Hãy trả lại vị trí cho môn Lịch sử!
Tiếp tục câu chuyện điểm Sử kỳ thi ĐH năm nay, GS Đinh Xuân Lâm – một trong “tứ trụ” (Lâm – Lê – Tấn – Vượng) của ngành Lịch sử Việt Nam đương đại cùng PGS-TS Phạm Quốc Sử, nguyên giảng viên môn Lịch sử (ĐHSP HN) đã đưa ra góc nhìn riêng trong cuộc trao đổi với TT&VH.
GS Đinh Xuân Lâm cho biết, năm nào ông cũng tha thiết theo dõi kết quả điểm Sử của kỳ thi ĐH, để thấy sự phát triển của ngành mà ông gắn bó. Với kết quả điểm Sử năm nay, ông chia sẻ: “Tôi không thể hiểu được vì sao môn Sử lại có hàng ngàn điểm 0. Chấm điểm theo cách chấm hiện nay thì đề bài không chỉ có một câu mà nhiều câu, chia ra rất nhiều điểm. Ít nhất học sinh phải có được số điểm nào đó chứ không thể là điểm 0 được. Đây là một sự thảm bại và là tin buồn cho cả xã hội chứ không riêng gì cho các em, phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo hay những người trong cuộc như chúng tôi”.
Đề khó!
GS Đinh Xuân Lâm cho rằng đề thi Lịch sử năm nay là khó. Ông phân tích: “Câu 2, đề yêu cầu học sinh so sánh một vấn đề rất lớn của lịch sử là “Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939 – 1945?” nhưng lại không trích dẫn văn kiện đó vào đề để các em có nguồn so sánh. Học sinh lại phải nhớ thêm nội dung hai văn kiện nêu trên là vấn đề không đơn giản. Vế tiếp theo của câu hỏi không nằm trong tư duy liên hệ trực tiếp của học sinh. Vì vậy, khi gặp câu hỏi này, học sinh dễ bị rối trí trong việc lập luận để giải quyết các vấn đề đặt ra trong đề bài”.
GS Đinh Xuân Lâm (trái) và học trò – PGS-TS Phạm Quốc Sử
PGS-TS Phạm Quốc Sử cũng cho rằng đề thi có 5 câu thì có tới 4 câu khó. Ông nêu câu hỏi 3 để chứng minh cho quan điểm của mình: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), nhân dân VN đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mỹ cút bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam”.
Để giải được câu hỏi trên cần phải nhắc đến thắng lợi của quân và dân miền Nam trong năm 1972, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối 1972 và cuối cùng là kết quả thắng lợi của Hội nghị Paris về Việt Nam (1973). Nếu học sinh nào “trực giác” nghĩ ngay đến “đánh” thì chắc chắn em đó cũng chỉ nghĩ đến những chiến thắng của quân và dân miền Nam năm 1972 và chiến thắng Điện Biên Phủ trên không chứ không nghĩ đến kết quả Hội nghị Paris về Việt Nam. Bởi lẽ Hội nghị Paris về Việt Nam là hòa đàm chứ không phải “đánh” (như đề bài yêu cầu) nên học sinh rất dễ nhầm lẫn và ngồi… cắn bút, kể cả với học sinh khá giỏi chứ không nói gì đến học sinh trung bình”.
Trả lại vị trí cho môn Sử
Video đang HOT
Theo GS Đinh Xuân Lâm, môn Sử đang không được đặt đúng vị trí của nó vì nhiều người nghĩ, học Sử không phù hợp với “thời kinh tế thị trường” so với các ngành, nghề khác. Bên cạnh đó nhà trường cũng chưa đặt đúng vị trí môn Sử, vẫn chưa coi môn Sử là môn học quan trọng.
Ông nhấn mạnh: “Môn Sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục con người, tư cách đạo đức con người. Dạy Sử chung quy là dạy tinh thần yêu nước. Chúng ta chưa thật sự ứng xử với môn Lịch sử như là một môn khoa học mà chỉ xem nó như là một môn tuyên truyền, áp đặt về mặt tinh thần, tư tưởng để phục vụ cho từng giai đoạn”.
PGS-TS Phạm Quốc Sử thì cho rằng tình trạng bi đát về điểm Sử như hiện nay không thể đổ lên đầu các thầy cô giáo dạy Sử ở bậc phổ thông bởi lẽ họ đã phải chịu rất nhiều khó khăn.
Ông bày tỏ quan điểm: “Vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ nhận thức về lịch sử là rất cần thiết. Nếu có nhiều phương tiện để hỗ trợ cho việc giảng dạy môn Lịch sử, ví dụ như trình chiếu, nghe nhìn, trực quan cụ thể sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên nếu truyền thông không tốt, cứ dội vào học sinh một cách “xối xả” cũng sẽ gây nên “tác dụng phụ” khiến học sinh hoang mang, dễ lạc lối và dễ nhầm lẫn về sự thật lịch sử với cái hoang đường, hư cấu.
PGS-TS Phạm Quốc Sử nhấn mạnh: “Tôi không tin học sinh Việt Nam thuộc sử nước khác hơn là biết sử Việt Nam vì cần phải phân biệt những gì các em nói ra có thật là kiến thức lịch sử hay chỉ là những “tác phẩm hư cấu” từ sản phẩm truyền thông. Tức là kiến thức lịch sử khoa học với những kiến thức lịch sử đã mang tính dã sử, hư cấu là hai cái khác nhau… Nếu làm phim về lịch sử mà bỏ qua những quan điểm cố vấn của các nhà làm Sử để chiếu những bộ phim sai sự thật, không đúng với lịch sử thì chẳng khác gì chúng ta đang “đầu độc” học sinh, làm phương hại lịch sử.
Để giải quyết được vấn đề này, cần phải xem lại quan điểm giáo dục, mục tiêu giáo dục chứ không phải chỉ đi mổ xẻ SGK, phương pháp giảng dạy, hay truyền thông cho lịch sử. Bởi tất cả những cái đó, chúng ta đã làm rồi, nhưng không thành công thì phải nghĩ đến “tầng cao hơn”.
Theo TT&VH
Sẽ thi ĐH nhiều môn và buộc có môn xã hội
Đó là quan điểm đổi mới đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ông Ga cho rằng, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi quy định về số môn thi và khối thi tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi số môn thi và khối thi ĐH, CĐ. Theo đó, cần thi nhiều môn (thay vì chỉ ba môn như hiện nay) và dù là ngành nào cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội.
Ông Bùi Văn Ga
Bắt đầu từ kết quả thi môn lịch sử thấp đến không ngờ trong tuyển sinh năm nay. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng:
- Môn lịch sử, cũng như các môn xã hội, sẽ khó có thể tạo ra sự thay đổi một cách đột biến trong cách học tập và kết quả của thí sinh nếu không thay đổi cách thi cử hiện nay. Cách thi hiện nay khiến phần lớn thí sinh coi nhẹ các môn xã hội như ngữ văn, lịch sử khi chọn các khối thi khác. Ngay cả những thí sinh chọn thi khối C vì bất đắc dĩ cũng học đối phó...
- Với quan điểm phải đổi mới cách thi không chỉ vì cải thiện thái độ và phương pháp học tập của thí sinh với môn lịch sử nói riêng và các môn xã hội nói chung, mà còn nhằm có phương thức thi cử hợp lý và hiệu quả hơn, Bộ GD-ĐT sẽ có định hướng đổi mới kỳ thi tuyển sinh năm tới ra sao, thưa ông?
- Quan điểm của tôi là nên thi ĐH bằng nhiều môn chứ không nên quy định cứng nhắc khối thi và môn thi bắt buộc cho từng khối như hiện nay. Định hướng lâu dài là nên đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hướng tổ chức thi nhiều môn khác nhau trong một đợt thi ba ngày.
Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký dự thi những môn phù hợp với nguyện vọng xét tuyển của mình. Các trường ĐH công bố trước tổ hợp 3-4 môn thi để xét tuyển chọn vào trường cho từng ngành học.
Các trường được lựa chọn môn thi tuyển phù hợp với ngành nghề đào tạo, nhưng theo tôi, trong đó ngành nào cũng nên bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội. Điều đó là cần thiết vì dù học ngành nào, làm việc trong lĩnh vực nào, một con người không thể thiếu kiến thức khoa học xã hội, thiếu khả năng viết hoặc thể hiện suy nghĩ, ý tưởng...
Ở bất cứ ngành nào, có chuyên môn vững vàng nhưng vẫn cần thiết phải có kiến thức khoa học xã hội, nắm vững các giá trị nhân văn nhất định mới có thể dễ đi đến thành công. Nhất là trong bối cảnh xã hội tri thức hiện nay, ngày càng đòi hỏi nhân lực trình độ cao phải có sự cân đối giữa kiến thức khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn.
Thay đổi cách thi và yêu cầu tuyển chọn như vậy sẽ đòi hỏi học sinh và nhà trường phổ thông không thể học lệch, thi lệch... Quan điểm của tôi là người học phải học đều, không được coi nhẹ môn nào, nhất là ngữ văn và lịch sử, không thể duy trì cách học, cách thi như hiện nay được. Nếu thay đổi một cách căn cơ, đồng bộ cả trong cách dạy, cách học và cách thi cử thì mới có hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thí sinh dự thi ngành nào cũng nên bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội. Trong ảnh: thí sinh dự thi vào Trường ĐH Mở TP.HCM năm 2011 trao đổi bài sau khi thi
- Nếu được nhìn nhận tích cực như vậy, liệu định hướng đổi mới này có được đặt ra và áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh năm 2012?
- Đổi mới về thi cử, thay đổi phương thức tuyển sinh liên quan đến quyền lợi của hàng triệu thí sinh. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị không chỉ về phía Bộ GD-ĐT hay các trường ĐH, CĐ, mà cả cho thầy cô giáo và học sinh ở bậc THPT. Để có thể áp dụng được phương thức tuyển sinh mới, tôi cho rằng phải có một lộ trình ít nhất ba năm, để các em học sinh ngay từ khi mới bước vào THPT đã có định hướng và sự chuẩn bị thích ứng với phương thức thi cử mới.
Vì vậy, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 sẽ là năm mở đầu cho lộ trình đổi mới thi cử. Từ nay đến năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới từng bước để tiến tới mục tiêu đổi mới cơ bản thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH. Mỗi giải pháp kỹ thuật, những thay đổi trong phương thức thi cử dự kiến được áp dụng sẽ được bộ thông báo rộng rãi. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của xã hội về vấn đề này.
- Kết quả thấp bất ngờ trong cuộc thi Olympic toán học năm 2011 đang đặt ra vấn đề cần áp dụng trở lại quy định xét tuyển thẳng vào ĐH đối với học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia nhằm khuyến khích và thu hút các em. Dường như thứ trưởng và Bộ GD-ĐT cũng ủng hộ quan điểm này?
- Trước đây chúng ta đã có chính sách xét tuyển thẳng vào ĐH đối với những học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Còn đối với học sinh trong các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế hiện nay vẫn được tuyển thẳng. Nhưng việc tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia trước đây cho thấy không phải là một giải pháp tốt nhất có thể áp dụng đại trà để khuyến khích người học giỏi.
Vì vậy, tôi ủng hộ việc xem xét có chính sách xét tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng chỉ xét vào những ngành khoa học cơ bản, đào tạo gắn liền với môn các em đã đoạt giải. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến về việc này. Nếu khả thi và hợp lý, có thể áp dụng chính sách xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia vào các ngành đào tạo khoa học cơ bản từ năm tới.
Tôi cho rằng nên coi việc xét tuyển thẳng vào ĐH đúng ngành đào tạo khoa học cơ bản phù hợp với môn học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế như một động lực, tạo điều kiện cho các em phát huy năng lực, sở trường bản thân, có lợi cho đất nước và nền khoa học. Không nên coi chính sách tuyển thẳng là một phần thưởng...
Theo BĐVN
Không thể lẫn lộn lịch sử với chính trị Với nhà văn Nguyên Ngọc, kết quả thi môn Lịch sử kỳ thi ĐH năm nay và những diễn tiến xung quanh "là chuyện hết sức nghiêm túc, nên cũng phải nói với nhau rất nghiêm túc". Cho rằng, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dùng văn, sử để dạy chính trị là chủ yếu, ông khuyến...