Hỗ trợ trường mầm non tổ chức bán trú: Bữa cơm nóng cho trẻ vùng khó
Hiện 100% trường mầm non tại Nghệ An tổ chức bán trú và chăm sóc trẻ 2 buổi/ngày.
Trẻ mang cơm tới lớp tại điểm bản Huồi Pốc, Trường Mầm non Nậm Cắn ( huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)
Tuy nhiên, với những trường vùng đặc biệt khó khăn, có nhiều điểm lẻ, bữa ăn bán trú chủ yếu dưới hình thức “dân nuôi”, với sự nỗ lực, linh hoạt của nhà trường, phụ huynh.
Mang cơm đến lớp
Điểm bản Huồi Pốc (Trường Mầm non Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm trên đỉnh núi cao, không sóng điện thoại, không điện, không chợ, nguồn nước khan hiếm. Đây là bản biên giới xa xôi, đường đi hiểm trở với những con dốc đá dựng đứng.
Tuy nhiên, điểm trường này có 3 nhóm lớp từ 3 – 5 tuổi với khoảng 80 cháu, đứng thứ 2 chỉ sau điểm trường chính ở bản Trường Sơn. Ngoài 3 phòng học bán kiên cố, còn có 1 gian bếp thưng bằng gỗ tạm, là nơi các cô thay phiên nhau nấu ăn trưa cho trẻ. Ngoài sân, có bảng công khai thực đơn bán trú từng ngày trong tuần.
Cô Phạm Thị Thanh Trâm – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để huy động và duy trì sĩ số, chúng tôi tuyên truyền phụ huynh và động viên các cô tổ chức bán trú dân nuôi. Theo đó, mỗi ngày, trẻ mang theo cặp lồng cơm đến lớp. Các cô trồng rau, củ để nấu thêm canh.
Mỗi tháng, phụ huynh chỉ đóng thêm 25 – 30 nghìn đồng để các cô mua thêm thức ăn cho trẻ. Cũng do không có điện để mua sắm tủ đông bảo quản thức ăn, nên ngày nào các cô cũng phải ra trung tâm xã đi chợ. Có thời điểm hạn hán, các cô phải chở nước từ xa vào. “Nhưng nhờ vậy, mà việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ quy củ. Các con đến lớp đầy đủ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng giảm nhiều”, cô Trâm phấn khởi nói.
Điểm bản Hạ Sơn, Trường mầm non Mường Nọc (Quế Phong, Nghệ An) có 27 trẻ thuộc 2 nhóm dân tộc. Do xa xôi, cách điểm trường chính hơn 15km, nên nhà trường cũng áp dụng hình thức bán trú dân nuôi. Mỗi ngày phụ huynh góp thêm 3 nghìn đồng/HS để hỗ trợ GV tổ chức bán trú và nấu thêm canh cho trẻ… Buổi trưa, những đứa trẻ nhanh chóng lấy cặp lồng cơm của mình, ngồi đúng vị trí cô giáo hướng dẫn.
Cô Lô Thị Hằng – phụ trách điểm bản Hạ Sơn nói: “Điều đáng mừng nhất là từ khi tổ chức bán trú, phụ huynh biết quan tâm đến chất lượng bữa ăn để vừa đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với độ tuổi của con. Các món ăn được cắt nhỏ, thực đơn thay đổi có cá, thịt hoặc trứng. Đây là sự thay đổi kỳ diệu, nhất là với bản làng người Khơ mú, vốn trước đây người lớn ăn gì vẫn cho trẻ con ăn như vậy”.
Nguồn hỗ trợ ý nghĩa
Video đang HOT
Trước khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức bán trú, các cô giáo mầm non vùng cao tự nguyện chăm sóc trẻ buổi trưa. Ảnh: TG
Tại Nghệ An, hiện 100% trường mầm non đã tổ chức bán trú cho trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là bậc học có hơn 600 điểm trường lẻ, nhiều nhất tỉnh. Qua khảo sát, toàn tỉnh có 123 trường mầm non công lập thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó có 320 điểm trường nấu ăn tại trường (chiếm tỷ lệ 65,9%). Số trẻ được tổ chức ăn tại trường là 34.300/38.440, chiếm tỷ lệ 89,2%.
Dù tất cả trường mầm non đã tổ chức bán trú, nhưng tại các điểm lẻ, công tác này còn nhiều hạn chế như phòng học tạm, chưa có nhà bếp bảo đảm an toàn để nấu ăn. Ngoài ra, chất lượng bán trú chưa đạt yêu cầu. Đơn cử ngoài bữa ăn chính buổi trưa, trẻ cần được ăn buổi chiều và bổ sung các thực phẩm khác. Nhưng với trường đang thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, trẻ chủ yếu chỉ mới được ăn bữa trưa.
Trước thực tế trên, từ năm 2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết để hỗ trợ các trường thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn. Từ tháng 11/2020, sau khi Nghị định 105/2020-NĐ-CP về Quy định chính sách giáo dục mầm non có hiệu lực, nguồn kinh phí này sẽ được lấy từ nguồn hỗ trợ của nhà nước. Theo đó, kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2,4 triệu đồng/tháng/45 trẻ, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ.
Trường mầm non Châu Hạnh nằm sát thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) nhưng địa bàn có tính đặc thù, trải dài khắp huyện. Các điểm trường cách xa nhau 30 – 40km. Vì thế cùng một trường nhưng lại có nhiều hình thức bán trú khác nhau. Trong đó, chỉ có trường chính tổ chức bán trú tập trung, các điểm còn lại tổ chức bán trú dân nuôi (bản Tà Cồ ) và trẻ tự đưa cơm đến lớp (bản Na Xén, Tà Sỏi và Thuận Lập).
Cô Lương Thị Bình – Hiệu trưởng Trường mầm non Châu Hạnh cho biết: Cả 5 điểm trường đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, theo Nghị định mới, chúng tôi được hỗ trợ kinh phí thuê 5 cô nuôi phục vụ bán trú. Do địa hình cách biệt, điều kiện bếp ăn không bảo đảm nên dự kiến chúng tôi chỉ tổ chức nấu ăn bán trú tập trung tại trường chính và điểm trường Tà Cồ. Trước đó, ở Tà Cồ cũng đã nấu ăn tập trung, phụ huynh vừa góp công, góp tiền trả cho cô nuôi với mức khoảng1,5 triệu đồng/tháng/người. Nhưng nay có hỗ trợ, nhà trường có thể chi trả thêm và mỗi cô nuôi sẽ được hơn 2,5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục mầm non – Sở GD&ĐT Nghệ An, việc Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tổ chức bán trú cho các trường mầm non vùng khó khăn có ý nghĩa đặc biệt với những trường học ở Nghệ An. Đây là cơ sở để các trường có kinh phí thuê khoán người nấu ăn và tổ chức được các bữa ăn tập trung ở trường thay vì mô hình bán trú dân nuôi như trước kia.
Nghệ An còn 181 điểm trường lẻ chưa có nhà bếp ăn và phải áp dụng hình thức bán trú dân nuôi. Trong khi đó, định mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị định 105/2020/NĐ-CP (160.000đ/trẻ/tháng) mới đáp ứng được 50% so với mức ăn tối thiểu bình quân để bảo đảm dinh dưỡng trong ngày. Do đó, chỉ mới có 60% số trường vận động cha mẹ đóng góp thêm khoảng 15.000 đồng/trẻ/ngày để tổ chức bán trú. Còn lại chỉ tổ chức ăn buổi trưa cho trẻ, các bữa phụ do cha mẹ tự lo.
Rét đậm kéo dài, các trường mầm non Hà Tĩnh đổi thực đơn, thêm chăn đệm giữ ấm cho học sinh
Bổ sung chăn đệm, mua sắm bình nóng lạnh, thay đổi thực đơn phù hợp..., các trường mầm non ở Hà Tĩnh triển khai các giải pháp giữ ấm cho học sinh trong đợt rét đậm, rét hại dự kiến sẽ còn kéo dài.
Phòng ngủ của học sinh ở Trường Mầm non Tây Sơn ( Hương Sơn) được trang bị đầy đủ chăm đệm giữ nhiệt.
Chủ động ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại khi nền nhiệt có lúc từ 10 -13 độ, những ngày này, Phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn thường xuyên nhắc nhở các trường học, đặc biệt là trường mầm non tăng cường các biện pháp giữ ấm cho học sinh.
Bình nóng lạnh được trang bị ở phần lớn các phòng vệ sinh trong mỗi lớp học ở các trường mầm non huyện Hương Sơn.
Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT Hương Sơn cho biết: "Ở miền núi, nhiệt độ thường thấp hơn, vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong đợt rét đậm, rét hại, chúng tôi đã khuyến khích 25 trường mầm non trên địa bàn lắp đặt bình nóng lạnh tại các lớp để chủ động nguồn nước nóng phục vụ vệ sinh cho trẻ.
Ngoài ra, trong các lớp học phải duy trì việc trải thảm thường xuyên, các trường học cũng tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc mặc quần áo đủ ấm, đeo khẩu trang cho các cháu trên đường đến trường".
Đồ dùng của học sinh được khử khuẩn.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, thời gian qua, Trường Mầm non thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) đã chủ động kết nối với con em xa quê, các mạnh thường quân huy động nguồn lực xã hội hóa để mua sắm bình nóng lạnh trang bị cho 9/9 lớp học.
Cô Bùi Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Sơn cho biết: "Cũng từ nguồn xã hội hóa hàng chục triệu đồng, trường đã trang bị được tủ sấy bát, tủ nấu cơm, nồi nấu cháo bằng điện để phục vụ cho công tác bán trú đảm bảo tuyết đối vệ sinh an toàn thực phẩm".
Tại Trường Mầm non xã Thạch Long (Thạch Hà), dù rét đậm, rét hại kèm theo mưa dầm kéo dài nhưng tỷ lệ học sinh chuyên cần vẫn duy trì khá ổn định. Các bậc phụ huynh khá yên tâm khi nhà trường thực hiện bài bản các giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, giữ ấm cho học sinh.
Thực đơn ăn của các cháu Trường Mầm non Thạch Long (Thạch Hà) được tăng cường lượng đạm, rau, củ, quả nhằm bổ sung vitamin
Cô Phạm Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Long cho biết: "Trước đó, trường đã huy động con em xa quê hỗ trợ hơn 400 thảm ngủ đảm bảo đủ mỗi cháu 1 thảm. Số thảm này đã kịp thời chuyển về trường ngay trước đợt rét để phục vụ cho việc bán trú của học sinh. Cùng với đó, chúng tôi đã nhắc nhở các bậc cha mẹ mặc đủ ấm, đeo khẩu trang, đi tất, đội mũ, quàng khăn cho các cháu khi đưa đón trẻ. Các phòng học ở lớp được trải thảm, các cháu cũng được trang bị đầy đủ dép trong nhà...".
Song song với việc tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là đồ dùng phục vụ cho công tác bán trú, thời điểm này, khẩu phần ăn của trẻ càng được các nhà trường chú trọng.
Giáo viên Trường Mầm non Thạch Châu (Lộc Hà) thường xuyên kiểm tra quần áo, giữ ấm cho trẻ.
Cô Đặng Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Châu (Lộc Hà) cho biết: "Dù mức giá cho mỗi bữa ăn của các cháu còn khiêm tốn, nhưng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày này, chúng tôi cũng đã cố gắng thay đổi thực đơn phù hợp, đảm bảo chất dinh dưỡng. Theo đó, khẩu phần ăn của trẻ được tăng cường lượng đạm rau, củ, quả nhằm bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng cho trẻ".
Thảm được trải ở các lớp học...
Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, các trường học cũng đã linh động trong việc điều chỉnh lịch học tập, sinh hoạt của trẻ. Thay thế những hoạt động ngoài trời, các cô giáo tổ chức cho trẻ hoạt động, vui chơi tại lớp học.
Cùng với đó, giáo viên thường xuyên chú ý đến nhiệt độ cơ thể của trẻ, cởi bớt áo cho các cháu khi ngủ trưa hoặc khi vui chơi để đảm bảo trẻ không bị toát mồ hôi, dễ thấm ngược vào trong dẫn tới cảm lạnh; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe của trẻ. Khi trẻ có biểu hiện ho, sốt hoặc mệt mỏi, các trường học khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ở nhà.
Giáo viên Trường Mầm non Thạch Châu tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn trong lớp cho trẻ.
"Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục có không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ sẽ tiếp tục xuống thấp. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn tăng cường các giải pháp chăm sóc, giữ ấm cho trẻ; khi nhiệt độ dưới 10 độ C thì thông báo phụ huynh cho trẻ nghỉ học" - cô Lưu Thị Phương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết.
TP.HCM: Lưu ý nhà trường công khai các khoản thu đầu năm học Ngày 25/8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục mầm non về những nội dung cần thực hiện đầu năm học 2020-2021. Trong đó lưu ý các cơ sở thực hiện công khai các khoản thu đầu năm học theo quy định hiện hành. Trẻ mầm non tại TP.HCM trong giờ chơi. Ảnh minh họa Theo đó,...