Hiệu trưởng kiến nghị: Hết năm học, HS lớp 10 mới được chuyển tổ hợp
Cần tư vấn, định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh ngay khi quyết định tổ hợp môn tự chọn bởi việc thay đổi giữa chừng sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này.
Sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kì 1 năm học 2022-2023, tại nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước đã xảy ra tình trạng học sinh lớp 10 xin chuyển đổi môn/tổ hợp môn với lý do chọn “nhầm” so với năng lực, sở thích của bản thân nên học không theo kịp.
Vấn đề này đã khiến các cơ sở giáo dục trung học phổ thông đang “đau đầu” với mong muốn được chuyển môn/ tổ hợp môn của học sinh.
Định hướng, chuyển đổi ngay từ đầu năm học
Theo thầy Lê Vinh – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), với đặc thù là trường chuyên, nhà trường không xây dựng các tổ hợp môn tự chọn mà thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tức là học sinh được quyền lựa chọn các môn học dựa trên năng lực, sở thích và nhu cầu của các em.
Học sinh cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn môn/tổ hợp môn để tránh những hệ lụy về sau. Ảnh: AN
“Nhà trường có đủ giáo viên các bộ môn để giảng dạy cho các em, kể cả Âm nhạc, Mỹ thuật… Do đó, khi vào trường các em có quyền lựa chọn các môn học. Để định hướng đúng cho các em khi lựa chọn thì ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tiến hành họp phụ huynh và thực hiện các bước tư vấn, hướng nghiệp cụ thể”.
Cũng theo thầy Vinh, mặc dù đã gần hết học kỳ 1 nhưng không có học sinh nào của trường có đơn xin chuyển đổi môn/tổ hợp môn đã lựa chọn trước đó.
Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cho hay, hiện ở nhà trường cũng không có trường hợp nào học sinh xin chuyển đổi môn/tổ hợp môn giữa kỳ.
“Tuy nhiên, để giải quyết nguyện vọng chuyển đổi môn/tổ hợp môn của học sinh thì cần phải có hướng dẫn cụ thể từ Sở, Bộ. Bởi nếu cho học sinh chuyển đổi trong học kỳ 1 thì cuối năm sẽ tổng kết môn học đó thế nào? Việc bố trí lớp, giáo viên cũng sẽ có nhiều xáo trộn. Những vấn đề đó cần phải có hướng dẫn cụ thể thì các trường mới triển khai được”, thầy Thụy nói.
Video đang HOT
Cũng theo Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám, học sinh lớp 10 phải ít nhất hoàn thiện hết năm học thì mới chuyển đổi được. Lúc đó, nhà trường mới có cơ sở để tổng kết môn học đó.
“Nếu học sinh muốn chuyển đổi thì ít nhất cũng phải hoàn thành năm học mới tính được. Còn khi đã sang lớp 11 rồi, việc chuyển đổi môn cũng sẽ khiến các em phải tính toán đến chuyện rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức sao cho kịp khối lượng kiến thức của môn học mới lựa chọn chuyển sang, bù đắp phần lớp 10 không được học (môn mới)”.
Do đó, theo thầy Thụy, ngay từ đầu năm học, nếu không hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh và học sinh lựa chọn các tổ hợp môn thì sau này muốn chuyển đổi cũng rất khó khăn. Và nó gây ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.
Cần có hướng dẫn cụ thể để tránh thiệt thòi cho học sinh
Còn tại Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng), Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, vào đầu năm học, có một số em học sinh lớp 10 xin chuyển đổi môn tự chọn với lý do chưa nắm được nhu cầu, sở trường môn học.
Những em có nguyện vọng đều được nhà trường giải quyết ngay từ đầu năm. Riêng một số em xin chuyển đổi môn học vì theo tâm lý của bạn bè thì đã được phụ huynh, nhà trường phân tích, hướng dẫn nên các em không chuyển nữa mà tiếp tục chọn học.
Trả lời câu hỏi về việc nếu giữa học kỳ 1 hoặc học kỳ 2 của năm học, có học sinh muốn chuyển đổi môn/tổ hợp môn thì nhà trường sẽ giải quyết ra sao? thì thầy Hưng nói:
“Vấn đề này cần có hướng dẫn cụ thể vì sau này còn liên quan đến nhiều vấn đề khác của học sinh. Bởi sau này còn xét môn, tổ hợp để tốt nghiệp hoặc xét tuyển vào đại học mà không trùng khớp với các môn mà các em chọn khi học trung học phổ thông thì khó khăn cho học sinh.
Còn trường hợp nếu giải quyết cho các em chuyển đổi (khi đã học gần xong 1 hoặc 2 học kỳ lớp 10) thì khi chuyển sang học môn khác, liệu các em có bắt kịp kiến thức môn học đó hay không? Bởi môn học đó ở lớp dưới các em không được học, lúc đó học sinh sẽ gặp khó khăn”, thầy Hưng phân tích.
Một vấn đề đặt ra nữa là khi cho chuyển đổi môn học thì sẽ có hiện tượng việc bố trí sĩ số lớp quá đông (có môn chọn nhiều, có môn chọn ít để biên chế lớp). Trong khi đó chỉ tiêu giao là cố định về số lớp nữa khiến cho nhà trường gặp khó khăn.
Học sinh xin chuyển tổ hợp môn với lý do không theo được chương trình
Dù số học sinh lớp 10 xin chuyển tổ hợp môn không nhiều, nhưng lãnh đạo các trường khẳng định rằng, nếu các em chuyển sẽ bị thiệt thòi về kiến thức.
Ngay sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kỳ 1 năm học 2022 - 2023, một số học sinh lớp 10 tại các trường trung học phổ thông công lập, ngoài công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có đơn gửi nhà trường xin chuyển các tổ hợp môn vì lý do không theo kịp chương trình.
Cần cân nhắc kỹ trước khi đổi tổ hợp môn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trưng Vương, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, học sinh lớp 10 của trường có rất nhiều cách để chọn tổ hợp môn để học, như theo tinh thần STEAM, chọn môn tự chọn bất kỳ.
Theo cô Trương Thị Bích Thủy, học sinh của trường sẽ vẫn được chuyển tổ hợp môn, nhưng nhà trường luôn vận động học sinh cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.
Bởi lẽ, cô Bích Thủy giải thích là nếu học sinh chuyển thì sẽ mất kiến thức của một số môn đã học trước đó.
Còn nếu học sinh muốn chuyển ban, hay chuyển tổ hợp môn thì cần phải tự cập nhật, tự học những môn đó của học kỳ trước.
Học sinh bậc trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)
Trước khi học sinh lựa chọn tổ hợp môn, ban nào thì Trường trung học phổ thông Trưng Vương cũng đã tư vấn rất kỹ cho học sinh, nên trường cũng không khuyến khích học sinh thay đổi sau khi đã lựa chọn.
"Còn nếu muốn chuyển thì cũng cần phải hết năm học lớp 10" - cô Trương Thị Bích Thủy khẳng định.
Do vậy, cô Thủy cho hay, trường cũng chỉ có một vài học sinh lớp 10 muốn chuyển.
Nếu thật sự muốn đổi thì đổi càng sớm càng tốt
Trong khi đó, tại Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, quận 1, cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng nhà trường lại cho rằng, nếu học sinh muốn chuyển tổ hợp môn, ban thì cần phải chuyển càng sớm càng tốt, để không bị thiệt thòi về mặt kiến thức.
Tại trường, sau kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1, chỉ có duy nhất một học sinh lớp 10 muốn chuyển tổ hợp môn (nhưng cùng ban). Em học sinh này muốn chuyển từ lớp 10A11 sang 10A9, chuyển từ môn tự chọn Giáo dục - Kinh tế pháp luật, Mỹ thuật sang Hóa và Địa.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung nói rằng, chủ yếu là em học sinh trên không muốn học môn Mỹ thuật, dù nhà trường hồi đầu năm cũng đã tư vấn cho học sinh rất kỹ.
Với tinh thần "Điểm số là không chờ đợi học sinh", nên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân nhấn mạnh rằng, nhà trường vẫn cho học sinh lớp 10 đổi tổ hợp môn ngay từ giữa học kỳ 1, còn không thì vào cuối học kỳ 1.
Tất nhiên, trong trường hợp đó, học sinh nào bị thiếu kiến thức thì phải tự học. Giáo viên sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ thêm cho các em.
Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, chắc chắn là những học sinh có thay đổi tổ hợp môn thì sẽ không được như học sinh bình thường, theo học những môn này ngay từ đầu năm học.
Bên cạnh đó, cô Dung còn dự đoán rằng, nếu học sinh có muốn đổi tổ hợp môn thì có thể các em sẽ đổi nhiều hơn khi học xong hết năm lớp 10.
Bởi lẽ, khi đó thì các em học sinh này đã biết được nhiều kiến thức môn học hơn, và cũng có thể tự khẳng định rằng mình có phù hợp với môn học trong tổ hợp đó hay không?
Cô Vũ Thị Ngọc Dung đưa ra lời khuyên với các em học sinh lớp 10 là: Nếu thực sự muốn đổi tổ hợp môn, thì nên đổi càng sớm càng tốt vì kiến thức của các em học sinh lúc đó sẽ không bị thiệt thòi nhiều.
Nguyên nhân khiến nhiều học sinh lớp 10 dễ chọn nhầm môn/tổ hợp môn Có 4 lí do chính khiến học sinh lớp 10 chọn nhầm môn/ tổ hợp môn nên các em xin thay đổi là chuyện đương nhiên. Bài viết "Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, trường rối bời, bao giờ Vụ Giáo dục Trung học có hướng dẫn?" đăng tải trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/11/2022 nhận được...