Hành trình ‘5 sao’ của người di cư Syria khá giả
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng ngay cả ngón chân con mình cũng không bị ướt”, mẹ Tareq nói khi chi hàng nghìn USD cho con trai di cư đến Thụy Điển với lộ trình an toàn và thoải mái hơn rất nhiều người Syria khác.
Người di cư xuống tàu tại Munich, Đức. Ảnh: Reuters
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giàu có không phải là điểm trung chuyển mà nhiều người tị nạn Syria chạy trốn chiến tranh chọn. Tuy nhiên, đây chính là nơi Tareq bắt đầu hành trình “5 sao” tới Thụy Điển.
Được giúp đỡ bởi những kẻ buôn người, với mạng lưới chân rết khắp Trung Đông và châu Âu, chàng thanh niên Tareq, 26 tuổi, hoàn tất hành trình từ Dubai tới Thụy Điển chỉ trong vòng 3 tuần một cách khá thoải mái.
Thông thường, người di cư phải trả khoảng 700 EUR (780 USD) để vượt biển vào châu Âu. Với mức phí đó, họ bị nhồi nhét trên những con thuyền nhỏ chật ních người, khó có thể chịu đựng được sóng gió.
Nhưng năm ngoái, gia đình Tareq quyết định chi 3.000 EUR (3.350 USD) để mua “gói” di cư cho cậu con trai. Ngoài ra, với điều kiện của một gia đình trung lưu tại Damascus, họ còn chi thêm hàng nghìn EUR nữa để lo liệu các chi phí khác như làm giả hồ sơ lý lịch cho con đến Thụy Điển, nơi đang cấp quy chế cư dân tự động cho người tị nạn Syria.
Video đang HOT
Dù mức giá đắt đỏ, Tareq đã đến nơi an toàn, không giống như hơn 2.500 người khác thiệt mạng từ đầu năm đến nay, sau khi cố gắng vượt biển từ Bắc Phi vào Italy, hoặc di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các đảo của Hy Lạp.
Cuộc sống bấp bênh
Khu vực trung tâm Damascus đến nay vẫn tương đối an toàn trước các cuộc giao tranh tại Syria, nhưng thanh niên trẻ như Tareq luôn có nguy cơ bị gọi nhập ngũ. Ngay cả khi không phải chiến đấu, cơ hội việc làm tại đây rất ít ỏi.
“Tôi nhận thấy mình phải chọn lựa giữa việc sống nhờ vào chu cấp của gia đình, hoặc chấp nhận mạo hiểm với hy vọng một khi vượt được biển, sẽ có cơ hội tạo lập cuộc sống tốt hơn”, Tareq chia sẻ từ thị trấn Boliden của Thụy Điển.
Suốt 18 tháng, với tấm bằng đại học ngành marketing, Tareq không ngừng lùng sục trên các trang web tuyển dụng, và tham gia vô số các cuộc phỏng vấn mà không thành công. Sau đó anh tới UAE theo diện visa doanh nhân năm 2012, khi xung đột tại Syria mới bùng phát, để làm cho một công ty của họ hàng.
Tareq là một trong số hàng nghìn người đã tới ở cùng các thành viên gia đình và bạn bè là công dân tại UAE khi chiến sự nổ ra ở Syria. Doanh nghiệp Tareq vào làm sau đó phải đóng cửa, và nỗ lực tìm việc của Tareq tại Lebanon và Algeria đều thất bại. Vì vậy, anh có ý định đến châu Âu.
Một ngày vào năm ngoái, anh gói gém đồ đạc, điện thoại di động và laptop, cùng nhiều đồng hương khác lên đường với hy vọng tìm được nơi cư trú tại châu Âu.
Theo số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính từ đầu năm đến nay, số người tị nạn và di cư từ Trung Đông, châu Á và châu Phi tới châu Âu đã vượt 300.000 người, tăng mạnh so với mức 219.000 người của cả năm 2014.
Hành trình ‘5 sao’
Tuy nhiên, ít người có thể thực hiện một chuyến đi như của Tareq. Sau khi không thể khuyên can con, gia đình Tareq quyết định sẽ chi trả toàn bộ chi phí đi lại tới Thụy Điển, nơi được xem như miền đất hứa của người di cư.
“Chúng tôi tìm hiểu và biết được rằng nếu chấp nhận bỏ thêm chút tiền, bạn sẽ có một chuyến đi hạng 5 sao”, mẹ của Tareq, bà Rema chia sẻ. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng ngay cả ngón chân con mình cũng không bị ướt”.
Chuyến đi của Tareq bắt đầu với chuyến bay từ Dubai tới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người Syria có thể đến sau một vài thủ tục khá nhiêu khê. Tại Istanbul, những đồng hương khác giúp Tareq bắt liên lạc với nhóm buôn người.
Sau một tuần lưu lại trong khách sạn, Tareq bay tới thành phố Izmir, nơi anh lên một con tàu nhỏ nhưng tiện nghi, hướng về đảo Rhodes của Hy Lạp.
Hầu hết những người di cư khác cũng đi theo tuyến đường này, nhưng trên những chiếc xuồng cao su mong manh và dễ lật. Thuyền của Tareq chắc chắn hơn và chỉ chở theo vài người. Mối lo sợ chính của Tareq lúc đó là bị tuần duyên Hy Lạp chặn lại.
“May mắn thay, chuyện đó không xảy ra, và chỉ trong vòng vài giờ, chúng tôi đã đến gần bờ biển đảo Rhodes. Thuyền trưởng đưa chúng tôi xuống một xuồng cao su trước khi thả chúng tôi vào bờ”, Tareq chia sẻ.
Theo chỉ dẫn của những kẻ buôn người, Tareq sau đó bắt taxi tới đồn cảnh sát gần nhất để khai báo là người tị nạn. Tại đây, anh bị giữ lại và được đưa tới chỗ tạm trú trong hai đêm, trước khi được trả tự do với điều kiện không được rời khỏi đảo.
Bất chấp điều đó, Tareq vẫn liên hệ với những kẻ buôn người đã thu xếp sẵn chuyến đi tiếp theo tới thủ đô Athens.
Với 4.000 EUR (4.470 USD), Tareq có được một cuốn hộ chiếu Pháp giả cùng một chứng minh nhân dân Slovakia giả để lên máy bay tới Pháp.
Một khi đã tới được Pháp, hành trình của Tareq tới Thụy Điển hoàn toàn thuận lợi, do các nước thuộc khu vực Schengen của châu Âu không kiểm soát biên giới thường kỳ.
Thụy Điển lâu nay vẫn có truyền thống chào đón người tị nạn. Các thủ tục giấy tờ tại đây rất đơn giản và những người mới đến sẽ được kiểm tra y tế trước khi được chuyển tới những ngôi nhà tạm. Tareq là một trong số 81.000 người tới xin tị nạn tại quốc gia này trong năm ngoái, cao thứ hai tại châu Âu, chỉ sau Đức. Hầu hết người xin tị nạn đều đến từ Syria.
Sau một đêm nghỉ ngơi trong ngôi nhà mới tại thị trấn Boliden, Tareq nộp đơn xin thường trú. “Trong vài năm nữa, tôi sẽ có thể quay lại Trung Đông với hộ chiếu Thụy Điển”, Tareq nói.
Hoàng Nguyên
Theo Reuters