Hiệp hội thảo luận về chiến lược phát triển giáo dục đại học
Ngày 20/8, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về chiến lược phát triển giáo dục đại học.
Dự buổi tọa đàm có Chủ tịch Hiệp hội- Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội – Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ; Phó Chủ tịch Hiệp hội- Tiến sĩ Lê Viết Khuyến; Giáo sư Trần Hồng Quân- nguyên Chủ tịch Hiệp hội; Giáo sư Lâm Quang Thiệp- Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội) cùng một số chuyên gia độc lập, thầy cô đang công tác ở cơ sở giáo dục đại học.
Tại buổi tọa đàm, có một báo cáo của Phó giáo sư Mai Ngọc Anh – Trường Đại học Kinh tế quốc dân tóm tắt chiến lược phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc trong đó, vị này cho rằng, từ khi mở cửa hội nhập năm 1978, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều dự án với các lộ trình rõ ràng trong phát triển giáo dục đại học ở quốc gia này.
Đầu tiên của thế kỷ 21, Trung Quốc định hướng “phát triển giáo dục đại học tinh hoa trên nền tảng đại chúng hóa giáo dục đại học”…
Phó giáo sư Mai Ngọc Anh khái quát, giáo dục đại học của quốc gia này xác định hai hướng đi với lộ trình rõ ràng là xây dựng hệ thống giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, được thế giới biết đến, đẳng cấp quốc tế để từng bước trở thành một trong những trung tâm giáo dục đại học của thế giới cả về chất lượng và quy mô; và xây dựng hệ thống đại học phục vụ nhu cầu nhân lực của địa phương, từng bước hướng đến phổ cập giáo dục đại học…. Đến thời điểm hiện nay, số công trình nghiên cứu của Trung Quốc đã đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.
Ngày 20/8, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về chiến lược phát triển giáo dục đại học. (ảnh: Thùy Linh)
Tại buổi tọa đàm có nhiều ý kiến thảo luận về chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, chúng ta cũng đã có nhiều chính sách cho giáo dục đại học tuy nhiên những gì gặt hái được còn hạn chế. Thậm chí, năm 2008, chúng ta đặt mục tiêu 4 trường lọt vào top 200 trường đại học tốt nhất thế giới vào năm 2020 nhưng đến nay mới chỉ 2 đại học lọt top 1000.
Video đang HOT
Trong khi đó, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho rằng, vấn đề tự chủ đại học của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận tuy nhiên hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật đang chồng chéo khiến cơ sở giáo dục đại học bị gây khó dễ thậm chí bị “ngáng chân” trong quá trình triển khai.
Để giáo dục đại học có thể cất cánh, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục ở tầm vĩ mô thì Trung ương cần có nghị quyết chung.
Sau hơn 2 tiếng trao đổi, thảo luận, kết thúc buổi tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu chính sách giáo dục đại học, đặc biệt là về vấn đề xếp hạng đại học để thảo luận trong các buổi tọa đàm sau.
Hiệp hội thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam
Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam trực thuộc Hiệp hội được thành lập nhằm thúc đẩy ứng dụng các mô hình tiên tiến trong hệ thống giáo dục đại học.
LTS: Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lâm Quang Thiệp là Viện trưởng.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lâm Quang Thiệp để hiểu rõ vai trò của Viện nghiên cứu này.
Được biết vừa qua Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã được thành lập. Xin Giáo sư cho biết một số thông tin về Viện, trước hết là sứ mạng của Viện?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được thành lập nhằm thúc đẩy ứng dụng các mô hình tiên tiến trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam để phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước thông qua các hoạt động:
Liên tục cập nhật tri thức về sự phát triển của giáo dục đại học thế giới, nghiên cứu khả năng ứng dụng phù hợp với giáo dục đại học Việt Nam;
Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam (ảnh chụp màn hình website)
Phổ biến và ứng dụng rộng rãi tâm trắc học để xây dựng các kỳ thi tiêu chuẩn hóa và đánh giá các khía cạnh năng lực người học nhằm kết nối hoạt động giáo dục với thị trường lao động;
Thúc đẩy hợp tác, giao lưu quốc tế, trao đổi nhân lực nhằm tối ưu năng lực và lợi ích người học;
Phối hợp phát triển tài nguyên giáo dục mở, chuyển giao công nghệ và tổ chức các dịch vụ hỗ trợ giúp đẩy nhanh tốc độ cải thiện chất lượng giáo dục.
Hiện nay Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam đang có những bộ phận nào, thưa ông?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Để triển khai chuyên sâu các định hướng nói trên, hiện nay Viện xây dựng 3 Trung tâm chuyên trách: Trung tâm quản trị và quản lý trong giáo dục đại học (Governance and management in Higher Education Center - GOVMAN); Trung tâm Tâm trắc học ứng dụng (Applied Psychometrics Center - APSVN) và Trung tâm Hợp tác quốc tế và Tư vấn Du học INCOMAS (International cooperation and Consultancy for Study abroad INCOMAS Center).
Với lực lượng hiện tại của Viện, xin ông cho biết Viện nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam có những sở trường gì?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Nghiên cứu giáo dục đại học bao trùm phạm vi rất rộng, chúng tôi mong muốn thu hút được trí tuệ của cộng đồng rộng lớn các giáo chức, các nhà quản lý từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài Hiệp hội triển khai hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, bằng các hoạt động trong nhiều năm qua, Viện chúng tôi cũng có tích lũy được nhiều hiểu biết trong một số vấn đề về quản trị và quản lý giáo dục đại học, về lĩnh vực đo lường và đánh giá trong giáo dục (tâm trắc học ứng dụng) và về tài nguyên học liệu mở.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đo lường và đánh giá trong giáo dục, Viện chúng tôi sẵn sàng cung cấp các phần mềm giúp xây dựng các ngân hàng các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, các phần mềm cho phép đánh giá các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận bằng các các lý thuyết và công nghệ đánh giá hiện đại, cũng như phần mềm cho phép chấm thi trắc nghiệm và tự luận.
Các phần mềm nói trên đã được nhiều trường đại học, cao đẳng và phổ thông nước ta sử dụng rất hiệu quả. Kèm theo việc cung cấp các phần mềm, Viện chúng tôi còn tổ chức các khóa bồi dưỡng hỗ trợ xây dựng kỹ năng thành thạo trong việc viết câu hỏi trắc nghiệm và tự luận có chất lượng cao cho các trường đại học và cao đẳng. Trong lĩnh vực tài nguyên giáo dục mở, chúng tôi cũng có tổ chức các khóa tập huấn giúp sử dụng kho tài nguyên này trong việc giảng dạy và nghiên cứu trong giáo dục đại học.
Nhân dịp thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam, Giáo sư muốn nhắn nhủ gì với cộng đồng giáo dục đại học ở các trường đại học và cao đẳng nước ta?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Như tôi đã nói, nghiên cứu giáo dục đại học bao trùm một phạm vi rất rộng các vấn đề, chỉ có sự cộng tác rộng rãi của các đồng nghiệp trong các trường đại học và cao đẳng thì mới mong đạt được thành công. Chúng tôi rất mong có sự cộng tác, đóng góp, trao đổi ý kiến của các đồng nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng trong và ngoài Hiệp hội.
Các trao đổi ý kiến có thể thông qua các công cụ và phương tiện liên lạc của Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam. Điện thoại: 0934576688; Email: ihevn.edu@gmail.com; website: http://ihevn.edu.vn/.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Lâm Quang Thiệp.
Người thầy truyền cảm hứng nghiên cứu Toán học cho nhiều thế hệ học trò Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học (GS ,TSKH) Nguyễn Minh Chương năm nay bước sang tuổi 90. Ông đã có hàng chục công trình nghiên cứu về Toán học được công bố tại nhiều nước như: Nga, Pháp, Mỹ, Đức... và là người hỗ trợ nhiều học sinh, nhà nghiên cứu thành đạt và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực Toán học...