Hà Nội: Thí sinh “tố” sai phạm trong tuyển dụng viên chức
Một số ứng viên tham dự kì thi tuyển dụng ngạch viên chức giáo viên của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã lên tiếng “tố” Hội đồng tuyển dụng tính sai điểm tốt nghiệp của thí sinh. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Chương Mỹ khẳng định: Việc tuyển dụng là minh bạch, khách quan.
Theo phản ánh của một số ứng viên dự tuyển, mặc dù có điểm khóa luận tốt nghiệp là trên 90 điểm nhưng chẳng hiểu sao khi tính điểm tốt nghiệp thì Hội đồng tuyển dụng lại hạ chỉ tính điểm thi tốt nghiệp còn hơn 80 điểm. Trước sự vô lý này, ứng viên đã trực tiếp lên làm việc với Phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ thì nhận được câu trả lời: Điểm đó là cộng môn thi điều kiện tốt nghiệp vào điểm khoá luận tốt nghiệp sau đấy lấy điểm trung bình.
Các ứng viên này khẳng định, việc tính điểm tốt nghiệp theo cách của Hội đồng tuyển dụng viên chức huyện Chương Mỹ đưa ra là không đúng với quy định bởi theo điều 12 Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng, sử lý và quản lý viên chức nêu rõ: “Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1″.
Như vậy theo quy định này, đối với những người bảo vệ khóa luận thì điểm tốt nghiệp chính là điểm bảo vệ khóa luận, hoàn toàn không ràng buộc đến điểm môn thi điều kiện tốt nghiệp.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Dân trí đã về trực tiếp địa phương để làm việc với Hội đồng tuyển dụng viên chức ngạch giáo viên của huyện Chương Mỹ.
Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ: “Việc tuyển dụng là minh bạch, khách quan”
Liên quan đến công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, ông Đinh Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND Huyện Chương Mỹ, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức 2014 nhấn mạnh: Việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục tuân thủ quy trình dân chủ, công khai. Tính đến thời điểm hiện tại thì Hội đồng đã công khai số điểm sát hạch, điểm bằng tốt nghiệp, điểm học tập. Bên cạnh đó cũng thông báo cho thí sinh giúp Hội đồng kiểm tra lại để nếu phát hiện cái gì không phù hợp mà có ý kiến thì Hội đồng sẽ kiểm tra ngay.
Ông Đinh Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND Huyện Chương Mỹ, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức 2014.
Trong quá trình giao cho các tổ chuyên môn là phải căn cứ vào các hồ sơ tập hợp lên. Khi tập hợp lên rồi thì trước tiên phải thông báo cho tất cả các thí sinh tự kiểm tra giúp, ai có ý kiến phản hồi là Hội đồng tiếp nhận xử lý ngay. Nếu hết thời gian quy định mà thí sinh không có ý kiến gì thì lúc đó mới chốt để xác định ứng viên trúng tuyển. Những thí sinh trúng tuyển phải nộp toàn bộ hồ sơ gốc để đối chiếu kiểm tra. Hội đồng cũng gửi hồ sơ này xuống các đơn vị đào tạo các em để các trường phản hồi lại thì lúc đó mới chắc chắn. Việc làm này huyện Chương Mỹ đã thực hiện nhiều năm nay nhằm phát hiện những sai phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, Hội đồng tuyển dụng cũng nhờ lực lượng công an xác minh xem bằng cấp có vấn đề gì hay không. Chỉ sau khi thực hiện đầy đủ các bước này thì huyện mới ký Quyết định tuyển dụng.
“Kể cả khi có Quyết định công nhận rồi mà phát hiện sai phạm thì chúng tôi cũng sẽ xử lý ngay. Huyện Chương Mỹ cương quyết không để sai phạm nào tồn tại trong vấn đề tuyển dụng, nhất là viên chức ngành giáo dục” – Phó Chủ tịch Đinh Mạnh Hùng khẳng định.
Đang chờ xin ý kiến cấp trên về vấn đề thí sinh “tố”
Liên quan đến việc một số ứng viên cho rằng điểm thi tốt nghiệp thấp hơn điểm thực của khóa luận, ông Nguyễn Hữu Thìn – Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Chương Mỹ, Thư ký Hội đồng tuyển dụng, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại Hội đồng nhận được kiến nghị của 3 thí sinh liên quan đến việc tính điểm học tập, điểm thi tốt nghiệp. Cả 3 trường hợp này Hội đồng đã gửi văn bản chính thức lên Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo.
Video đang HOT
Công văn của UBND huyện Chương Mỹ xin ý kiến chỉ đạo của Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT Hà Nội.
Minh chứng cho việc này, ông Thìn đưa cho chúng tôi xem công văn số 738 của UBND huyện Chương Mỹ được ký ngày 26/8. Theo công văn này thì có hai thí sinh kiến nghị điểm trung bình cộng tốt nghiệp chỉ lấy điểm khóa luận tốt nghiệp chứ không lấy điểm tốt nghiệp các môn Khoa học Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (hiện tại Hội đồng tuyển dụng lấy điểm tốt nghiệp là điểm trung bình của khóa luận tốt nghiệp với điểm tốt nghiệp môn Khoa học Mác Lênin – PV).
Giải thích về việc phải xin ý kiến, ông Thìn cho hay: Chúng tôi thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn tuyển dụng nhưng nảy sinh một số vấn đề năm ngoài văn bản pháp quy. Về nguyên tắc những gì nằm ngoài văn bản thì Hội đồng phải xin ý kiến chỉ đạo cấp trên.
Về việc nảy sinh vấn đề ngoài văn bản, ông Thìn minh chứng: Ở các Nghị định 29 của Chính phủ và Hướng dẫn tuyển dụng của UBND Thành phố đều nói đến cụm từ “điểm bảo vệ luận văn”, không có dòng nào đề cập đến “điểm khóa luận tốt nghiệp”.
Bên cạnh đó, trong xác nhận điểm thi tốt nghiệp của thí sinh lại có tên hai học phần: học phần khóa luận tốt nghiệp và học phần thi tốt nghiệp Khoa học Mác Lênin. Chính vì thế chúng tôi đã thực hiện: Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên nay thí sinh có ý kiến nên phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Xác nhận điểm thi tốt của một ứng viên khiếu nại.
Theo quan sát của phóng viên, trong bảng điểm tốt nghiệp do Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cấp cho thí sinh H.T.S đúng là có đúng hai học phần mà ông Thìn đưa ra. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong hai học phần đó chỉ có học phần khóa luận tốt nghiệp là có số đơn vị học trình. Ngoài ra ở cuối bảng xác nhận này còn có dòng: Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp là 10,0.
Đi tìm hiểu nguyên nhân của việc có điểm thi tốt nghiệp Khoa học Mác Lênin, phóng viên đã đối chiếu với quy chế đào tạo theo niên chế (cả hai thí sinh khiếu nại đều học đào tạo theo niên chế) thì tại điều 17 về điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp có yêu cầu phải xếp loại đạt ở kỳ thi tốt nghiệp các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói cách khác đây chỉ là môn điều kiện để được công nhận tốt nghiệp chứ không phải là học phần của môn thi tốt nghiệp.
Trước vấn đề chúng tôi đưa ra, ông Nguyễn Hữu Thìn bộc bạch: Chúng tôi không làm nhiệm vụ về quản lý đào tạo nên không nắm được hết các vấn đề này. Vì nó không nằm trong hướng dẫn tuyển dụng nên về nguyên tắc chúng tôi phải xin ý kiến.
Chốt lại vấn đề, Phó Chủ tịch Đinh Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chúng tôi phải chờ ý kiến trả lời từ Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT Hà Nội thì mới thực hiện. Theo lộ trình thì tháng 9 sẽ thông báo kết quả trúng tuyển nhưng vì những kiến nghị này chúng tôi sẽ phải chờ đợi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Có thể việc hoàn toàn khâu tuyển dụng giáo viên sẽ chậm hơn so với dự kiến”
Trong quá trình thực hiện bài viết này, phóng viên cũng phát hiện ra một điều khá thú vị. Trong cả quy chế đào tạo niên chế và đào tạo theo hệ thống tín chỉ không có một dòng nào nói đến cụm từ “bảo vệ luận văn”. Cả hai quy chế này chỉ đề cấp đến việc thực tập cuối khóa, làm đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp. Tuy nhiên chẳng hiểu sao trong Nghị định 29 lại xuất hiện cụm từ “điểm bảo vệ luận văn”.
Một cán bộ của Phòng Đào tạo một đại học uy tín ở Hà Nội chia sẻ: “Khái niệm làm luận văn, bảo vệ luận văn dành cho đào tạo sau ĐH còn đối với bậc ĐH thì phải dùng từ khóa luận tốt nghiệp mới chính xác. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao hiện nay khái niệm làm làm luận văn được nhiều trường đề cập đến đối bậc đào tạo ĐH”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Theo Dantri
Bị thất lạc hồ sơ, một thí sinh lọt vào "tầm ngắm"
Trong quá trình kiểm tra danh sách các phòng thi, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT phát hiện thí sinh tên L.M.Đ. được xếp ngồi cùng phòng với các những thí sinh vần V. Trước sự "bất thường" này, đoàn kiểm tra yêu cầu Hội đồng thi cần lưu ý đặc biệt.
Trường hợp đặc biệt này được đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT phát hiện tại Hội đồng thi của Học viện Hậu cần vào chiều 4/7. Giải thích việc thí sinh vần Đ bất ngờ có tên trong danh sách phòng thi của thí sinh vần V, Thiếu tướng - Lê Văn Miểu, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Học viện Hậu cần cho biết: Số thí sinh đăng ký dự thi vào trường là 2.394 thí sinh. Tuy nhiên sau khi hoàn thiện việc gửi giấy báo dự thi thì Hội đồng thi đã phải bổ sung thêm 1 thí sinh của Ban tuyển sinh quân sự Thái Nguyên. Do mọi khâu đã hoàn tất nên khi có quyết định bổ sung Hội đồng thi đành phải xếp thí sinh này vào phòng thi cuối cùng của điểm thi HV Hậu cần. Chính vì thế xuất hiện tình trạng thí sinh vần Đ được xếp vào phòng của thí sinh vần V.
Ông Nguyễn Huy Bằng lưu ý với Thanh tra thi về công tác đảm bảo sự an toàn, nghiêm túc của kì thi.
Trao đổi thêm với Dân trí, Ban tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng cho biết thêm: Đây là lỗi sơ suất của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và tỉnh Thái Nguyên khi để thất lạc hồ sơ của thí sinh L.M.Đ. Sau khi gửi giấy báo dự thi về thí sinh không nhận được nên đã thắc mắc. Quá trình rà soát cho thấy đây không phải là lỗi của thí sinh nên để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Ban tuyển sinh Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã có quyết định bổ sung thí sinh vào danh sách được phép dự thi.
Mặc dù đã có sự giải thích khá rõ ràng, kèm theo các quyết định liên quan nhưng ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu Hội đồng thi của HV Hậu cần lưu ý và theo dõi chặt chẽ đối với thí sinh L.M.Đ. Sở dĩ có sự lưu ý này là trong cả buổi thi môn Toán và Lý, thí sinh L.M.Đ vẫn giữ nguyên vị trí ngồi.
Thí sinh L.M.Đ bất ngờ ngồi cùng phòng với các thí sinh vần V.
Theo một cán bộ của đoàn kiểm tra thì trong quá trình đánh số báo danh, đối với thi sính cuối cùng của phòng thi hoàn toàn có thể xảy ra là vẫn giữ nguyên vị trí chỗ ngồi. Đây cũng không phải là điều gì đó có đặc biệt.
Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: Hội đồng thi cần phải lưu ý đối với trường hợp của L.M.Đ và có chú thích rõ ràng khi báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo thi tuyển sinh quân sự của khẳng định: Nếu cần thiết thì có thể chấm thi độc lập đối với thí sinh này.
Cần lưu ý những chi tiết nhỏ để tránh xảy ra việc lớn
Ngoài chi tiết "bất thường" trên thì đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đánh giá cao công tác tổ chức thi của HV Hậu cần. Với việc phòng thi bị phân tán nên HV Hậu cần đã huy động một số lượng lớn cán bộ tham gia kì thi.
Theo quy đinh thì 7 phòng thi có ít nhất một thanh tra thì ở HV Hậu cần mỗi phòng thi có 1 giám sát, số thí sinh trong phòng thi đều không quá 40. Với đặc thù là trường quân đội nên bảo vệ khu vực thi hết sức nghiêm ngặt và được chia thành hai vòng.
Thí sinh dự thi hệ quân sự vào Học viện Hậu cần.
Bảo vệ vòng ngoài là cán bộ chiến sĩ của Văn phòng và Công an khu vực đảm nhiệm với nhiệm vụ thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh Học viện, phát hiện và xử lý kịp thời các biểu hiện tình nghi có thể làm mất ổn định kì thi; Các khu nhà có bố trí phòng thi được chăng dây thường xung quanh, có biển báo cấm, có lực lượng vệ binh canh gác, quan sát bảo vệ.
Bảo vệ vòng trong là các chốt vệ binh canh gác, quan sát bảo vệ tuyệt đối không cho bất kỳ ai ra vào khu vực thi (kể cả công an khu vực, nhà báo...) khi chưa được phép của Trưởng ban coi thi. Cán bộ giám sát phòng thi có nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc thực hiện quy chế tuyển sinh đối với cán bộ coi thi và thí sinh dự thi, kiểm tra nhắc nhở cán bộ coi thi thu giữ các tài liệu và phương tiện kỹ thuật mang trái phép vào phòng thi. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện phát tán đề thi, bài giải, duy trì chặt chẽ các quy định cho đến khu thu bài xong và thí sinh cuối cùng ra khỏi phòng thi; Cán bộ coi thi có trách nhiệm duy trì trật tự trong phòng thi, bảo vệ đề thi, bài thi của thí sinh trong suốt quá trình thi và trước khi bàn giao bài thi cho Ban coi thi.
Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT trao đổi và lưu ý những điểm nhỏ nhất đối với thành viên Hội đồng thi Học viện Hậu cần.
Mặc dù có những quy định hết sức chặt chẽ nhưng Thiếu tướng Lê Văn Miểu vẫn thẳng thắn nhìn nhận: Đối với đồ đạc, tư trang của thí sinh thì có nơi tiếp nhận trông giữ nhưng đối với việc nhiều em mang các túi trong (clear bag) để đựng các vật dụng nhỏ rồi sau đó đặt ở hành lang nên dẫn đến sắp xếp chưa gọn gàng, ngăn nắp. Bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng cán bộ coi thi đi lại trong phòng thi quá trình. Những vấn đề này Hội đồng thì đã nhắc nhở và chấn chỉnh trong buổi thi chiều 4/7.
Ông Nguyễn Huy Bằng góp ý: Việc để các túi clear bag tách ra khỏi hành lang của phòng thi là rất tốt. Song cũng cần phải lưu ý với tình hình thời tiết bởi nếu chẳng may trời mưa thì thí sinh ở trong phòng lại lo lắng với đồ đạc của mình, có thể mất tập trung làm bài. Do đó, chỉ cần tập trung ở một khu vực nào đó của hành lang, tránh xa cửa sổ là đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cũng đề nghị Hội đồng thi mở cửa sổ để thông thoáng phòng thi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh làm bài.
Ông Bằng cho rằng, mặc dù đây là những việc rất nhỏ nhưng cũng cần phải lưu tâm đặc biệt. Những cái nhỏ mà không khắc phục có thể dẫn đến những việc lớn.
Theo Dân trí
Chuyên gia Toán học nói gì về kiểu đề "đầu cừu, đuôi thuyền trưởng"? Trước việc dư luận cho rằng các ra đề theo kiểu "Đầu cừu, đuôi thuyền trưởng" là không phù hợp với học sinh lớp 2 thì các chuyên gia toán học cho rằng: Kiểu ra đề không có gì là mới trong giới toán học. Tác giả chỉ muốn rèn tư duy về logic toán cho học sinh. TS Lê Thống Nhất chia...