Hiệu trưởng phải làm tốt sứ mệnh của nhà lãnh đạo, quản lý và quản trị
Hiệu trưởng phải làm cho nhà trường có trạng thái trong ổn định tạo ra mầm mống của sự phát triển, trong phát triển luôn luôn giữ được hạt nhân ổn định.
Giáo sư John Vũ (Tác giả các cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam: “Hành trình về phương Đông”, “Muôn Kiếp Nhân sinh”, “Giáo dục trong thời đại tri thức”) từng đề cập đến ý tưởng người Hiệu trưởng như người nhạc trưởng của dàn nhạc: “Dàn nhạc có một nhạc trưởng và nhiều nhạc công, nhạc trưởng là người lãnh đạo và nhạc công là người quản lý, họ quản lý nhạc cụ riêng của họ để chơi nhạc.
Lãnh đạo và quản lý là không như nhau nhưng họ được liên kết và bổ sung cho nhau. Việc của nhạc công là trình diễn năng lực nghệ sĩ tốt nhất của họ. Việc của giáo viên/giáo sư là tổ chức lớp theo khả năng chuyên môn tốt nhất của họ. Việc của nhạc trưởng là truyền cảm hứng và động viên. Việc của Hiệu trưởng cũng là truyền cảm hứng và động viên”.
Ba sứ mệnh quan trọng của người Hiệu trưởng
Bàn về vai trò, vị trí của người Hiệu trưởng trong các nhà trường, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) nói rằng, Hiệu trưởng phải là người hài hòa được trong động thái chấp hành các chỉ thị của cấp trên và điều hành thuộc cấp thực hiện các nhiệm vụ trong nội bộ nhà trường.
Khi ở cương vị chấp hành các chỉ thị của cấp trên, Hiệu trưởng thể hiện được năng lực tham mưu, biết đề xuất giải pháp, lộ trình, biết thể hiện các hiểu biết về quản lý, quản trị mà mình có trách nhiệm thực hiện, chấp hành sáng tạo yêu cầu của cấp trên.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, việc chấp hành cấp trên và điều hành cấp dưới của người Hiệu trưởng phải đặt trên nền tảng “Nhân – Trí – Dũng”. (Ảnh: PM)
Khi ở cương vị điều hành thuộc cấp, Hiệu trưởng thể hiện được năng lực lãnh đạo, biết vạch ra triết lý hành động và hệ giá trị phải thực hiện, biết cố vấn đúng và điều hành linh hoạt.
Với cấp trên, người Hiệu trưởng thể hiện tinh thần thực thi nhiệm vụ, đề xuất các nhiệm vụ quản lý, quản trị theo mục tiêu ổn định và phát triển.
Với cấp dưới, người Hiệu trưởng thể hiện được tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh lãnh đạo đưa đơn vị vượt qua các thách thức.
Việc chấp hành cấp trên và điều hành cấp dưới của người Hiệu trưởng phải đặt trên nền tảng “Nhân – Trí – Dũng”.
Trên cơ sở đó, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nêu lên ba sứ mệnh của người Hiệu trưởng kết hợp chặt chẽ trong quá trình tác nghiệp. Người Hiệu trưởng điều hành vô luận trong nhà trường nào cũng cần thực hiện sứ mệnh người lãnh đạo, sứ mệnh người quản lý và sứ mệnh người quản trị.
Với sứ mệnh người lãnh đạo, Hiệu trưởng xác định mục tiêu tổng quát phát triển nhà trường, hiệu trưởng như “hoa tiêu” dẫn đường cho tập thể nhà trường thực hiện được các giá trị “Chân – Thiện – Mỹ – Huệ”.
Video đang HOT
Với sứ mệnh người quản lý, Hiệu trưởng có nhiệm vụ tạo ra sự ổn định và sự phát triển của nhà trường. Hiệu trưởng phải làm cho nhà trường có trạng thái trong ổn định tạo ra mầm mống của sự phát triển, trong phát triển luôn luôn giữ được hạt nhân ổn định.
“Người Hiệu trưởng uyển chuyển “nắm và buông” công việc đúng quy luật: ‘Biết nắm cái cần nắm, biết buông cái cần buông, trong nắm có buông, trong buông có nắm’. Biết nắm buông đúng quy luật theo sự phát triển của nhà trường”, thầy Bảo nhận định.
Với sứ mệnh quản trị, Hiệu trưởng có nhiệm vụ tạo nên sự hưng trị, thịnh trị của nhà trường. Hiệu trưởng biết lấy gốc là sự quản, từ gốc này tỏa ra hai nhánh là “lý” và “trị”, đảm bảo sao cho trong “lý” có “trị” và trong “trị” có “lý”.
Người Hiệu trưởng cũng cần phấn đấu thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: Nhiệm vụ thủ trưởng, nhiệm vụ thủ lĩnh, nhiệm vụ người nhạc trưởng.
Những điều Hiệu trưởng cần lưu ý khi thực hiện nhiệm vụ
Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, có ba đối tượng chủ yếu mà Hiệu trưởng cần bao quát khi thực hiện nhiệm vụ trong nhà trường, bao gồm nhân tố con người, nhân tố công việc và nhân tố nguồn lực.
Đối với nhân tố con người, Hiệu trưởng cần phải thấu hiểu đội ngũ của mình, thu hút người có tài, có tâm, thuyết phục mọi người đồng cảm với mục tiêu tổng quát phát triển nhà trường, thúc đẩy đội ngũ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Đối với nhân tố việc, Hiệu trưởng phải lưu ý “chọn việc đúng mà làm, làm việc khéo đã chọn”. Trong tác phẩm “Sửa đổi làm việc” Bác Hồ viết năm 1947 đã khuyên người cán bộ như thế”, thầy Bảo nhấn mạnh.
Với nhân tố nguồn lực, Hiệu trưởng phải biết khai thác kịp thời, biết cung ứng nguồn lực đúng nơi đang cần sử dụng.
Trên thực tế, ba đối tượng trên cũng có mối quan hệ mật thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi tác động đến nhân tố con người đều phải suy nghĩ gắn với việc gì, cần nguồn lực bao nhiêu. Khi tác động tới nhân tố việc là phải suy nghĩ việc này cần đội ngũ như thế nào để phát huy hiệu quả, cần nguồn lực nào để đạt được mục tiêu. Khi tác động đến nhân tố nguồn lực là phải xác định nguồn lực này cung ứng cho việc gì và cho người nào?
Song song với ba đối tượng cần bao quát, người Hiệu trưởng cũng cần quán triệt bốn vấn đề then chốt trong lãnh đạo, quản lý, quản trị nhà trường.
Dù trên cương vị nào, Hiệu trưởng cũng phải thực hiện được 4 điều: kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra.
Công tác kế hoạch về bản chất là sự bao quát với hai việc chủ đạo là xác định nội dung và xác định phương pháp.
Công tác tổ chức là sự gắn kết giữa người, việc và nguồn lực, đặc biệt sự gắn kết giữa người với người là tinh tế nhất. Người Hiệu trưởng cố gắng xây dựng tập thể nhà trường thành tổ chức biết học hỏi, làm cho tập thể nhà trường biết sống kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.
Công tác chỉ đạo là sự thúc đẩy mọi thành viên cùng hăng hái đồng lòng vào công việc chung. Hiệu trưởng phải biết dùng các động viên tinh thần và vật chất để mọi thành viên trong trường thực hiện được minh triết giáo dục “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Công tác kiểm tra về bản chất là tìm ra sự điều chỉnh công việc để nhà trường có thể “Tiến khả dĩ công – Thoái khả dĩ thủ”. Hoạt động kiểm tra phải gắn liền với giám sát, với 4 hình thức giám sát là giám sát hỗ trợ, giám sát tư vấn, giám sát phản biện, giám sát kiểm tra.
Đặc biệt, một nguyên tắc cần được bao quát thường xuyên khi Hiệu trưởng chỉ đạo công việc của nhà trường là nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn, thuận lợi của nhà trường.
Từ đó, Hiệu trưởng xác định 4 chiến lược phát triển nhà trường. Nếu nhà trường ở trạng thái vừa mạnh, vừa thuận lợi thì chiến lược hành động sẽ theo hướng phát triển, tăng tốc. Nếu nhà trường mạnh về chủ quan song khó khăn về khách quan thì chiến lược hành động phải tìm ra sự tăng trưởng thích ứng. Nếu nhà trường yếu về chủ quan song thuận lợi về khách quan thì chiến lược hành động là xác định được sự tăng trưởng phòng ngự. Nếu nhà trường yếu về chủ quan lại khó khăn về khách quan thì chiến lược hành động là thực hiện sự phòng thủ ổn định.
Ngoài ra, Hiệu trưởng cần có “tư duy bảy tri” khi điều hành động thái phát triển nhà trường. Đó là “tri kỷ – tri bỉ” với hàm ý, biết chủ quan và khách quan, nhận ra trạng thái bản chất của nhà trường trên tổng thể và từng bộ phận, biết tình hình, xu thế phát triển của nhà trường, biết cơ may và sự đe dọa đối với sự phát triển của nhà trường để tìm ra xu hướng vận động đúng quy luật.
Hiệu trưởng cần chú ý đến minh triết “tri túc và tri chỉ”, biết đến đâu là đủ, biết lúc nào phải dừng. Trong hai việc này, “biết dừng” khó hơn. Dừng ở đây không có nghĩa đứng yên mà tìm ra một khoảng lặng để tiếp tục có bước tiến xa hơn và nhanh hơn.
“Ngoài ra, Hiệu trưởng cần có tư duy “tri biến”, nghĩa là biết cách biến đổi trạng thái của nhà trường, không để nhà trường lạc hậu và lạc điệu với xu thế phát triển chung.
Điều này có mục tiêu lớn lao là nhà trường phải thực hiện đổi mới theo ba bước: Biết bắt chước các điều hay từ trường bạn; Biết cải thiện trạng thái của trường mình; Biết tiến tới sự làm mới, sự đổi mới trong tiến trình dạy học giáo dục”, Phó Giáo sư Đặng Quốc bảo chia sẻ.
Thi tuyển hiệu trưởng minh bạch, sẽ tránh được tệ nạn "con cháu các cụ cả"
Việc có nên nhân rộng mô hình thi tuyển đối với chức danh hiệu trưởng hay không sẽ phụ thuộc vào tính công khai, minh bạch ở tất cả các khâu.
Từ lâu, dư luận đã đề cập, mong muốn các địa phương và ngành giáo dục sẽ tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng nhà trường, tuy nhiên việc này chưa làm được nhiều bởi công tác quy hoạch, bổ nhiệm còn liên quan đến nhiều tổ chức, ban ngành và thông qua một quy trình nhất định.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kháng Nhật, nhiều chuyên gia ủng hộ cách làm này.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoan nghênh cách làm của tỉnh Tuyên Quang - là một tỉnh miền núi nhưng quyết tâm với mục tiêu chọn người thực sự xứng đáng để làm hiệu trưởng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, thi tuyển một cách công bằng sẽ tuyển được người tài giỏi để tạo đột phá cho đơn vị, người đứng đầu một đơn vị dù lớn hay nhỏ đều rất quan trọng, dù tập thể đó là 3-5 người hay hàng nghìn người thì đều đòi hỏi người đứng đầu phải thể hiện đúng tố chất, tư cách.
Ảnh minh họa: Thùy Linh
Đối với lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Chức cho rằng, người đứng đầu phải có khả năng giảng dạy và tổ chức tốt bởi lẽ có nhiều giáo viên dạy rất giỏi nhưng khả năng tổ chức kém thì không thể làm quản lý được. Việc thi tuyển hiệu trưởng đòi hỏi mỗi ứng viên đều phải có đủ năng lực quản lý, biết trước những công việc mà mình sẽ đảm đương để làm tốt hơn.
Do đó thi tuyển chức danh hiệu trưởng nếu được thực hiện một cách dân chủ, công khai sẽ thể hiện nhiều ưu điểm bởi tham gia tuyển dụng có nhiều người đăng ký thi tuyển. Việc nhiều người cùng tham gia dự thi sẽ tạo nên cơ hội cho nhiều người, tăng sự cạnh tranh, giúp lựa chọn được những người ưu tú, tạo được bước đột phá mới, tránh được sự ì ạch, thụ động của một số lãnh đạo quản lý ở nhà trường.
"Nếu quy trình chặt chẽ, các ứng viên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, trình độ nhưng tổ chức thi tuyển không công bằng thì thi tuyển cũng bằng 0", Tiến sĩ Chức nhấn mạnh đến vai trò của ban tổ chức kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, không có mô hình, cách làm nào hoàn hảo nếu con người thực hiện nó không hoàn hảo bởi ngay ở cấp trung ương quy trình bổ nhiệm rất kỹ lưỡng nhưng vẫn để "lọt" những người không đủ tư cách, do đó việc có nên nhân rộng mô hình thi tuyển đối với chức danh hiệu trưởng hay không sẽ phụ thuộc vào tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu.
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiệu trưởng có nhiều quyền hành như tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định...Vì thế, vai trò, quyền lực thường rất lớn.
Chưa kể, thường thì từ trước đến nay các địa phương vẫn đang làm theo cách cũ, vẫn là quy hoạch rồi bổ nhiệm, khi đã bổ nhiệm lãnh đạo cũng đồng thời sẽ mãi đảm nhận vị trí đó. Nếu có thay đổi cũng chỉ là sự luân chuyển cán bộ từ trường này sang trường khác, từ vị trí này sang vị trí khác.
Việc quy hoạch một vị trí quan trọng như vậy nên không tránh khỏi tiêu cực xảy ra hoặc tệ nạn "con ông cháu cha", thân quen...... và không tạo được động lực phấn đấu cho những người giỏi khác.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)
Chính vì vậy, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc Tuyên Quang đưa ra hình thức thi tuyển công khai để chọn hiệu trưởng là việc rất đáng hoan nghênh vì việc thi tuyển sẽ tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ công chức, viên chức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thông qua thi tuyển sẽ chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức. Đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm đổi mới công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay.
"Triển khai xong, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút kinh nghiệm từ các địa phương, các trường ở cả khâu đề thi, cách thức tổ chức thi, nếu thấy tốt thì nên nhân rộng mô hình này, ai đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn thì có thể được chọn, tránh 5C (con cháu các cụ cả- PV)", Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Nói như vậy để thấy, thi tuyển chức danh hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục là giải pháp tích cực nhằm đổi mới công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay. Thi tuyển sẽ tạo sự công bằng, cạnh tranh giữa các ứng viên để ngăn chặn tình trạng chạy chọt mà vẫn đáp ứng Chuẩn hiệu trưởng năm 2018.
Các hiệu trưởng ở Hà Nội nhận định điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 Lãnh đạo nhiều trường THCS và THPT ở Hà Nội nhận định, mặt bằng chung điểm thi vào lớp 10 các môn năm nay có thể sẽ cao hơn năm ngoái; do đó để vào các trường top đầu, thí sinh phải có điểm các bài thi cao đều. Điểm thi dự kiến cao hơn năm ngoái nhưng không tăng nhiều Bà Trần...