Hãi hùng với đặc sản… thịt thối ở Sơn La
Thịt sẽ được treo lên cho đến khi phân hủy, bốc mùi thì đem chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Đặc biệt, thịt càng thối, càng có nhiều… dòi thì càng được người Khơ Mú yêu thích hơn gấp bội.
Nếu có cơ hội vào thăm nhà của người Khơ Mú sinh sống ở Sơn La, đừng ngạc nhiên khi thấy những miếng thịt trâu, bò, lợn và cả nội tạng treo ở gác bếp đã ngả màu và bốc mùi hôi. Thực chất, đây là nguyên liệu vô cùng quan trọng của Kính Coong – món đặc sản mà du khách nào đến đây cũng nên nhìn tận mắt hoặc nếm thử một lần.
Hiểu theo tiếng Khơ Mú, “Coong” có nghĩa là tổng hợp của hầu hết các loại rau củ quả, ớt, hành tỏi, cà rừng, mắc khén… nấu với thịt thối. “Kính” có nghĩa là một loại canh thập cẩm. Nôm na, Kính Coong có nghĩa là canh thịt thối. Đây là món đặc sản không thể thiếu của người Khơ Mú trong dịp cưới xin, lễ tết.
Thịt treo trong thời gian ít nhất 10 ngày để xuất hiện mùi thối đặc trưng.
Để có được nguyên liệu đặc biệt này, người Khơ Mú treo thịt lên gác bếp hàng tuần, hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến làm tổ, mang theo cả vi sinh vật. Họ sử dụng những phần thịt dễ bị thối nhất, không cần ướp gia vị mà cứ để xuất hiện thứ mùi đặc trưng. Thịt càng thối, càng có nhiều dòi thì món ăn càng ngon.
Muốn có món Kính Coong hoàn thiện, người ta phải đổ nước, hầm thịt nát nhừ rồi cho các loại rau củ quả, thêm một ít bột gạo vào cho sóng sánh. Chính các loại gia vị như tiêu rừng, gừng, tỏi, một số lá cây rừng và sả, ớt… làm cho món ăn này trở thành vị thuốc chữa bệnh dạ dày, giúp gan, mật ổn định.
Trong các món đặc sản Sơn La, thịt thối mang hương vị độc đáo, khó quên nhất.
Video đang HOT
Xưa kia, khi sản vật rừng còn nhiều, người Khơ Mú thường xuyên đi săn bắn nên Kính Coong là món ăn khá phổ biến. Họ sử dụng thịt lợn, trâu bò, nai, hoẵng…. nhưng thịt chuột được ưa chuộng hơn cả bởi dễ gây mùi thối nhất. Mỗi loại thịt có độ thối nhanh chậm khác nhau. Khi thú hoang dần trở nên cạn kiệt, người dân phải chuyển sang giết lợn, giết gà, ủ thối để làm món Kính Coong.
Đối với người Khơ Mú, trong bữa tiệc tiếp đãi khách quý mà thiếu món này thì coi như chủ nhà có lỗi. Còn nếu khách vì bất kỳ lý do gì mà từ chối không ăn thì cũng coi như đã phụ lòng gia chủ.
Ngoài thịt thối, vùng đất Sơn La còn sở hữu rất nhiều món đặc sản khiến thực khách phải rùng mình khiếp sợ như da trâu gác bếp hay cá nhảy.
Chính bởi đặc điểm dai, cứng và đanh nên da trâu thường được biết đến là nguyên liệu làm mặt trống. Thế nhưng, qua bàn tay chế biến khéo léo của người dân tộc, da trâu lại có vị giòn, đậm đà rất ngon. Miếng da trâu được hun khói trong vài tháng, bám màu khói của các loại củi gỗ nên đen sì, cứng và khô.
Da trâu cứng, đanh và đen sì vì ám khói.
Để chế biến nên món ăn từ da trâu gác bếp thì quả thực là một kì công. Da trâu được ngâm nước nhiều giờ, đến khi mềm thì đem thái thành từng miếng nhỏ. Tiếp đến, da trâu được ướp với các loại gia vị như ớt, sả, muối, mì chính và mắc khén rồi chế biến thành canh hoặc nộm da trâu, da trâu muối,…
Nếu muốn thưởng thức cá nhảy, du khách phải tìm đến các khu vực có người Thái sinh sống. Những con cá nhỏ đang còn sống, nhảy tanh tách trong chậu được chế biến trực tiếp và thưởng thức tại chỗ.
Món này chế biến khá đơn giản nhưng yêu cầu phải đầy đủ nguyên liệu, bao gồm lõi chuối tươi, rau thơm và các loại gia vị. Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng và có mùi thơm đặc trưng. Những nguyên liệu này vừa tạo vị, vừa có tác dụng làm bớt mùi tanh của món cá nhảy.
Cá nhảy là món ăn phổ biến tại các gia đình người Thái ở Sơn La.
Khi ăn, người ta bắt cá trực tiếp từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Khi mổ cá phải nhanh tay để cá vẫn còn sống, thả ra còn có thể giẫy được. Cá mổ đến đâu thì ăn đến đó, như vậy thịt mới giòn ngọt, không có mùi tanh. Mỗi thực khách dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.
Với những người chưa từng biết đến thịt thối, cá nhảy hay da trâu thì đây quả là những món ăn lạ lùng, rất khó có thể tưởng tượng ra hương vị. Thêm nữa, cũng không nhiều người dám mạnh dạn thưởng thức các món đặc sản này.
Theo Dân trí
Hồng giòn đầu mùa giá rẻ và cách chọn hồng chuẩn 'made in Việt Nam'
Hiện tại, hồng giòn đầu mùa đã ngập tràn trên thị trường. Năm nay, hồng giòn đầu mùa có mức giá khá rẻ chỉ khoảng 40.000 đồng một kg. Tuy nhiên, nếu không có kĩ năng chọn lựa người tiêu dùng rất dễ mua phải hồng giòn Trung Quốc.
Tại nước ta, hồng giòn được trồng ở nhiều tỉnh thành và với điều kiện khí hậu khác nhau, mỗi nơi mang một hương vị đặc trưng riêng. Có thể kể đến hồng giòn Mộc Châu (Sơn La), hồng giòn Lào Cai, hồng giòn Bắc Kạn, hồng giòn Lạng Sơn hay hồng giòn Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tại chợ Thành Công (Đống Đa - Hà Nội), hồng giòn đầu mùa đang được bán với mức giá 40.000 đồng/kg. Nếu so với mức đầu mùa năm trước, giá hồng giòn năm nay thấp hơn chừng 5.000 đồng đến 10.000 đồng một kg. Nhiều tiểu thương bán trái cây cho biết, giá hồng thấp hơn năm trước do sản lượng hồng năm nay lớn hơn. Tuy là thời điểm đầu mùa nhưng hồng giòn chín đều và số lượng lớn.
Hồng giòn đang có mức giá rẻ hơn so với năm trước chừng 5.000 đồng.
Mỗi ngày nhập về hơn 100kg hồng giòn bán tại chợ Thành Công, tiểu thương Nguyễn Thị Nga cho biết, giá hồng giòn tại vườn ở Mộc Châu hiện dao động khoảng 35.000 đồng một kg. Chừng một tháng nữa khi hồng chín rộ có thể giá sẽ xuống thấp hơn. Ngoài hồng giòn các tỉnh thành trong nước nhập về chợ đầu mối thì hiện nay cũng có lượng lớn hồng giòn Trung Quốc nhập về Việt Nam với mức giá chỉ khoảng 15.000 đồng một kg.
"Trong những loại trái cây thì hồng giòn là sản phẩm đang bán chạy nhất hiện nay. Mỗi ngày tôi gom được hơn 100kg hồng giòn và gửi trực tiếp xe khách từ Mộc Châu về Hà Nội bán. Lượng hồng về Hà Nội bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Thậm chí những ngày gần đây hồng về không đủ bán. Bởi năm nay giá hồng đầu mùa khá rẻ nên mọi người thường chọn mua số lượng lớn về ăn", chị Nga cho biết.
Một tiểu thương khác bác hồng giòn ở chợ Pháo Đài Láng (Hà Nội) thông tin, hồng giòn Mộc Châu bắt đầu có từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, để có hồng bán ở Hà Nội, bà phải gom từ các nhà vườn tại Mộc Châu và gửi ô tô khách xuống. Mỗi chuyến hồng không nhiều, chỉ chừng 70kg.
"Bán các loại quả đầu mùa thường rất chạy bởi người tiêu dùng quan tâm và thường mua nhiều. Năm nay, giá hồng giòn rẻ hơn chút ít so với năm trước nên người tiêu dùng thường mua số lượng lớn. Mỗi ngày tôi cũng bán được vài chục kg hồng giòn. So với nhiều loại quả khác thì hồng giòn vẫn là loại quả bán chạy và được nhiều người chọn mua", người này thông tin.
Hồng chín được trồng tại Sapa.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (Cầu Giấy - Hà Nội) cho hay, theo kinh nghiệm của bà, để chọn hồng giòn ngon, ngọt, người tiêu dùng nên chọn mua những quả chắc, da cứng và có phần phía dưới hơi lồi ra. Đồng thời, nên mua quả hồng còn cuống. Trong quá trình chọn hồng nên chọn mua những quả bé, tuy nhìn không ngon mắt nhưng ăn sẽ ngọt hơn so với quả to. Trước khi ăn cũng nên rửa sạch vỏ rồi gọt vỏ để đảm bảo vệ sinh.
Khi chọn mua hồng nếu không có kĩ năng người dùng có thể mua phải hồng từ Trung Quốc trà trộn hồng Việt Nam.
Hiện nay, trên thị trường có cả hồng giòn Trung Quốc bày bán. Đặc biệt, nhiều người bán cũng trà trộn xuất xứ hồng Trung Quốc và rao bán thành hồng Đà Lạt, Mộc Châu. Do vậy, để chọn mua được hồng giòn "made in Việt Nam" người tiêu dùng cần có kĩ năng. Theo đó, về hình thức hồng Đà Lạt có đầu nhọn, màu vàng cam, bảo quản không được lâu, chỉ cần để 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm. Thu hoạch từ đầu tháng 9 trở đi. Còn hồng giòn xuất xứ Sơn La, Bắc Kạn quả to vừa phải, hay có các vết thâm nám, ăn giòn, ngọt. Quả xanh thì hơi chát.
Đối với hồng Trung Quốc các quả đều tăm tắp, màu đỏ đậm bắt mắt. Nhìn qua có vẻ chín nhưng hồng này lại để được rất lâu do đã dùng chất bảo quản. Hồng Trung Quốc xuất hiện rải rác trên thị trường trong nhiều thời điểm và có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với hồng Việt Nam.
Theo VietQ
Khám phá món nậm pịa đặc trưng của người Thái ở Sơn La Nậm pịa là món ăn truyền thống của dân tộc Thái ở nước ta. Đây là món ăn cực dị, thử thách lòng can đảm của thực khách bởi nguyên liệu làm ra món ăn này không chỉ gồm tiết, đuôi, bạc nhạc, lòng, phổi,... mà còn có cả phân non. Nậm pịa là món ngon truyền thống của bà con dân tộc...