Hành trình Taliban hộ tống đoàn công dân Ấn Độ tới sân bay
Đoàn công dân Ấn Độ, trong đó có phóng viên Sonia Sarkar, được Taliban vạch lộ trình và hộ tống tới sân bay về nước giữa cảnh hỗn loạn ở Kabul.
Ngày 16/8, không lâu sau khi Taliban tiếp quản Kabul, tình trạng hỗn loạn bao trùm sân bay quốc tế Hamid Karzai khi hàng nghìn người đổ xô đến đây mong tìm được một chuyến bay đưa họ thoát khỏi đất nước.
Sonia Sarkar, phóng viên đến từ New Delhi, Ấn Độ, cũng có mặt ở Kabul vào thời điểm khủng hoảng nổ ra. Cô đến thành phố từ giữa tuần trước để đưa tin về cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ nước này và lực lượng Taliban sau khi Mỹ rút quân. Tuy nhiên, quân đội Afghanistan đã sụp đổ chóng vánh, trước khi cô kịp đến vùng chiến sự.
Các đầu mối liên lạc tại Afghanistan của Sarkar khuyên cô không nên rời phòng khách sạn ở Kabul. “Hãy kéo rèm lại. Họ đang ở ngoài đường”, một người nhắn tin qua điện thoại cho cô.
Một máy bay quân sự sơ tán 120 công dân Ấn Độ khỏi thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: Sonia Sarkar .
Tuy nhiên, Sarkar muốn nhanh chóng trở về nhà. Lúc bấy giờ, cô được biết rằng các chuyến bay thương mại đang bị gián đoạn và hai chuyến bay cô đặt để rời Kabul về Ấn Độ đều sẽ không thể cất cánh theo lịch trình vào ngày 17/8.
“Điều khiến tôi lo lắng hơn là việc một số đầu mối liên lạc là phụ nữ ở địa phương hỏi tôi đã rời đất nước chưa. Họ bảo rằng Taliban đang lùng sục tìm kiếm các nhà báo nữ Afghanistan”, Sarkar nhớ lại. “Tôi hỏi họ vậy còn với nữ phóng viên nước ngoài thì sao?”
“Nhưng bạn là người Ấn Độ”, một đầu mối trả lời. “Như những gì tôi nghe được trong quãng thời gian ngắn ngủi ở Kabul thì người Afghanistan yêu người Ấn Độ nhưng Taliban thì ghét họ”, Sarkar cho hay.
Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Afghanistan, phản đối Taliban và đôi bên không có bất kỳ kênh liên lạc trực tiếp nào.
Trong lúc Sarkar đang phân vân không biết nên làm gì tiếp theo thì đại sứ quán Ấn Độ liên hệ với cô và một nữ phóng viên đồng hương khác. Họ bảo hai người đến khu sứ quán trong vòng hai giờ tới, bởi họ định rời Kabul bằng máy bay của không quân Ấn Độ vào đêm muộn. Hành lý của Sarkar đã sẵn sàng.
Cô vội vàng gọi cho một lái xe taxi địa phương nhưng tài xế nói rằng sẽ phải mất chút thời gian anh ta mới đến được chỗ cô bởi đường phố đã trở nên quá hỗn loạn.
“Khi tôi bước chân ra khỏi khách sạn, đường phố bên ngoài vắng lặng như tờ, nhưng tôi có thể nhìn thấy những người đàn ông mặc shalwar kameez, trang phục truyền thống của Afghanistan, đang tuần tra. Một số người đã dựng trạm kiểm soát để kiểm tra phương tiện đi qua. Họ mang theo thứ gì đó trông giống như súng AK”, Sarkar kể.
Sau khi đón nữ phóng viên còn lại, họ cùng tiến thẳng đến Wazir Akbar Khan, khu ngoại giao đoàn ở Kabul. Một nhóm chiến binh Taliban chặn họ lại trước lối vào. Họ xem hộ chiếu của hai người rồi yêu cầu quay trở lại vào sáng hôm sau.
Video đang HOT
Nữ phóng viên Sonia Sarkar trên máy bay quân sự rời Afghanistan ngày 17/8. Ảnh: Sonia Sarkar .
“Chúng tôi không thể rời đi. Điều đó đồng nghĩa chúng tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội rời khỏi Afghanistan. Và tôi sợ rằng mình sẽ chẳng còn nơi nào để về bởi tôi đã trả phòng khách sạn và nơi đó bây giờ toàn chỉ toàn là các tay súng Taliban. Vì vậy, chúng tôi chờ trong taxi ba tiếng rồi đến tìm họ một lần nữa”, Sarkar nói.
Tài xế taxi đã thuyết phục được các tay súng rằng họ có việc phải vào khu ngoại giao đoàn. Nhưng một chiến binh Taliban, khoảng ngoài 20 tuổi, nói trời đã tối và hai người còn là phụ nữ nên không thể đi một mình được.
Cuối cùng, nhân viên sứ quán Ấn Độ đã gọi cho một người trung gian để thuyết phục các tay súng chặn ở cửa cho hai nữ phóng viên vào. Họ bảo hai người cùng lên chiếc xe cảnh sát màu xanh lá cây mà họ thu được từ lực lượng an ninh Afghanistan trước đó.
Sarkar và nữ đồng nghiệp do dự nhưng cũng sợ rằng nếu nói “không”, họ sẽ gặp rắc rối. Vì thế, hai người xếp hành lý vào cốp rồi lên xe, ngồi ở hàng ghế sau. Khi chỉ còn cách sứ quán chưa đầy 100 mét, chiếc xe dừng lại. Hai người được một chiếc xe bọc thép do phái bộ Ấn Độ cử đến đón.
“Khi bước chân qua cánh cửa sứ quán, cảm giác nhẹ nhõm trào dâng trong tôi”, Sarkar cho hay.
Không biết khi nào kế hoạch tới sân bay sẽ được thực hiện bởi lúc đó, các nhà ngoại giao Ấn Độ vẫn đang đàm phán với Taliban về việc thiết lập lộ trình an toàn. Một quan chức sứ quán nói với Sarkar rằng mới hôm trước, vài người đã có thể rời đi nhưng các công dân Ấn Độ khác bị chặn lại.
“Chúng ta phải phụ thuộc vào sự thất thường của họ”, quan chức sứ quán nói.
Khoảng 22h ngày 16/8, Sarkar cùng nữ đồng nghiệp bất ngờ được gọi tập hợp để lên xe. Tất cả thành viên trong đoàn đều luôn ở tư thế sẵn sàng, nhưng rất nhiều người thậm chí không thể mang theo đồ đạc, trong đó có cả Sarkar, bởi bên tổ chức thông báo rằng ưu tiên là sơ tán người chứ không phải hành lý.
“Vậy nên tôi để vali đầy quần áo ở lại”, cô nói.
Lần này, lực lượng Taliban hộ tống 22 xe chở 120 công dân Ấn Độ tiến về sân bay Kabul, nơi một máy bay quân sự đang chờ sẵn sau khi New Delhi quyết định đóng cửa đại sứ quán ở Afghanistan. Các nguồn tin cho biết Taliban đã hứa sẽ trông nom tài sản và phương tiện của sứ quán, đồng thời sẽ trao trả toàn bộ khi các nhà ngoại giao quay trở lại.
“Gần sân bay, chúng tôi thấy hàng trăm người đi lại trên đường phố, nhiều người mang theo vũ khí. Khi đến gần hơn, chúng tôi thấy thêm cả phụ nữ và trẻ em. Không ai mang theo hành lý và có vẻ như họ rời nhà trong vội vã”, Sarkar mô tả.
Mỗi khi đám đông trở nên hỗn loạn, các chiến binh Taliban đang tuần tra đường phố lại bắn chỉ thiên. Trong khoảng 30 phút, Sarkar cho biết cô nghe thấy họ bắn ba lần.
Kể từ sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô, Taliban đã tăng cường tuyên truyền nhằm khắc họa hình ảnh mới của lực lượng. Trong một cuộc họp báo ngày 17/8, nhóm tuyên bố muốn hòa bình và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ địa phương nói với Sarkar rằng họ vẫn sợ mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. “Taliban nói sẽ không làm hại phụ nữ đi làm nhưng chúng tôi không thể tin lời họ”, một nghiên cứu sinh tại Đại học Kabul chia sẻ với Sarkar vào đêm 16/8.
Rạng sáng 17/8, đoàn của Sarkar đi qua một quán ăn Lebanon và một quán cà phê rồi dừng lại trước sảnh chờ cho chuyến bay trở về Ấn Độ. Một số binh sĩ Mỹ đang nằm ngủ trên sàn, trong khi một nhóm khác bận rộn đảm bảo lối ra thông suốt.
“Khi chúng tôi bước lên cầu thang để vào phòng chờ, họ mời chúng tôi nước và bảo chúng tôi đeo một chiếc vòng tay màu trắng. Sau vài phút, các công dân Ấn Độ được yêu cầu tháo vòng tay và hướng về phía máy bay”, Sarkar kể. “Lúc đó là khoảng 5h sáng. Vừa thắt dây an toàn, tôi vừa nhắn tin cho chị gái mình ở New Delhi, thông báo rằng máy bay sẽ cất cánh sớm. Tôi nhận ra rằng là một người nước ngoài ở Afghanistan, tôi có lựa chọn rời khỏi đất nước. Nhưng không may, hàng triệu người dân Afghanistan không có lựa chọn này”.
Taliban làm gì với số máy bay chiếm được?
Sau khi kiểm soát sân bay ở Kandahar hồi tuần trước, các tay súng Taliban sớm đăng ảnh tạo dáng bên trực thăng UH-60 do Mỹ sản xuất.
Các tay súng Taliban sau đó chụp ảnh bên cường kích A-29 Super Tucano và trực thăng đa năng MD-530, được Mỹ chuyển gia cho không quân chính phủ Afghanistan nhiều năm trước, tại sân bay ở thành phố Mazar-i-Sharif.
Với việc hoàn tất kiểm soát Afghanistan, vấn đề nhiều người quan tâm hiện giờ không phải là Taliban có tiếp cận được kho máy bay và trực thăng do Mỹ cung cấp hay không, mà là nhóm này định làm gì với chúng và quân đội Mỹ phản ứng thế nào.
Không quân Afghanistan vận hành tổng cộng 211 máy bay, trong số này 167 chiếc ở điều kiện sẵn sàng cất cánh tính tới 30/6, theo báo cáo công bố hồi tháng 7 của văn phòng Tổng thanh tra Đặc biệt phụ trách Tái thiết Afghanistan.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công bố số máy bay nước này trang bị cho không quân Afghanistan rơi vào tay Taliban, trong đó bao nhiêu chiếc có thể hoạt động, hay số máy bay được các phi công Afghanistan lái sang những nước láng giềng là bao nhiêu.
Các tay súng Taliban chụp ảnh trước cường kích A-29 không quân Afghanistan bỏ lại ở Mazar-i-Sharif hôm 15/8. Ảnh: Twitter/worldonalert .
Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 16/8, thiếu tướng Hank Taylor cho biết chưa có thông tin về biện pháp Mỹ có thể áp dụng để ngăn máy bay hay các thiết bị quân sự khác cấp cho Afghanistan rơi vào tay Taliban và được lực lượng này sử dụng.
"Rõ ràng là họ chiếm được hàng trăm chiếc Humvee, pháo, máy bay và các thiết bị khác", Bradley Bowman, cựu phi công trực thăng UH-60 từng tham chiến tại Afghanistan, cho biết. "Điều này sẽ gây ra nỗi khó chịu lớn cho Mỹ, không chỉ bởi chúng tôi tài trợ và cung cấp số khí tài này mà còn vì Taliban có thể hưởng lợi ra sao".
Bowman cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden coi ưu tiên lớn nhất là sơ tán công dân Mỹ khỏi Afghanistan an toàn, sau đó mới tính chuyện phá hủy các thiết bị còn lại tại quốc gia Trung Á, bao gồm số máy bay và trực thăng mà không quân nước này bỏ lại khi rút chạy.
"Nếu chúng tôi làm điều đó lúc này, Taliban có thể thay đổi quan điểm với các hoạt động sơ tán ở Kabul", Bowman nói. "Do đó phải đưa toàn bộ công dân Mỹ và các đối tác Afghanistan rời khỏi đó. Một khi đã hoàn tất, tại sao chúng ta không phá hủy mọi trực thăng và máy bay mà Taliban bắt được? Tôi nghĩ đó là điều chúng ta nên làm".
Không quân Afghanistan vận hành 23 cường kích A-29, 4 vận tải cơ C-130 và 33 chiếc Cassna 208 Caravan, một số được cấu hình phục vụ nhiệm vụ oanh tạc hạng nhẹ, văn phòng Tổng thanh tra Đặc biệt phụ trách Tái thiết Afghanistan cho biết. Ngoài ra, không quân Afghanistan vận hành khoảng 150 trực thăng gồm UH-60 và MD-530 do Mỹ sản xuất cùng Mi-17 của Nga.
Trong số này loại máy bay tiên tiến nhất là A-29, mẫu cường kích hạng nhẹ do Brazil sản xuất và được công ty quốc phòng Siera Nevada tích hợp các cảm biến và vũ khí do Mỹ sản xuất. A-29 được tối ưu hóa cho nhiệm vụ chống quân nổi dậy, khi đó máy bay cần bay chậm và thấp để không kích các mục tiêu dưới đất.
Các phi công tương đối thiếu kinh nghiệm vẫn có thể vận hành được A-29 và cường kích có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt. Đại tướng Mark Kelly, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ, cho biết các đặc điểm này khiến A-29 phù hợp với không quân Afghanistan song mẫu cường kích không sở hữu công nghệ có thể đe dọa Mỹ.
"Công nghệ của A-29 không phải loại tiên tiến", tướng Kelly nói. "Khi nhìn vào phạm vi, tốc độ, sức mạnh hệ thống máy tính và khả năng tải hàng, đó không phải là điều khiến chúng tôi lo ngại".
Chuyên gia Richard Aboulafia nhận định dù Taliban có thể tìm cách bán số máy bay Mỹ họ chiếm được, không một chiếc nào chứa các công nghệ bay nhạy cảm có thể mang lại lợi ích cho đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga.
"Nếu Nga và Trung Quốc muốn sở hữu một chiếc A-29 hay UH-60 đời đầu, điều này không quá khó. Chúng sở hữu công nghệ khá thấp", Aboulafia nói.
Taliban sẽ đối mặt với loạt trở ngại nếu tìm cách tự vận hành số máy bay cánh cố định và trực thăng còn lại để xây dựng một "lực lượng không quân".
Các thành viên Taliban không phải là phi công được đào tạo để vận hành máy bay an toàn, sử dụng cảm biến trên đó, nạp và sử dụng vũ khí. "Họ có thể cất cánh, nhưng sẽ mạo hiểm tính mạng của bản thân thay vì đe dọa những người dưới đất", Kelly nói.
Taliban có thể tìm được các phi công đủ khả năng vận hành máy bay, song "đó không phải mối đe dọa đáng kể" đối với khu vực, Kelly cho biết.
Trở ngại lớn hơn mà Taliban đối mặt là chi phí, chuyên môn và hậu cần liên quan đến bảo trì máy bay, một khoản tốn kém liên quan đến bảo dưỡng trước và sau khi bay, cùng việc mua phụ tùng thay thế.
Bowman nhận định đây không phải vấn đề không thể giải quyết. "Họ có thể tìm thấy các cựu phi công của không quân Afghanistan và buộc họ làm việc", Bowman nói. "Các cường quốc nước ngoài không cùng phe với Mỹ có thể giúp đỡ họ".
Chuyên gia Aboulafia lưu ý việc dùng máy bay không quân Afghanistan bỏ lại để tấn công dân nước này hoặc chống lại các quốc gia trong khu vực có thể làm suy yếu mục tiêu của Taliban là duy trì kiểm soát đất nước.
"Càng sử dụng nhiều thiết bị quân sự thông thường, họ càng tự biến mình thành mục tiêu", Aboulafia nói. "Nếu họ gây rắc rối, điều đó sẽ dẫn đến những gì họ làm trước vụ tấn công 11/9 là chứa chấp các nhóm khủng bố"
"Chưa có nhiều cuộc phản kháng có tổ chức ở Afghanistan. Taliban dường như không muốn xung đột với các quốc gia trong khu vực và sẽ lĩnh hậu quả nếu muốn làm vậy".
Máy bay của không quân Afghanistan xếp kín một góc sân bay Termez, Uzbekistan ngày 16/8. Ảnh: Planet Labs .
Các phi công Afghanistan mang theo một số máy bay khi rút chạy. Ba máy bay cánh cố định và hai trực thăng Afghanistan chở theo 143 binh sĩ nước này hạ cánh an toàn xuống Tajikistan hôm 15/8, sau khi được chính quyền sở tại cho phép.
Văn phòng Tổng công tố Uzbekistan xác nhận 24 trực thăng và 22 máy bay quân sự, chở theo 585 binh sĩ và phi công Afghanistan, tới nước này ngày 14-15/8. Tuy nhiên, văn phòng này ngày 16/8 hủy thông báo và không tiết lộ số máy bay Afghanistan đã hạ cánh xuống Uzbekistan.
Ba cường kích A-29 xin hạ cánh xuống Uzbekistan hôm 15/8 và được MiG-29 của không quân nước này hộ tống. Tuy nhiên, một chiếc A-29 và MiG-29 va vào nhau khi bay và rơi xuống đất, phi công trên hai máy bay đều bật dù tiếp đất an toàn.
Taliban tuyên bố không có thể chế dân chủ ở Afghanistan Taliban tuyên bố thể chế dân chủ không có nền tảng nào ở Afghanistan và đất nước có khả năng được điều hành bởi một hội đồng Taliban cầm quyền. "Sẽ không có thể chế dân chủ nào cả vì nó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về loại thể chế...