Hiện tượng tội phạm ‘rủ nhau qua mạng’ đang nhăm nhe thế chân yakuza tại Nhật Bản
Cảnh sát Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ hiện tượng tội phạm mới tokuryu, trong bối cảnh băng đảng xã hội đen khét tiếng yakuza dần suy tàn.
Khi ba nam giới đeo mặt nạ xông vào một cửa hàng đồng hồ xa xỉ ở quận Ginza thượng lưu của Tokyo vào ban ngày, một số người cho rằng họ đang chứng kiến một bộ phim truyền hình hoặc một buổi quay phim. Nhưng vụ trộm vào tháng 5/2023 này là thật. Nó được thực hiện bởi một nhóm thanh thiếu niên từ 16 đến 19 tuổi kết nối với nhau qua mạng internet. Chúng là một phần của hiện tượng tội phạm mới đang gia tăng, có tên gọi tokuryu.
Tokuryu là ai?
Được hình thành bởi các ký tự “ẩn danh” (tokumei) và “hay thay đổi” (ryudo), thuật ngữ tokuryu dùng để chỉ các nhóm đặc biệt được thành lập để phạm tội. Trong đó, các thành viên thường không biết nhau hoặc những kẻ chủ mưu lên kế hoạch và chỉ đạo hoạt động.
Chúng khác biệt với yakuza và ít phân cấp hơn, thường có cơ cấu tổ chức lỏng lẻo trên những kẻ thực hiện các hành vi phạm tội, từ cướp, lừa đảo đến hành hung và giết người.
Hầu hết chúng đều được tuyển dụng trực tuyến cho yami-baito (công việc mờ ám). Nhiều thành viên tokuryu khai với cảnh sát rằng họ và gia đình bị đe dọa do đó họ phải tiếp tục tuân theo mệnh lệnh. Một số người thú nhận họ được tuyển dụng qua mạng xã hội Instagram.
Ba nghi phạm cướp đồng hồ và tài xế lái xe tẩu thoát của chúng đều không có tiền sử phạm tội. Lực lượng chức năng đã bắt cả bốn nghi phạm trong vòng một tiếng đồng hồ và 74 chiếc đồng hồ trị giá khoảng 300 triệu yên bị đánh cắp đã được thu hồi.
Video đang HOT
Vào tháng 9/2023, một trong các bị cáo là thanh niên 18 tuổi thất nghiệp, bị kết án 4 năm rưỡi tù sau khi nhận tội. Hai bị cáo khác, đều 19 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ cướp, cũng nhận mức án tương tự vào tháng sau. Trong khi đó, bị cáo còn lại 16 tuổi được đưa đến cơ sở dành cho trẻ vị thành niên để đánh giá và cải tạo.
Một lãnh đạo cảnh sát Tokyo phân tích với truyền thông địa phương: “Đằng sau những thanh niên này không phải là một nhóm yakuza mà chủ yếu là đường dây lừa đảo gồm thành viên của các nhóm tội phạm có tổ chức và những tên xã hội đen đến từ vùng Kanto (quanh Tokyo)”.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, hơn 10.000 người bị bắt từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2023 được phân loại là tokuryu. Từ tháng 4, cảnh sát đảo Kyushu, ở tỉnh Fukuoka đã thành lập một đội gồm 100 thành viên để chống lại mối đe dọa tokuryu ngày càng tăng. Tỉnh Fukuoka trước đây vốn là thành trì của yakuza.
Chuyện gì đã xảy ra với yakyza?
Sau khi lực lượng chức năng liên tục trấn áp, số thành viên yakuza đã giảm xuống còn 20.400 người vào năm ngoái, từ mức đỉnh điểm hơn 180.000 người của những năm 1960.
Các luật nghiêm ngặt hơn, đã khiến cuộc sống tội phạm ngày càng trở nên kém hấp dẫn. Thành viên yakuza bị cấm mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, mua hợp đồng bảo hiểm hoặc thậm chí ký kết mua điện thoại di động.
Các cuộc trấn áp khiến độ tuổi trung bình của yakuza tăng lên đều đặn. Tomohiko Suzuki, một tác giả và chuyên gia về yakuza, nói với tờ Guardian (Anh) vào năm 2020: “Dân số già đi của Nhật Bản tất nhiên là một yếu tố, nhưng yakuza không còn hấp dẫn đối với nam thanh niên. Phải hy sinh rất nhiều để sống cuộc sống của một tay xã hội đen, trong khi số tiền thu được ngày càng giảm dần”.
Kết quả DNA xác định thân phận tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất ở Nhật Bản
Satoshi Kirishima đã dành gần nửa thế kỷ để trốn truy nã, cho đến khi cái chết cận kề.
Ảnh truy nã Satoshi Kirishima (trên cùng ở giữa), tên tội phạm đã bỏ trốn gần 50 năm cho đến khi hấp hối. Ảnh: The Guardian
Theo trang The Guardian (Anh), vào tháng trước, một người đàn ông 70 tuổi đã được đưa đến bệnh viện gần Tokyo. Tại đây, ông ta thú nhận mình thực sự là Satoshi Kirishima, một trong những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất ở Nhật Bản.
Bức ảnh của người đàn ông này được truyền thông Nhật Bản đăng tải gần đây có nhiều nét tương đồng với bức ảnh đen trắng ở các đồn cảnh sát Nhật Bản trong nhiều thập kỷ. Đó là bức ảnh truy nã Satoshi Kirishima - một sinh viên đại học đeo kính, mỉm cười với mái tóc dài ngang vai.
Hấp hối trên giường bệnh trước khi qua đời, người đàn ông này thú nhận rằng ông ta đã trốn truy nã và sống với danh phận là một công nhân xây dựng suốt nhiều năm. Mặc dù đã chia sẻ thông tin chi tiết về gia đình, tổ chức mà ông hoạt động, nhưng phải đến tuần này, bằng chứng DNA mới xác nhận rằng bệnh nhân mắc bệnh nan y thực sự là Kirishima, thành viên của một nhóm cực đoan gây ra vụ tấn công làm rung chuyển Nhật Bản vào giữa những năm 1970.
Là thành viên của nhóm sasori (bọ cạp) thuộc Tổ chức cực đoan "Lực lượng Vũ trang Chống Nhật Đông Á", Kirishima bị cáo buộc đã gài và kích nổ một quả bom tự chế làm hư hại một tòa nhà ở khu Ginza, quận Tokyo vào tháng 4/1975.
Người đàn ông được cho là Satoshi Kirishima. Ảnh: The Japan News
Hắn ta cũng bị nghi ngờ có liên quan đến bốn vụ tấn công khác trong cùng năm nhắm vào các tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Trong vụ việc khét tiếng nhất, nhóm này đã đặt bom tại trụ sở của Mitsubishi Heavy Industries ở Tokyo, khiến 8 người thiệt mạng và hơn 360 người khác bị thương. Đây vẫn là vụ tấn công cực đoan nguy hiểm nhất ở Nhật Bản sau vụ giáo phái Aum Supreme Truth phát tán khí sarin trên tàu điện ngầm Tokyo vào năm 1995.
Không lâu trước khi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày vào cuối tháng 1 sau một năm điều trị ngoại trú, Kirishima nói: "Tôi muốn chết với tên thật của mình". Tên tội phạm cũng nói rằng ông ta rất hối hận vì đã tham gia vào các cuộc tấn công trong quá khứ.
Trong khi cảnh sát đã chuyển hồ sơ các vụ đánh bom cho các công tố viên, cái chết của Kirishima đồng nghĩa với việc gia đình các nạn nhân trong vụ việc mà ông ta gây ra sẽ không bao giờ chứng kiến hắn có ngày ra trước vành móng ngựa. Điều này cũng gây khó khăn cho các nhà điều tra, khi phải xác định làm thế nào một tên tội phạm nguy hiểm có thể ẩn náu trong suốt 49 năm.
Sinh ra ở quận Hiroshima, Kirishima theo học tại một trường học địa phương. Hắn ta đã trở thành một kẻ cực đoan chính trị khi đang học luật tại Đại học Meiji Gakuin ở Tokyo. Lời thú tội của Kirishima đã đưa ra bức tranh rõ ràng hơn về quá trình trốn truy nã suốt nhiều thập kỷ của hắn ta.
Che giấu danh tính thật dưới tên Hiroshi Uchida, Kirishima đã có khoảng 40 năm làm việc cho một công ty xây dựng ở Fujisawa, thành phố phía Nam Tokyo. Hắn được cho là đã tránh các giao dịch ngân hàng và yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt để không để lại dấu vết trên giấy tờ và không bị bắt. Hắn ta cũng không có bằng lái xe, điện thoại di động hay bảo hiểm y tế và phải tự bỏ tiền túi để thanh toán hoá đơn điều trị tại bệnh viện.
Tờ Yomiuri Shimbun cho biết "Uchida" đến nhà tắm công cộng Sento và ghé vào một quán bar - nơi hắn ta được gọi là "Ucchi" - để uống bia và nghe nhạc rock. Hắn cũng rất ít chia sẻ về bản thân với những người xung quanh.
Kirishima có thể đã thanh thản sau được chết với tên thật của mình, nhưng gia đình các nạn nhân bày tỏ thất vọng. Người thân có em gái 23 tuổi đã thiệt mạng trong vụ đánh bom Mitsubishi, chia sẻ thủ phạm đã trình diện "quá muộn".
Liên quan đến vụ đánh bom doanh nghiệp, tháng 5/1975, cảnh sát đã bắt giữ 8 kẻ tình nghi, trong đó có Masashi Daidoji. Anh ta và một người khác bị kết án treo cổ, nhưng Daidoji đã chết vì bệnh ung thư vào tháng 5/2017 khi đang chờ thụ án tử hình.
Nhật Bản: Số vụ lạm dụng trẻ em tăng cao đáng báo động Cảnh sát Nhật Bản đã cảnh báo các trung tâm phúc lợi trẻ em sau khi phát hiện số lượng trẻ tình nghi bị lạm dụng tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2023 là 122.806 em, tăng 6,1% so với năm trước đó. Ảnh tư liệu: japantimes.co.jp Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trong năm 2023, cảnh sát...