Hiểu đúng về cholesterol
Khi nhắc đến cholesterol, nhiều người nghĩ đây là một chất gây hại cho cơ thể. Trên thực tế, cholesterol cũng là một chất tự nhiên trong cơ thể và nó cần thiết cho sức khỏe.
Cholesterol trong cơ thể. Đồ hoạ: Vy Vy
Cholesterol là một thành phần của lipid máu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Cholesterol là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh, cũng như trong việc sản xuất một số loại hormone, giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.
Cholesterol đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc sản xuất hormone, vitamin D và quá trình tiêu hoá chất béo. Bên cạnh đó, cholesterol cũng là thành phần trọng yếu của mọi tế bào trong cơ thể, mang lại cho màng tế bào sức mạnh và sự linh hoạt.
Thông thường, gan sẽ tạo ra tất cả lượng cholesterol mà cơ thể cần để hoạt động, nhưng cholesterol cũng có thể được đưa vào cơ thể thông qua việc tiêu thụ các sản phẩm động vật. Vì cholesterol không tương tác tốt với máu nên nó sẽ được vận chuyển bởi các hạt lipoprotein, bao gồm lipoprotein mật độ thấp (LDL) và mật độ cao (HDL). Trong đó, LDL thường được gọi là cholesterol xấu, có liên quan đến sự tích tụ các mảng bám trong động mạch, HDL là cholesterol tốt, giúp cơ thể bài tiết lượng cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể.
Khi bạn tiêu thụ thêm cholesterol, cơ thể sẽ bù lại bằng cách giảm lượng cholesterol tự nhiên xuống. Ngược lại, khi lượng cholesterol được cung cấp bởi chế độ ăn uống ở mức thấp, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất cholesterol để đảm bảo luôn có đầy đủ lượng chất quan trọng này.
Trên thực tế, chỉ có khoảng 25% cholesterol trong cơ thể đến từ các nguồn thực phẩm, phần còn lại sẽ được sản xuất bởi gan. Bên cạnh đó, cholesterol trong chế độ ăn uống cũng tác động một phần đến tỷ lệ LDL và HDL trong cơ thể – chỉ số giúp báo động nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
Video đang HOT
Cách kiểm soát cholesterol xấu và tốt
Cholesterol không phải đều xấu. Trên thực tế, cholesterol là một chất béo thiết yếu. Nó cung cấp sự ổn định trong mọi tế bào của cơ thể.
Trong cơ thể con người có 2 loại lipoprotein mang cholesterol đến và đi từ tế bào. Một loại là lipoprotein tỷ trọng thấp, hay còn gọi là LDL, loại còn lại là lipoprotein tỷ trọng cao, chính là HDL. Thông thường sẽ phải làm xét nghiệm máu để định lượng các thành phần này.
Để di chuyển trong máu, cholesterol phải được vận chuyển bởi các phân tử trợ giúp gọi là lipoprotein. Mỗi lipoprotein có định tính riêng về cholesterol và mỗi loại hoạt động khác nhau với cholesterol mà nó chuyên chở.
HDL-cholesterol tốt
HDL là viết tắt của lipoprotein tỷ trọng cao. Mỗi hạt cholesterol HDL là một đốm màu siêu nhỏ bao gồm một vành lipoprotein bao quanh một tâm cholesterol. Hạt cholesterol HDL đậm đặc so với các loại hạt cholesterol khác, vì vậy nó được gọi là tỷ trọng cao.
HDL-cholesterol tốt, hoạt động giống như người quét đường, thu dọn LDL ra khỏi các động mạch và đưa về gan, nơi mà LDL sẽ bị phân giải và tống ra ngoài cơ thể. Nhưng HDL không loại bỏ hoàn toàn LDL, chỉ 1/4 đến 1/3 cholesterol trong máu bị HDL mang đi. Mức HDL khỏe mạnh có thể bảo vệ cơ thể trước nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngược lại lượng HDL thấp làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
HDL làm giảm, tái sử dụng và tái chế LDL bằng cách vận chuyển nó đến gan, nơi nó có thể được xử lý lại. HDL hoạt động như một đội bảo trì cho các bức tường bên trong (nội mạc) của các mạch máu. Tổn thương các bức tường bên trong là bước đầu tiên trong quá trình xơ vữa động mạch, gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. HDL chà tường sạch sẽ và giữ cho nó khỏe mạnh.
Các hoạt động thể chất giúp tăng lượng cholesterol tốt. Ảnh: TM
Nên làm gì nếu HDL thấp?
Trong trường hợp lượng HDL thấp, người bệnh sẽ thực hiện nhiều bước để tăng mức HDL và giảm nguy cơ bệnh tim như sau:
Tập thể dục: Các hoạt động thể chất giúp tăng lượng HDL. Hãy tập các bài tập vừa sức ít nhất 30 phút/ngày.
Giữ cân nặng khỏe mạnh: Bên cạnh việc cải thiện mức HDL, kiểm soát cân nặng, không để thừa cân béo phì để giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều HDL trong thực vật, các loại hạt và cá như cá hồi hoặc cá ngừ.
Cai thuốc lá, vì thuốc lá làm giảm HDL, khi ngừng hút, lượng HDL có thể tăng lên
LDL-cholesterol xấu
Nếu cơ thể bị tăng LDL, nghĩa là có quá nhiều LDL trong máu. Phần LDL dư thừa này, cùng với một số chất khác, tạo thành mảng bám. Những mảng bám này tụ trên thành động mạch, gọi là xơ vữa động mạch.
Bệnh mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ trong thành các động mạch của tim, khiến các động mạch càng lúc càng xơ chai và hẹp lại. Lúc này, máu lưu thông sẽ bị hạn chế hoặc bị nghẽn. Bởi tim nhận oxy từ máu, tình trạng này làm tim không nhận đủ lượng oxy. Vấn đề này có thể gây ra chứng đau thắt ngực, hoặc khi dòng máu bị tắc hoàn toàn sẽ gây nhồi máu cơ tim.
Khi LDL cao nên kiêng ăn gì?
Nên ăn giảm lượng muối xuống dưới 5g/ngày bằng cách hạn chế sử dụng muối trong nấu ăn; chọn những thực phẩm tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
Người bị mỡ máu cao cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống có cồn. Hạn chế sử dụng đồ uống, thực phẩm chứa đường, đặc biệt là nước ngọt. Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với thuốc lá.
Cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là não, bầu dục, gan, nội tạng động vật. Không nên ăn nhiều trứng, do lòng đỏ trứng rất giàu cholesterol. Người bệnh cần giảm thiểu hàm lượng thịt đỏ trong bữa ăn vì đây là một trong những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật...
Chất béo no không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt trong khẩu phần ăn của bệnh nhân mỡ máu.
Hạn chế ăn tối muộn: Tối muộn là thời điểm năng lượng tiêu hao ít nhất trong ngày. Việc ăn tối quá muộn có thể khiến hàm lượng cholesterol nạp vào không kịp tiêu hóa, đọng lại tại thành động mạch. Tình trạng này lâu ngày có thể gây xơ vữa động mạch. Vì vậy, nên sắp xếp thời gian ăn tối sớm, kết hợp tập thể dục điều độ để hàm lượng chất béo nạp vào cơ thể bị tiêu hao.
Những sai lầm khi uống nước mía có thể gây hại cho sức khỏe Mặc dù nước mía rất tốt cho sức khỏe và đem lại nhiều lợi ích nhưng uống nước mía theo những cách này sẽ gây hại cho cơ thể. Nước mía là một trong những loại nước giải khát phổ biến và được nhiều người yêu thích vì vừa ngon mát lại có giá thành khá rẻ. Không chỉ vậy, nước mía còn...