Haiti truy lùng chính trị gia nghi đứng sau vụ ám sát tổng thống
Haiti thông báo đang truy lùng 5 nghi phạm “có vũ trang” và “nguy hiểm” liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hồi tuần trước, trong đó có một chính trị gia đối lập.
Cảnh sát Haiti đang truy lùng các nghi phạm sau vụ ám sát Tổng thống Moise (Ảnh: AP).
AP đưa tin, một cựu thượng nghị sĩ Haiti, một quan chức chính phủ bị sa thải và một người cung cấp thông tin cho chính phủ Mỹ là những nghi phạm mới nhất trong vụ điều tra của giới chức Haiti nhằm vào âm mưu ám sát Tổng thống Moise tại nhà riêng hôm 7/7.
Ba người trên nằm trong danh sách 5 người mà Haiti đang truy lùng. Cảnh sát quốc gia Caribê mô tả những đối tượng này là “có vũ trang và nguy hiểm”.
Một trong những nghi phạm được xác định là cựu thượng nghị sĩ John Jol Joseph – chính trị gia nổi tiếng ở Haiti và thuộc phe đối lập. Trong đoạn video đăng tải năm ngoái trên Youtube, ông Joseph từng chỉ trích dữ dội chính sách của Tổng thống Moise, cho rằng người dân Haiti đang chết đói hoặc bị giết hại do tình trạng bạo lực lan tràn tại quốc gia này.
Ngoài ra, cảnh sát xác định nghi phạm thứ 2 là Joseph Felix Badio. Ông này từng công tác tại Bộ Tư pháp Haiti và tham gia vào lực lượng chống tham nhũng của chính phủ vào tháng 3/2013. Ông Badio đã bị sa thải hồi tháng 5 do “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc đạo đức” và cũng bị nộp đơn khiếu nại.
Nghi phạm thứ 3 bị cảnh sát Haiti tiết lộ là Rodolphe Jaar, một người sinh ra ở Haiti, nói tiếng Anh và có bằng cao đẳng quản trị kinh doanh. Jaar không phải là công dân Mỹ. Jaar sử dụng bí danh “Whiskey” và từng bị truy tố năm 2013 tại tòa án liên bang ở Nam Florida, Mỹ với cáo buộc âm mưu buôn lậu ma túy từ Colombia và Venezuela qua Haiti đến Mỹ. Jaar nhận tội và bị kết án 4 năm tù.
Trong phiên tòa tuyên án năm 2015, luật sư của Jaar nói với tòa án rằng, Jaar đã trở thành người cung cấp tin cho chính phủ Mỹ vài năm trước đó. Jaar cũng đồng ý hợp tác với cơ quan liên bang và đề nghị một mức án nhẹ hơn.
Chính quyền Haiti đang điều tra vụ ám sát ông Moise với sự hỗ trợ từ phía chính phủ Colombia. Trong vụ việc này, 23/26 nghi phạm người Colombia là cựu quân nhân của nước này. Các đối tượng này vẫn đang bị bắt giữ ở Haiti. Cảnh sát trưởng quốc gia Haiti Léon Charles cho hay, 3 người Haiti đã bị bắt và ít nhất 3 nghi phạm trong vụ việc đã bị tiêu diệt.
Ba người bị bắt gồm James Solages, Joseph Vincent và Christian Emmanuel Sanon. Cảnh sát nói rằng Sanon, một người Mỹ gốc Haiti, bị nghi đã bay đến Haiti vào tháng 6 trên chuyên cơ riêng với một số nghi phạm. Sanon, 62 tuổi, là một bác sĩ, mục sư nhà thờ và doanh nhân tại Florida, Mỹ. Nghi phạm này được cho từng bày tỏ mong muốn trở thành lãnh đạo của Haiti trong một đoạn video có thông điệp chỉ trích chính phủ nước này.
Cảnh sát Charles nói rằng, Sanon bị nghi đã hợp tác với những kẻ lên âm mưu về vụ ám sát và những sát thủ giết hại ông Moise đã bảo vệ Sanon. Khi cảnh sát lục soát nhà Sanon ở Haiti, họ phát hiện ra 20 thùng đạn, các bộ phận súng, biển số xe từ cộng hòa Dominica, 2 xe hơi, cùng một chiếc mũ có logo của cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA).
Bí ẩn biệt đội "lính đánh thuê" đứng sau vụ ám sát Tổng thống Haiti
Động cơ phía sau vụ ám sát Tổng thống Haiti vẫn chưa được làm rõ khi những thông tin mâu thuẫn vẫn bủa vây vụ việc gây chấn động này.
Haiti bắt hàng loạt nghi phạm vụ ám sát tổng thống
Nhóm nghi phạm bị bắt cùng lô vũ khí thu được sau vụ ám sát Tổng thống Haiti (Ảnh: Sputnik).
Vào một buổi tối đầu tháng 6, Mauricio Javier Romero, cựu binh 20 năm phục vụ trong quân đội Colombia, nhận được cuộc gọi từ một đồng đội cũ.
Người bạn muốn tuyển Romero làm một công việc "hợp pháp" và "an toàn", hứa sẽ đưa anh ra nước ngoài.
"Người đó đã nói với chồng tôi rằng anh ấy sẽ không gặp rắc rối và đây là cơ hội tốt để phát triển nghề nghiệp, kiếm thêm thu nhập. Người đó biết chồng tôi là một quân nhân chuyên nghiệp như thế nào, anh ấy muốn chồng tôi trở thành một thành viên của đội", Giovanna Romero, vợ của Romero, kể lại.
Một tháng sau, Mauricio Romero, 45 tuổi, thiệt mạng. Romero là một trong những nghi phạm bị tiêu diệt ở Haiti sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào tuần trước. Romero cũng là một trong số ít nhất 20 người Colombia bị giới chức Haiti cáo buộc có dính líu đến vụ ám sát khiến quốc gia Caribe rơi vào hỗn loạn.
Ít nhất 18 đối tượng trong số những người Colombia tham gia vụ ám sát Tổng thống Moise đang bị giam giữ ở Haiti, và ít nhất 2 người đã chết.
Trong khi thủ tướng lâm thời Haiti và các thành viên trong nội các của ông tuyên bố nhóm người Colombia là tâm điểm của một âm mưu được tổ chức bài bản do "lính đánh thuê nước ngoài" thực hiện nhằm đoạt mạng Tổng thống Moise, những câu hỏi về vai trò thực sự của các tay súng trong vụ ám sát này vẫn chưa được giải đáp.
Một manh mối quan trọng liên quan tới sự hiện diện của nhóm "lính đánh thuê" Colombia đã xuất hiện vào cuối ngày 11/7, khi chính quyền Haiti thông báo bắt giữ một bác sĩ gốc Haiti ở Florida, Mỹ mà họ mô tả là nhân vật nòng cốt trong âm mưu ám sát.
Bác sĩ Christian Emmanuel Sanon, 63 tuổi, được cho là đã thuê công ty an ninh tư nhân ở Florida tuyển ít nhất một số người Colombia.
"Anh ta đến Haiti bằng máy bay riêng vào tháng 6 với mục tiêu chính trị và liên hệ với một công ty an ninh tư nhân để tuyển những người thực hiện hành vi (ám sát) này", Cảnh sát trưởng Leon Charles thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia Haiti cho biết.
Công tố viên hàng đầu của Haiti cũng bắt đầu xem xét vai trò của lực lượng an ninh nước này trong việc bảo vệ tổng thống và gia đình ông. Một chi tiết gây chú ý là vụ ám sát chỉ đoạt mạng tổng thống và làm bị thương vợ ông, nhưng không làm hại bất kỳ ai khác trong gia đình hoặc trong đội ngũ an ninh của tổng thống.
Trên các đường phố ở Haiti, nhiều người tự hỏi làm thế nào mà những kẻ tấn công lại vượt qua được dinh thự tổng thống, vốn được xây dựng kiên cố và được bảo vệ bởi lực lượng an ninh Haiti, mà không có người nào thiệt mạng.
Tại Colombia, một số thành viên trong gia đình của các nghi phạm Colombia nói rằng những người này đến Haiti để bảo vệ Tổng thống Moise, chứ không phải giết ông. Những tuyên bố mâu thuẫn càng làm tăng thêm sự bí ẩn trong vụ việc gây chấn động Haiti.
"Mauricio sẽ không bao giờ đăng ký tham gia một nhiệm vụ như vậy, cho dù được trả bao nhiêu tiền đi nữa", Giovanna nói về chồng mình.
Colombia, quốc gia đã trải qua nhiều thập niên xung đột nội bộ, sở hữu một trong những quân đội được huấn luyện và đầu tư tốt nhất ở Mỹ Latinh, với sự hỗ trợ từ lâu của Mỹ.
Do vậy, các cựu binh Colombia luôn được các công ty an ninh toàn cầu săn đón, đưa họ đến làm việc tận Yemen và Iraq, đôi khi trả cho mỗi người lên đến 3.000 USD/tháng - một khoản thù lao đáng kể so với mức lương vài trăm USD/tháng ở Colombia.
Nhiều thông tin mâu thuẫn
Mauricio Romero gia nhập quân đội năm 20 tuổi. Vào thời điểm nghỉ hưu năm 2019, Romero là trung sĩ đầu tiên từng làm nhiệm vụ trên khắp đất nước và đã đạt được danh hiệu "biệt kích xuất sắc". Giovanna mô tả chồng mình là một người tuân thủ nguyên tắc.
Cuộc gọi mà Romero nhận được hồi tháng 6 đến từ người bạn của anh là Duberney Capador, 40 tuổi, cũng là một cựu binh quân đội Colombia được huấn luyện đặc biệt.
Capador đã rời quân đội vào năm 2019 và đang sống trong một trang trại gia đình với mẹ của anh ở miền tây Colombia.
Yenny Carolina Capador, em gái của Capador, cho biết người đàn ông này đã rời trang trại và đến Haiti vào tháng 5 sau khi nhận được lời mời làm việc từ một công ty an ninh.
Hai anh em thường xuyên nói chuyện. Capador nói với em gái rằng đội của anh đang được huấn luyện và được giao nhiệm vụ bảo vệ một người "rất quan trọng".
"Điều tôi chắc chắn 100% là anh trai tôi không làm những gì mà họ đang cáo buộc, rằng anh ấy tấn công ai đó. Tôi biết rằng anh trai tôi đã đi để bảo vệ một người nào đó", Yenny nhấn mạnh.
Capador đã gửi cho em gái những bức ảnh anh mặc đồng phục có in logo của một công ty an ninh ở Florida có tên là CTU, công ty mà nhà chức trách Haiti cho biết bác sĩ Sanon đã thuê để thực hiện âm mưu ám sát.
Capador đã cố gắng thuyết phục Romero tham gia cùng mình.
Romero đã đến sân bay ở thủ đô Bogotá của Colombia vào ngày 5/6, nơi anh nhận vé máy bay và đến Cộng hòa Dominica, nước láng giềng của Haiti.
Giovanna nói rằng lần cuối cùng cô nói chuyện với chồng là vào ngày 6/7. Romero nói với vợ rằng anh đang bảo vệ một người đàn ông mà anh gọi là "ông chủ", và kết nối di động bị hạn chế. Khi đó, Romero nói chuyện gấp gáp với vợ.
Ngày hôm sau, Giovanna nghe tin tổng thống Haiti đã chết và nhóm người Colombia có thể có liên quan. Khi không thể liên lạc được với chồng, đầu cô bắt đầu quay cuồng. Bộ Quốc phòng Colombia sau đó đã công bố tên của 13 nghi phạm Colombia trong vụ ám sát ở Haiti. Chồng cô cũng nằm trong số đó.
Sáng 7/7, Yenny Capador cho biết cô nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ anh trai mình. Capador nói với em gái rằng anh đang gặp nguy hiểm và trốn trong một ngôi nhà với những làn đạn bay xung quanh. Yenny có thể nghe thấy tiếng súng ở phía sau.
Yenny cho biết anh trai nói với cô rằng, anh đã đến "quá muộn" để cứu "người quan trọng" mà anh được thuê để bảo vệ.
Các quan chức Haiti nói rằng một nhóm biệt kích đã xông vào dinh thự của Tổng thống ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince, vào khoảng 1 giờ sáng 7/7, bắn chết tổng thống và làm bị thương vợ ông. Nhóm này tự xưng là thành viên của Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA), tuy nhiên DEA đã bác bỏ thông tin liên quan tới vụ ám sát.
Các nhà chức trách Haiti cũng đã bắt giữ ít nhất 2 người Mỹ gốc Haiti liên quan đến cái chết của tổng thống. 2 người này khai rằng họ chỉ là phiên dịch viên cho các thành viên trong nhóm. Các nghi phạm cũng khai rằng mục tiêu của họ không phải ám sát tổng thống, mà chỉ đưa ông đến Cung điện Quốc gia.
Vài ngày sau vụ ám sát, Steven Benoit, một cựu thượng nghị sĩ và là nhân vật đối lập nổi tiếng, là một trong số những người đặt nghi vấn về cáo buộc nhóm người Colombia đứng sau vụ ám sát tổng thống. Benoit đặt ra giả thuyết rằng tổng thống bị chính nhóm vệ sĩ của mình ám sát, chứ không phải nhóm người Colombia.
"Đơn giản là câu chuyện này không hợp lý. Tại sao không có một nhân viên an ninh nào ở dinh thự tổng thống bị bắn, thậm chí không có một vết xây xước?", Benoit đặt nghi vấn.
Ông Benoit cũng đặt câu hỏi tại sao những người Colombia có mặt tại địa điểm xảy ra vụ ám sát không ngay lập tức tìm cách chạy trốn khỏi Haiti sau khi ông Moise bị giết. Thay vào đó, họ bị mắc kẹt, bị giết hoặc bị bắt. Camera an ninh ghi lại vụ việc cho thấy, nhóm biệt kích đột nhập vào nhà của tổng thống từ khoảng 2h30-2h40 sáng 7/7, thay vì 1h như thông báo của cảnh sát.
Lời khai đầu tiên của nghi phạm bắn chết Tổng thống Haiti Hai nghi phạm Mỹ bị bắt sau vụ ám sát Tổng thống Haiti cho biết mục đích ban đầu của nhóm là bắt cóc, chứ không phải bắn chết ông này. "Họ tự nhận là phiên dịch viên của nhóm tấn công, cho biết mục tiêu của nhóm lính đánh thuê là bắt Tổng thống Jovenel Moise theo lệnh của một thẩm phán...