Hàng trăm đặc sản vùng cao Lâm Đồng đổ về siêu thị Nhật ở TP HCM
Tại sảnh SC04 trung tâm thương mại Aeon Tân Phú (TP HCM), rất đông khách đã ghé lại khu trưng bày nông sản, đặc sản và sản phẩm chế biến của 23 doanh nghiệp từ Đà Lạt – Lâm Đồng mang xuống.
Nhiều khách hàng sau khi nghe giới thiệu, dùng thử hạt mắc ca, trà Ô Long, atiso, củ đương quy tươi và phơi khô, trà đương quy, cà phê, nước trái cây, đông trùng hạ thảo cùng một số loại rau củ quả tươi của các doanh nghiệp trưng bày ở đây đã mua mang về dùng.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán hàng này trong chương trình Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Đà Lạt – Lâm Đồng (từ ngày 8 đến 14-7) do Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng Aeon Tân Phú tổ chức.
Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết thông qua chương trình, tỉnh muốn giới thiệu các loại hàng hoá bảo đảm chất lượng, xuất xứ đến người tiêu dùng TP HCM. Không chỉ vậy, thông qua việc kết nối đưa hàng vào Aeon, Lâm Đồng mong muốn đưa nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng ra các thị trường tiêu thụ ngoài Việt Nam.
Các sản phẩm chế biến từ nông sản, thảo dược Đà Lạt được khách hàng quan tâm
Với sự hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản, Đà Lạt đã xây dựng thành công thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh từ đất lành” cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh như rau, hoa, cà phê arabica…nhằm giới thiệu những sản phẩm chất lượng, uy tín đến người tiêu dùng. Đã có 235 đơn vị được tôn vinh thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Riêng với rau, có 209 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 1.717 ha; diện tích sản xuất theo GlobalGAP là 21 ha, 1 công ty được chứng nhận Organic với diện tích 4 ha. Cà phê arabica Đà Lạt đã được cung cấp cho hệ thống Starbucks. Chè Olong được xuất đi nhiều thị trường khó tính… “Aeon là 1 trong những nhà bán lẻ lớn với tiêu chí khắt khe nên sản phẩm vào Aeon thì có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi tiêu thụ toàn cầu” – bà Thanh tự tin.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… mong muốn nhập khẩu rau quả Lâm Đồng để cung ứng cho người tiêu dùng của họ. Mặc dù vậy, nông sản Đà Lạt nói chung và Lâm Đồng nói riêng xuất sang các thị trường này bước đầu gặp khó khăn do chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn, cả về quy cách hàng hoá, thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, giá cả cũng là vấn đề lớn: các nhà mua hàng nước ngoài vào Việt Nam vẫn thường yêu cầu tiêu chuẩn cao nhưng giá thấp, DN sản xuất không đáp ứng được.
Trong khuôn khổ tuần lễ sản phẩm Đà Lạt – Lâm Đồng, Aeon ký kết hợp tác mua hàng với 8 doanh nghiệp Lâm Đồng. Các DN còn lại sẽ được Aeon làm việc, khảo sát để xác định có đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cho Aeon không.
Theo người lao động
Đặc sản xứ Lạng: Rùa đá nhốt rọ, quả lạ vàng rực, rết độc nhốt chai
Hàng năm tại khu du lịch núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vẫn diễn ra chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn.
Tại đây, la liệt các sản vật núi rừng độc, lạ, hiếm thấy, đặc trưng của núi rừng xứ Lạng được đồng bào các dân tộc người Dao nơi đây bày bán khiến nhiều du khách tò mò, thích thú.
Video đang HOT
Phiên chợ vùng cao Mẫu Sơn không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con vùng cao nơi đỉnh mây mù này. Đặc trưng nổi bật nhất của các phiên chợ vùng cao đó là luôn rực rỡ màu sắc từ trang phục của bà con dân tộc đến những sạp thổ cẩm, chim thú muôn loài... được bày bán la liệt dưới nền đất. Dù ngày nay, các phiên chợ vùng cao không còn được như xưa, nhưng vẫn tạo sự hấp dẫn, hiếu kỳ, háo hức của du khách thời hiện đại.
Sắc màu thổ cẩm từ những bộ đồ của người Dao nơi đây luôn là nổi bật nhất trong Phiên chợ vùng cao Mẫu Sơn.
Mẫu Sơn từ xa xưa vốn đã nổi tiếng với những bài thuốc cổ truyền của người sắc tộc Dao. Vùng núi này cách thành phố Lạng Sơn 30km về phía đông, nằm trên địa bàn 3 xã: Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Dân bản xứ Mẫu Sơn là người Dao, do tập quán sống và canh tác, nên rất am hiểu về núi rừng.
Cuộc sống người dân nơi đây khá biệt lập, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nơi đỉnh mây mù.
Đến chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn vào dịp lễ hội du khách sẽ thấy khung cảnh yên bình, dân dã chứ không kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp như khu chợ miền xuôi. Khu chợ đặc biệt này khiến nhiều người có cảm nhận những thứ vốn đã thuộc về ký ức, bỗng như lại trở về qua từng sạp hàng bày bán các sản phẩm nông sản, các cây thuốc... của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.
Chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn đơn giản, người bán đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt, người mua sẽ rất dễ dàng chọn lựa. Nơi đây như địa điểm "hội tụ" bao nhiêu thứ từ đặc sản cho đến bình dân, từ hoa lá cho đến những chú rùa người dân bắt được từ rừng sâu. Nhưng hầu như tất cả đều là "lộc trời cho", người dân lấy được từ rừng già.
La liệt nông sản, những thứ hay, độc lạ .. thu hút sự tò mò của nhiều du khách khi tham gia chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn.
Cuộc sống người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn cao 1.000m so với mực nước biển hoàn toàn nhờ cậy vào thiên nhiên. Thức ăn lấy từ rừng, tự trồng trong vườn nhà, lúa gạo trồng trên nương rẫy. Mọi hoạt động đều khá tách biệt với thế giới bên ngoài bởi vị trí địa lý và đường sá di chuyển khó khăn. Để tồn tại giữa rừng thiêng nước độc, chống lại các loại bệnh tật, người Dao nơi đây đã chế biến những cây cỏ trong rừng thành những bài thuốc, vị thuốc có tác dụng chữa bệnh rất đặc biệt, sáng tạo và lưu truyền nhau cho đến nay.
Chị A Múi, xã Mẫu Sơn chia sẻ với PV báo điện tử Danviet.vn: "Chợ đông vui nhộn nhịp như này ở đây năm chỉ có vài lần nên lần nào tôi cũng tranh thủ vào rừng kiếm hoa lan, cây thuốc... mang lên đây bán. Ở đây hầu như ai cũng biết các loại cây thuốc của người Dao. Đó đều là những bài thuốc gia truyền học từ người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ...
Theo chị Múi, nhiều du khách lên đây thường tìm mua các vị thuốc chữa bệnh. Họ tò mò thích thú khi thấy những con rết, con rùa đá, những loại quả lạ làm thuốc... chúng tôi hái được từ rừng", chị Múi nói.
Những chú rùa đá được người dân bắt từ rừng sâu đem nhốt vào rọ mang ra chợ phiên Mẫu Sơn bán thu hút sự tò mò của nhiều du khách.
Chia sẻ với PV báo điện tử Danviet.vn, chị Nguyễn Thu Ngọc, khách du lịch từ Hà Nội cho biết: "Mình lên Mẫu Sơn chắc cũng phải đến 5 lần rồi nhưng mỗi chuyến đi lên đây là một trải nghiệm mới, một cảm nhận mới. Đặc biệt nhất với mình chính là không gian chợ vùng cao nơi đây, tất cả mọi thứ từ hoa, quả cho đến các vị thuốc. Nông sản của bà con người Dao tất cả đều từ tự nhiên, từ rừng già, đó là một điều riêng biệt hiếm có và điều đó cho mình nhiều cảm xúc. Đặc biệt nữa là sự dân dã, tự nhiên của cảnh đẹp cũng như sự chất phác, hiếu khách của con người nơi đây".
Phiên chợ vùng cao Mẫu Sơn những ngày lễ nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Nơi đây không chỉ là nơi người dân du khách trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc mang đậm tình người, tình quê mộc mạc, ấm áp và chân tình.
Cùng Danviet.vn và du khách "mãn nhãn" với la liệt những đặc sản, sản vật độc, lạ từ núi rừng của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn:
Một người Dao ở chợ phiên Mẫu Sơn cho biết: Đây là quả của cây rau ngót rừng. Quả này hiếm thấy vì đi rừng gặp nhiều cây rau ngót, tuy nhiên không phải cây nào cũng có quả. Quả rau ngót rừng có màu vàng tươi độc, lạ này được người dân giới thiệu là vị thuốc đặc biệt có thể chữa các bệnh đau đầu.
Những cây nấm linh chi màu đen và đỏ cũng được người Dao nơi đây hái được từ rừng. Trung bình giá bán của những cây nấm đặc biệt này là khoảng 2 triệu đồng/kg.
Những chú rùa đá được người dân bắt được từ rừng và đem nhốt trong những chiếc lồng tre đan trông rất sơ sài, đơn giản nhưng lạ và đẹp mắt. Giá của những chú rùa đá này là 200.000/con.
Theo như các bài thuốc của người Dao thì rết rừng ngâm rượu cũng là một loại thuốc chữa các bệnh về xương khớp rất hiệu quả.
Những khóm lan rừng bung nở hoa màu tím nhạt đẹp lung linh trong sương sớm vùng cao tại chợ phiên Mẫu Sơn. Nhiều người có đam mê về lan rừng coi đây như là điểm đến để đươc thỏa sức chiêm ngưỡng và lựa chọn những nhánh lan rừng mang về phố trưng và trồng.
Những trái dưa chuột màu vàng được người Dao nơi đây trồng trên các vạt đồi nơi đỉnh mù sương này cũng được nhiều người lựa chọn vì độ đảm bảo sạch, giòn và ngọt. Những trái dưa chuột ở Mẫu Sơn có kích thước to khác thường so với các giống dưa chuột ở miền xuôi.
Chanh rừng Mẫu Sơn nở múi căng mọng được đánh giá là vị thuốc trị ho rất tốt. Tùy từng thời điểm mà giá của loại chanh bé tin hin này có thể dao động từ 50.000-100.000/kg. Thậm chí có thời điểm hiếm giá chanh rừng này có thể lên đến 200.000/kg
Những trái đào Mẫu Sơn vốn đã rất nổi tiếng thơm ngon, tuy nhiên nhiều năm trở lại cây vườn đào trên đỉnh Mẫu Sơn đang dần bị thoái hóa nên những trái đào không còn căng mọng như những mùa đào trước đây.
Vị chua chua ngọt ngọt của những trái quất hồng bì căng mọng khiến nhiều người không thể cưỡng lại. Loại trái này được người dân trồng ở các sườn núi đá, nơi ẩm ướt hoặc hái từ rừng già .
Đây không chỉ là dịp để du khách được hòa mình ngắm cảnh mây trời Mẫu Sơn, mà du khách còn có cơ hội thưởng thức và mua làm quà những thức đặc sản của người Dao chỉ có ở nơi đỉnh mây mù này.
Theo Dân Việt
Giá cà phê tiếp tục giảm; Hồ tiêu và lúa gạo tăng giá Mặt hàng cà phê vẫn chưa khởi sắc khi có thêm phiên giảm giá. Trong khi đó, hồ tiêu thế giới và lúa gạo lại tăng giá. Theo trang web của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, giá cà phê trong nước tiếp tục giảm 500 đồng/kg tại một số địa phương. Hiện tại, mặt hàng này dao động mức...