Hiệu năng MacBook Pro 2013: Đồ họa “khủng” nhờ chip Haswell
MacBook Pro 2013 mới cho hiệu năng đồ họa cao hơn 65% so với phiên bản cũ (MacBook Pro ra mắt hồi tháng 2/2013). Tuy nhiên, phép thử hiệu năng SSD lại có sự khác biệt ở 2 phiên bản dù cùng dùng giao tiếp PCIe.
Không lâu sau khi được bán ra thì chiếc MacBook Pro 2013 (bản 13 inch) của Apple đã được mổ xẻ để đánh giá sức mạnh. Và các bài test cho thấy hiệu năng đồ họa của máy đã có sự cải tiến đáng kể so với thế hệ trước.
Các máy MacBook Pro 2013 mà Apple công bố mới đây có tất cả 5 cấu hình tùy chọn, gồm 3 cấu hình cho bản 13 inch, và 2 cấu hình cho bản 15 inch. Tất cả đều được trang bị chip Haswell – chip Core i thế hệ thứ 4 của Intel. Cụ thể hơn thì bản 13 inch dùng chip Haswell 2 nhân, còn bản 15 inch dùng chip Haswell 4 nhân. Ngoài ra, tất cả các máy cũng được trang bị đồ họa tích hợp Iris, là đồ họa tích hợp mạnh nhất trên con chip mới. Chỉ có 1 cấu hình MacBook Pro 15 inch với giá bán 2599 USD là có card đồ họa rời ( GeForce GT 750m với VRAM 2GB).
MacBook Pro 13 inch Retina (trái) bản cuối 2013.
Bài test dưới đây sẽ cho thấy hiệu năng đồ họa trên 2 chiếc MacBook Pro 13 inch màn hình Retina mới. Model thứ nhất có giá bán thấp nhất 1299 USD và tất nhiên cấu hình thấp nhất: chip Core i5 2 nhân 2,4 GHz, RAM 4 GB, SSD 128 GB. Model thứ 2 cao cấp hơn với giá bán 1799 USD được trang bị chip Core i5 2 nhân 2,6 GHz, RAM 8 GB, SSD 512 GB. (Một phiên bản khác không được thử nghiệm ở đây có giá bán 1499 USD với chip giống model giá thấp nhất nói trên, RAM 8 GB, SSD 256 GB).
Ở đây chúng ta sẽ so sánh hiệu năng của MacBook Pro 2013 mới với chiếc MacBook Pro màn hình Retina 13 inch mà Apple giới thiệu hồi đầu năm nay, bằng cách cho 2 máy chạy cùng hàng loạt bài test. MacBook Pro đầu năm 2013 được trang bị chip Ivy Bridge, RAM 8 GB, đồ họa tích hợp Intel HD 4000, SSD 256 GB giao tiếp SATA.
Cải tiến ấn tượng nhất ở máy mới so với máy cũ nằm ở hiệu năng đồ họa, nhờ chip đồ họa Iris trên Haswell. So với HD 4000, Iris giúp tốc độ khung hình ở bài test Cinebench r15 và Unigine Valley Benchmark tăng 45 và 50%. Với công cụ benchmark Heaven của Unigen, tốc độ khung hình còn tăng thêm 65%.
Video đang HOT
Với bài test MathematicaMark 9 để đo hiệu năng CPU, MacBook Pro bản dùng chip 2,6 GHz mới cho hiệu năng cao hơn so với Ivy Bridge 8%. Ở bài thử Cinebench, model mới tăng hiệu năng 5% so với máy cũ. Thử nghiệm encode với Handbrake, hiệu năng tăng 11%.
Phiên bản MacBook Pro 13 inch mới với chip Haswell 2,4GHz cho tốc độ cao hơn 5% so với phiên bản cũ với chip Core i5 2 nhân Ivy Bridge 2,6 GHz trong bài thử Handbrake, 1% ở bài thử MathematicaMark 9, 1% trong bài test Cinebench.
Một trong những cải tiến đáng kể khác trên MacBook Pro mới chính là SSD của máy sử dụng giao tiếp PCIe thay cho SATA trên phiên bản cũ. Như chúng ta đã từng được biết trên MacBook Air 2013, giao tiếp này giúp ổ SSD cho tốc độ cực tốt. Và các bài test cho thấy chiếc MacBook Pro mới phiên bản chip 2,6 GHz cho tốc độ SSD cao hơn 33% so với model dùng chip 2,6 GHz cũ (thử nghiệm copy 6 GB dữ liệu). Tuy nhiên, SSD 128 GB ở model cấu hình thấp hơn (chip 2,4 GHz), dù cũng dùng giao tiếp PCIe, lại không cho mức tăng hiệu năng như bản 2,6 GHz trong bài test này. Ngoài ra, không có model MacBook Pro mới nào cho hiệu năng cao hơn so với model cũ trong bài test nén và giải nén dữ liệu.
Thử nghiệm lại với công cụ Disk Speed của TestBlackmagic trên cả 3 chiếc MacBook Pro cho thấy SSD của bản MacBook Pro mới phiên bản chip 2,6 GHz cho tốc độ ghi cao gấp đôi so với SSD của bản chip 2,4 GHz mới (710 MBps so với 315,9 MBps). Chênh lệch ở tốc độ đọc thấp hơn, với 733,9 MBps của bản 2,6 GHz so với 700 MBps của bản 2,4 GHz. MacBook Pro cũ với chip Ivy Bridge 2,6 GHz cho tốc độ ghi 393,1 MBps, nhanh hơn so với chip Haswell 2,4 GHz.
Theo VNE
Những cải tiến ấn tượng nhất của Intel trên chip Haswell
So với Ivy Bridge thì Haswell không có cải thiện nhiều ở năng lực tính toán trên CPU, nhưng năng lực xử lý trên card đồ họa tích hợp (iGPU) sẽ cải thiện đáng kể.
Khi bắt tay xây dựng nền tảng chip Haswell, Intel hướng dòng chip này đến nền tảng điện toán di động; có nghĩa là Haswell được thiết kế để phù hợp với các thiết bị yêu cầu tính nhỏ gọn, tiết kiệm pin. Nhờ đó, các thiết bị dùng chip Haswell, như ultrabook chẳng hạn, sẽ có thời lượng dùng pin rất tốt, có thể lên đến 9 tiếng sử dụng. Thiết bị cũng chỉ mất khoảng 3 giây để trở lại trạng thái hoạt động từ chế độ Sleep. Vậy so với người tiền nhiệm thế hệ thứ ba (Ivy Bridge) thì Haswell đã có những thay đổi gì?
Sử dụng vi kiến trúc mới
Chiến lược phát triển sản phẩm mới của Intel được dựa vào qui trình "Tick-Tock": "tick" là quy trình thu nhỏ công nghệ chế tạo còn "tock" là nâng cấp một vi kiến trúc mới, mỗi giai đoạn tương ứng 1 năm. Ví dụ: Ivy Bridge là một quá trình thu nhỏ lại so với Sandy Bridge, từ công nghệ 32nm xuống 22nm, nhưng vẫn sử dụng vi kiến trúc của Sandy Bridge (do đó chúng cùng socket 1155), đó là giai đoạn "tick". Còn Haswell thì tiếp tục sử dụng công nghệ 22nm nhưng chúng được sử dụng vi kiến trúc mới, thuộc giai đoạn "tock". Và mục tiêu chính của Intel là làm thế nào để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn chứ không nhằm gia tăng sức mạnh xử lý của CPU (vì sức mạnh xử lý của các CPU hiện nay vốn đã rất tốt rồi).
Về bo mạch chủ
Nếu như bạn đang nghĩ đến việc sử dụng máy tính dùng chip Haswell, bạn sẽ phải mua bo mạch chủ mới. Còn nếu bạn đang sử dụng chip Sandy Bridge và muốn nâng cấp lên Ivy Bridge, bạn chỉ cần cập nhập firmware BIOS, bởi vì cả hai thế hệ CPU đều sử dụng đế socket 1155. Hoặc nếu bạn có ý định sử dụng chip Ivy Bridge thì bạn hãy mua một bo mạch hỗ trợ Ivy Bridge.
Hiệu năng trên chip như thế nào?
Thông thường chip thế hệ mới sẽ cho hiệu năng tốt hơn so với chip thế hệ cũ. Tuy nhiên, năng lực tính toán của các CPU hiện nay vốn đã tốt rồi, cho nên so với Ivy Bridge thì hiệu năng của Haswell chỉ nhỉnh hơn khoảng 10 - 20%. Vì thế các nhà sản xuất có thể chọn lấy một chip có tốc độ thấp hơn cho đợt nâng cấp các sản phẩm của họ. Lấy ví dụ MacBook Air 13-inch, phiên bản 2012 sử dụng bộ xử lý Intel Core i5 Ivy 1,8 GHz nhưng với phiên bản 2013 thì Apple lại sử dụng bộ xử lý Core i5 Haswell 1,3GHz, tức xung nhịp thấp hơn, nhưng hiệu suất vẫn tương đương với phiên bản 2012, đồng thời lại tiết kiệm điện hơn.
Haswell có năng lực xử lý đồ họa tốt hơn
Với Haswell, Intel muốn nâng cao năng lực xử lý đồ họa trên con chip với mục tiêu thay đổi quan niệm chip đồ họa này thường cho hiệu năng không bằng card đồ họa rời. Bên cạnh việc nâng cấp từ Intel HD 4000, Intel còn bổ sung thêm dòng đồ họa mới Iris/ Iris Pro dành cho các chip cao cấp, vì vậy năng lực iGPU sẽ cải thiện hơn so với Ivy Bridge. Theo Intel, năng lực iGPU của Iris sẽ mạnh hơn gấp đôi so với Intel HD4000, và gần gấp 3 lần đối với Iris Pro. Tuy nhiên, không phải tất các các chip Haswell đều có hiệu năng đồ họa tích hợp như nhau vì chúng được chia làm 4 phiên bản khác nhau: GT1 (Intel HD), GT2 (HD 4200/4400/4600), GT3 (HD5000, Iris 5100) và cao cấp nhất là GT3e (Iris Pro Graphics 5200, có sử dụng bộ nhớ đệm), tương ứng với nhiều phân khúc sản phẩm.
Dựa vào một vài bài thử nghiệm với 2 game Crysis 3 và Metro Last Night, bạn cũng có thể thấy hiệu năng của Intel Iris Pro 5200 xấp xỉ với NVIDIA GT640, còn Intel HD4600 thì bỏ lại một khoảng cách khá xa.
Về thời gian sử dụng pin
Tính đến thời điểm viết bài, số laptop sử dụng chip Haswell chưa nhiều, chủ yếu là những dòng laptop cao cấp. Tuy nhiên, để kiểm chứng về thời gian sử dụng pin, MacBook Air 13 inch là một lựa chọn thích hợp để đánh giá. Với phiên bản 2013 sử dụng chip Haswell, thời gian sử dụng pin lên đến 12 - 15 tiếng, cao hơn gấp đôi so với phiên bản 2012 (sử dụng chip Ivy Bridge, với thời gian khoảng 6 - 7 tiếng). Kết quả này cũng ấn tượng hơn hẳn so với 9 tiếng ở Sony Vaio Pro 13. Vì vậy, nếu bạn đang cần một chiếc ultrabook, laptop có thời lượng pin tốt thì Haswell rất đáng chờ đợi.
Về giá thành
Hiện tại bạn chỉ có thể tìm thấy Haswell trong các hệ thống máy tính cao cấp. Thông thường chip thế hệ mới sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng nếu bạn muốn tiết kiệm tiền thì Ivy Bridge vẫn là sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải lo lắng vì Intel cũng sẽ cho ra mắt dòng chip Core i3 Haswell với mức giá dễ chịu hơn (thường là vào cuối năm). Và lúc này bạn có thể sở hữu một laptop/ desktop sử dụng Haswell với giá thành hợp lí.
Tổng kết lại, vấn đề được đặt ra là khi nào thì sử dụng chip Haswell? Câu trả lời là tùy vào công việc của bạn: nếu chỉ chạy các ứng dụng văn phòng, phục vụ cho học tập, lướt web, xem phim, giải trí nhẹ nhàng,... hoặc bạn có nhu cầu tiết kiệm tiền thì Ivy Bridge (thậm chí là Sandy Bridge) vẫn là lựa chọn tốt. Còn công việc xử lý đồ họa, chơi game,... hoặc bạn muốn một laptop có thời gian sử dụng pin lâu hơn thì Haswell sẽ là lựa chọn thích hợp.
Theo VNE
Tìm hiểu sức mạnh đồ họa của GPU Iris Pro trong CPU Haswell Iris và Iris Pro trên Haswell sẽ là câu trả lời của Intel đối với đồ họa tích hợp Radeon HD trên các APU của AMD. Năm 2008, Intel ra mắt thế hệ Core i7 đầu tiên, tên mã Bloomfield - dòng CPU cao cấp sau nhiều năm liền sử dụng thương hiệu Pentium. Đến năm 2010, bắt đầu từ thế hệ Clarkdale...