Hỗ trợ giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp: Để chăm sóc trẻ tốt hơn…
Ngày 23-9-2021, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Tùy theo quy mô, mỗi cơ sở được hỗ trợ 20 triệu đồng hoặc 40 triệu đồng. Đây là tin vui với các chủ cơ sở, giáo viên và phụ huynh của trẻ, bảo đảm công bằng đối với bậc học mầm non, thêm điều kiện để chăm sóc trẻ em tốt hơn.
Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất của thành phố Hà Nội sẽ giúp các cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp thêm điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn. Trong ảnh: Một tiết học của trẻ tại nhóm lớp Mầm non Hoa Anh Đào (huyện Đông Anh), tháng 4-2021. Ảnh: Đỗ Tâm
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ em theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 30%.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, về cơ bản, các cơ sở giáo dục mầm non đều có chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tốt. Tỷ lệ trẻ ở các độ tuổi được huy động ra lớp ngày càng tăng. Thành phố Hà Nội đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2013 đến nay và tiếp tục nỗ lực để thực hiện phổ cập với các lứa tuổi nhỏ hơn. Tuy nhiên, giáo dục mầm non Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Bà Lê Thị Phương Thảo, Chủ nhóm lớp Mầm non Sao Mai (huyện Mê Linh) cho biết: Nhóm thành lập từ năm 2011, với quy mô hơn 60 trẻ từ 2 đến 5 tuổi và 97% số trẻ gửi tại nhóm lớp là con của người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh. Dù cố gắng bảo đảm các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ, mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, song trong quá trình sử dụng, nhiều đồ dùng bị hư hỏng, việc mua sắm bổ sung đôi khi chưa kịp thời, bởi kinh phí còn hạn chế.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Phú Nghĩa. Đa số các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, dân lập phải thuê địa điểm là nhà dân và dành kinh phí ban đầu khá lớn để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với việc chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như mua sắm, bổ sung đồ dùng, thiết bị theo danh mục quy định. Trong khi đó, việc huy động kinh phí từ phụ huynh còn nhiều hạn chế, do đời sống của hầu hết người lao động còn khó khăn.
“Cú hích” tăng chất lượng
Video đang HOT
Một tiết học tại Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập Họa Mi (huyện Mê Linh), tháng 4-2021. Ảnh: Trọng Hiếu
Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, ngày 23-9-2021, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố Hà Nội”.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Các cơ sở được hỗ trợ cơ sở vật chất một lần để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn Phạm Thị Lan Hương cho biết, với việc được hỗ trợ 20 triệu đồng hoặc 40 triệu đồng (tùy quy mô), chính sách này thực sự là một “cú hích” để các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp nâng chất lượng, tạo sự đồng đều giữa các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Sự hỗ trợ kịp thời này giúp các đơn vị có thêm nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Còn theo bà Phạm Thị Duyên, Chủ nhóm lớp Mầm non Hoa Anh Đào (huyện Đông Anh), chính sách này đã tiếp thêm động lực để các giáo viên khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất dạy học, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Với kinh phí được hỗ trợ, nhóm sẽ mua sắm đồ chơi ngoài trời; đồng thời, rà soát cơ sở vật chất để hoàn thiện các điều kiện bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mai, người lao động thuộc Khu công nghiệp Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Sự hỗ trợ kịp thời của thành phố trong thời điểm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giúp chúng tôi yên tâm hơn khi gửi con tại các nhóm trẻ dân lập, tư thục, từ đó tập trung vào lao động sản xuất”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội hiện có 138 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục, với gần 7.000 trẻ tại 5 quận, huyện: Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn và Chương Mỹ thuộc đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Thời gian được hưởng hỗ trợ tính từ năm học 2021-2022.
“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đôn đốc, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí kinh phí hỗ trợ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng đối tượng, đúng quy định, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất”, ông Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.
Nỗ lực nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở miền núi phía Bắc
Yên Bái hiện có 218 cơ sở giáo dục mầm non, với 177 trường MN độc lập; 12 trường phổ thông có nhóm, lớp MN và 29 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục. Nhiều nỗ lực nuôi - dạy tốt được ghi nhận ở tỉnh này.
Nâng cao chất lượng nuôi dạy là đích hướng đến của các nhà trường
Đáp ứng yêu cầu trong nhân dân
Bậc học mầm non được Yên Bái xác định không chỉ là đáp ứng nhu cầu nuôi dạy con em của các gia đình mà là bảo đảm quyền được đi học, được đến trường của học sinh, đặc biệt là học sinh khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Các cơ sở nuôi dạy trẻ trên toàn tỉnh luôn xác định, nuôi dạy trẻ là trách nhiệm và nghĩa vụ. Ở những địa bàn khó khăn, nhiều cô giáo, cô nuôi đã không quản vất vả nỗ lực nuôi dạy các cháu tốt nhất.
Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Xác định nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân ở bậc học này. Giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành các đề án, nghị quyết, kế hoạch, quyết định phát triển giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn. Đề án thực sự là động lực để các nhà giáo các nhà trường thêm yêu và gắn bó với nghề, giúp nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.
Chăm sóc trẻ tại trường MN Nà Hẩu, huyện Văn Yên
Đến nay, Đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về cơ bản sẽ đáp ứng yêu cầu để GDMN từng bước phát triển, các hệ thống mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên.
Được biết toàn tỉnh Yên Bái hiện có 218 cơ sở GDMN, trong đó, có 177 trường mầm non độc lập (công lập 164 trường, ngoài công lập 13 trường); 12 trường phổ thông có nhóm, lớp mầm non; 29 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục được cấp phép hoạt động. Tổng số có 1.904 nhóm, lớp, với tổng số trẻ đến trường lớp là 56.929 trẻ (trẻ nhà trẻ 8.045; mẫu giáo 48.884).
Giờ lên lớp của cô trò Trường Mầm non Bông Sen, Tp Yên Bái
Trong đó, công lập 1.753 nhóm, lớp với 53.768 trẻ; ngoài công lập 151 nhóm, lớp với 3.161 trẻ; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp nhà trẻ đạt 17%, mẫu giáo đạt 92,3%, trẻ 5 tuổi đạt 99,7%; riêng ở vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ huy động nhà trẻ thấp hơn 2,8%, trẻ mẫu giáo thấp hơn 1,8% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Những nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học là điều có thể nhận thấy ở các cơ sở GDMN.
Đề cao vai trò của chất lượng
Nhà giáo Vũ Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen, TP Yên Bái, chia sẻ: Để đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ ở địa phương, nhà trường đã chú trọng phát triển quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Được các cấp chinh quyền và ngành GD tạo điều kiện thuận lợi.
Nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa; xây dựng môi trường giáo dục "an toàn, yêu thương, tôn trọng" gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, trong các cơ sở GDMN. Trong việc tuyển sinh hàng năm, trường chú trọng việc nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; củng cố, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1, phát triển GDMN dưới 5 tuổi.
Yêu cầu về chất lượng nuôi dạy trẻ được đặt ra ngày càng cao hơn
Nhà giáo Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2025, về quy mô, mạng lưới trường lớp phấn đấu huy động 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp; huy động 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; huy động tối đa trẻ 4, 5 tuổi ra lớp thực hiện mục tiêu phổ cập. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, duy trì 100% nhóm, lớp mầm non học 2 buổi/ngày.
Yêu cầu về chất lượng cũng được đặt ra ngày càng cao hơn, với 95% trở lên trẻ đạt được kết quả mong đợi (lĩnh vực phát triển thể chất; phát triển ngôn ngữ; phát triển nhận thức; phát triển tình cảm - kỹ năng xã hội; phát triển thẩm mỹ) theo độ tuổi; 98% trở lên trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN. Phấn đấu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 0,3%/năm; tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì được khống chế.
Có thể nói, chất lượng nuôi dạy đang là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra, vai trò của giáo viên đặc biệt quan trọng. Để hiện thực hóa điều này, Yên Bái phấn đấu có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019; 100% giáo viên đạt chuẩn theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm; 90% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng thực hiện chương trình GDMN phù hợp với địa phương.
Giai đoạn 2021-2025, Yên Bái đang nỗ lực từng bước tăng tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp hướng tới ngang bằng mức trung bình chung của cả nước và các tỉnh trong khu vực; cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và các điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện khó khăn.
Chúng tôi cũng cố gắng đạt tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 70% trở lên, không còn phòng học tạm, nhờ; đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhóm, lớp. Về phổ cập GDMN, duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở 100% đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện. - Giám đốc Sở GD&ĐT Vương Văn Bằng.
Khi nào các trường học tại TP.HCM được mở cửa đón học sinh đi học trở lại? Nếu đạt 8 tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn về phòng, chống dịch thì trường học ở TP.HCM sẽ được mở cửa đón học sinh đi học trở lại. Học sinh Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ trở lại trường học trực tiếp vào sáng 20.10 - PHẠM HỮU Ngày 20.10, UBND TP.HCM đã ban hành Bộ...