chiến dịch "Xô đá" cùng 20 thành viên gia đình Kennedy đã "chuyển lời" đến ông Obama. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết ông Obama sẽ đóng góp tiền thay cho "xô đá".
Chiến dịch "Ice bucket challenge" nhận được nhiều sự ủng hộ đóng góp từ thiện nhưng cũng gặp phải những vấn đề cần đối mặt. Số tiền quyên góp chuyển đến Hiệp hội ALS đến nay đã lên gần 42 triệu USD. Giới truyền thông đặt ra câu hỏi số tiền đóng góp được sử dụng hiệu quả đến đâu, tuy nhiên chiến dịch đã rất thành công khi mức độ lan tỏa khắp thế giới giúp gia tăng nhận thức của mọi người về căn bệnh nguy hiểm.
Theo Tuoitre
Dàn siêu xe chạy xuyên châu Âu làm từ thiện Đoàn gồm 6 chiếc Maserati sơn màu đỏ vừa hoàn thành chặng đường vừa tặng hơn 2.500 km và quyên góp được 776.000 euro cho các tổ chức từ thiện châu Phi. Hãng xe Ý vừa tổ chức một tour từ thiện gồm 6 chiếc siêu xe của mình, tất cả đều sơn màu đỏ, cùng với 70 phụ nữ nổi tiếng. Chuyến...