Hoa mắt với giá thịt lợn
Giá lợn hơi đang giảm khoảng 10.000-15.000 đồng/kg, song, mặt hàng này tại chợ vẫn ở mức cao. Đặc biệt, tại các siêu thị, không chỉ giá cao mà còn có sự chênh lệch đáng kể.
Loay hoay hỏi đi hỏi lại giá từng loại thịt, bà Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bà nghe nói thịt lợn đang giảm giá mạnh, tuy nhiên khi vào quầy thịt vẫn thấy giá thịt ở mức cao, không khác tuần trước là mấy.
“Tôi đến hoa mắt vì sự lên xuống của giá thịt, hết tăng rồi giảm rồi lại tăng…, không biết có đợt tăng nào nữa không”, bà Hằng nói.
Theo ghi nhận, hiện giá lợn hơi tại miền Bắc ở mức 88.000-91.000 đồng/kg. Nhưng, nhiều mặt hàng có giá bán lẻ vẫn ở mức cao hơn 200.000 đồng/kg, thậm chí, sườn non trong siêu thị có giá gần 300.000 đồng/kg, tương đương giá một số loại thịt bò.
Dù giảm vẫn đắt
Thời điểm cuối tháng 5, giá lợn hơi bật tăng lên 100.000-103.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong lịch sử. Song, từ đầu tháng 6 tới nay, giá lợn hơi có xu hướng giảm liên tục.
Khảo sát của Zing ở các chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (Đống Đa), chợ Nhân Chính (Thanh Xuân)… giá lợn hơi trong những ngày gần đây có xu hướng giảm mạnh, nhưng giá thịt lợn tại chợ lại không có dấu hiệu giảm tương xứng.
Tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), giá thịt ba chỉ dao động 170.000-180.000 đồng/kg, nạc vai 170.000-180.000 đồng/kg, nạc thăn 150.000-160.000 đồng/kg, thịt chân giò 160.000 đồng/kg, sườn nguyên cục 180.000 đồng/kg, sườn non loại 1 giá từ 220.000 đồng/kg.
Chị Hà, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết thịt lợn hơi đã giảm khoảng 10.000-15.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá thịt bán ra ở chợ vẫn ở mức cao, các loại thịt như mông, vai, ba chỉ… tại quầy hàng của chị bán ra ở mức 150.000 – 200.000 đồng/kg. “Chỉ mong giá giảm nữa để khách mua chứ bán ế lắm”, chị Ngọc thở dài nói.
Video đang HOT
Nghe báo, đài đưa tin, thịt lợn hơi liên tục giảm, chị B. Diệp (Thanh Xuân, Hà Nội) vui mừng vì nghĩ rằng cuối cùng gia đình chị cũng không còn phải tìm đến thịt gà, cá để thay thế.
Thế nhưng, “sáng nay ra chợ, hỏi giá mới biết chỉ giảm khoảng 5.000-10.000 đồng, giảm như thế này thì vẫn còn đắt lắm”, chị Diệp nói.
Lý giải điều này, một tiểu thương bán thịt lâu năm cho hay: “Giá lợn hơi giảm nhưng giá đi nhập ở các lò mổ vẫn cao, nên dù có thay đổi giá bán cũng chưa thể giảm đột ngột ngay được”.
Hiện, giá thịt lợn mảnh được người bán nhập ở các lò mổ từ 125.000 – 130.000 đồng/kg nên giá bán lẻ gần như vẫn được niêm yết với giá từ 150.000 đồng/kg cho các loại thịt ba chỉ, nạc vai, chân giò,…
Giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn mảnh bán tại các chợ dân sinh vẫn chưa giảm tương xứng.
Theo nhiều tiểu thương, họ đang kỳ vọng việc cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về sẽ làm dịu “cơn khát” thịt lợn trong nước cũng như giảm nhiệt sức nóng từ giá thịt lợn kéo dài nhiều tháng qua.
Loạn giá tại các siêu thị
Trong khi người dân đang hy vọng giá thịt giảm thì mới đây, các hệ thống siêu thị có bán thịt lợn bình ổn tại TP.HCM lại điều chỉnh giá tăng từ 1.000 đến 29.000 đồng/kg.
Theo đó, thịt nạc vai, đùi có giá bán cao nhất, tăng từ 161.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg. Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở mặt hàng xương bộ, tăng 28,6% lên mốc 90.000 đồng/kg.
Đồng thời, các loại thịt vai, thịt đùi, chân giò, cốt lết cũng tăng hơn 10% giá bán. Thịt vai và đùi hiện có giá 160.000 đồng/kg, trong khi cốt lết và chân giò lần lượt 152.000 đồng/kg và 142.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn không chỉ ở mức cao mà tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM đang có sự chênh lệch giá đáng kể.
Đơn cử, theo ghi nhận của Zing ngày 17/6, giá sườn non ở MeatDeli dẫn đầu với 282.900 đồng/kg, trong khi đó ở siêu thị Vinmart là 239.900 đồng/kg, tại Co.opMart 210.000 đồng/kg, tại Lotte 220.000 đồng/kg, BigC 213.000 đồng/kg và thấp nhất là MM Mega Market có giá 193.900 đồng/kg.
Giá thịt lợn không chỉ ở mức cao mà tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang có sự chênh lệch đáng kể.
Ngoài ra, các loại thịt khác cũng có sự chênh lệch như thịt ba rọi tại Lotte 205.000 đồng/kg, Vinmart 229.900 đồng/kg, MM Mega Market 175.000 đồng/kg. Nạc vai ở Lotte 185.000 đồng/kg, BigC 180.000 đồng/kg,…
Thường mua sắm tại nhiều siêu thị khác nhau nhưng chị Lam (Hà Đông, Hà Nội) cũng không hiểu vì sao giá thịt lại chênh lệch nhau. “Cùng mặt hàng, nhưng sườn non bán tại Big C lại thấp hơn tại Vinmart tận 20.000 đồng/kg”, chị cho hay.
Hiện, nhiều người kỳ vọng, khi lợn Thái Lan được nhập khẩu về thì giá lợn hơi trong nước sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, theo một số tiểu thương, lợn sống khi về đến Việt Nam phải qua nhiều công đoạn lại gánh thêm một số phí như vận chuyển, chi phí kiểm dịch thú y, cách ly,…nên khả năng giá lợn trong nước sẽ không giảm sâu.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 500 con lợn sống nhập khẩu Thái Lan đã về đến cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An khai báo lợn sống mổ, số lượng 500 con (90-130 kg).
Theo Cục Thú y, hiện có khoảng 15 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu với số lượng dự kiến hơn 1,9 triệu con.
Giá thịt lợn cao 'ngất ngưởng': Có dấu hiệu độc quyền nhóm?
Lãnh đạo Bộ NN&PTNN cho rằng giá lợn cao suốt thời gian dài vừa qua bởi nguồn cung chưa đủ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, có dấu hiệu độc quyền nhóm.
Thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao ngất ngưởng.
Gần một năm qua, người dân cả nước phải chịu giá lợn cao bất chấp các biện pháp của Bộ NN&PTNN như yêu cầu các doanh giảm giá lợn hơi, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Dù nhiều lần người đứng đầu Bộ NN&PTNN lý giải, do thiếu nguồn cung bởi dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường bao nhiêu đến nay chưa có con số cụ thể. Trong khi đó, các tiểu thương vẫn buôn bán lợn bình thường cung cấp ra thị trường và chỉ có giá là không giảm.
Trước đây, giá lợn hơi trong khoảng 30-35.000 đồng/kg nhưng thị trường bán ra giá gấp 3 lần, lên tới 80.000-100.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng lên tới 150.000-190.000 đồng/kg.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết: "Lợi nhuận một số công ty chăn nuôi rất lớn, theo phản ánh bán một con lợn hơi tại cửa chuồng với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, họ đã lãi 2-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận rất cao nên khó chấp nhận".
Theo ông Phú, cả đất nước 100 triệu dân mà chỉ có 15 doanh nghiệp lớn cung ứng thịt lợn - ở đây có dấu hiệu độc quyền theo nhóm.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng, mỗi kg thịt lợn hiện cõng 6-7 khâu trung gian, mỗi khâu "ăn" một ít khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao.
Từ trước đến nay, ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thiết lập được theo mô hình liên kết tam giác (tức là từ trang trại - lò mổ - bán lẻ). Thậm chí, xuất hiện tình trạng một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá, họ còn có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.
"Lâu nay chúng ta vẫn tập trung giảm giá thịt lợn ở khâu nguồn cung, song dường như còn bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ. Từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ giá tăng 40-60%, bao gồm thương lái công ty liên kết, lò mổ, bán lẻ; hưởng chi phí mỗi công đoạn 10-15%, riêng khâu bán lẻ còn hưởng có thể cao hơn, thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chiết khấu lên đến 20-30%", ông Phú nói.
Do vậy, ông Phú cho rằng, để giảm giá thành thịt lợn thì cần phải công khai, làm rõ số liệu của từng khâu trung gian, tổ chức liên kết từ trang trại - mổ đến phân phối bán lẻ.
"Để giảm giá thịt lợn thì phải kết nối, phối hợp. Bộ NN&PTNT giám sát khâu mổ, Bộ Công Thương giám sát khâu phân phối bán lẻ. Từ đó mới thiết lập được cầu: từ trang trại đến khâu mổ, bán lẻ, bớt khâu thương lái, bán buôn. Riêng ở khâu mổ, Nhà nước có thể bỏ vốn đầu tư ban đầu để xây dựng các cơ sở mổ hiện đại, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp, điều này vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như bớt được khâu trung gian, có thể liên kết từ đơn vị chăn nuôi - mổ - bán lẻ", ông Phú kiến nghị.
Còn ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) đặt nghi vấn: "Nếu cung cầu không gặp nhau thì tại sao trên thị trường người bán, người mua vẫn gặp nhau và tạo ra những giao dịch thành để mua đựợc, bán được với giá 100.000Đ/kg lợn hơi? Tôi nghĩ nếu cung không gặp cầu thì ngành chăn nuôi tan nát rồi và dẫn đến đổ bể nền kinh tế rồi".
Ông Thoả phân tích, cung cầu lúc nào cũng gặp nhau, hai lực tương tác này luôn vận động,tác động lẫn nhau,gặp nhau, kết duyên với nhau tại điểm mà mức giá là 100.000đ/kg lợn hơi. Vấn đề ta phải xem mức giá đó được hình thành trong trạng thái "dư thừa" hay "thiếu hụt" của thị trường ( tức là có cân đối hay không )để điều hành sao cho số lượng cung bằng số lượng cầu ( hay cũng có thể nói cung cầu cân đối hợp lý) để có giá cân bằng cung cầu hợp lý.
"Nếu nói cung không gặp cầu nên giá cao là sai về bản chất. Hiểu như thế thì điều hành thị trường không thể thành công được", ông Thoả nói.
Giá thịt lợn nhập vào Việt Nam chưa đến 1/3 giá bán trên thị trường Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Việt Nam đã nhập hơn 27.500 tấn thịt lợn tươi, ướp hoặc đông lạnh, giá bình quân hơn 55.000 đồng/kg. Thông tin tới báo Dân trí về lượng và giá nhập thịt lợn trong 5 tháng đầu năm, Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê hải...