Hàng loạt sinh vật biển chết bí ẩn ngoài khơi bờ biển nước Nga
Các nhà khoa học Nga phỏng đoán ô nhiễm ngoài khơi khu vực bán đảo Kamchatka xa xôi có thể là một phần nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt của các sinh vật biển.
Ước tính có đến 95% sinh vật dưới đáy biển của Vịnh Avacha thuộc bán đảo Kamchatka có thể đã bị giết chết do ô nhiễm.
Người dân địa phương đã lên tiếng báo động vào cuối tháng 9/2020 khi những người lướt sóng cảm thấy cay mắt vì nước và các sinh vật biển bao gồm hải cẩu, bạch tuộc, nhím biển dạt vào bờ chết.
Sau vụ rò rỉ dầu lớn ở Siberia, vụ việc mới nhất đã làm dấy lên một cuộc điều tra quy mô lớn với lo ngại rằng các chất độc trong kho chứa dưới lòng đất từ thời Liên Xô có thể bị rò rỉ vào nước.
Một nhóm thợ lặn từ một khu bảo tồn thiên nhiên của bang đã phát hiện thấy tình trạng các sinh vật biển chết hàng loạt ở độ sâu từ 5 đến 10 mét, ông Ivan Usatov thuộc Khu bảo tồn Kronotsky thông tin.
“Một số ít cá lớn, tôm và cua còn lại, nhưng chỉ một số lượng rất nhỏ”, các nhà khoa học cho biết.
Tuy nhiên, tổ chức Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Nga cho biết chất gây ô nhiễm dường như không phải là dầu, mà là một “chất trong suốt có độc tính cao, hòa tan nhiều trong nước”.
Trong khi đó, theo Thống đốc Kamchatka, những người lướt sóng đã bị bỏng giác mạc sau khi bơi trong nước.
Video đang HOT
Kamchatka nổi tiếng với phong cảnh ngoạn mục và những ngọn núi lửa sống, có rất nhiều động vật hoang dã bao gồm cả gấu nâu. Dân cư sống thưa thớt với chỉ hơn 300.000 người.
Trước đó, các quan chức Nga đã tiến hành một loạt các hoạt động theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Vào tháng 6/2020, ông Putin đã công khai chỉ trích các quan chức vì đã né tránh và chậm hành động trước sự cố tràn hàng nghìn tấn dầu diesel vào đất và đường thủy ở Bắc Cực Siberia.
Các nhà khoa học cho biết đang nghiên cứu để phát hiện nguồn gây ô nhiễm, điều tra các lý thuyết bao gồm cả tác động tự nhiên từ tảo biển cực nhỏ, nhưng tập trung vào các nguyên nhân tiềm ẩn do con người gây ra. Các chuyên gia đã lấy mẫu nước và đất từ một địa điểm có tên là Kozelsky được sử dụng từ thời Liên Xô để chứa các chất độc sâu trong lòng đất. Địa điểm này được mở vào năm 1979 để lưu trữ thuốc trừ sâu, ngày nay không có chủ sở hữu hợp pháp. Ước tính khu vực này chứa khoảng 108 tấn thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại.
Khi các công tố viên, thanh tra tài nguyên thiên nhiên cùng các nhà điều tra tội phạm đến thăm địa điểm và kiểm tra đất và nước từ một con sông gần đó có thể nguyên nhân sẽ được làm rõ sớm nhất.
Thực hư về thành phố ngầm ở Amazon
Vào những năm 1970, Karl Brugger, nhà thám hiểm, phóng viên người Đức, có mặt tại một khu vực rộng lớn, chưa được khai phá thuộc rừng nhiệt đới Amazon với nhiệm vụ tìm hiểu câu chuyện về một nhân vật bí ẩn ở Brazil. Sau đó, qua lời kể của người này, nhiều cuộc thám hiểm đi tìm thành phố ngầm dưới rừng rậm Amazon được thực hiện, nhưng mọi thứ vẫn chìm trong bí ẩn.
Thành phố ngầm theo mô tả của Tatunca Nara.
Thành phố huyền thoại
Vào những năm 1960, có một người đàn ông tự xưng là Tatunca Nara xuất hiện ở rừng cấm Amazon thuộc bang Acre của Brazil, không mang theo gì bên mình, ngoài một cây cung, một chiếc khố và câu chuyện kỳ lạ về một bộ lạc mất tích, người ngoài hành tinh, thành phố cổ đại dưới lòng đất.
Tatunca Nara tự xưng là thủ lĩnh của bộ tộc Ugha Mongulala chưa từng được biết đến trước đây, sống ở thành phố Akakor rộng lớn, trải dài dưới lòng đất thuộc những khu rừng rậm giữa Brazil, Bolivia và Peru. Ông ta nổi tiếng với những câu chuyện kỳ quặc và ngoại hình không giống người da đỏ, lại nói tiếng Bồ Đào Nha sai be bét.
Dân làng cho rằng, người này đã hóa rồ, do sống trong thiên nhiên hoang dã quá lâu. Mọi chuyện trở nên hấp dẫn khi Brugger tìm đến. Phóng viên người Đức này gặp Tatunca Nara trong một túp lều nhỏ và ông ta vui vẻ kể lại câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của mình.
Nhận thấy sự hoài nghi của Brugger, khi đối diện với một người da trắng nói tiếng Đức hoàn hảo, Tatunca giải thích rằng, thành phố của ông có rất nhiều người từng là thành viên Đức Quốc xã, trốn trong rừng rậm sau Thế chiến thứ Hai. Bản thân ông ta được sinh ra từ sự kết hợp giữa một phụ nữ Đức và một người trong bộ lạc.
Bộ tộc của ông, Ugha Mogulala, từng phát triển mạnh mẽ trong khu vực, được chọn bởi "các vị thần", những người đã xây dựng thành phố ngầm Akakor tráng lệ. Những vị thần này đến từ hệ Mặt trời khác đã ban cho cư dân thành phố những hòn đá ma thuật, có thể nhìn thấy những nơi xa xôi.
Họ có những chiếc tàu lướt nhanh hơn chim bay, không cần buồm hay mái chèo. Theo lời Tatunca, thành phố là một cảnh quan hùng vĩ, ngoạn mục, được bao quanh bởi những bức tường đá cao, có 13 cổng và vô số tháp canh cao vút. Bên trong có những ngôi đền làm bằng đá được chạm khắc công phu, các kim tự tháp, khu dinh thự, cùng nhiều bức tượng có kích thước như người thật.
Thư viện của thành phố chứa đầy những văn bản về kiến trúc bí mật, lịch sử thế giới, vũ trụ và rất nhiều đồ vật bằng vàng. Akakor là thành phố cuối cùng trong số 26 thành phố từng tồn tại trên khắp khu vực. Tất cả đều đã bị phá hủy "trong thảm họa to lớn sau 13 năm các vị thần ra đi".
Cho đến khi người đàn ông bí ẩn kết thúc câu chuyện của mình, Brugger như bị bỏ bùa đến mức tin tất cả đều là sự thật. Anh đã ghi chép đầy một cuốn sổ tay và thu 12 băng ghi âm cuộc trò chuyện, sau đó sử dụng chúng để viết một cuốn sách về thành phố huyền bí Akakor, có tựa đề Biên niên sử của Akakor, xuất bản vào năm 1976, đưa câu chuyện về thành phố dưới lòng đất bị mất tích đến với công chúng, đồng thời khơi dậy sự tò mò nơi những nhà thám hiểm khác.
Các chi tiết trong sách đều rất hấp dẫn, đề cập đến một thành phố ngầm to lớn ở rừng rậm Amazon, được tạo ra bởi những người ngoài hành tinh hàng thiên niên kỷ trước. Tuy nhiên, không có tài liệu lưu trữ nào về những nền văn minh hoặc bộ tộc trên Trái đất đề cập đến Akakor hoặc cư dân bí ẩn của nó. Nguồn duy nhất của câu chuyện xuất phát từ Tatunca Nara. Mặc dù vậy, điều này cũng không ngăn nhiều nhà thám hiểm gan dạ đến vùng đất cấm để tìm hiểu thực hư.
Kẻ lừa đảo
Tatunca Nara, ảnh do phóng viên kiêm nhà thám hiểm Karl Brugger chụp.
Nổi tiếng nhất trong số này có lẽ là các cuộc thám hiểm được thực hiện bởi cựu phi công của hãng hàng không Thụy Sĩ, Ferdinand Schmid (năm 1977) và nhà khảo cổ học người Brazil, Roldao Pires Brandao (1978). Họ đã thâm nhập vào khu rừng với chính Tatunca làm hướng dẫn viên nhưng không tìm thấy bằng chứng nào về thành phố ngầm này.
Không nản lòng, Schmid trở lại một lần nữa vào năm 1979 và tuyên bố đã tìm thấy dấu tích của thành phố, nhưng sau đó ông nói mình đã đánh mất máy ảnh và phim nên không có gì làm bằng chứng. Tatunca tiếp tục làm hướng dẫn viên cho các cuộc thám hiểm khác vào khu vực, trong đó có cả nhà hải dương học huyền thoại Jacques Cousteau vào năm 1983.
Tuy nhiên, sau đó mọi thứ trở nên nghiêm trọng, khi một số nhà thám hiểm đi tìm thành phố ngầm đã biến mất không để lại dấu vết. Đầu tiên vào năm 1980, một người Mỹ tên là John Reed đi bộ vào vùng hoang dã với Tatunca và không bao giờ quay trở lại. Năm 1983, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ, Herbert Wanner mất tích và hộp sọ của ông được một nhóm du khách tìm thấy trong rừng vào năm 1984.
Cũng vào năm này, phóng viên Karl Brugger bị bắn chết ở Rio de Janeiro khi đến đây để khởi động một nỗ lực mới nhằm tìm kiếm thành phố ngầm. Năm 1987, huấn luyện viên Yoga người Thụy Điển, Christine Hauser, biến mất trong rừng dù có sự tháp tùng của Tatunca. Bắt đầu từ đây, ông ta thu hút sự chú ý của cảnh sát, nhưng Tatunca luôn phủ nhận không liên quan đến những vụ chết chóc hay mất tích kể trên.
Do không có bằng chứng nên cảnh sát không thể truy tố Tatunca. Tuy nhiên, mọi chuyện về ông ta bắt đầu sáng tỏ vào năm 1990, khi nhà thám hiểm người Đức, Rdiger Nehberg và đạo diễn Wolfgang Brg thực hiện cuốn phim tài liệu mang tên Bí ẩn của Tatunca Nara.
Bất ngờ, nhóm làm phim phát hiện người đàn ông tự xưng Tatunca Nara thực ra là một cựu quan chức người Đức có tên Gnther Hauck, trốn sang Brazil vào năm 1967 để quỵt tiền cấp dưỡng cho vợ con theo phán quyết của tòa. Vợ cũ của Hauck xác nhận Tatunca chính là chồng của bà ta.
Hóa ra ông ta đã thêu dệt câu chuyện về Akakor nhằm đánh lừa khách du lịch và những người thích phiêu lưu mạo hiểm. Tuy nhiên, Tatunca vẫn cho rằng mình không phải là Hauck, phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định câu chuyện về thành phố ngầm hoàn toàn có thật.
Điều đáng ngạc nhiên là việc Tatunca Nara bị vạch trần cũng không làm mất đi sức hấp dẫn của thành phố ngầm, nó trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều quyển sách và ý tưởng dựng nên thành phố ngầm "Akator" trong phim Indiana Jones và Vương quốc sọ pha lê nổi tiếng.
'Ngọn lửa zombie' cháy suốt 5 năm ở Siberia Bề mặt bãi lầy bị bao phủ bởi than bùn - loại nhiên liệu hình thành từ chất hữu cơ phân hủy chậm trong môi trường ẩm ướt - đã âm ỉ cháy trong 5 năm qua giữa khu rừng Siberia. Với một chiếc xẻng, Grigory Kuksin miệt mài xúc và đổ từng xô đất bùn vẫn đang âm ỉ cháy, trong một...