Hạnh phúc từ những điều bình dị
Với quan niệm, lớp học hạnh phúc đến từ những điều bình dị và nhỏ bé, cô Phạm Thúy Nhung – giáo viên Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) luôn chủ động thay đổi để tạo dựng mối quan hệ yêu thương, thấu hiểu giữa cô với trò và trò với cô, trò với trò.
Cô Nhung (hàng 1, ngồi giữa) luôn thân thiện với học trò và mang đến nhiều niềm vui cho lớp học. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyên tắc xây dựng lớp học hạnh phúc
Theo cô Nhung, mọi thành công của cô hay trò trong dạy – học chính là kết quả của sự tương tác. Vậy nên, lớp học hạnh phúc là nơi có tình yêu thương, cô yêu quý, quan tâm, lo lắng, dạy dỗ và luôn đồng hành cùng học trò. Ngược lại, học trò được nuôi dưỡng, cố gắng phấn đấu trong học tập và biết yêu thương, đoàn kết với nhau. “Lớp học hạnh phúc không chỉ là nơi các em đến để học tập, mà còn là nơi để chia sẻ yêu thương và không nỡ rời xa” – cô Nhung bộc bạch.
Nói về kinh nghiệm xây dựng lớp học hạnh phúc, cô Nhung cho rằng, nó giống như chúng ta xây dựng và giữ gìn hạnh phúc trong gia đình. Thứ nhất, tôn trọng học sinh, giao nhiệm vụ cho các em, mỗi người nhận nhiệm vụ khác nhau trong các hoạt động học tập. Điều đó khiến các em thấy mình được cô giáo tin tưởng và mong muốn thực hiện nhiệm vụ của mình tốt nhất có thể. Thứ hai, lắng nghe một cách chân thành nhất những chia sẻ của học sinh và cùng “gỡ rối” khi các em gặp khúc mắc trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Thứ ba, cùng xây dựng những quy định chung và có kế hoạch cụ thể hướng dẫn học sinh thực hiện. Thứ tư, thường xuyên tổ chức các buổi học kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh trao đổi theo chủ đề, từ đó lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của các em. Thứ năm, tìm hiểu gia cảnh của học sinh. Hỗ trợ, động viên, định hướng học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn và có chút khác biệt về tính cách.
Thứ sáu, sẵn sàng giúp đỡ khi học sinh gặp khó khăn, thậm chí đến nhà các em chơi và thăm hỏi, động viên để các em vượt lên hoàn cảnh. Thứ bảy, tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, phát triển kỹ năng sống. “Khi nhà trường chưa có điều kiện để tổ chức trong toàn trường, tôi tổ chức cho học sinh gói bánh chưng Tết tại nhà mình. Qua đó, giúp các em được trải nghiệm và hiểu hơn về truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc. Sản phẩm của các em sẽ được tặng lại cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp” – cô Nhung dẫn giải.
Kỷ niệm khó quên
Nhớ về kỷ niệm khi làm chủ nhiệm lớp 8B năm học 2017 – 2018, cô Nhung kể lại, năm đó, là giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy môn Văn của lớp, khi tiếp nhận lớp học, không ít đồng nghiệp cảnh báo đó là lớp có nhiều trò học yếu và nghịch.
“Không lo lắng hay chán nản, tôi bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu một số phương pháp để giúp học sinh hứng thú trong học tập. Tôi tổ chức cho các em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, đồng thời thu hút trò bằng các hoạt động ngoại khóa. Tôi đến sớm trước giờ truy bài để cùng ôn bài và nhắc nhở các em…
Video đang HOT
Cô Phạm Thúy Nhung
Một thời gian sau, lớp tôi chủ nhiệm có tiến bộ rõ rệt cả về nề nếp và chất lượng học tập” – cô Nhung chia vui đồng thời cho biết: Trong lớp, tôi ấn tượng với học sinh tên Quân. Học lực khá nhưng thân hình nhỏ như học sinh lớp 4, em hay ngượng, xấu hổ và thiếu tự tin trước tập thể. Không thể đi xe đạp dành cho người lớn nên em chọn đi bộ hoặc nhờ mẹ đưa đến gần trường rồi tự vào lớp. “Biết Quân có chút mặc cảm về bản thân, tôi luôn gần gũi, chuyện trò để động viên em.
Ngoài chức tổ trưởng, tôi hướng dẫn em cách thuyết trình trước lớp, khuyến khích em thực hiện sở thích của mình là nhảy hiphop… với mong muốn giúp em hiểu thầy cô, bạn bè và bố mẹ luôn yêu thương, đồng hành cùng em trên mọi nẻo đường. Dần dần, Quân lấy được tự tin. Em có thể trình diễn những điệu nhảy hiphop trước toàn trường. Khi bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tôi đã chở em đi thi. Kết quả, Quân trúng tuyển vào ngôi trường em hằng yêu thích – Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội)” – cô Nhung chia sẻ.
Trong quá trình dạy học, cô Nhung cũng luôn chủ động đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. “Tôi thích tính hiện đại, yêu thích công nghệ thông tin nên chú trọng đến phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm. Riêng môn Văn, tôi thường kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại trong mỗi giờ lên lớp.
Để tạo hứng thú học tập cho học sinh về bộ môn Văn – Sử, tôi thực hiện các hoạt động dạy học linh hoạt theo đặc trưng phân môn như: Dành 5 – 7 phút để khởi động trước khi nhập môn; kết hợp với việc cho học sinh chia sẻ về mình, kể một số câu chuyện vui để tiết học nhẹ nhàng, vui vẻ” – cô Nhung trao đổi.
Tôi chú trọng xây dựng các tình huống có trong thực tiễn để học sinh cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, giữa các phần trong một tiết học, tôi thường chuyển ý một cách mềm mại, linh hoạt, có thể là một tình huống hài hước, một câu thơ hoặc một vài câu nói vui… Qua đó tạo cảm giác thoải mái và giúp học sinh hứng khởi hơn trong các phần học tiếp theo. – Cô Phạm Thúy Nhung
Minh Phong
Theo GDTĐ
Lan tỏa cảm xúc tích cực
"Nếu được hỏi chỉ chọn cho con mình thành công hoặc hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho học sinh cảm giác hạnh phúc", đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa - Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Hiền cùng học sinh Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh nhân vật cung cấp
Hiểu nhau để gần nhau hơn...
Cô Hiền tâm sự: Trong bốn năm trở lại đây, cô liên tục được nhận lớp 12 để làm chủ nhiệm. Những lớp cô được nhận là lớp chọn của nhà trường, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cô không gặp phải khó khăn...
Học sinh của lớp tự nhiên, phần lớn thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng không kém phần cá tính, cứng đầu. Cô cũng nhận khá nhiều lời cảnh báo của đồng nghiệp khi chuẩn bị đón lớp: "Chị ơi, năm ngoái chủ nhiệm lớp này em thấy rất căng thẳng, mệt mỏi. Năm nay, em nhẹ hẳn người vì không chủ nhiệm lớp ấy nữa", "Em ơi, lớp ấy có bạn học sinh đặc biệt đấy...".
Tiết học đầu tiên, cô Hiền không ôn tập kiến thức mà dành trọn thời gian để làm quen với các em. Cô phát cho mỗi em 1 tờ phiếu với nội dung: Con hiểu gì về bạn bên cạnh? Và con biết gì về cô? Trong đó có những thông tin gợi ý (các bạn sẽ lên bốc thăm, vào tên của bạn nào thì cung cấp thông tin về bạn đó, việc bốc thăm vào tên của bạn nào phải được bí mật)...Vậy là ngay sau tiết học đó, cô Hiền có lượng thông tin khá lớn về HS của lớp mình chủ nhiệm.
Cô đặc biệt quan tâm đến những học sinh cứng đầu, những học sinh có tính cách đặc biệt. Cô tìm hiểu về các em nhiều hơn những bạn khác, qua bạn bè cùng lớp, qua giáo viên đã dạy các em và qua chính những lần cô trò ngồi nói chuyện trực tiếp ....
Điều cô nhận ra rằng, tất cả đều có lý do, có em thì xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, từ việc thay đổi môi trường, điều kiện sống, có em xuất phát từ những mối quan hệ bạn bè... và quan trọng đằng sau sự cứng đầu khó bảo kia, đằng sau ánh mắt bất cần kia là những trái tim ấm để cảm nhận tình yêu thương từ những người xung quanh..
Giúp học trò thay đổi
Theo cô Hiền, mâu thuẫn lớn trong hành trình đi tìm "Tiết học hạnh phúc", "Lớp học hạnh phúc" có lẽ là: Nếu nhân nhượng sẽ bị lấn tới, nếu dễ dãi, học sinh vui thích và quý thầy cô đấy nhưng sẽ không "nể sợ" và buông luôn trách nhiệm học tập.
Hơn 10 năm làm giáo viên chủ nhiệm, bản thân cô không ít lần gặp những "ca" khó của học sinh. Phạt học sinh thì dễ, nhưng làm thế nào để giúp học sinh đó thay đổi mới khó.
Cô Hiền kể lại câu chuyện xảy ra cũng chưa lâu, liên quan đến học sinh N.V.L. của lớp 12A1 do cô làm chủ nhiệm. "Trong một giờ kiểm tra, do không thuộc bài, L. cầm bài kiểm tra vò lại và vứt xuống ngay trước mặt tôi và miệng lẩm bẩm gì đó. Vẻ mặt của em tỏ rõ sự tức giận, khó chịu.
Trước hành động đó, tôi rất sốc. Ánh mắt tôi dừng lại nơi em, thái độ không đồng ý. Trong lòng vô cùng tức giận nhưng tôi cố gắng kiềm chế vì lúc đó em L. cũng đang rất tức giận, thiếu sự kiềm chế bản thân. Tôi không trách mắng và tiếp tục kiểm tra đến hết tiết học".
Buổi chiều hôm đó, cô Hiền chia sẻ lên trang Facebook của lớp bài viết "Những mẩu chuyện nhỏ về sự kiềm chế khiến bạn phải giật mình". Cô yêu cầu tất cả các thành viên của lớp 12A1 nên đọc. Cả tập thể lớp 12A1 cũng như em N.V.L. đều biết vì sao. Tối hôm đó, em L. đã nhắn tin xin lỗi cô giáo... Hiện tại, N.V.L. trở thành sinh viên ưu tú của Học viện Ngân hàng, và em không ngừng khoe với cô những kết quả mà em đã đạt được.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền
Sai sót của học trò giống như "làm bài trắc nghiệm"
Cô Hiền tâm sự: "Nếu được hỏi chỉ chọn cho con mình thành công hoặc hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho học sinh cảm giác hạnh phúc. Nhưng thực tế, đó là điều rất khó khăn nếu như bản thân mỗi thầy, cô giáo khi đến trường cũng đều mang theo bao nỗi niềm, sự mệt mỏi, lo âu chán nản...".
Theo cô Hiền, chúng ta cần có cái nhìn bao quát lớp, tìm hiểu hoàn cảnh học trò, có hành vi nhân ái, thương yêu, sẻ chia và phải cho học sinh cảm nhận được sự yêu thương của thầy cô. Với cô, sai sót của học trò giống như "làm bài trắc nghiệm", tô bằng bút chì, sai thì sửa.
"Bản thân người thầy phải tự rèn mình, rèn tâm tính mình để làm sao có thể lan tỏa đến học sinh một trạng thái bình an. Lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất. GV chủ nhiệm vui vẻ, hòa đồng, tạo tâm lý thoải mái, tin cậy, dân chủ; thái độ vui vẻ của GV sẽ lan tỏa đến học sinh tâm lý "lớp mình sẽ có môi trường hạnh phúc"", cô Hiền chia sẻ.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Thay đổi để tạo môi trường hạnh phúc Để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc, trước tiên giáo viên phải là những người hạnh phúc, sau đó tạo ra hạnh phúc cho học trò, để tạo ra vòng tròn lan tỏa theo "vết dầu loang". Ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc, xã hội sẽ hạnh phúc. Cô Lê Thị Thanh Nga và học sinh...