Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Philippines có nguy cơ phá sản
Hiệp ước quốc phòng ký kết giữa Mỹ và Philippines hồi năm 2014 nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ bị phá sản, Reuters ngày 18.6 cho hay.
Binh sĩ Mỹ và Philippines tập trận chung năm 2011 – Ảnh: AFP
Hiệp ước hợp tác tăng cường quốc phòng ( EDCA) cho phép Mỹ sừ dụng căn cứ quân sự của Philippines và xây dựng các trạm, cơ sở hạ tầng tiếp tế nhiên liệu và lắp đặt thiết bị cho nhu cầu an ninh trên biển của Washington.
Tuy nhiên, hiệp ước hiện bị đóng băng vì các chính trị gia đối lập của Philippines tìm cách ngăn cản và có thể bị huỷ bỏ nếu toà án nước này không thừa nhận.
Năm 2014, các chính trị gia đối lập đưa ký kết của Manila và Washington ra toà án tối cao. Theo Reuters, toà tối cao sẽ xem xét và dự kiến đưa ra phán quyết trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines nhân hội nghị thượng đỉnh Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 11.2015.
EDCA được ký từ tháng 4.2014. Hiệp ước phải được Quốc hội Philippines thông qua. Tuy nhiên, một rắc rối khác xảy ra đối với Manila khi 13 nghị sĩ ở thượng viện kiến nghị phải xem xét kỹ EDCA trước khi có hiệu lực.
“Trong kiến nghị, chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ không để (chính phủ) làm suy giảm quyền lực của thượng viện”, nghị sĩ Miriam Santiago, tác giả chính của bản kiến nghị, phát biểu trong thông cáo.
Kiến nghị sẽ được xem xét vào cuối tháng 7 khi thượng viện nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ. Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III đứng trước áp lực buộc phải cho phép các nghị sĩ tranh luận về hiệp ước EDCA, và rất có thể họ sẽ trì hoãn hiệp ước này lâu thêm.
Phiippines sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 5.2016, Tổng thống Aquino sắp hết nhiệm kỳ trong khi hiến pháp Philippines chỉ cho phép một người nắm giữ chức vụ tổng thống trong một nhiệm kỳ 6 năm, Reuters cho biết. Điều này càng trở nên thách thức đối với EDCA.
Video đang HOT
“Ông Aquino đang mất dần quyền lực đối với thượng viện”, Ramon Casiple, một chuyên gia chính trị phát biểu với Reuters.
EDCA bị trì hoãn càng lâu sẽ khiến Washington càng thêm khó chịu, các chuyên gia nhận định. Trong khi đó, Philippines lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh nhiều nhất trong tranh chấp Biển Đông và thúc giục Mỹ tham gia vào vấn đề ở Biển Đông để làm đối trọng với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Không chỉ với Mỹ, các nghị sĩ của Philippines cũng muốn xem xét thoả thuận với Nhật Bản. Giống như hiệp ước EDCA đối với Washington, Manila cũng có kế hoạch cho phép Tokyo sử dụng căn cứ quân sự để tiếp tế nhiên liệu.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Thỏa thuận quân sự đối phó Trung Quốc của Mỹ - Philippines gặp khó
Thỏa thuận quân sự Mỹ - Philippines hứa hẹn có thể đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông vẫn chưa được thực hiện sau một năm ký kết, và hiện có thể đối mặt với rào cản chính trị mới ở Manila.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama. Ảnh: pcoo.gov.ph
Thỏa thuận giữa Washington và Manila nhằm cho phép quân đội Mỹ có quyền tiếp cận các căn cứ quân sự ở Philippines. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị đóng băng sau khi các chính trị gia cánh tả và các đối thủ khác thách thức tính hợp hiến của nó tại Tòa án tối cao Philippines năm ngoái.
Thỏa thuận có tên gọi Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), được ký kết chỉ vài ngày trước khi ông Obama đến Manila vào tháng 4 năm ngoái. Tòa án dự kiến sẽ ra quyết định trước khi Obama lại đến thăm Philippines nhân dịp dự một hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tới.
Càng làm phức tạp thêm tình hình, 13 thượng nghị sĩ trong thượng viện Philippines gồm 24 thành viên đã ký một dự thảo nghị quyết, yêu cầu thượng viện xem xét lại EDCA trước khi thỏa thuận có hiệu lực.
"Chúng tôi đang nói rằng chúng tôi sẽ không để quyền hạn của thượng viện bị lu mờ", Thượng nghị sĩ Miriam Santiago nói. Dự thảo sẽ được nộp khi Thượng viện nhóm họp vào cuối tháng 7.
Nghị quyết của thượng viện sẽ không thể ràng buộc được Tổng thống Benigno Aquino, tuy nhiên, nó có thể gây áp lực, khiến ông phải cho phép các thượng nghị sĩ tranh luận về thỏa thuận. Điều này sẽ càng trì hoãn việc thực hiện EDCA, giới chuyên gia nhận định.
Philippines sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 5/2016, các chính trị gia đã tập trung suy đoán ai sẽ tranh cử tổng thống khi ông Aquino rời ghế. Hiến pháp Philippines chỉ cho phép tổng thống giữ chức trong một nhiệm kỳ 6 năm.
Các thượng nghị sĩ Philippines còn nói rằng họ muốn xem xét lại cả thỏa thuận đàm phán với Tokyo, cho phép máy bay quân sự và tàu hải quân Nhật Bản sử dụng các căn cứ ở Philippines để tiếp liệu và nhận đồ tiếp tế.
"Aquino ngày càng mất đi sức ảnh hưởng đến quốc hội", chuyên gia chính trị Ramon Casiple bình luận.
Cầu nối để đối phó Trung Quốc
Quan hệ quân sự Mỹ - Philippines đang ngày càng thắt chặt. Giới chức quân đội Philippines cho biết Mỹ đã gia tăng tập trận chung, huấn luyện và điều tàu, máy bay đến thăm Philippines trong năm qua, dưới chính sách tái cân bằng châu Á của Obama.
EDCA hứa hẹn sẽ đưa mối quan hệ tiến một bước xa hơn. Washington muốn sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines tại 8 địa điểm để luân chuyển binh lính, máy bay và tàu. Một trong số đó là căn cứ trên đảo Palawan, cách quần đảo Trường Sa khoảng 160 km. Mỹ sẽ có khả năng tiếp cận nhanh chóng đến khu vực Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông khi có quân tại căn cứ này.
Thỏa thuận cũng sẽ cho phép quân đội Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng như doanh trại, kho hậu cần và kho chứa nhiên liệu cho lực lượng thăm viếng. Manila cũng chấp thuận xây dựng cơ sở để Mỹ lưu trữ nhiên liệu và thiết bị an ninh hàng hải.
Tuy nhiên, Jeffrey Pool, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thừa nhận rằng thủ tục tòa án đã trì hoãn việc thực hiện EDCA.
"Chúng tôi đã tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức về các địa điểm tiềm năng và các bước tiếp theo, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Cũng không có kế hoạch thực hiện EDCA cho đến khi Tòa án tối cao Philippines hoàn thành việc rà soát", Pool nói.
Gửi tín hiệu xấu
Các chuyên gia nhận định việc chậm trễ thực hiện thỏa thuận có thể khiến Washington phải "nhướn mày", vì Manila vốn là nước lên án Bắc Kinh mạnh mẽ nhất trong các bên tranh chấp ở Biển Đông. Nước này cũng nhiều lần kêu gọi Mỹ cứng rắn hơn để ngăn cản hoạt động cải tạo ồ ạt của Trung Quốc.
Khi ra quyết định, tòa án sẽ chú ý đến dự thảo nghị quyết của Thượng viện về EDCA. Tuy là cơ quan độc lập, tòa án vẫn để ý đến chiều hướng chính trị, và mối lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, các chuyên gia chính trị Philippines nhận xét.
Ngay cả khi tòa án đưa ra phán quyết rằng thỏa thuận Mỹ - Philippines hợp hiến, thì tòa án cũng có thể nói rằng thỏa thuận vẫn cần sự đồng ý của Thượng viện.
Sự trì hoãn ra quyết định của tòa án có thể gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Manila còn chưa dứt khoát về liên minh với Mỹ, Ernest Bower, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận xét.
"Nếu Tòa án tối cao không ra quyết định nhanh chóng về EDCA, và thỏa thuận không được thực hiện trước chuyến thăm của Obama, thì Nhà Trắng sẽ đặt câu hỏi liệu Philippines có nghiêm túc về việc thực hiện hiệp ước liên minh với Mỹ hay không", Bower viết.
Phương Vũ
Theo Reuters
Châu Á đoàn kết đối phó Trung Quốc ở Biển Đông Các quốc gia châu Á đang đoàn kết chống lại các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Philippines Aquino Benigno (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) trong cuộc gặp ở Tokyo ngày 4/6 (Ảnh: AP) Hồi đầu tuần này, giới chức Malaysia thông báo họ sẽ gửi công hàm phản đối việc một...