Hiệu trưởng xuống dạy phụ đạo lớp 1 mới thể hiện rõ vai trò người đứng đầu
Khi xác định mục tiêu thực hiện, chúng tôi may mắn được đội ngũ cán bộ của Sở Giáo dục cũng như các thầy cô ở các trường Tiểu học hết sức đồng tình, ủng hộ.
Ngày 24/2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản số 368/SGDDT-MNTH về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ 01/3/2021 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 trên địa bàn tỉnh này.
Việc làm này xuất phát từ lo ngại của ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau khi thống kê kết quả đến hết học kì 1 năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh số lượng học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán là 2.239 trên tổng số 23.798 học sinh, chiếm tỷ lệ 9.4%, rải đều trên tất cả các địa phương, từ thành thị đến nông thôn. Con số này được cho là khá cao so với những năm trước đây.
Theo đó, với số học sinh này phải được dạy phụ đạo để giúp các em rèn luyện các kỹ năng về đọc, viết, tính toán đồng thời bố trí phòng học riêng, giáo viên dạy phụ đạo tập trung cho các em. Nếu các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này. Sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo sẽ chuyển các em về lại lớp học ban đầu.
Đáng nói, sau thời gian thực hiện tính từ ngày 01/3 đến 15/4/2021, đã có 1096/2.339 em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán, còn 1.156 em tiếp tục được phụ đạo riêng. Như vậy, tỷ lệ này đã được kéo giảm từ 9,4% xuống còn 4.9%.
Sau khi những kết quả này được công bố, ngoài việc thán phục với quyết tâm của ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dư luận đặc biệt quan tâm đến những khó khăn và thách thức mà những người đưa ra chủ trương này phải đối diện.
Cô Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. – Ảnh: Báo Bariavungtau.com.vn
Để có góc nhìn khách quan xung quanh việc triển khai dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và được biết, có được thành tích bước đầu này một phần đến từ sự đồng lòng, quyết tâm của toàn bộ hệ thống giáo dục của tỉnh.
Nhấn mạnh thêm về nguyên nhân khiến ngành giáo dục tỉnh này phải quyết liệt đưa ra các quyết sách dưới dạng văn bản chỉ đạo, Cô Châu chia sẻ thêm: “Để đưa ra chủ trương này chúng tôi cũng phải đã thông qua rất nhiều lần khảo sát, đánh giá để nắm tình hình cụ thể. Trong quá trình đó chúng tôi nhận thấy, số lượng học sinh lớp 1 chưa đọc thông, viết thạo khi đối chiếu theo tiêu chuẩn đánh giá chung của Bộ Giáo dục trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng lên.
Thêm vào đó, năm vừa rồi chúng tôi cũng áp dụng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì buộc phải rà soát ngay trong học kỳ 1 để ngay khi có vấn đề đột xuất thì có thể sẵn sàng được các giải pháp ứng phó”.
Trả lời câu hỏi về quá trình thực hiện việc dạy phụ đạo đã gặp phải những khó khăn gì khi trong văn bản nêu rõ, nếu các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải phụ trách dạy lớp học này, cô Châu bày tỏ:
“Khi xác định được mục tiêu thực hiện thì chúng tôi may mắn được đội ngũ cán bộ của Sở Giáo dục cũng như các thầy cô ở các trường Tiểu học đồng tình, ủng hộ. Vì thế, khi chủ trương được đưa ra ai nấy cũng đặt quyết tâm làm việc rất cao, nhất là với các giáo viên trực tiếp thực hiện ở tại cơ sở.
Video đang HOT
Đặc biệt, phòng phụ trách mảng giáo dục tiểu học của Sở cũng có một đội ngũ rất tận tâm và nhiệt huyết với những học sinh mà họ quản lý. Vì thế khi họ đề xuất, lãnh đạo Sở thấy việc này là hợp lý và thiết thực thì chúng tôi lập tức cho áp dụng triển khai.
Nếu nói không có khó khăn thì cũng không hẳn, vì ngoài các yếu tố phát sinh trong quá trình thực hiện, khi chúng tôi có nêu lên yêu cầu về sự vào cuộc của các hiệu trưởng thì cũng có nhiều địa phương khác ngoài phạm vi của tỉnh có ý kiến phản đối. Một số quan điểm còn cho rằng, nếu yêu cầu cả hiệu trưởng phải phụ trách trực tiếp việc dạy phụ đạo cho học sinh thì có đúng luật hay không?.
Tuy nhiên, việc này không khiến chúng tôi lo lắng bởi đây chính là thể hiện vai trò của người đứng đầu. Vì dù sao, đã mang trọng trách lớn trên vai thì người đứng đầu phải xác định được chất lượng giáo dục của trường mình là điều quan trọng nhất. Nếu như gặp phải khó khăn gì thì người đó phải vào cuộc đầu tiên.
Và để không xảy ra mâu thuẫn, khi triển khai chúng tôi cũng quán triệt dựa trên tinh thần chia sẻ nhằm nắm bắt tâm tư của các hiệu trưởng và thấy được họ rất đồng lòng, đó là thuận lợi lớn nhất với những người đưa ra quyết sách giống như chúng tôi.
Vì thế, tuy là những phòng học phụ đạo, nhưng được các hiệu trưởng quan tâm nên những trường ấy cũng được bố trí với những không gian tạo ra tâm lý thoải mái nhất cho học sinh. Tất cả đều làm việc trên tinh thần vui vẻ và trong tâm thế coi đó như là công việc, trách nhiệm của mình, không một ai đứng ngoài cuộc cả”.
Đề cập đến kết quả của việc thực hiện chủ trương sau 1 tháng rưỡi triển khai, cô Châu cho rằng mình không thể ước lượng được kết quả có được như thế này. Tuy nhiên, trong khi thực hiện Sở hoàn toàn có thể nắm rõ được những học sinh nào có thể vượt qua được để có thành tích học tập tốt hơn.
“Khi kiểm tra chúng tôi phân rõ ràng ra thành các kỹ năng, dựa theo danh sách kỹ năng đó thì hoàn toàn có thể biết các em trong nhóm này có thể vượt qua hay không. Với các học sinh rơi vào nhóm các kỹ năng đều không đạt thì chúng tôi xác định đó là những trường hợp không vượt qua trong đợt phụ đạo lần này, khi ấy buộc các trường và Sở phải tính đến các phương án tiếp theo.
Những học sinh nằm ở nhóm không đạt này sau khi nghiên cứu thì thấy rằng các em thường có vấn đề về tâm lý và trí tuệ. Khi ấy chúng tôi sẽ có phương án đồng hành cùng với phụ huynh để đi kiểm tra về tâm lý và đưa ra những phương án hỗ trợ sớm nhất.
Có một số trẻ bị hội chứng tăng động hoặc tự kỷ chúng tôi cũng phải bỏ thời gian để bóc tách, không phải là trong đợt thực hiện này mới đề cập đến mà vấn đề nâng cao chất lượng học tập cho các đối tượng này chúng tôi cũng để ý từ 2 năm trước. Tuy nhiên để phụ huynh đồng hành cùng giải quyết vấn đề này cũng rất khó, một bộ phận phụ huynh không hiểu còn tỏ ra không đồng ý, thiếu đi sự phối hợp để cải thiện chất lượng học tập cho các em”, vị Giám đốc Sở Giáo dục này nhấn mạnh.
Ban giám hiệu phải dạy phụ đạo lớp 1 nếu thiếu giáo viên, kết quả thế nào?
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kéo giảm tỷ lệ học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán từ 9,4% xuống còn 4.9%.
Ảnh minh họa
Ngày 24/2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản số 368/SGDDT-MNTH về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ 01/3/2021 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 gửi các phòng giáo dục huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 được học phòng học riêng, giáo viên dạy phụ đạo tập trung cho các em.
Các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu.
Có bao nhiêu học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1?
Tính đến hết học kì I, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 23.798 học sinh lớp 1. Trong đó số học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán là 2.239 em, chiếm tỷ lệ 9.4%, rải đều trên tất cả các địa phương, từ thành thị đến nông thôn.
Với tỷ lệ bình quân 9.4% học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 của năm học 2020-2021 là tỷ lệ khá cao so với những năm trước đây.
Số học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 phải dạy phụ đạo để giúp các em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán cũng gây áp lực cho phân công chuyên môn, nhân sự của các trường tiểu học.
Thế nhưng với tinh thần "không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu" các trường vẫn nghiêm túc thực hiện.
Thống kê tổng hợp kết quả dạy phụ đạo cho học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 năm học 2020 - 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Lãnh đạo phải dạy phụ đạo học sinh lớp 1 chưa đạt kĩ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1, kết quả thế nào?
Các đơn vị tiểu học trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiêm túc thực hiện văn bản số 368/SGDDT-MNTH về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ 01/3/2021 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1.
Cô giáo H. (xin không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ "Thật ra dạy phụ đạo những em học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 vất vả hơn nhiều so với dạy bình thường trên lớp.
Để giúp các em đạt được kỹ năng đọc, viết, tính toán mình phải cố gắng nhiều hơn, đặc biệt là phải rất kiên nhẫn, không nóng vội được.
Có em, mình chỉ đi chỉ lại nhiều lần, hôm nay làm được, ngày mai đã quên gần hết. Vì thế, ngoài trách nhiệm, cần phải yêu thương các em, thấy các em tiến bộ, mình thấy vui vô cùng.
Tiếc thay, vẫn còn một số em chưa đạt, dù vất vả, nhưng phải nghiêm túc đánh giá, báo cáo, tiếp tục phụ đạo giúp các em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán.
Nếu cuối năm vẫn chưa đạt, nhà trường tiếp tục có kế hoạch phụ đạo cho các em trong hè. Nhà trường kiên quyết không cho học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán lên lớp 2".
Sau thời gian thực hiện, từ 01/3 đến 15/4/2021, đã có 1096/2.339 em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán (48.5%); vẫn còn 1.156 em tiếp tục được phụ đạo riêng.
Như vậy, sau khi thực hiện văn bản số 368/SGDDT-MNTH, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kéo giảm tỷ lệ học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán từ 9,4% xuống còn 4.9%.
Có thể nói Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trên cả nước có thống kê số lượng học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán khi thực hiện chương trình mới.
Đặc biệt hơn, đã có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học, tạo tiền đề thành công khi thực hiện chương trình giáo dục 2018.
Việc để học sinh "ngồi nhầm lớp" không thể phủ nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục địa phương.
Để học sinh "ngồi nhầm lớp" bị phát hiện mới "quy trách nhiệm" chỉ là giải quyết phần ngọn, thiệt thòi học sinh phải gánh chịu suốt cuộc đời, trách nhiệm đó không ai gánh nổi.
Vì vậy, nên chăng các địa phương học tập Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện giải pháp phòng chống ngồi nhầm lớp cho học trò ngay từ lớp 1.
Tài liệu tham khảo:
http://bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=29060
Bà Rịa-Vũng Tàu: Tổ chức dạy kèm HS lớp 1 chưa rành đọc, viết Đây là một năm học đặc biệt, học sinh mầm non 5 tuổi chưa được chuẩn bị tốt tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngày 24-2, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi các phòng GD&ĐT cấp huyện về tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 chưa...