Hiệu trưởng, giáo viên chia sẻ việc tiếp cận SGK mới
Trước băn khoăn về việc HS lớp 1 có thể học bộ SGK khác khi lên lớp 2, đa số hiệu trưởng, giáo viên (GV) đều cho rằng không đáng lo ngại.
GV hoàn toàn chủ động với việc dạy học với bất kỳ bộ SGK nào. Ảnh: Đức Trí
Bởi dạy học bộ SGK nào, GV cũng đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, giúp HS đạt được yêu cầu môn học.
Quan trọng là phương pháp dạy học
Cô Ngô Thị Thoan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết: Năm học 2020 – 2021, trường triển khai dạy bộ SGK Cánh diều. Nhà trường đang tiếp cận với SGK lớp 2 mới.
Theo cô Ngô Thị Thoan, bộ SGK nào cũng có ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhà trường tiếp cận ra sao, chọn sách nào để phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất cho HS khi học. Không nhất thiết phải dạy tiếp tục bộ SGK của nhà xuất bản năm trước mới bảo đảm được chuyên môn. Cũng không nhất định phải thay đổi SGK nếu không chọn được bộ tốt hơn để thay thế.
Tuy nhiên, trong trường hợp phải thay thế dạy một bộ SGK mới, nhà trường cũng không lo ngại bởi GV đều đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Mặt khác, bộ SGK dạy học lớp 1 năm 2020 – 2021, trường chọn từ 5 bộ SGK gom thành một bộ chứ không chọn hoàn toàn của 1 bộ. Do đó, GV sẽ không bị bỡ ngỡ trong việc giảng dạy SGK lớp 1 nếu chọn SGK khác.
Cùng quan điểm, cô Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pom Hán (TP Lào Cai, Lào Cai) bày tỏ: UBND tỉnh chọn bộ SGK nào để triển khai với HS lớp 2, nhà trường không có gì lo lắng, bởi SGK chỉ là học liệu, cơ bản vẫn là phương pháp dạy học và giúp HS đạt được yêu cầu cần đạt của môn học.
Việc tận dụng lại SGK lớp 1 cũ nếu có cũng không quá quan trọng và nhất thiết phải đặt ra trong quá trình chọn SGK mới. Bởi thực tế, với HS ở khu vực thành phố, các gia đình không nặng nề việc sử dụng lại SGK cũ. Tâm lý chung các em khi bước vào năm học mới vẫn muốn được học sách mới.
Video đang HOT
Với bộ SGK nào thì GV cũng phải giúp HS đạt được yêu cầu chung của môn học. Ảnh: Đức Trí
Không lãng phí
Cô NgôThị Thoan chia sẻ: Năm ngoái, nhà trường chọn bộ SGK Cánh diều để triển khai. Năm nay, nếu nhà trường được tham mưu để chọn SGK lớp 1 sẽ đề xuất bộ SGK trường chọn năm trước.
“Sở dĩ vẫn quyết định chọn bộ SGK này bởi khi bắt đầu bước vào giảng dạy, trường đã chủ động khắc phục sớm những ngữ liệu chưa phù hợp. Tới thời điểm này, việc dạy bộ SGK Cánh diều không có gì đáng ngại, kết quả học tập của HS học kỳ I khả quan. Hơn nữa, không thay đổi cũng giúp một bộ phận phụ huynh điều kiện kinh tế chưa cao tận dụng được SGK cũ…”, cô Thoan khẳng định.
Năm học trước, Trường Tiểu học Tân Hòa (Phú Bình – Thái Nguyên), nhà trường, GV tham gia lựa chọn kĩ cả 5 bộ SGK để chọn ra 1 bộ phù hợp nhất đưa vào dạy học. Theo cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường, GV đã làm quen với phương pháp, chủ động linh hoạt dạy bộ sách được chọn. Mặt khác, những vấn đề ngữ liệu SGK chưa hợp lý, NXB đã có sự điều chỉnh bổ sung kịp thời… Như vậy nếu không có bộ SGK nào phù hợp hơn, nhà trường, GV đề xuất chọn bộ SGK đã chọn năm trước là hoàn toàn bình thường.
Mặt khác, tính liên thông của bộ SGK đã triển khai với bộ SGK sắp triển khai cũng là yếu tố cần thiết giúp GV phát huy những ưu điểm trong chuyên môn. Tiếp tục triển khai bộ SGK phù hợp với điều kiện chung của nhà trường, GV, HS… cũng là cách có thể tận dụng lại SGK năm trước; hỗ trợ nhiều cho phụ huynh, HS vùng còn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (huyện Yên Bình – Yên Bái) thông tin: Các trường vẫn trong thời gian tiếp cận giới thiệu SGK mới. Lãnh đạo và GV nhà trường còn thảo luận kỹ lưỡng, lựa chọn… mới đề xuất tỉnh quyết định nên bộ SGK sẽ triển khai năm học tới vẫn là “ẩn số”.
Nhưng trong trường hợp không tiếp tục triển khai bộ SGK lớp 1 đã chọn năm học trước, nhà trường vẫn có thể lưu giữ, tận dụng lại SGK cũ như một nguồn tài liệu tại thư viện để GV, HS tham khảo khi cần trong quá trình dạy học các bộ SGK khác mới.
Với tính mở của Chương trình, SGK mới, GV hoàn toàn chủ động, linh hoạt đưa những ngữ liệu hay từ bộ SGK này vào giảng dạy ở bộ SGK khác, miễn sao phù hợp và giúp HS hiểu bài.
Mặt khác, nếu không tiếp tục triển khai SGK năm trước đã chọn, các nhà trường có thể thu gom để hỗ trợ cho HS những trường triển khai dạy học bộ SGK mà trường mình đã triển khai. Ở những nơi HS vẫn phải học chung sách, việc tận dụng SGK cũ trao lại cho HS rất cần thiết và hữu ích….
Mỗi bộ SGK có điểm mạnh, yếu riêng. Việc chọn SGK năm đầu tiên cũng chưa hẳn đã hoàn toàn “chuẩn”. Nên thay đổi bộ SGK ở năm tới cũng có thể xảy ra nếu chọn được bộ SGK tốt, phù hợp và phát huy được ưu thế của GV, HS hơn trước. – Cô Đỗ Thị Lan Hương
Minh bạch sách giáo khoa
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), bắt đầu từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện Chương trình GDPT 2018 với SGK mới.
Hiện các địa phương trên cả nước đang khẩn trương lựa chọn SGK bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch, chất lượng, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong lựa chọn SGK, vai trò của giáo viên rất quan trọng.
Khẩn trương lựa chọn sách
Tại Hà Nội, trong những tuần vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo về danh mục SGK; xây dựng kế hoạch lựa chọn sách; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu SGK lớp 2 theo hình thức trực tuyến.
Bà Vũ Thúy Hiền- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội cho biết: Ngay từ tháng 2, nhà trường đã yêu cầu 100% giáo viên trong trường phải tự tìm hiểu, nghiên cứu, và có những ý kiến đóng góp về SGK.
"Về ưu điểm, tôi thấy hầu hết các bộ SGK đều mang tính kế thừa SGK hiện hành, hấp dẫn với các kênh hình kênh chữ đẹp, tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời phân hoá theo chủ đề giúp giáo viên linh hoạt trong dạy học. Đặc biệt, với nội dung các đầu sách Tiếng Việt lớp 2, các tác giả viết các bài đọc rất gần gũi, dễ hiểu, có tính giáo dục cao. Về hạn chế, một số đầu sách có kênh hình hơi nhiều, gây rối, nội dung yêu cầu của một số môn hơi cao so với học sinh lớp 2. Tôi mong những ý kiến đóng góp trên được đến tay những tác giả, để các tác giả tham khảo và chỉnh sửa kịp thời trước khi bộ SGK đến tay học sinh trong năm học tới".
Theo bà Hiền, trong việc chọn SGK, vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng. Bởi giáo viên là người trực tiếp đứng lớp, chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên môn giảng dạy của mình. Giáo viên cũng là người hiểu về nội dung dạy và học nhất, nắm bắt được tâm sinh lý, lứa tuổi của học sinh - phù hợp với mức độ nào. Do vậy, những ý kiến của giáo viên là ý kiến gần nhất, xác đáng nhất.
"Khi đánh giá, lựa chọn bộ SGK, với cương vị là lãnh đạo nhà trường, tôi yêu cầu giáo viên của mình phải nghiêm túc, đọc thật kỹ và thẳng thắn trao đổi, thấy danh mục nào chưa phù hợp thì phản biện ngay, không lựa chọn theo cảm tính. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên là nghiên cứu kỹ SGK, khi lựa chọn phải khách quan, công bằng, đúng pháp luật, chịu trách nhiệm khi đặt bút, bỏ phiếu cho đầu SGK mà mình đã chọn. Nhà trường giao cho tổ chuyên môn tập hợp những ý kiến, lựa chọn của giáo viên, yêu cầu giáo viên phải đọc lại, xem lại, phải nghiên cứu kỹ, sau đó, có những buổi họp đánh giá, bỏ phiếu kín, lựa chọn đầu SGK. Theo tôi, giáo viên chính là những người chọn công tâm nhất, giúp cho những nhà lãnh đạo có cái nhìn chính xác nhất về các bộ SGK mới"- bà Hiền khẳng định.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo kế hoạch, việc lựa chọn SGK năm học 2021-2022 sẽ được công bố kết quả vào cuối tháng 3. Quy trình lựa chọn cũng được thực hiện cẩn trọng: Từ giữa tháng 2 đến tháng 3, các cơ sở giáo dục tự nghiên cứu, thảo luận và đề xuất lựa chọn SGK. Các trường tiểu học, THCS gửi kết quả về phòng giáo dục để phòng tổng hợp gửi về Sở...
Để học sinh được học sách tốt nhất
Dù trách nhiệm trong việc lựa chọn SGK thuộc về lãnh đạo trường hay lãnh đạo địa phương, thì điều phụ huynh quan tâm nhất là con em họ phải được học bộ SGK tốt nhất. Khi thực hiện một chương trình nhiều SGK thì cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh.
Nói về điều này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Nghị quyết 88 đã quy định giáo viên là người lựa chọn, theo Luật Giáo dục là giao cho chính quyền địa phương là người lựa chọn. Nghe qua thì có vẻ khác nhau nhưng theo tôi thực chất là một. Bởi cơ bản nhất, giáo viên là người dạy, nghiên cứu sâu sắc thì việc lựa chọn là phù hợp. Còn về chính quyền địa phương, năm trước không giao trách nhiệm cuối cùng vẫn tập hợp ý kiến giáo viên để "đặt hàng" sách. Vì vậy, năm nay giao trực tiếp thì địa phương sẽ có trách nhiệm hơn. Cụ thể là thành lập hội đồng để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc lựa chọn bộ sách phù hợp.
Theo ông Nhĩ, với sách lớp 2 và lớp 6, giáo viên đã được đi tập huấn giới thiệu và các tác giả trong quá trình biên soạn sách cũng đã dạy thử ở các địa phương, số tiết dạy chiếm tới 10% số tiết quy định của Bộ GDĐT. Trong quá trình giới thiệu sách, có cả bản cứng để các giáo viên địa phương xem xét lựa chọn. "Vì vậy, theo tôi, trước hết muốn làm bộ sách tốt thì tác giả rất là quan trọng. Giáo viên và chính quyền địa phương sẽ xem xét và đưa ra ý kiến. Từ đó, các nhà biên soạn sẽ xem xét sửa chữa, bổ sung và chính quyền địa phương sẽ quyết định bộ sách phù hợp"- ông Nhĩ nói.
Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thị Mai Hoa- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Chúng ta đưa ra cơ chế xã hội hoá SGK cũng bởi mục tiêu phấn đấu để có bộ SGK tốt nhất. Việc làm sao để chúng ta có bộ SGK tốt nhất đến với học sinh mà tránh được tiêu cực trong khâu chọn sách là vấn đề chúng ta phải đặt ra.
Theo bà Hoa, để tránh được những tiêu cực này, chúng ta phải nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết là khâu biên soạn, sau một năm triển khai SGK lớp 1 cho thấy, chính giáo viên học sinh qua thực tế, giảng dạy là kênh khẳng định rõ nhất cuốn sách nào có thể đưa vào thực tiễn. Vì vậy các tác giả phải rất quan tâm đến điều này. Không thể có kênh nào ủng hộ nếu không qua được sự lựa chọn của học sinh và giáo viên. Thứ hai là khâu thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia. Rõ ràng với trách nhiệm cao nhất, với tinh thần làm việc của mình thì những bộ sách đã qua được sự thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia thì chúng ta nên tin tưởng. Chắc chắn những cuốn sách này phải đảm bảo chất lượng.
Nhưng vấn đề đặt ra tiếp nữa là sách hay, sách có chất lượng chưa chắc đã được giáo viên lựa chọn. Bởi ngoài hay, chất lượng thì cũng phải dễ hiểu để giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học... Những yếu tố này sẽ đảm bảo sự công khai, minh bạch để đưa bộ SGK tốt nhất đến với học sinh.
*Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, làm căn cứ để các địa phương triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022. Điểm mới so với chương trình hiện hành chỉ có một bộ SGK, Chương trình GDPT 2018 có nhiều bộ SGK. Bộ đã phê duyệt danh mục 32 SGK lớp 2 và 40 SGK lớp 6 sử dụng trong các cơ sở GDPT.
*Theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội, việc lựa chọn SGK là thẩm quyền của mỗi nhà trường. Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào tháng 7/2020 quy định: Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn. Hiện các giáo viên, các nhà trường đang tiến hành lựa chọn SGK, làm căn cứ để địa phương đưa ra quyết định.
Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Mong rằng hết sạn Tuần qua, một sự kiện được đông đảo người dân quan tâm, đó là việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2021 - 2022 đã được khởi động. Ảnh minh họa Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên...