Hành trình sụp đổ của 6.487 quán Internet ở Trung Quốc, chỉ trong nửa đầu năm 2020
Kết hợp giữa sự thoái trào của xu hướng ngành và đại dịch Covid-19, chủ các quán cà phê Internet ở Trung Quốc giờ chỉ còn lựa chọn: Đóng cửa hoặc bán tháo tài sản, không dám tăng giá và cũng chẳng dám chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Trên tầng hai của tổ hợp Xingshuaiwan ở thành phố Hải Khẩu (thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc), bên ngoài một quán cà phê Internet, hơn chục chiếc ghế sofa bọc da màu vàng sáng đang được lần lượt đưa lên một chiếc xe tải lớn đỗ ở tầng dưới. Nhìn qua ô cửa kính có dòng chữ “Đóng cửa thanh lý”, mơ hồ có thể nhìn thấy gần trăm chiếc ghế sofa giống hệt nhau được đặt trong một căn phòng hơi hỗn độn và hiu quạnh.
Vào năm 2019, chủ quán cà phê Internet này, Trần Thụy Địch (bút danh) đã mua những chiếc ghế sofa này với giá 570 nhân dân tệ (khoảng gần 2 triệu đồng). Nhưng giờ anh chỉ có thể đưa chúng lên sàn giao dịch đồ cũ với giá 50 nhân dân tệ (khoảng 170.000 đồng), với hy vọng “bán hết càng sớm càng tốt”.
Tình huống của Trần Thụy Địch không phải là duy nhất.
Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2020, có tổng cộng 6.487 công ty và cửa hàng kinh doanh quán cà phê Internet trên toàn Trung Quốc đã bị phá sản hoặc đóng cửa. Khi nhiều ngành công nghiệp Internet đang mở ra những cơ hội mới trong thời kỳ đại dịch, lĩnh vực kinh doanh quán game, vốn sinh ra từ Internet, lại bước vào một đêm dài.
Nỗi buồn đóng cửa: Cấu hình cao cấp bỗng chốc hóa thành đống “đồng nát sắt vụn”
Vào cuối tháng 2/2020, khi Trần Thụy Địch đóng cửa quán Internet để về nghỉ Tết, anh nghĩ đó chỉ là một lời tạm biệt ngắn ngủi. Quán game của anh vừa được dọn dẹp lại trông sạch sẽ, gọn gàng. Chính tay anh đã dán đôi câu đối Tết lên hai bên cửa kính cẩn thận và đẹp không tì vết, cùng một lời nhắc ấm áp với dòng chữ đen trên nền trắng ở phía trên chiếc khóa cửa, rằng: “Hẹn gặp lại mọi người sau một năm mới. Ai không tới là đồ cà chớn đấy.”
Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bỗng chốc trở nên trầm trọng hơn, cuộc chia tay này cuối cùng sẽ trở thành một cuộc chia ly.
5 tháng sau, Trần Thụy Địch, người giờ đang choáng ngợp bởi tiền thuê nhà, tiền vay và tiền lương của nhân viên, nhận ra rằng “các quán cà phê Internet không thể thoát khỏi kết cục phá sản”.
Năm 2019, Thụy Địch vừa tốt nghiệp đại học và rất yêu thích thể thao điện tử, đã quyết định khởi nghiệp bằng cách trở về quê hương để mở một quán cà phê Internet cao cấp.
“Khoản vay 2 triệu nhân dân tệ, trong đó chi phí trang trí chiếm 850.000 nhân dân tệ, còn lại là để tập trung xây dựng cấu hình thiết bị, môi trường và dịch vụ tốt nhất”, Thụy Địch nhớ lại ngày đó, khi anh còn rất hy vọng vào quán cà phê Internet này. Anh tham gia vào mọi công đoạn chuẩn bị, từ việc lựa chọn địa điểm đến trang trí, thậm chí là mua sắm trang thiết bị bàn ghế và máy tính sau đó.
“Ngoài ghế sofa da, hàng trăm màn hình máy tính cao cấp và bàn phím cơ là cần thiết để chơi game”, anh chia sẻ.
Thời gian đầu khai trương, các quán Internet chất lượng cao đã thu hút được rất nhiều khách. Sau gần một năm hoạt động, lượng khách cũ của quán cũng đã được vun đắp, Thụy Địch cũng thành công xây dựng một nhóm trên WeChat dành cho những khách hàng cũ và thường xuyên thực hiện một số hoạt động nho nhỏ.
Theo kế hoạch của anh thì: “Năm 2020, chúng tôi dự định mở thêm một chi nhánh mới”.
Video đang HOT
Bên trong quán cà phê Internet của Trần Thụy Địch.
Sự thật diễn ra hoàn toàn trái ngược. Đại dịch đã phá vỡ mọi kế hoạch của Thụy Địch và đẩy anh cùng quán cà phê Internet của mình đến bờ vực phá sản.
“Vì dịch bệnh, các quán cà phê Internet đã phải đóng cửa gần nửa năm, nhưng nhân công và tiền thuê nhà rất nhiều. Sau khi kinh doanh mở trở lại, mỗi ngày có nhiều nhất là 30 hoặc 40 người đến, nhiều máy tính để không tích bụi”, anh tâm sự. Và giờ, Thụy Địch chỉ có thể bán tất cả thiết bị với giá rẻ và cho thuê lại quán cà phê Internet để thu hồi phần nào vốn bỏ ra. “Mặc dù chắc chắn sẽ lỗ, nhưng ít nhất số tiền thuê còn nợ cũng có thể bù đắp được.”
Nhưng kết quả của việc thanh lý là một chiếc ghế sofa trị giá gần 600 tệ giờ chỉ còn trị giá 50 tệ, một chiếc máy tính cấu hình lõi tứ Intel i5-4460 chỉ trị giá còn 800 tệ. “Cấu hình cao từng được lựa chọn kỹ càng trước đây giờ không khác gì đồng nát”, anh nói với giọng điệu bất lực.
Ở góc tây nam của thành phố, Trần Thiền (bút danh), người điều hành 4 quán cà phê Internet với bạn bè, cũng đang lo lắng. Anh nói rằng hai trong số các quán cà phê Internet mà mình đang điều hành ở gần trường đại học vẫn đang thua lỗ. Chi phí thuê đã vượt quá 300.000 nhân dân tệ một năm.”
“Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, chúng tôi mất tổng cộng khoảng 500.000 nhân dân tệ, đặc biệt việc trường đại học bị đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi. Để giảm bớt áp lực, chúng tôi phải bán lại máy tính và ghế sofa ở một số cửa hàng, ít nhất cũng phải bù lại tiền”, anh cho biết. “ Mất tiền để duy trì các quán cà phê Internet còn lại, hoặc quay vòng vốn để kinh doanh mặt hàng khác”.
Sau khi bàn bạc với bạn bè, Trương Thiền quyết định bán 148 máy tính. Đây là những máy tính còn gần như mới tinh, vừa mua được 6 tháng. Với chế độ bảo hành ba tháng và một năm, không quá tệ khi một chiếc vẫn có thể bán với giá từ 1.000 đến 2.000 tệ. Suy cho cùng thì điều đó vẫn tốt hơn việc đặt chúng ngủ yên ở trong cửa hàng.
Trên các nền tảng mua bán trực tuyến đồ linh kiện điện tử ở Trung Quốc hiện nay, khi tìm kiếm các từ khóa như “đóng cửa quán cà phê Internet”, ” bán máy tính đã qua sử dụng” hoặc “bán lại quán game”, bạn sẽ nhận thấy rằng chúng xuất hiện rất nhiều trong thời gian gần đây. Hầu hết người bán là chủ các quán cà phê Internet đã đóng cửa và hầu hết hàng hóa được bán lại cho thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thanh lý cửa hàng.
Việc thanh lý quán game đang diễn ra rầm rộ ở Trung Quốc.
Dữ liệu trực quan hơn cũng cho thấy phần nào sự lúng túng của ngành công nghiệp này. Trong nửa đầu năm 2020, có tổng cộng 1.557 đơn vị kinh doanh quán cà phê Internet trên toàn Trung Quốc đã đăng ký mới, và 6.487 đơn vị đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ giấy phép kinh doanh trong cùng thời gian. Trong số đó, tháng Hai là tháng có số lượng đăng ký mới ít nhất với 43 đơn vị trên toàn quốc. Nói cách khác, trong nửa đầu năm nay, đã có 4.930 đơn vị liên quan đến quán cà phê Internet là “giảm ròng” và toàn ngành cho thấy một xu hướng tăng trưởng âm đáng kể.
Khó tồn tại: Giá thấp thì lỗ, giá cao thì không có khách
“Gần chục quán cà phê Internet trong quận đã đóng cửa và chỉ có một quán đang mở cửa trở lại”, Lý Chương Kỳ (bút danh), người thích đến các quán cà phê Internet để chơi game chia sẻ. Anh gần đây đã phát hiện ra rằng mặc dù số tiền trong thẻ thành viên vẫn chưa được sử dụng hết, một số quán cà phê Internet mà anh thường lui tới đã lần lượt đóng cửa và chỉ còn một quán sống sót.
“Không có nhiều người đến đó mỗi ngày, và gần hai phần ba số ghế trống”, game thủ này chia sẻ.
Thực tế cho thấy, ngay tại khu vực thành thị, những quán Internet sống sót qua mùa đông lạnh giá của Covid-19 vẫn ế ẩm.
“Dịch bệnh hiện nay vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nhiều thành phố quản lý chặt chẽ các quán Internet. Một số thành phố yêu cầu tỷ lệ khách đến quán Internet tối đa chỉ được 50% và chỉ được ngồi ghế riêng. Chỉ cần vượt quá một người cũng phải chuẩn bị tâm lý bị đóng cửa”, chủ một quán cà phê Internet ở Thượng Hải tâm sự.
Sau khi được phép hoạt động trở lại vào cuối tháng Bảy, chi phí khử trùng và phòng chống dịch bệnh ở các quán cà phê Internet cũng đã tăng lên rất nhiều. Ngoài chi phí nước khử trùng, găng tay và khẩu trang, khối lượng các công việc lặt vặt cũng tăng lên. Các quán game phải có nhân viên đo nhiệt độ và đăng ký mã số sức khỏe, nếu để lỡ có người bệnh vào thì quán có nguy cơ bị phong tỏa ngay lập tức.
Và trong khi khối lượng công việc của các nhân viên quản lý đã tăng lên, nhưng lương lại bị hạ xuống.
“Cũng không có cách nào. Tôi cần phải khử trùng và thông gió cho các quán Internet mỗi ngày. Từ bàn ghế đến tai nghe và bàn phím, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều”, quản lý Trần Thiền, người làm việc tại các quán Internet từ năm 2018 ở trên, cho biết. “Nhiều khách hàng cũ trong thời gian có dịch thường nhắn hỏi tôi trên WeChat là bao giờ quán Internet mở cửa. Nên dù khó khăn nhưng tôi cũng không muốn từ chức.”
Và để duy trì hoạt động của quán cà phê Internet với chi phí cao, tiền lương của anh đã tạm thời bị giảm 1.000 nhân dân tệ. “Điều này là dễ hiểu. Dù sao thì cho dù bạn nghỉ việc thì tìm công việc khác cũng không dễ, và mức lương chắc chắn là thấp”, viên quản lý này tâm sự.
Quán cà phê Internet nơi quản lý Trần làm việc đã chọn cách cắt giảm chi tiêu, trong khi một số quán khác thì cố gắng “tăng giá” để bù lỗ và duy trì hoạt động.
Game thủ Lý Chương Kỳ cũng chia sẻ: “Bởi vì chỉ có một quán cà phê Internet trong quận còn mở cửa, giá sử dụng Internet đã tăng từ 6 nhân dân tệ một giờ trước đó lên 8 nhân dân tệ. Mặc dù mức tăng có vẻ không lớn nhưng trên thực tế, tôi thường đến các quán cà phê Internet để chơi game trực tuyến. Chỉ là một buổi chiều chơi, số tiền tiêu đi là khá nhiều.”
Một quán cà phê Internet còn hoạt động sau đại dịch, mà Bảo Thạch hay lui tới.
Tại khu vực Tây Nam của thành phố, Bảo Thạch (bút danh), một khách thường xuyên của các quán cà phê Internet, cũng nhận thấy rằng một số quán Internet mà anh hay ghé qua đã tăng giá ít nhiều, với mức tăng khoảng 1-3 nhân dân tệ. Còn các quán Internet cao cấp hơn có phòng riêng thì phí sử dụng Internet có thể cao tới 25 nhân dân tệ mỗi giờ. Sau khi trò chuyện với một người quản lý quen thuộc, anh biết được rằng các quán Internet đang thua lỗ quá nhiều và không thể tồn tại nếu không tăng giá.
“Nếu kinh doanh trở lại mà vẫn dùng giá như trước, quả thực là ngày càng thua lỗ, bởi dù sao đã đầu tư quá nhiều trong giai đoạn đầu, việc thu hồi vốn đã không dễ dàng, huống chi dịch bệnh đã khiến quán phải đóng cửa lâu như vậy”, quản lý Trần chia sẻ. “Nhưng ảnh hưởng của việc tăng giá là không tốt, vì thực tế, các quán cà phê Internet không phải là nhu cầu thiết yếu. Vì vậy ngay khi giá tăng, khách hàng sẽ đi mất. Kết quả là, thu nhập sẽ không tăng.”
“Nếu giá thấp, chắc chắn bạn sẽ lỗ, nếu tăng giá một chút thì sẽ không có khách”, sau khi trao đổi với các đồng nghiệp cùng kinh doanh của mình, chủ quán game Thụy Địch cũng nhận thấy cuộc sống của mọi người đều không hề dễ dàng. “Đặc biệt là các quán Internet mở gần trường đại học, giá cả rất nhạy cảm. Chưa kể xung quanh trường đại học có rất nhiều quán Internet, muốn tăng giá thì phải bàn bạc với nhau, nếu tự mình tăng giá thì không chỉ mất lượng khách truy cập mà còn bị đồng nghiệp mắng chửi, thậm chí tố cáo kinh doanh phá giá.”
Thời kỳ hỗn loạn đã đến
Trên thực tế, ngay cả khi không có dịch bệnh, ngành công nghiệp kinh doanh quán cà phê Internet cũng đang suy thoái, và dịch bệnh không làm gì khác ngoài việc đẩy nhanh quá trình này.
Số liệu cho thấy từ năm 2015 đến nay, số lượng đăng ký các quán Internet ở Trung Quốc đã giảm 4 năm liên tiếp. Mức đăng ký mới trong năm 2019 là mức thấp nhất trong 10 năm qua, đồng thời số lượng hủy gấp 3,3 lần đăng ký mới.
Mặt khác, sự tiện lợi của các trò chơi di động đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường game trên PC, chưa kể khoảng cách về nguồn cung cấp nội dung trò chơi cũng ngày càng tăng. Điều này cũng đã được công nhận bởi cả các game thủ như Bảo Thạch và quản lý Trần: “Hầu hết các trò chơi phổ biến nhất trong các quán cà phê Internet vẫn là các trò chơi cũ, và có rất ít trò chơi mới”.
Cụ thể, ở Trung Quốc, theo báo cáo năm 2018, ba game trực tuyến hàng đầu là League of Legends, CrossFire và Dungeon and Warriors, tất cả đều là trò chơi đã phát hành hơn 10 năm. Trong khi đó, kể từ tháng 11/2015, một tựa game mang tên Heroes of War do Tencent Game và Tianmei Studio Group phát triển trên nền tảng Android và IOS, sau đó được đổi tên thành Glory of the King đã trở thành “sát thủ” của các quán Internet.
Ngoài ra, ngành kinh doanh quán cà phê Internet khác với các ngành khác, bị cản trở tiếp cận với thị trường vốn. Hầu hết chúng đều do các cá nhân và công ty nhỏ phát triển, không có sự đầu tư của các tập đoàn hay quỹ đầu tư lớn.
Một trong những nguyên nhân của việc này là do đối tượng hoạt động quá phân tán, chưa hình thành các chuỗi lớn. Tính đến năm 2018, số lượng chuỗi quán Internet ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 20%. Trong hoàn cảnh đó, các quán game phải tìm kiếm một con đường chuyển đổi.
Một số bắt đầu tích hợp dịch vụ ăn uống, nhưng kết quả không quá khả quan. Một số tìm cách chuyển đổi thành quán cà phê Internet cho game di động, thành tổ hợp thể thao điện tử hay quán cà phê Internet dành cho game thủ nữ. Ở một số nơi còn chuyển đổi thành các địa điểm chơi game di động ngoại tuyến dạng mở.
Một quán game theo phong cách tổ hợp thể thao điện tử.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc chuyển đổi thường không tốt.
“Rốt cuộc, những mô hình này vẫn yêu cầu nạp tiền trả phí Internet, và nhu cầu của người dùng theo kiểu mới thường không cao, hầu hết đều là nhu cầu ngắn hạn, thậm chí còn ít hơn nhu cầu chơi game trên PC như trước”, một người trong ngành chỉ ra. “Bên cạnh đó chi phí của những mô hình kinh doanh kiểu mới này đều cao hơn. Không dễ để khách hàng móc ví trả tiền.”
Hoàng Phong, người sáng lập chuỗi cơ sở Netfish Internet Cafe, cũng đích thân thừa nhận rằng hoạt động trải nghiệm khám phá vẫn chưa đạt đến trạng thái lý tưởng và ông tin rằng khái niệm một quán cà phê Internet cho trò chơi di động, bao gồm cả quán hỗ trợ công nghệ VR và hội trường thể thao điện tử, sẽ không thể phát triển thành một hình thức thương mại thực sự. Sự thật cũng chứng mình rằng kể từ khi thí điểm, 5 hoặc 6 mô hình chuỗi quán game di động đã bị xóa sổ.
Rõ ràng, hơn 20 năm sau sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Trung Quốc, một trận dịch bệnh đã đẩy ngành công nghiệp kinh doanh quán cà phê Internet sang một trang sử mới, đầy tăm tối.
Samsung chi gần 9 tỉ USD cho R&D nửa đầu năm 2020
Samsung vừa thông báo chi tiêu cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của họ đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm nay, lên đến 10.580 tỉ won (8,9 tỉ USD).
Samsung tiếp tục chi mạnh cho hoạt động R&D
Theo SamMobile, đầu tư R&D của Samsung tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới. Chi tiêu này cao hơn 500 tỉ won so với nửa đầu năm 2019, chiếm 9,8% doanh thu của hãng trong 6 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo, công ty đã thuê 1.400 nhân viên mới và tổng số nhân viên của công ty tại Hàn Quốc đạt 106.074 người.
Năm khách hàng hàng đầu của Samsung trong nửa đầu năm 2020 là Apple, Deutsche Telekom, Tektronix Hong Kong, Huawei và Verizon. Công ty chiếm 32,4% thị phần trong phân khúc TV và 16,3% thị phần trong phân khúc smartphone. Thị phần của hãng trong thị trường chip DRAM và màn hình smartphone lần lượt là 43,8% và 41,3%.
Samsung cũng đã chi 8,4 tỉ USD trong nửa đầu năm ngoái và con số cho cả năm là 16,5 tỉ USD. Được biết, công ty Hàn Quốc là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới về chi tiêu cho R&D.
7 kỉ lục Apple thiết lập được vào đầu năm 2020 bất chấp COVID-19 Quý I năm 2020 là một kì kinh doanh có nhiều khó khăn của Apple trước tác động của đại dịch COVID-19. Dù vậy, Apple vẫn kịp ghi được một số kỉ lục mới. Lượng người dùng thiết bị hoạt động cao kỉ lục: Giám đốc tài chính Apple Luca Maestri nói trong buổi công bố kết quả kinh doanh gần đây của...