Hải Phòng: Học sinh các cấp quay trở lại trường học từ ngày 7/2
Sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ quay trở lại trường học vào ngày 7/2/2022.
Chiều ngày 25/1, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng đã có Thông báo về thời gian nghỉ Tết Âm lịch năm 2022 và thời gian tổ chức dạy học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh các trường Mầm non, Tiểu học (công lập và ngoài công lập) được nghỉ từ thứ Bảy (ngày 29/1/2022) đến hết Chủ Nhật (ngày 6/2/2022).
Sau kỳ nghỉ lễ, các trường Mầm non, Tiểu học sẽ tổ chức dạy học bình thường từ thứ Hai (ngày 7/2/2022 ).
Sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, học sinh các cấp Hải Phòng quay trở lại trường học từ ngày 7/2/2022 (Ảnh: PL)
Đối với các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Phổ thông nhiều cấp, Trung tâm Giáo dục ngoại ngữ-Giáo dục thường xuyên, đơn vị trực thuộc (công lập và ngoài công lập), không được nghỉ thứ Bảy hàng tuần: cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh, học viên nghỉ từ thứ Bảy ngày 29/1/2022 đến hết Chủ Nhật ngày 6/2/2022.
Các cơ sở giáo dục trên tổ chức dạy học bình thường từ thứ Hai, ngày 7/2/2022.
Theo đó, các nhà trường chủ động bố trí thời gian dạy và học bù trong khung thời gian năm học 2021 – 2022 đã được ban hành.
Video đang HOT
Chấm dứt dạy, học Ngữ văn theo bài mẫu: Thầy cần năng lực, trò có tư duy
Tình trạng dạy học Ngữ văn theo bài mẫu trong không ít nhà trường đã ảnh hưởng, triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên và học sinh nói riêng, chất lượng dạy học văn nói chung.
HS Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng - Hà Nội) trong tiết học văn. Ảnh: NTCC
Để chấm dứt thực trạng này đòi hỏi vai trò không nhỏ của người thầy trong nhiều khâu trên hành trình dạy học.
Loại bỏ những bài văn na ná nhau
NGƯT Nguyễn Thị Hạnh - GV môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Lào Cai (thành phố Lào Cai - Lào Cai) bày tỏ: Tôi ủng hộ yêu cầu chấm dứt dạy học văn theo bài mẫu. Chỉ khi nào chấm dứt thực trạng này mới phát huy được khả năng sáng tạo của thầy và trò trong dạy và học văn.
Theo NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, hiện tình trạng học theo văn mẫu, bài mẫu vẫn tồn tại ở nhiều nhà trường, thầy cô và học sinh (HS)... Chính vì vậy, đâu đó trong quá trình chấm thi tuyển sinh vào lớp 10; tốt nghiệp THPT vẫn còn bài thi có cách trình bày, giọng văn... na ná nhau. Và nếu chấm thi trong trường, người chấm tinh ý có thể nhận ra giọng văn của đồng nghiệp nào trong tổ.
Tuy nhiên, theo NGƯT Nguyễn Thị Hạnh cũng cần phân biệt việc dạy và học dập khuôn theo bài mẫu với việc GV hướng dẫn HS cách làm bài một cách cụ thể để HS dễ hình dung, nắm bắt vấn đề.
Hướng dẫn, làm mẫu không phải là GV đọc HS chép mà GV là người truyền cho HS phương pháp, cách thức cơ bản để phát huy sáng tạo, nắm bắt được cách giải quyết vấn đề; tự mình hiểu, diễn đạt, trình bày các bài văn khác không lệ thuộc vào bài mẫu...
"Những HS giỏi văn đều không học và làm bài theo văn mẫu. Nếu GV không dạy học theo kiểu dập khuôn, văn mẫu thì bài kiểm tra của một lớp học có bao nhiêu HS sẽ phải có bấy nhiêu cách mở bài, thân bài, kết luận, lập luận, diễn đạt khác nhau...", NGƯT Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.
Gần 20 năm dạy học môn Ngữ văn, cô Đỗ Mỹ Hạnh - Trường THPT Bạch Đằng (Quảng Yên -Quảng Ninh) cũng cho rằng: Dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu sẽ dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Song việc dạy học văn hiện nay cần có sự định hướng của người thầy bởi "Toán, Vật lý, Hóa học có công thức, định nghĩa, khái niệm... thì dạy văn cũng cần định hướng (như một dạng công thức) về kĩ năng. Khi nắm vững "công thức" HS có thể linh hoạt, sáng tạo giải quyết các bài làm văn, tránh được học tủ học lệch.
Cô Đỗ Mỹ Hạnh cũng cảnh báo một số bài văn mẫu trong sách tham khảo hoặc trôi nổi trên mạng chưa chuẩn về kiến thức. Do đó HS nghiên cứu, tìm đọc cần hết sức cẩn trọng, kiểm chứng và phân loại.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, HS tiểu học có tỉ lệ học văn mẫu cao hơn khối THCS và THPT, cô Nguyễn Thị Thanh Loan - Khối trưởng Khối 3 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết: Tình trạng dạy và học theo văn mẫu nói chung tại trường đã hạn chế đáng kể, thậm chí loại bỏ. GV chỉ đưa ra cấu trúc, hướng dẫn, định hướng... để HS tự làm bài.
Theo cô Loan, với HS tiểu học nếu không có định hướng sẽ khó làm được bài theo yêu cầu (kể lại, tả...). Và khi có định hướng, chỉ có số ít HS biết lồng ghép thêm tình cảm, giới thiệu đặc điểm nổi bật của nhân vật, vấn đề... vào bài viết.
Khuyến khích HS tiểu học đọc sách, truyện giúp tăng cường vốn từ vựng và cách đặt câu... khi học văn. Ảnh: NTCC
Chấm dứt học văn mẫu cách nào?
NGƯT Nguyễn Thị Hạnh cho rằng: Chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu đòi hỏi thầy có năng lực dạy, trò phải có tư duy học. Song năng lực của người thầy vẫn đóng vai trò quan trọng và đặt lên hàng đầu.
GV nhất định phải nâng cao vai trò hướng dẫn HS biết cách làm bài và phát huy sáng tạo bản thân vào quá trình học văn. Tuyệt đối không dạy học kiểu đọc chép hoặc chỉ chấp nhận cách làm bài giống như mình đã dạy, phủ nhận sự khác biệt dù đúng.
Mặt khác, GV không nên xây dựng đề kiểm tra, đề thi... vào những bài văn đã sử dụng như bài mẫu để hướng dẫn, dạy HS cách làm bài hoặc cho HS tham khảo, nghiên cứu. Nếu như vậy HS chỉ cần học thuộc, chép đủ văn mẫu là kiếm được điểm cao.
Cô Nguyễn Hồng Hải - GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình - Hà Nội) cũng chỉ ra sở dĩ còn tình trạng dạy, học theo văn mẫu bởi GV không theo kịp đổi mới phương pháp dạy học, chỉ áp đặt kiến thức của mình đã có lên HS khiến tiết học một chiều, không có đối thoại, mở rộng.
Thậm chí, nhiều GV quan niệm HS dù làm tốt bài cũng chỉ đánh giá điểm 8 bởi bản thân thầy chưa đạt điểm 9, 10 văn thì HS không thể đạt... Điều đó vô hình trung không khuyến khích HS học văn.
Cô Nguyễn Hồng Hải khẳng định: Loại bỏ dạy học văn theo mẫu trước hết đổi mới từ người thầy trong cách dạy và kiểm tra, đánh giá. GV phải tích cực hướng dẫn HS kĩ năng để tự vận dụng và sáng tạo, dạy HS phương pháp tiếp cận văn bản, giá trị cốt lõi, thẩm mĩ, giáo dục...
Mặt khác, theo cô Hải, trong cách ra đề thi, đánh giá môn Ngữ văn (bậc THCS, THPT) những năm gần đây đã có sự đổi mới, tuy vậy vẫn cần tiếp tục đổi mới hơn nữa để GV phải dạy HS cách học thoát ly văn bản mẫu, có phương pháp xử lý, giải quyết, tiếp cận các văn bản SGK sáng tạo...
Đối với HS tiểu học, để loại bỏ tình trạng học văn mẫu, cô Nguyễn Thị Thanh Loan nêu quan điểm: GV cần khuyến khích HS hình thành văn hóa đọc từ sớm. Gia đình cần hướng dẫn HS tìm đọc các tác phẩm văn học dưới dạng truyện tranh, truyện ngắn. Lựa chọn kĩ càng để tìm ra sách bổ ích, phù hợp lứa tuổi, vừa giúp trẻ phát triển ngôn ngữ vừa phát huy sự sáng tạo. Những HS không thích đọc sách truyện thì rèn cho HS đọc văn bản trong SGK giúp các em không bị sai lỗi, được cung cấp vốn từ, câu và cách diễn đạt...
"Mấu chốt của chấm dứt dạy học văn theo mẫu là thay đổi cách ra đề thi, không kiểm tra kiểu ghi nhớ mà kiểm tra năng lực của người học với những vấn đề mới... Chỉ có như vậy GV bắt buộc phải thay đổi cách dạy, HS không thể học thuộc lòng văn mẫu..." - cô Nguyễn Thị Thúy - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng - Hà Nội) khẳng định .
Hà Nội: Đảm bảo học sinh có đủ sách giáo khoa trước khai giảng Ngày 21/8, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Hà Nội đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng bước vào năm học mới 2021- 2022 và đã có giải pháp để đảm bảo học sinh có đủ SGK trước thềm khai giảng. Mặc dù...