Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo
Mới đây, Microsoft đã tổ chức vinh danh 3 trường học đạt danh hiệu Trường học điển hình Microsoft ( Microsoft Showcase School) và 265 giáo viên đạt chứng nhận Chuyên gia giáo dục sáng tạo (MIEE) năm học 2021-2022 của Việt Nam. Trong số này có nhiều giáo viên của Đồng Nai.
Cô Hoàng Thị Thiên Thai trong giờ dạy kết nối Skype với giáo viên nước ngoài. Ảnh: NVCC
* Tự học để không tụt hậu
Hơn 3 năm trước, cô Hoàng Thị Thiên Thai, giáo viên Trường THPT Điểu Cải (H.Định Quán) đã chủ động tham gia vào cộng đồng Giáo viên sáng tạo (MIE) Việt Nam. Đối với cô, cộng đồng này là một thế giới hoàn toàn mới lạ và hấp dẫn. Ở đó, mỗi thành viên đều là chuyên gia trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học. Cô cũng rất muốn làm được điều đó bởi việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy của cô khi đó chỉ đơn giản là soạn và trình chiếu PowerPoint.
Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam
Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovative Educator Foundation – VIEF) hay còn được gọi là Cộng đồng MIE (Microsoft Innovative Educator – MIE) được hình thành và phát triển từ Chương trình giáo dục của Microsoft từ năm 2015 đến nay. Cộng đồng tập hợp những người làm giáo dục sử dụng công nghệ một cách sáng tạo, hiệu quả, nâng cao chất lượng của việc giảng dạy, học tập và quản lý trong giáo dục. Đây là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong giảng dạy, kết nối giao lưu, hợp tác, cùng nhau phát triển năng lực chuyên môn…
Từ những bình luận trong nhóm Facebook, cô Thiên Thai mạnh dạn gọi điện thoại cho một giáo viên ở Ninh Thuận để được chỉ cách tạo tài khoản trên trang Trung tâm Học tập dành cho giáo viên của Microsoft. Dù chưa từng gặp mặt, cô vẫn nhận được sự hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp.
Cô nhớ lại: “Từ khi tham gia cộng đồng Giáo viên sáng tạo, bản thân tôi được mở mang rất nhiều, tiếp thu được những cái mới từ các thầy cô giáo trong cả nước. Điều khiến tôi hài lòng, cảm động nhất chính là mọi thành viên trong cộng đồng đều có tinh thần sẵn sàng cho đi mà không cần nhận lại. Các thầy cô luôn chia sẻ, hướng dẫn tận tình cho những thành viên mới…”.
Video đang HOT
Từ xuất phát điểm gần như bằng 0, cô giáo vùng sâu này đã biết ứng dụng CNTT một cách thành thục, hiệu quả. Cô kết nối Skype để học sinh được giao lưu với các lớp học khác ở trong nước và trên thế giới; cho học sinh thực hành các dự án học tập… Nhờ đó, lớp học ngày càng sôi nổi, hấp dẫn đối với học trò.
Tuy vậy, nghĩ lại hành trình ban đầu tham gia cộng đồng, bản thân cô đôi lúc cảm thấy lẻ loi, đơn độc vì không tìm thấy “đồng hương”. Do đó, khi kết nối được với một số giáo viên ở Đồng Nai, cô đã lập nên nhóm MIE Đồng Nai (trên Facebook). Hiện tại, nhóm đã có gần 300 thành viên, thường xuyên chia sẻ thông tin về ứng dụng CNTT và đổi mới sáng tạo trong dạy học.
Cô Phạm Thị Diệp, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai (TP.Biên Hòa)
“Tôi muốn học, muốn đổi mới vì sợ lạc hậu. Tham gia cộng đồng, tôi biết được nhiều đồng nghiệp trẻ nhưng rất giỏi nên cố gắng phấn đấu để cải thiện. Khi sử dụng thành thạo các ứng dụng của Microsoft vào dạy học, tôi thấy đây là tài nguyên lớn nếu các đồng nghiệp khác không khai thác được thì thật tiếc. Tôi rất mừng vì hiện nay cộng đồng MIE ngày càng lan tỏa và có thêm nhiều thành viên” – cô Thiên Thai chia sẻ.
* Chuyển biến tích cực trong dạy học
Cô Phạm Thị Diệp, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai (TP.Biên Hòa) cũng là giáo viên mới được công nhận danh hiệu Chuyên gia giáo dục sáng tạo. Có xuất phát điểm như cô Thiên Thai, tức chỉ biết dùng PowerPoint để trình chiếu bài giảng nhưng khi bước chân vào cộng đồng MIE, cô Diệp có nhiều thuận lợi hơn.
Từ khi tham gia cộng đồng Giáo viên sáng tạo, cô Nguyễn Thị Anh (Trường THPT Đoàn Kết, H.Tân Phú) thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn cho học sinh. Trong ảnh: Học sinh làm sản phẩm mô hình ADN để tìm hiểu cấu trúc không gian
Trước đó, Trường THPT Lê Quý Đôn – Tân Mai đã có nhiều giáo viên là thành viên MIE nên cô Diệp có được sự hỗ trợ lớn chứ không phải đơn độc. Mặt khác, Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, khuyến khích giáo viên. Bản thân các thành viên trong Ban giám hiệu cũng tham gia sân chơi này.
Từ nền tảng đó, cô Diệp nhanh chóng học được các kỹ năng ứng dụng CNTT, đổi mới sáng tạo trong dạy học. “Khi mới vào cộng đồng, tôi thực sự cảm thấy mình như người “mù” CNTT nên đã cố gắng tham gia các khóa học, các buổi đào tạo, hướng dẫn của đồng nghiệp. Tôi ưu tiên học những ứng dụng cần thiết cho dạy học online trước như: phần mềm chơi game để game hóa kiến thức, giao bài tập về nhà, video hoạt hình bài học… Cũng nhờ đó mà tôi đáp ứng được yêu cầu dạy học online trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay” – cô Diệp cho biết.
Tính đến nay, cô Diệp đã tham gia và nhận khoảng 30 chứng chỉ từ các khóa học của trung tâm đào tạo dành cho giáo viên của Microsoft. Không chỉ được học miễn phí, đôi khi cô Diệp còn nhận được quà từ Ban tổ chức khi có thành tích cao trong khóa học.
Ngoài chia sẻ các kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học, các thành viên trong cộng đồng MIE còn sẵn sàng hỗ trợ nhau mọi vấn đề về nghiệp vụ sư phạm, từ cách xử lý tình huống trong lớp học đến cách ứng xử, trao đổi với phụ huynh… Chính tinh thần chia sẻ nhiệt tình ấy đã trở thành động lực để nhiều giáo viên “vượt lên chính mình” tham gia học tập tích cực để đổi mới giáo dục. Cô Nguyễn Thị Anh, giáo viên Trường THPT Đoàn Kết (H.Tân Phú) là một trong số đó.
Tham gia cộng đồng từ tháng 5-2020 khi con gái mới đầy năm, cô Anh thường tranh thủ tham gia các khóa học khi con đã ngủ. Những buổi học online, cô thường là thành viên vào lớp trễ, sau đó phải xem lại file ghi hình để không bỏ lỡ kiến thức. Tuy vậy, với niềm đam mê ứng dụng CNTT, cô Anh không nản lòng. Cô Anh cho rằng, thời đại 4.0, giáo viên hiện đại thì phải yêu công nghệ. Trở thành thành viên của cộng đồng MIE, cô đã học hỏi được nhiều và trưởng thành hơn. Việc ứng dụng CNTT phù hợp làm cho tiết học vui vẻ hơn, học sinh đón nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng hơn.
Ngoài việc bận bịu với con nhỏ, cô Anh cho rằng bản thân cô không gặp phải trở ngại gì trong quá trình học hỏi, ứng dụng CNTT bởi nhà trường đã đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, đường truyền internet ổn định, mỗi lớp học đều có 1 tivi phục vụ dạy học, phụ huynh cũng quan tâm đến việc học của con cái…
“Khi có tên trong danh sách 265 chuyên gia giáo dục sáng tạo, tôi rất vui và tự hào. Cảm giác khó diễn tả thành lời. Đó là bước ngoặt, sự trưởng thành trong công việc. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng học hỏi đồng nghiệp, ứng dụng CNTT vào lớp học để học sinh thực sự được giữ vai trò trung tâm. Tôi cũng sẽ cố gắng lan tỏa đến đồng nghiệp để cùng nhau phát triển” – cô Anh vui mừng cho biết.
Để trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo
Để trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo (MIEE), giáo viên phải là thành viên của cộng đồng Giáo viên sáng tạo Microsoft và tham gia các khóa học của trung tâm giáo dục Microsoft (các khóa học online và hoàn toàn miễn phí).
Khi tham gia những khóa học này, giáo viên sẽ được cấp các chứng chỉ và đạt huy hiệu nhà giáo dục sáng tạo (Certified MIE). Bên cạnh việc ứng dụng CNTT có hiệu quả, sáng tạo trong dạy học, giáo viên phải lan tỏa, hỗ trợ giáo viên khác để cùng phát triển… Khi làm được những điều đó (có minh chứng cụ thể), giáo viên có thể tự đề cử danh hiệu MIEE để tổ chức xét duyệt, công nhận.
3 trường học đạt chứng nhận "Trường học Điển hình Microsoft"
Ngày 26/9, Microsoft Việt Nam tổ chức trực tuyến Lễ công bố 3 trường học đạt chứng nhận "Trường học Điển hình Microsoft" (Microsoft Showcase School).
Cùng với đó là công bố 265 giáo viên đạt chứng nhận Chuyên gia Giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educators - MIE) năm học 2021-2022 của Việt Nam.
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi lễ.
Ba trường học đạt chứng nhận "Trường học Điển hình Microsoft" là: Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring của TP Hà Nội, THPT Võ Thành Trinh ở tinh An Giang và Tiểu học - THCS - THPT Sky-Line ở TP Đà Nẵng.
Các trường này đã đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để có tên trong danh sách hơn 400 tổ chức giáo dục Microsoft Showcase School trên toàn cầu. "Trường học Điển hình Microsoft" là danh hiệu được cấp cho các trường học tiêu biểu trong việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng xuất sắc công nghệ thông tin để nâng cao kết quả học tập và giảng dạy.
Các giáo viên được vinh danh tại buổi lễ
Còn các giáo viên đạt danh hiệu "Chuyên gia Giáo dục sáng tạo" đã chủ động nắm bắt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi phương thức giảng dạy và quản lý học sinh trên các nền tảng công nghệ... Đặc biệt là sử dụng các phần mềm Office 365, Microsoft Teams làm công cụ trong việc triển khai dạy học trực tuyến thuận lợi và hiệu quả, từ việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung đến truyền đạt, hỗ trợ học sinh củng cố, mở rộng kiến thức, đánh giá quá trình học tập.
Tính đến nay, Microsoft Việt Nam đã cung cấp miễn phí hơn 8 triệu tài khoản Office 365 cho giáo viên và học sinh dạy và học trực tuyến trên Microsoft Teams./.
Cơ hội để đổi mới Cho đến nay học sinh các vùng giãn cách xã hội đã học trực tuyến từ 2 đến 5 tuần tùy địa phương, cấp học. Ảnh minh họa/INT Một trong những vấn đề mà nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh băn khoăn thời gian qua là việc kiểm tra, đánh giá khi dạy học trực tuyến sẽ thực hiện như thế...